Số hóa bản thảo của nhà thực vật học bị lãng quên

Những trang bản thảo này thực sự quý giá bởi nó được coi là một trong những công trình quan trọng về cây cỏ Cuba trong thời kỳ thuộc địa.

Sau cái chết của chồng mình năm 1817, một phụ nữ người Mỹ tên là Nancy Anne Kingsbury Wollstonecraft đã chuyển đến vùng Matanzas của Cuba và bắt đầu nghiên cứu đời sống cỏ cây của hòn đảo này. Vào giữa những năm 1820, bà đã nghiên cứu và biên soạn bản thảo một cuốn sách với những hình minh họa lộng lẫy mang tên Specimens of the Plants and Fruits of the Island of Cuba (Các loài thực vật và trái cây của hòn đảo Cuba). Gần hai thế kỷ sau cái chết của bà vào năm 1828, công trình của bà đã được số hóa và sẵn sàng mở để cho mọi người tải về tại thư viện số HathiTrust, một phần của Thư viện về các bộ sưu tập bản thảo hiếm (RMC) của trường đại học Cornell, Mỹ.

Specimens of the Plants and Fruits of the Island of Cuba được coi là một trong những công trình toàn diện nhất về cỏ cây Cuba thời kỳ thuộc địa. “Ý nghĩa của cuốn sách này nằm ở chỗ nó là một trong những tài liệu về thực vật sớm nhất được biết đến có chứa các hình ảnh minh họa về hệ thực vật Cuba”, Anne Sauer, giám đốc RMC Stephen E. & Evalyn Milman, trả lời qua email với atlasobscura.com. “Nó do một nhà thực vật học nữ nghiệp dư nhưng được đào tạo tốt về hội họa và vô cùng tận tâm, sáng tác. Vì thế, nó cũng vô cùng quan trọng”.

Những bức vẽ cây cỏ bằng màu nước trong cuốn sách do bà Wollstonecraft vẽ và kèm thêm cả phần phân tích về cây cỏ cũng như đặc tính sinh học của nó. Theo nhà lịch sử Cuba Emilio Cueto, người từng đi thuyết trình về bản thảo từ năm 2018, chỉ có 145 bức vẽ về cây cỏ ở Cuba trong thời điểm này và trong đó, Wollstonecraft là người vẽ ít nhất 124 bức.

Thật không may, Wollstonecraft chết vài tháng sau khi gửi bản thảo tới các nhà xuất bản tại New York. Dẫu sao, bà cũng có thể thấy một số trang của mình đã được in như thế nào.

Dưới bút danh D’Anville, bà xuất bản hai bức thư miêu tả chi tiết về khám phá hệ sinh thái Cuba. Một trong những bức thư mang tên Những bức thư gửi từ Cuba số 2, xuất bản vào mùa xuân năm 1826 tại tạp chí Boston Monthly Magazine, bà miêu tả những chuỗi thạch nhũ trong hang động mà bà đến, buông dọc theo tán lá xanh sẫm đẹp mê hồn”.

Bản thân bà Wollstonecraft cũng là người đặc biệt, bà là em chồng của Mary Wollstonecraft – nhà văn, nhà triết học và nhà bảo vệ quyền phụ nữ người Anh thế kỷ 18, và là cô của Mary Shelley – nhà văn viết cuốn Frankenstein. Bà không chỉ là người am hiểu lịch sử tự nhiên mà còn là người tham gia đấu tranh để cải thiện quyền của phụ nữ. Với bút danh D’Anville, Wollstonecraft viết The Natural Rights of Women (Quyền cơ bản của phụ nữ) xuất bản một năm trước khi những bức thư của bà xuất hiện tên tạp chí Boston. Bà kêu gọi cải thiện hệ thống giáo dục Mỹ và nhấn mạnh cần có thêm nhiều cơ hội để có dược những cô gái trẻ nghiên cứu văn học và khoa học: “Phụ nữ không còn sợ hãi nữa, cũng không nên ngượng ngùng đến với lịch sử, địa lý, lịch sử tự nhiên hay với bất kỳ xu hướng mở rộng tầm nhìn của mình, tăng cường hiểu biết, cải thiện thị hiếu thẩm mĩ hoặc bồi đắp tâm hồn mình”.

Trong không gian thư viện số, người truy cập có thể xem xét cả 220 trang giấy với 121 bức vẽ màu nước và những thông tin ghi chép kèm theo. Bản thảo này cũng có khiếm khuyết là có tới 24 trang không thể thấy được nội dung, không rõ là liệu có phải chúng bị mất không hay đơn giản là chúng chưa bao giờ được Wollstonecraft “chạm tới”.

Tô Vân dịch

Nguồnhttps://www.atlasobscura.com/articles/cuba-botanical-illustration

Tác giả

(Visited 72 times, 1 visits today)