Siêu công trình cổ xưa nhất châu Âu đang nằm dưới đáy biển Baltic?

Một công trình vào thời đồ đá được tìm thấy dưới đáy biển Baltic “có thể là cơ sở hạ tầng lâu đời nhất châu u”

Các nhà nghiên cứu cho biết, những tảng đá nhỏ hơn được sắp đặt để kết nối những tảng đá lớn lại với nhau. Bờ thành này có thể đã được sử dụng vào việc săn bắn. Ảnh: Philipp Hoy / The Guardian

Các nhà nghiên cứu mới đây cho biết một công trình thời kỳ đồ đá được phát hiện bên dưới những con sóng ngoài khơi bờ biển Baltic của Đức có thể là công trình kiến ​​trúc lâu đời nhất ở châu Âu do con người dựng nên.

Bờ thành bằng đá trải dài gần một km dọc theo đáy biển ở Vịnh Mecklenburg. Các nhà khoa học vận hành hệ thống sonar đa tia từ một tàu nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra nó nhân chuyến tham quan của sinh viên cách bờ khoảng 10km (sáu dặm).

Sau khi xem xét công trình – được đặt tên là Blinkerwall, các nhà khoa học nhận thấy khoảng 1.400 tảng đá nhỏ hơn có vẻ đã được sắp đặt để kết nối gần 300 tảng đá lớn hơn, và rất nhiều tảng trong số đó quá nặng để một nhóm người có thể đủ sức di chuyển.

Bờ thành bằng đá chìm trong nước, một “khám phá ly kỳ”, nằm ở độ sâu 21 mét dưới đáy biển, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng nó được xây dựng bởi những người săn bắn hái lượm trên vùng đất cạnh hồ hoặc đầm lầy hơn 10.000 năm trước.

Theo các tác giả nghiên cứu, mực nước biển tăng đáng kể sau kỷ băng hà cuối cùng kết thúc vào khoảng 8.500 năm trước, điều này có thể là lý do khiến bờ thành và phần lớn cảnh quan chìm trong nước. Trong khi đó, cách đây hơn 10.000 năm, quan cảnh rất khác.

“Vào thời điểm này, toàn bộ dân số trên khắp Bắc Âu có thể dưới 5.000 người. Một trong những nguồn thức ăn chính của họ là thịt tuần lộc – đàn tuần lộc di cư theo mùa qua vùng đất hậu băng hà có thảm thực vật thưa thớt,” đồng tác giả nghiên cứu, TS Marcel Bradtmöller, trợ lý nghiên cứu về thời tiền sử và sơ sử tại Đại học Rostock ở Đức, cho biết.

Mặc dù khó có thể xác định vai trò của công trình, song nhóm nghiên cứu nghi ngờ nó đóng vai trò là tuyến đường cho những người thợ săn bắt đàn tuần lộc.

“Khi bạn đuổi theo các loài động vật, chúng sẽ đi theo tuyến đường đã định sẵn này chứ không cố gắng nhảy qua các tảng đá”, TS Jacob Geersen thuộc Viện nghiên cứu biển Baltic Leibniz ở Warnemünde, một thị trấn cảng của Đức trên bờ biển Baltic, cho biết. “Có thể người xưa muốn hình thành một điểm nghẽn (bottleneck – nút thắt cổ chai) với bờ thành thứ hai hoặc với bờ hồ”.

Các nhà nghiên cứu viết trên Proceedings of the National Academy of Sciences rằng bờ thành thứ hai chạy dọc theo Blinkerwall có thể bị chôn vùi bởi trầm tích đáy biển.

Một giả thuyết khác mà họ đặt ra là bờ thành sẽ dẫn các loài động vật đến một cái hồ gần đó, khiến chúng di chuyển chậm lại và trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng cho những người săn bắt đang chờ đợi trên những con xuồng được trang bị sẵn giáo hoặc cung tên.

Dựa trên kích thước và hình dạng của bờ thành dài 971 mét, TS Geersen và các đồng nghiệp cho rằng khó có khả năng bờ thành được hình thành một cách tự nhiên, chẳng hạn như một cơn sóng thần khổng lồ dịch chuyển các tảng đá vào đúng vị trí hoặc những tảng đá bị bỏ lại trong quá trình chuyển động của dòng sông băng.

Bờ thành hầu hết cao chưa đến 1 mét, thay đổi hướng khi gặp những tảng đá lớn hơn. Điều này cho thấy những tảng đá nhỏ hơn được đặt một cách có chủ ý để liên kết các tảng đá lớn lại với nhau. Các nhà khoa học ước tính những tảng đá dựng nên bờ thành nặng tổng cộng hơn 142 tấn.

Nếu bờ thành thực sự là một con đường săn bắn cổ xưa thì có lẽ nó được xây dựng cách đây hơn 10.000 năm. “Điều này biến Blinkerwall trở thành một trong những di tích kiến trúc săn bắn lâu đời nhất được biết đến trên thế giới và có khả năng trở thành cơ sở hạ tầng nhân tạo cổ xưa nhất ở châu Âu”, các nhà nghiên cứu cho biết.

TS Geersen hiện đang muốn ghé thăm lại địa điểm này để tái tạo cảnh quan cổ xưa và tìm kiếm xương động vật cũng như đồ tạo tác của con người, chẳng hạn như loại đạn dùng trong săn bắn – những hiện vật có thể đã bị chôn vùi trong trầm tích xung quanh bờ thành.

Thu Phương tổng hợp

Stone age wall found at bottom of Baltic Sea ‘may be Europe’s oldest megastructure’

Stone Age megastructure found submerged in the Baltic Sea wasn’t formed by nature, scientists say

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)