Shibusawa Eiichi: Doanh nhân lập quốc vĩ đại của Nhật Bản minh trị

Đầu tháng 4/2019, ngân hàng Nhật Bản chính thức công bố sẽ phát hành ba loại giấy bạc trước thềm một thời kỳ mới bắt đầu với sự lên ngôi Hoàng đế của hoàng thái tử Naruhito ngày 1 tháng 5 vừa qua. Giấy bạc mệnh giá 10.000 Yên, cao nhất trong ba đồng tiền mới, có ảnh của Shibusawa Eiichi, sẽ lưu hành chính thức năm 2024, thay cho giấy bạc cùng mệnh giá có ảnh của nhà khai sáng Yukichi Fukuzawa. Vậy Shibusawa là ai?

 



Doanh nhân Shibusawa Eiichi. Nguồn: Wikipedia



Nhật Bản làm một cuộc canh tân Minh Trị 150 năm trước thành công ngoài dự đoán của thế giới. Một đảo quốc nhỏ ở phương Đông bỗng nhiên biến thành đại bàng sải cánh, trở thành một cường quốc kinh tế-quân sự, và một quốc gia văn minh ở vùng mà các dân tộc khác chưa tỉnh lại từ giấc ngủ nghìn năm. Để có thành công đó, Nhật Bản đã sản sinh có vô số “anh hùng” trên mọi địa hạt, mọi bậc thang xã hội. Trên hết, những anh hùng nổi bật như Fukuzawa Yukichi trong lãnh vực tư tưởng và khai minh định hướng, Ito Hirobumi trong lãnh vực chính trị và lập quốc, và trong lãnh vực có tính quan trọng sống còn của một quốc gia, Shibusawa Eiichi, nhà doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nhà tổ chức kinh tế lỗi lạc thuộc “đệ nhất thiên hạ”.

Shibusawa là một người tài ba, tâm huyết, và có năng lực ngoại hạng, và những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển toàn khu vực kinh tế tư nhân qua sự hình thành một “giai cấp doanh nhân mới” làm trụ cột vững chắc. Giai cấp doanh nhân này phải được xây dựng hoàn toàn mới, bởi nó không thể kế thừa từ di sản của quá khứ thời Tokugawa chút nào, từ cách làm ăn, quan điểm, tầm nhìn, trình độ tri thức công nghiệp hiện đại, đến những chuẩn mực đạo đức, tinh thần yêu nước, phụng sự và dâng hiến cho quốc gia. Cho dù được khai sáng, có một nhà nước vững mạnh, nhưng không có một giai cấp doanh nhân đổi mới sáng tạo có năng lực, đi đúng quỹ đạo thế giới, thì cũng không thể đạt tới “quân hùng dân mạnh”. Thực tế, Shibusawa chính là người được ví như “Người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”, và là “giáo sĩ” truyền bá không mệt mỏi “phúc âm” của sự phồn vinh, tiến bộ, và thúc đẩy hình thành nền kinh tế hiện đại cũng như một giai cấp doanh nhân mới đầy năng lực và trách nhiệm như điều ông muốn.

Shibusawa là con trai của một gia đình nông dân giàu có, có học, có văn hóa. Những năm đầu của tuổi trẻ, ông chao đảo giữa việc phục vụ chính phủ và hỗ trợ phong trào lật đổ chính phủ Mạc phủ Tokugawa, vì nó tỏ ra bất lực trong cuộc canh tân triệt để đất nước trước nguy cơ bị lệ thuộc. Sau khi được nâng lên quy chế samurai do những đóng góp tốt, ông phục vụ chế độ Shogun cho đến khi chế độ này bị lật đổ năm 1868. Một sự kiện có tầm quan trọng đối với tương lai ông là vào năm 1867, ông được chọn tháp tùng người em của Shogun cầm quyền, Akitake, đi dự Triển lãm Quốc tế Paris. Triển lãm nằm dưới sự bảo trợ của Napoleon III, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11, với 42 quốc gia đại diện, thu hút tổng cộng 15 triệu người xem. Trong số các vị khách đặc biệt có Nga hoàng II, Vua Wilhelm và Thủ tướng Otto von Bismarck của Phổ, và một số vị quan trọng khác.

Trong cuộc triển lãm này, nhà sản xuất công nghiệp Đức Krupp lần đầu tiên trưng bày loại súng cà-nông có trọng lượng đến 50 tấn làm bằng thép, và thực tế nó sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường trong thế cờ chính trị châu Âu qua cuộc chiến tranh Phổ-Pháp diễn ra chỉ vài năm sắp tới. Trong chuyến công du Iwakura năm 1871-1873 các nhà lãnh đạo Nhật sẽ thăm tập đoàn sản xuất Krupp tại thành phố Essen.

Chuyến đi này mở mắt Shibusawa. Ông ấn tượng trước các công ty cổ phần (joint-stock) bề thế của châu Âu, nhìn thấy trong đó một thông điệp quan trọng cho Nhật Bản: các cường quốc công nghiệp châu Âu là mô hình phát triển cho Nhật Bản. Những công trình công nghiệp lớn không thể nào được thực hiện mà không có sự chung sức của nhiều nguồn lực và tài năng lãnh đạo. Loại hình công ty này có lịch sử lâu đời ở châu Âu từ thời Trung cổ và ngày càng phát triển ở những thế kỷ 16, 17, vượt khỏi khuôn khổ gia đình. Các nhà công nghiệp lớn đều có tầm nhìn quốc gia và quốc tế. Muốn trở thành cường quốc kinh tế, Nhật Bản cũng phải làm ăn lớn, sản xuất lớn, và muốn thế phải có các công ty cổ phần lớn làm nền tảng. Nhưng lấy đâu ra những công ty cổ phần lớn đó ở Nhật Bản? Phần lớn giới kinh doanh vẫn còn làm ăn manh mún với tâm tính lạc hậu thời phong kiến.





 Quê nhà của Shibusawa Eiichi. Nguồn: Viện bảo tàng Shibusawa Eiichi, Fukaya, Saitama



Khi trở về nước, Shibusawa được Ōkuma Shigenobu (người xây dựng Đại học Wasade năm 1882), lúc này là Bộ trưởng Bộ ngoại giao của chính quyền mới 1868, thuyết phục nhận một vị trí trong Bộ Tài chính, ở đó ông làm việc chặt chẽ với Inoue Kaoru, thứ trưởng Bộ Tài chính. Đến năm 1872, ông tự ý rời bỏ vị trí rất hứa hẹn này, vì muốn dấn thân toàn tâm toàn trí vào việc phát triển các lãnh vực công nghiệp và ngân hàng tư nhân. Shibusawa giúp xây dựng “Đệ nhất ngân hàng quốc gia” (Dai Ichi Ginkō) tháng 11, 1872, là ngân hàng cổ phần hiện đại đầu tiên. Với tư cách chủ tịch ngân hàng, ông đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các ngân hàng mới, và đào tạo lãnh đạo và sự phát triển các chính sách ngân hàng. Lấy ngân hàng đó làm bàn đạp, ông thành lập hàng trăm công ty cổ phần như Imperial Hotel, Nippon Usen, Nippon Steel, Ngân hàng Tokyo, công ty chứng khoán Tokyo, công ty kéo sợi Osaka và Bia Sapporo và thực tế can dự vào tất cả doanh nghiệp liên quan đến sự phát triển công nghiệp của đất nước, hệ thống hỏa xa, các công ty tàu thủy, đánh cá, công ty in, nhà máy thép, các nhà máy ga và điện, các tổ hợp khai thác mỏ và dầu hỏa.

Với sự thành công của công ty kéo sợi Osaka, một dạng công ty cổ phần, ông được xem là nhà lãnh đạo tiên phong trong ngành kéo sợi. Sau đó, ông đầu tư nhiều vào ngành đường sắt và vận tải biển, và quảng bá cho hình thức công ty cổ phần như phương tiện tốt nhất để phát triển kinh tế Nhật Bản, đối kháng với hai công ty khổng lồ là Mitsui và Mitsubishi. Về sau, ông cũng là người thành lập các tổ chức xã hội-văn hóa như Phòng thương mại và công nghiệp, Imperial Theater, Đại học Phụ nữ Nhật Bản, Hội chữ thập đỏ Nhật Bản, hỗ trợ cho giáo dục, đặc biệt trong giáo dục bậc cao về kinh doanh như các trường Đại học Hitotsubashi, Tokyo Keizai, giáo dục đại học cho phụ nữ và trường tư. Ông can dự vào khoảng 600 đề án liên quan đến giáo dục, phúc lợi xã hội và những thứ khác.

Để hiểu thêm ý nghĩa của hoạt động kinh tế của Shibusawa, chúng ta cần hiểu bối cảnh kinh doanh tại buổi giao thời. Ở Nhật Bản thời Tokugawa, hầu như không có khái niệm “công ty cổ phần” là gì, và khi bước qua giai đoạn Minh Trị, các nhà buôn giàu có cũng vẫn giữ cách làm ăn cũ dựa trên gia đình là chính, sự hợp tác ngoài gia đình là xa lạ. Mitsui là tiêu biểu, hoạt động của doanh nghiệp này hoàn toàn dựa trên gia đình, và qua đến thời cải cách Minh Trị cũng như thế. Người chủ của nó, Iwasaki Yatarō chống lại chủ trương công ty cổ phần của Shibusawa. Khi chính quyền Minh Trị, với những nỗ lực của Shibusawa, tuyên truyền cho loại hình công ty mới này, thì các nhà buôn thời cũ cũng chỉ làm một động tác duy nhất là thay đổi cái tên ya (cửa hàng) thành kaisha (công ty). Các rào cản giai cấp-xã hội không còn, nhưng vết hằn tâm lý, thói quen vẫn ngự trị trong đầu con người. Ngược lại, samurai là giai cấp dễ dàng chấp nhận hình thức công ty mới, bởi họ không có truyền thống nào cố định. Samurai, nhìn chung, chính là những người tiên phong thực hiện các công ty cổ phần. Năm 1899, nhìn lại sự phát triển của các công ty cổ phần, Shibusawa cho rằng, sự tiến bộ đáng ngạc nhiên của nền công nghiệp và ngân hàng Nhật Bản là do loại hình công ty này, ngược lại với tình hình lạc hậu ở Trung Quốc, nơi kinh doanh chỉ dựa vào gia đình.

Các nhà lãnh đạo kinh doanh sáng tạo (entrepreneurial leaders) thời đầu và giữa Minh Trị là ít ỏi. Họ phải hoạt động trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực, để giải quyết những vấn đề cơ bản, nhường lại những vấn đề khác cho những người khác lo. Và một khi khi giải quyết xong, họ đi tìm mục tiêu mới. Shibusawa là nhà lãnh đạo kỳ tài và đa dạng như thế. Ở vị trí này hay vị trí khác, Shibusawa có mối liên hệ với hơn 500 công ty đa dạng loại, phần lớn là những công ty công nghiệp – với tư cách là chủ tịch, giám đốc, tư vấn hay cổ đông. Ông vừa là nhà hoạt động ngân hàng (banker) chuyên nghiệp, cũng như là nhà công nghiệp. Sở dĩ như thế là vì tuy ông biết ít về công nghệ, nhưng ông là người giải quyết được những vấn đề then chốt làm tắc nghẽn doanh nghiệp. Rồi ông giao lại cho quản lý. Khi một nhà máy có vấn đề nan giải, ông có thể xông vào để tìm giải pháp. Shibusawa là “problem solver” – người giải quyết vấn đề, nhà chiến lược và đổi mới sáng tạo của cuộc công nghiệp hóa hiện đại.





Nhóm doanh nhân Nhật Bản tới Hội chợ triển lãm quốc tế Paris năm 1867. Shibusawa Eiichi phía ngoài cùng bên trái hàng sau. Nguồn: Viện bảo tàng Shibusawa Eiichi tại Kita, Tokyo



Các công ty Shibusawa thành lập có những đặc tính sau đây:

1. Một số phần trăm cực kỳ cao các doanh nghiệp là các hình thái hoàn toàn mới chưa bao giờ có mặt ở Nhật Bản trước đó, công ty cổ phần, và đưa vào sử dụng tri thức và công nghệ mới của phương Tây, như công ty kéo sợi Osaka, công ty sản xuất gạch Nhật Bản, công ty Phân bón nhân tạo Tokyo, Bảo hiểm hàng hải Tokyo, Xưởng đóng tàu Ishikawajima Tokyo, công ty giấy Oji, Cty khí Tokyo, và công ty bia Sapporo.

2. Nhiều trong số số các công ty được ông thành lập góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế hiện đại, như hệ thống đường sắt, cảng, khai mỏ, bao gồm công ty đường sắt Nhật Bản, công ty đường sắt Hokkaido, công ty đường sắt Hokuriku, công ty xây dựng cảng Wakamatsu, công ty xây dựng cảng Moji, công ty khai thác mỏ than Iwaki, và công ty khai thác than Nagato không khói.

Shibusawa nhận thấy có sự “siêu thừa thãi” công chức chính quyền, sự thiếu hụt các doanh nhân có năng lực và đầu óc tiến bộ trong khi thanh niên dễ có khuynh hướng đi vào chính trị và quân sự mà đánh giá thấp kinh tế. Cái gì lớn lao và kích động thường được quy về chính quyền, giới chính trị, khiến cho những người trẻ có tham vọng của giai tầng tinh hoa kỳ vọng vào một chức vụ trong chính quyền, hơn là vào công việc kinh tế. Cho nên, việc thu hút tài năng trẻ dấn thân cho hoạt động kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ông. Theo ông, kinh tế mới là cơ sở của chính trị. Kinh tế yếu, không thể có chính trị mạnh. Vì vậy, ông rời khỏi chức vụ trong Bộ Tài cũng chính là để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. 





Shibusawa đã bắt đầu học hỏi cách ăn mặc kiểu phương Tây và coi phương Tây là hình mẫu học hỏi trong phát triển kinh tế. Nguồn: Viện bảo tàng Shibusawa Eiichi tại Kita, Tokyo.

Tuy có lẽ là doanh nhân lỗi lạc và có tầm nhìn xa nhất trong tất cả các doanh nhân thời Minh Trị, nhưng tại sao Shibusawa không bao giờ tích lũy tài sản trên qui mô của Iwasaki Yatarō, Ōkura Kihachirō, Yasuda Zenjirō, để trở thành một zaibatsu của riêng ông? Ông thành lập hàng trăm công ty mà giờ đây rất nhiều trong đó vẫn còn tên tuổi, nhưng ông không có vương quốc riêng để thống trị? Zaibatsu Shibusawa có, nhưng chỉ để quản lý tài sản ông. Sở dĩ như thế là vì ông nghĩ khác, có nhân cách và mục tiêu tối hậu khác. Ông không phải là doanh nhân chỉ biết tập trung kiếm tiền, tối đa hóa lợi nhuận và tích lũy. Ông thành công với tư cách nhà công nghiệp và nhà ngân hàng, nhưng không phải chỉ xoay quanh tích lũy tài sản. Mối quan tâm trong trái tim ông xa hơn, là giáo dục và xây dựng cộng đồng kinh doanh vững mạnh. Ông hành động như nhà khai sáng công nghiệp, một chính khách, một nhà triết học, và cuối cùng nhưng trên hết, là nhà giáo dục và truyền bá tri thức, như một “giáo sĩ” trong lĩnh vực kinh doanh và đạo đức. Các zaibatsu tích lũy được tài sản và quyền lực của tiền bạc, vì họ tập trung vào đó, và ít quan tâm đến những việc khác. Còn Shibusawa chăm sóc sự phát triển của cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nhân, và cuối cùng sống mãi trong ký ức của lịch sử Nhật Bản như người cha của nền kinh tế hiện đại. 

Theo ông, sự phát triển kinh tế đòi hỏi không chỉ vốn và công nghệ hiện đại, nhưng căn bản sự chấp nhận một lý tính và đạo đức kinh doanh mới. Trong thời Tokugawa, nhiều giá trị phi-kinh tế dai dẳng bám sát truyền thống và xem thường giới thương nhân, ngăn chặn sự phát triển kinh tế. Theo Shibusawa, doanh nhân – entrepreneur, gồm những nhà công nghiệp, nhà ngoại thương, và nhà ngân hàng − cần có những phẩm chất: giáo dục, chân thật, đức hạnh, nhân cách và một sự tổng hợp giữa Luận ngữ của Khổng Tử và bàn tính (abacus). Ông diễn giải những tính chất này là cái Đạo của Samurai (bushidō) trong thời kinh doanh mới. Hai tính chất quan trọng được đề cập dưới đây.





Sách Shibusawa Eiichi, Vũ Dạ Đàm, chủ trì và dịch giả: TS Nguyễn Lương Hải Khôi, NXB Thế giới và công ty Phương Nam TP HCM hợp tác xuất bản tháng 8/2019.



Giáo dục (gakumon) là điều tất yếu phải có trong thời đại mới. Công nghệ hiện đại và các phương pháp kinh doanh được du nhập từ phương Tây, làm sao có thể kinh doanh mà không học được? Cho nên ông nỗ lực ủng hộ việc thành lập các trường cao đẳng thương mại và các trường định hướng thực tiễn. Gakumon luôn luôn là biểu tượng đẳng cấp của giai cấp samurai. Giai cấp này dưới thời Tokugawa là giai cấp có học, không phải học để làm quan, mà học để có văn hóa và văn minh, có đủ năng lực phán đoán, xứng đáng với vai trò lãnh đạo của họ. Điều này tương tự như cái học các ngành nghệ thuật khai phóng ở các đại học Trung cổ. Sự nhấn mạnh sự học Khổng giáo có tính lý thuyết có mục đích tương tự như học các môn khai phóng, học triết học kinh viện hay giáo dục nhân văn dựa trên tiếng La tinh và Hy Lạp ở phương Tây từ thời Trung cổ trong đại học, nhằm rèn luyện trí tuệ và định hình “khí tính” con người. Cái học này cũng tạo nên niềm hãnh diện và ý thức ưu việt về đạo đức của giới samurai Nhật Bản đối với “những người man di phương Tây”. Chính các học giả Khổng giáo thời Tokugawa là những người có đầy đủ năng lực thực hiện cuộc chuyển đổi từ cái học cũ sang cái học phương Tây, từ một xã hội phong kiến sang xã hội hiện đại. Điều đó cho thấy sự khác biệt căn bản giữa giới samurai Khổng giáo và giới nho giáo Việt Nam. Lực lượng thúc đẩy chính yếu cuộc công nghiệp hóa thời Minh Trị không còn là giới thương nhân của thời Tokugawa nữa như người ta có thể nghĩ. Trong số 231 triệu phú trong thời Edo, chỉ còn 20 sống sót vào giai đoạn cuối của thời Minh Trị. Chủ lực kinh tế của thời đổi mới là các nhà công nghiệp và ngân hàng hiện đại mới lên. Mitsui và Sumitomo từ thời Edo vẫn tiếp tục tăng trưởng phát đạt, nhưng đó chỉ là ngoại lệ hơn là qui luật. Nguyên nhân chính là các thương nhân thời Tokugawa đã không thoát khỏi thói quen cũ, vẫn gắn bó với những ngành công nghiệp truyền thống và các lề lối kinh doanh cũ. Những doanh nhân thời Minh Trị phần lớn thuộc giai cấp samurai có lợi thế trình học vấn cao hơn, có tinh thần đổi mới hơn, và có quan hệ tốt với chính quyền đa số gồm các samurai có cùng văn hóa với họ.

Kết hợp Luận ngữ với bàn tính là kết hợp đạo đức Khổng giáo và năng lực kinh doanh. Trong khi nhiều người nhấn mạnh tinh thần–jōi, phản kháng muốn đánh đuổi người nước ngoài ra khỏi bờ cõi ngay tức khắc, thì Shibusawa nói, hãy biến tinh thần phản kháng thành sức mạnh trí tuệ để xây dựng đất nước, đó mới là cách bảo vệ hữu hiệu hơn.

Chỉ với những đức hạnh như chính trực, công bằng, và trách nhiệm đối với quyền lợi công thì doanh nhân Nhật Bản mới giành được sự kính trọng của thế giới phương Tây và thắng lợi trong cuộc chạy đua toàn cầu.

Nhiều người nhấn mạnh những tư tưởng mới từ phương Tây làm nguồn cảm hứng và triết lý, chẳng hạn như Fukuzawa, nhưng Shibusawa nói ông muốn “xây dựng các doanh nghiệp hiện đại với bàn tính (abacus) và Luận ngữ của Khổng Tử”. Chủ nghĩa tư bản thôi chưa đủ để có ích lợi cho Nhật Bản nếu không có nền tảng đạo đức của Khổng giáo. Ông cảnh báo, đạo đức sẽ suy giảm nếu gakumon bị các tư duy lợi ích thuần túy hoàn toàn khống chế.

Khổng giáo thực ra có những điểm cản trở phát triển kinh tế, như lên án sự làm giàu, giống như Kitô giáo ở châu Âu. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã “hòa giải” được ở châu Âu. Và rồi như thế ở Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản ở phương Đông cũng đã sớm hòa giải được với Khổng giáo như một “ý thức hệ” [Xem John H. Sagers]. Nhưng, từ ý muốn của giới lãnh đạo ở trên, chủ nghĩa tư bản phải có trách nhiệm đối với cộng đồng và quốc gia. Người Nhật muốn nắm đạo đức đằng cán chứ không muốn nắm đằng chuôi. Đây là điểm thảo luận sôi nổi của những nhà lập quốc Nhật Bản Minh Trị trong thập niên 1880 để cuối cùng đi đến việc thiết lập đạo đức Khổng giảo trên toàn xã hội, bắt đầu từ trường học, bằng các pháp lệnh Ý chí Đế chế về Giáo dục năm 1879, và “Pháp lệnh Đế chế về Giáo dục” năm 1890. Điều này đã thực hiện đúng nội dung của khẩu hiệu các trí thức Nhật Bản: “Khoa học/công nghệ phương Tây. Đạo đức phương Đông”. Nhật Bản muốn thiết lập một nền đạo đức quốc gia (kokumin dōtoku) để giữ vững bản sắc truyền thống rất sống động của họ.

Trở lại việc phát hành giấy bạc mang ảnh Shibusawa đầu năm 2019. Phải chăng nhà nước Nhật Bản muốn làm sống lại một tấm gương “anh hùng kinh tế”, cùng với thời đại anh hùng mà ông đã sống, để đất nước sản sinh ra những tài năng mới trong kinh doanh lẫn chính trị giúp Nhật Bản vượt lên khỏi giai đoạn trì trệ kinh tế hiện nay? □

 

Tham khảo:

[1] William W. Lockwood (ed.), The State and Economic Enterprise in Japan. Essays in the Political Economy of Growth. Princeton University Press, 1965

[2] Kenichi Ohno, History of Japanese Economic Development. Origins of Private Dynamism and Policy Competence. Routledge, 2018.

[3] Shimada Masakazu, The Entrepreneur Who Built Modern Japan: Shibusawa Eiichi. Translated by Paul Narum. Japan Publishing Industry Foundation for Culture, 2017.

[4] Edwin O. Reischauer, Japan. The Story of a Nation. Fourth Edition. McGraw-Hill Publishing Company, 1970.

[5] Andrew Gordon, A Modern History of Japan. Second edition. Oxford University Press, 2009.

[6] John H. Sagers, Origins of Japanese Wealth and Power. Reconciling Confucianism and Capitalism, 1830-1885. Palgrave McMillan, 2006.

[7] Hugh Borton, Japan’s Modern Century. Second edition.The Ronald Press Company, 1970.

[8] Edwin O. Reischauer & Albert M. Craig, Japan. Tradition & Transformation. Revised edition. 1989.

Shibusawa và công ty kéo sợi Osaka (Osaka Boseki Kaisha)

Nhà máy kéo sợi Osaka là rất nổi tiếng của Nhật Bản. Nó ra đời thế nào? Đây là câu chuyện cho thấy bàn tay khởi nghiệp sáng tạo của Shibusawa. Năm 1877, một sinh viên 26 tuổi tên Yamanobe (hay Yamabe) Takeo đang học lý thuyết kinh tế và bảo hiểm tại Luân Đôn. Một ngày nọ, anh ta nhận được một lá thư của một người không quen biết từ Nhật Bản, tên Shibusawa Eiichi. Lá thư nói như thế này: “Yamanobe thân mến, tên của anh được một người bạn tôi nhắc tới. Nhật Bản đang nhập khẩu rất nhiều sợi cotton. Chúng ta cần phải thiết lập một kỹ nghệ xe sợi trong nước. Chúng ta cần những người thông thạo cả hai, về quản lý lẫn công nghệ. Anh có thể học ngành kỹ nghệ cotton được không? Tôi sẽ tạo ra một công ty.” Có lẽ Yamanobe cảm thấy khó chịu. “Ai là người dám khuyên tôi thay đổi chủ đề học?” Nhưng sau khi suy nghĩ một hồi, anh ta quyết định làm theo lời khuyên của Shibusawa. Anh đến King’s College và học lý thuyết công nghiệp dệt. Nhưng lý thuyết thôi không đủ. Anh cho đăng quảng cáo trên báo: HÃY THUÊ TÔI NHƯ MỘT NGƯỜI HỌC VIỆC VỀ CÔNG NGHIỆP SỢI, TÔI SẼ TRẢ TIỀN, nhưng không công ty nào trả lời. Cuối cùng, anh ta gặp ông W. E. Braggs, người nhận Yamanobe làm việc và cho phép anh tiếp thu kiến thức thực tiễn trong xí nghiệp ông trong tám tháng. Việc học bao gồm công nghệ, tiếp thị và vận chuyển hàng hóa. Yamanobe làm việc cật lực. Shibusawa gửi Yamanobe 1.500 yen để hỗ trợ việc học, là tiền túi của ông. Shibusawa nhớ lại sau này, đấy là một số tiền khổng lồ cho anh ta, và đó là một hành động rất mạo hiểm – “Vốn mạo hiểm”. Khi việc học xong, Yamanobe đặt mua một số máy dệt và đầu máy hơi nước từ những nhà chế tạo máy nổi tiếng như Platt và Hargreaves, và quay về Nhật Bản. Năm 1882, Shibusawa và Yamanobe chọn một vị trí thích hợp cho xí nghiệp ở Osaka. Để thành lập công ty, 250.000 yen được huy động từ bạn bè của Shibusawa gồm các nhà buôn giàu có (của Osaka và Tokyo) và các nam tước phong kiến như những cổ đông, trong khi ngân hàng Đệ nhất quốc gia của Shibusawa sẽ góp vốn lưu động.

Năm 1883 xí nghiệp kéo sợi Osaka được khai trương. Yamanobe làm kỹ sư trưởng của xí nghiệp. Đấy là nhà máy xe sợi cơ khí hóa quy mô nhất, đầu tiên với những thiết bị hiện đại nhất nhập từ nước ngoài với 10.500 cọc sợi FOOTNOTE. Footnote và trở thành một “khởi nghiệp” rất thành công, kết hợp nhiều tính chất như sử dụng đầu máy hơi nước, làm hai ca ngày đêm, xử lý cotton ngoại nhập, gửi kỹ thuật viên ra nước ngoài đào tạo, giảm giá thành, cũng như sử dụng hình thức công ty cổ phần. Nó trở thành mô hình tiêu biểu cho nhiều công ty kéo sợi về sau.

Vào năm 1900, có một cuộc suy thoái nặng nề trong ngành dệt. Các cổ đông đòi hỏi lợi nhuận cao hơn và nhanh hơn. Nhưng Yamanobe nhất định đứng trên lập trường vì sự phát triển dài hạn của công ty. Ngay cả vị tổng giám đốc phê bình ông. Tuyệt vọng và có ý muốn ra đi, Yamanobe đến thăm Shibusawa tại nhà riêng. Shibusawa bảo đảm với Yamanobe rằng ông sẽ ủng hộ anh ta 100 phần trăm và yêu cầu anh ta tiếp tục ở lại làm việc cho công ty. Được thuyết phục, Yamanobe ở lại. Khi cuộc suy thoái qua đi, Yamanobe được đề bạt lên làm Chủ tịch công ty kéo sợi Osaka. Một năm sau khi khai trương thì cổ tức được trả cho các nhà đầu tư là 18%! Vào thời điểm đó, tất cả những nỗ lực của nhà nước để khuyến khích ngành kéo sợi cơ khí hóa, nhưng kết quả rất thấp. Một ít nhà máy tồn tại chỉ có 2.000 cọc và được xây dựng với với sự bao cấp của nhà nước, nhưng hoạt động đều không hiệu quả. Những lý do chính là thiếu chuyên môn kỹ thuật và quản lý, qui mô nhỏ, địa điểm không thích hợp, dựa trên sức nước, và thiếu vốn để mở rộng. Những vấn đề này đã được Shibusawa giải quyết cùng một lúc. Một nhà máy thứ hai theo mô hình này được xây dựng năm 1886 với số cọc lên đến 20.800 nghĩa là gấp đôi nhà máy Osaka, và cũng thành công như thế. Shibusawa nổi tiếng như cồn. Ông được các công ty kéo sợi săn tìm để nhờ tư vấn, chẳng hạn như công ty kéo sợi Mie. Ông đã giúp cho công ty này chỉ sau vài năm hoạt động theo mô hình mới đã trở thành một trong những công ty thành công nhất, Các nhà đầu tư hiểu bài học của Shibusawa, và nhanh chóng phát triển theo mô hình đó và đã tạo ra một sự phát triển nhảy vọt cho ngành kéo sợi. Từ 1886 đến 1894 có tất cả 33 nhà máy mới được thành lập, trong đó 10 nhà máy tọa lạc tại các vùng cận Osaka.

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)