Số hóa dữ liệu di sản: Thiếu “bà đỡ”

Những nền tảng công nghệ như xử lý dữ liệu lớn, dữ liệu 3D có thể giúp số hoá, lưu trữ, tái hiện một cách chân thực hình ảnh các di sản và có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phục dựng và quảng bá di sản. Hiện nay đã có một số đơn vị tư nhân tiên phong nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực này nhưng vẫn đang tự số hóa dữ liệu di sản một cách khá “âm thầm” và gặp khó khăn trong liên kết với các bảo tàng, di tích.


Hình ảnh từ trên cao của làng Diềm, một trong những ngôi làng mà Vietsoftpro đã số hóa hình ảnh. Nguồn: Vietsoftpro.

“Không ít di sản đô thị tại TP.HCM như khu Ba Son, đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Huệ, cảnh quan ven sông, các khu biệt thự cổ … đang biến mất hoặc bị biến dạng. Và các dấu tích của lịch sử đó sẽ hoàn toàn bị “xóa” khỏi ký ức của nhiều thế hệ cư dân.” TS. Nguyễn Thị Hậu đã từng chia sẻ với Tia Sáng về thực trạng và nguy cơ mất mát các di sản. Thực trạng đó không chỉ đặt ra yêu cầu giữ cho các di sản, hiện vật lịch sử đó được “sống” mà còn đặt ra vấn đề lưu trữ dữ liệu, bảo tồn và tái hiện hình ảnh các không gian di sản, các hiện vật lịch sử.

“Để giúp tăng cường nhận thức về di sản, các nhà nghiên cứu vẫn đang khảo cứu, tư liệu hóa và công bố nhiều công trình. Ví dụ, đã có rất nhiều nghiên cứu và xuất bản phẩm về di sản kiến trúc cổ ở Hà Nội. Nhưng những thông tin đó còn mang nặng tính hàn lâm, khó tiếp cận với đại đa số công chúng. Vấn đề là cần xây dựng hệ thống dữ liệu về các di sản và có cách thức chuyển tải thông tin một cách gần gũi hơn”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học trao đổi với Tia Sáng. “Trên thế giới, việc sử dụng công nghệ như công nghệ hình ảnh 3D để lưu trữ, truyền thông về di sản đã trở nên phổ biến. Ở Việt Nam cũng rất cần học hỏi cách làm này, nhưng vấn đề là ai làm? Có làm lâu dài được hay không?”, ông nói.

Nỗ lực “âm thầm” từ phía khu vực tư nhân

Vietsoftpro là một công ty công nghệ tư nhân đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về công nghệ 3D trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Công nghệ này cho phép số hóa dữ liệu 3D và ứng dụng vào trưng bày bảo tàng ảo trên internet, cho phép người xem chỉ cần ngồi ở nhà, sử dụng máy tính truy cập vào website của bảo tàng để trải nghiệm hình ảnh hiện vật, di sản rất sống động. Không chỉ dừng lại ở số hóa dữ liệu 3D cho các hiện vật lịch sử, Vietsoftpro còn có “tham vọng” số hóa dữ liệu 3D cho các di sản văn hóa ở Việt Nam “càng nhiều càng tốt” nhằm giúp bảo tồn di sản. “Ngay từ khi mới thành lập công ty và ươm tạo công nghệ tại Hòa Lạc vào những năm 2007, vì đam mê di sản nên tôi đã tập trung vào nghiên cứu phát triển giải pháp công nghệ 3D nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và từ năm 2012 đầu tư mua trang thiết bị mặc dù đây không phải là lĩnh vực đầu tư chính của công ty tôi”, ông Hoàng Quốc Việt, Tổng giám đốc Vietsoftpro cho biết.

Cho đến nay, ngoài một số dự án số hóa dữ liệu 3D theo hợp đồng giới thiệu, quảng bá hình ảnh cho các khu di tích, di sản như Lam Kinh (Thanh Hóa), Hiển Lâm Các (đại nội Huế), các di sản ở TP Nha Trang… Vietsoftpro đã tự mình số hóa dữ liệu của rất nhiều di sản khác mà không chờ “đơn đặt hàng” từ bất kỳ đơn vị nào. Vietsotfpro khảo sát nhiều di sản ở các đô thị lớn, một số làng nghề của người Việt… thậm chí “lặn lội” tới nhiều bản làng của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc để làm dữ liệu di sản 3D. “Có thể nói hiện nay chúng tôi là đơn vị tư nhân có dữ liệu 3D về các di sản lớn nhất trong cả nước. Thế nhưng những nỗ lực đó mới chỉ là ‘muối bỏ bể’, vì số lượng di sản quá nhiều, còn chúng tôi dù có phương tiện, có công nghệ để lưu trữ dữ liệu hình ảnh nhưng cũng chỉ là một nhúm người với nguồn lực hạn chế”, ông Hoàng Quốc Việt giãi bày.

Mặt khác, Vietsoftpro đang rất cần tư vấn chuyên môn từ các nhà khoa học uy tín, các đơn vị làm bảo tồn, bảo tàng dày dạn kinh nghiệm để đáp ứng những yêu cầu khắt khe, phức tạp trong việc số hóa dữ liệu 3D về các di sản để phục vụ mục đích để bảo tồn. “Ví dụ, với một khu di tích, nếu chỉ số hóa dữ liệu 3D để làm du lịch thì rất dễ dàng và không mất nhiều công sức, các đơn vị chỉ cần giao chủ đề phải làm còn chúng tôi chụp ảnh, quét 3D những khu vực đẹp nhất, nổi bật nhất và xây dựng nội dung sao cho đẹp mắt, ‘hút’ khách du lịch là xong. Nhưng để bảo tồn thì không đơn giản như vậy, chỉ riêng như khâu làm hình ảnh đã phải kỹ lưỡng gấp hàng vài chục lần so với quảng bá du lịch”, ông Hoàng Quốc Việt nói. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cho biết, quá trình số hóa dữ liệu cần phải qua hai bước: bước một là nhận diện di sản và sau đó mới tư liệu hóa, nhà khoa học cần phải “hiện diện” ở cả hai bước này nhằm đánh giá di sản và đảm bảo từng thao tác kỹ thuật trong các khâu tư liệu hóa đúng với yêu cầu bảo tồn.

Không chỉ gặp khó về mặt chuyên môn, Vietsoftpro cũng thường gặp khó khăn trong việc tìm sự hợp tác từ các cơ quan, đơn vị quản lý di sản. “Một số đơn vị cởi mở hợp tác (mới chủ yếu ở phần số hóa và trưng bày bảo tàng ảo 3D) nhưng cũng rất nhiều cơ quan lắc đầu. Một phần vì chưa đủ tin tưởng vào khả năng của chúng tôi, một phần vì lo ngại việc phải chia sẻ dữ liệu về di sản và hiện vật lịch sử”. Trao đổi với một số đơn vị làm bảo tàng, di sản nổi tiếng ở Hà Nội, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự, ngoài ra các đơn vị đó cũng cho biết chưa thể có nguồn kinh phí dành riêng cho hoạt động này.

Phối hợp công – tư: không chỉ là “giao đầu bài”

Trong thực tế, phối hợp công – tư trong việc áp dụng giải pháp 3D vào bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (đơn vị đầu tiên trong cả nước) và Vietsoftpro đã đem lại những kết quả tốt. Hiện nay những người yêu thích bảo tàng nhưng không có điều kiện tham quan trực tiếp có thể vào trang web của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và trải nghiệm bảo tàng ảo 3D đối với các phòng trưng bày từ thời tiền sử cho tới thời Trần cũng như tất cả các trưng bày chuyên đề gồm Linh vật Việt Nam, Di sản văn hóa Phật giáo, Đèn cổ Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của trưng bày 3D ở đây là công nghệ xử lý hình ảnh hiện đại, cho phép người xem có thể xem kỹ từng chi tiết của cổ vật, thậm chí có thể nhìn kỹ từng nét chạm khắc hoa văn, từng vết rạn trên bề mặt gốm cổ mà nếu nhìn hiện vật qua các hộp kính ở bảo tàng cũng khó có thể phát hiện ra. Hình ảnh của mỗi hiện vật đều được tích hợp sẵn những thông tin cơ bản về xuất xứ, niên đại, đặc điểm… Bên cạnh đó, người xem có thể tìm hiểu những thông tin sâu hơn về giá trị của các hiện vật và từng thời kỳ lịch sử qua các video clips đi kèm hoặc nghe đánh giá của các chuyên gia sử học. Nhìn chung, hình thức bảo tàng ảo 3D của bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đem lại trải nghiệm cho người dùng giống với nhiều bảo tàng trên thế giới như Smithsonian (Mỹ) hay bảo tàng Lourve (Pháp). Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng thí điểm cho người xem trải nghiệm tương tác về các di sản đô thị ở Hà Nội thông qua hoạt động trải nghiệm tương tác ảo 3D về ba khu phố cổ Hà Nội tại phòng Khám phá.

Thành công của Bảo tàng lịch sử quốc gia trong việc triển khai công nghệ 3D từ năm 2012 đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị chuyên môn và công ty công nghệ để số hóa dữ liệu. “Chúng tôi không ngồi chờ nhận kết quả là các sản phẩm hình ảnh 3D từ đối tác, mà cán bộ chuyên môn về lịch sử luôn đi theo sát cán bộ công nghệ của Vietsoftpro, cùng xây dựng từ những chi tiết đơn giản như chụp ảnh những chi tiết nào, hình ảnh hiện vật này cần đặt ở đâu trong bảo tàng ảo… cho tới những chú thích phức tạp về chuyên môn. Ví dụ, chỉ với một hiện vật, chúng tôi mất cả tuần để chụp ảnh (thông thường khoảng 20 bức ảnh với một hiện vật, nếu là hiện vật phức tạp thì cần vài trăm bức ảnh), chú thích bằng chữ và bằng tiếng nói (auto guide) sau đó mới dựng được 3D như các bạn thấy. Nếu chỉ ‘giao đầu bài’ cho công ty công nghệ thì sẽ không bao giờ có kết quả được, bởi vì phía công nghệ không thể hiểu những đặc điểm của hàng trăm, hàng ngàn hiện vật, di sản khác nhau”, bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Công chúng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.

Một trong những tồn tại vướng mắc cơ bản của khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là không tìm được nguồn kinh phí dành riêng cho ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu trưng bày mà chỉ có nguồn kinh phí từ hoạt động thường xuyên dành cho trưng bày phục vụ công chúng. Với nguồn kinh phí rất ít ỏi (mỗi năm chỉ được đầu tư 100 triệu), Bảo tàng chỉ có thể số hóa dữ liệu 3D theo hình thức “nhỏ giọt”, cụ thể là ưu tiên số hóa 3D những hợp phần quan trọng như các bảo vật quốc gia, các trưng bày chuyên đề rồi sau đó mới lần lượt số hóa hiện vật của từng thời kỳ lịch sử khác nhau.
***
Nhìn chung, bức tranh trên cho thấy, để đưa ứng dụng công nghệ 3D vào số hóa dữ liệu di sản không phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng về công nghệ mà chủ yếu nằm ở khâu phối kết hợp giữa các đơn vị quản lý di sản, di tích và bảo tàng với các đơn vị làm về giải pháp công nghệ. Mặt khác, cần có đầu tư xứng đáng từ nhà nước cho việc số hóa dữ liệu di sản với cơ chế phối hợp công – tư rõ ràng. “Một số nhóm đam mê di sản có ý tưởng và công nghệ số hóa để bảo tồn di sản cần có ‘bà đỡ’, nếu không thì sẽ khó lòng tồn tại lâu được”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)