Số hoá lợi cho ai và thiệt cho ai?

Xu hướng số hoá mạnh mẽ sẽ có tác động khác nhau vào thị trường lao động, sẽ góp phần làm thay đổi phân công lao động cả ở mức độ địa phương và quốc tế. Sẽ có kẻ được hưởng lợi và người bị thua thiệt.

Công ty gia đình chuyên về kỹ thuật Stiebel Eltron có thể được coi là doanh nghiệp tiên phong về số hoá ở Đức. Trong mười năm qua, doanh nghiệp này đã đầu tư khoản tiền lên đến 7 con số vào việc số hoá công đoạn sản xuất và giảm chi phí lao động 40%. Trước đây, công đoạn đóng gói thiết bị giữ ấm nước được làm thủ công thì nay do ba người máy công nghiệp thực hiện 24/24. Các người máy này có thể thường xuyên “giao tiếp” với các “đồng nghiệp” của mình làm việc tại một doanh nghiệp ở Đức khác chuyên cung cấp sản phẩm ban đầu cho Stiebel Eltron.

Tuy nhiên quá trình số hoá ở Stiebel Eltron vẫn còn đang tiếp diễn xa hơn: Một nhóm ở công ty này đang nghiên cứu 30 dự án mới nhằm tăng mức độ số hoá lên cao hơn. Và bước tiếp theo là lĩnh vực văn phòng. 

Ông Nicholas Matten, 57 tuổi, giám đốc điều hành của công ty chủ trương: “tự động hoá hoàn toàn khâu kế toán để doanh nghiệp không còn phải dùng một tờ giấy nào nữa”. Nhà quản lý này cho rằng riêng công đoạn này có thể giảm chi phí lao động từ 30 đến 40%”. 

Vậy những nhân viên từng làm việc tại đây sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? 

Ông Matten cho biết: “Họ không bị ảnh hưởng xấu vì quá trình số hoá này, không ai bị sa thải, họ tham gia các khoá bồi dưỡng rồi đi làm ở các bộ phận khác thuộc doanh nghiệp”. Ít ra tại doanh nghiệp này người ta không thể nói người máy là cỗ máy xóa sổ việc làm: hiện tại, Stiebel Eltron có 1500 lao động, tăng thêm 400 người so với cách đây mười năm.

Tất nhiên xu hướng chung của công nghiệp 4.0 không phải ở đâu cũng tác động tích cực đến lực lượng lao động. Trong lịch sử kinh tế, hiếm khi xảy ra một sự thay đổi triệt để quá trình lao động và chuỗi giá trị như quá trình số hoá hiện nay. Số lượng robot công nghiệp tăng từ 1 triệu lên 2,1 triệu trong khoảng thời gian từ  2010-2017. Đến năm 2021 đội quân robot làm việc trong các nhà máy sẽ lên tới 3,8 triệu.

Ước tính robot công nghiệp trên toàn thế giới (triệu đơn vị) | Nguồn số liệu: Statista | Ảnh: WirtschaftsWoche

Robot hàn, lắp ráp và đóng gói có thể tương tác với nhau và ngày càng có khả năng tự chủ cao hơn. Trước bối cảnh đó, không chỉ có các tổ chức công đoàn tự hỏi liệu con số kỷ lục 45 triệu lao động ở Đức hiện nay có thể duy trì được bao lâu nữa. Và liệu trong tương lai không chỉ có các nhà xưởng công nghiệp không có bóng người, mà cả văn phòng, ngân hàng, hãng bảo hiểm, giao thông vận tải và y tế sẽ có các phần mềm thông minh và robot hoà mạng thay thế người lao động.

Cho đến nay, phần lớn các chuyên gia về thị trường lao động đều coi công trình nghiên cứu “The future of employment” (tạm dịch: Tương lai việc làm)  của nhà kinh tế Thuỵ điển Carl Benedikt Frey và chuyên gia tin học Michael Osborne thuộc Đại học Oxford như kim chỉ nam về tác động của số hoá đối với công ăn việc làm. Công trình nghiên cứu này tiến hành từ 2013 và công bố trên một tạp chí chuyên đề năm 2017. Các chuyên gia lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, theo đó 47% người lao động trong có nhiều khả năng sẽ bị robot thay thế khoảng 10-20 năm tới. Ở Đức cũng có khoảng 42% người lao động làm những nghề “có nhiều khả năng tự động hoá cao“.

Tuy nhiên công trình nghiên cứu của Osborne-Frey đơn thuần là một phân tích tổng thể: công trình này hoàn toàn không quan tâm đến tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm mới. Mặt khác nghiên cứu này cũng không có chỉ dấu rõ ràng về kẻ được, người thua trong quá trình số hoá và sẽ phân bổ theo vùng như thế nào.

Trong khoa học kinh tế, điều này ngày càng được chú ý nhiều hơn. Trong những tuần qua, nhiều nghiên cứu mới đã được công bố. Những công trình nghiên cứu này cho thấy sự khác biệt rõ rệt về tác động của số hoá đến công ăn việc làm  –  sự khác biệt này thể hiện ở nội bộ nước Đức, giữa các nước OECD, và cả giữa các nước mới nổi với các nước công nghiệp.

Các nhà kinh tế thuộc Viện nghiên cứu về thị trường lao động và nghiên cứu nghề (IAB) ở Nurnberg, Đức đã nghiên cứu về tiềm năng tự động hoá trên toàn Liên bang Đức. IAB cho rằng đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,5 triệu chỗ làm bị mất do số hoá, nhưng đồng thời sẽ hình thành 1,5 triệu việc làm mới – song không phải ở ngay cùng một địa bàn. 

Trong số 21 nước thuộc OECD, cũng có sự khác nhau khá lớn về tác động của số hoá đến việc làm, tỉ lệ bị thay thế bởi tự động hóa khác nhau: tại Tây Ban Nha khoảng 12 %, lên đến gần 40% như ở phía tây Slovakia, nhưng chỉ khoảng 4% công việc có thể thay thế tại khu vực Oslo, Na Uy.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự khác nhau giữa các địa phương là do cơ cấu kinh tế. Những nơi ngành dịch vụ yếu và ngành sản xuất chế biến mạnh thì có xu hướng bị đội quân robot lấn lướt cao – đặc biệt là những nơi các bộ phận nghiên cứu và phát triển không phát triển mạnh.

Điều này không có nghĩa các địa bàn sản xuất công nghiệp sẽ bị mất việc làm hàng loạt. Xu hướng chung là chuyển từ sản xuất hàng loạt sang các phương pháp sản xuất những mặt hàng lạ và độc đáo.

“Đối với các thị trường cá nhân hoá cao độ này, các doanh nghiệp đều cần lao động có tay nghề giỏi, có khả năng nắm bắt nhu cầu của khách hàng, mà điều này trong một thời gian dài nữa robot không thể đảm nhận được”, theo Hilmar Schneider, Viện trưởng nghiên cứu về lao động trong tương lai  (IZA). Theo ông, “Tính sáng tạo và kỹ năng xã hội là những yếu tố còn lâu mới tự động hoá được.”

Tuy nhiên, vấn đề việc làm sẽ nảy sinh ở những nơi công việc không phức tạp và thiếu sự sáng tạo, chỉ là loại việc diễn ra đều đặn, thường xuyên. Với loại công việc này thì robot thường ở thế thắng.

Tỷ lệ các công việc đang bị đe doạn bởi tự động hóa (%) | Nguồn số liệu: OECD | Ảnh: WirtschaftsWoche

Điều này đưa đến một điểm rất quan trọng, đó là công tác đào tạo trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Theo nghiên cứu của OECD, bên cạnh tỷ lệ cao các nghề liên quan đến dịch vụ và mức độ đô thị hoá cao thì “tỷ lệ người lao động tôt nghiệp đại học cao cũng là đặc trưng cho những vùng có nguy cơ tự động hoá thấp”.

Trong báo cáo mới của mình về “Sự phát triển của thế giới”, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vốn nhân lực trong việc tạo ra các lớp đệm giảm chấn trong việc chuyển đổi cơ cấu. Theo đánh giá này thì trong 20 năm qua nhiều người lao động ở các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Anh quốc và Australia đã bị thay thế bằng máy móc –  một phần cũng vì tại các nước này thiếu hệ thống an sinh xã hội và ngành giáo dục có nhiều khiếm khuyết. WB cũng cảnh báo, một khi thiếu cơ chế bảo vệ và thiếu sự đào tạo vững chắc thì việc đào tạo lại người lao động trong công nghiệp là hết sức khó khăn để họ có thể đảm đương được các công việc có yêu cầu kỹ thuật cao hơn.

Hơn nữa, giáo dục tốt là một yếu tố ngày càng quan trọng hơn trong việc cạnh tranh giữa các khu vực. “Các nước có hạ tầng cơ sở về đào tạo tốt hơn thì trong tương lai sẽ nhận được nhiều lợi thế hơn trong việc số hoá”, theo chuyên gia về kinh tế lao động Enzo Weber, giáo sư thuộc Đại học Regensburg (Đức) và là trưởng ban dự báo thuộc IAB. Ông kêu gọi nước Đức “phải có một hệ thống giáo dục liên tục có thể cạnh tranh về quy mô, chất lượng và chi phí so với đào tạo ban đầu”

Tuy nhiên cuộc cách mạng robot không chỉ diễn ra ở các khu vực khác nhau với mức độ khác mà còn dẫn đến sự thay đổi toàn bộ về phân công lao động quốc tế. Theo quan sát của nhà kinh tế Weber thì “Số hoá làm cho một số doanh nghiệp giảm hoạt động chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring) và chuyển một phần sản xuất của mình ở nước ngoài về”. Đối với các nền kinh tế mới nổi, số hoá “chủ yếu gây ra tác động tiêu cực”

Thông qua số hoá thì nhiều quy trình sản xuất không còn đòi hỏi nhiều nhân công, nghĩa là yếu tố địa bàn có nhân công giá rẻ không còn quan trọng với nhà đầu tư như trước đây. Biến đổi mạnh mẽ về công nghệ đã rút ngắn chu kỳ tạo sản phẩm và chu kỳ đổi mới sáng tạo, từ đó hình thành các mô hình kinh doanh mới có thể thực hiện tại nước nhà tốt hơn vì nó đòi hỏi phải có một khả năng nắm được know-how nhất định về công nghệ cũng như hạ tầng cơ sở mà nước mới nổi còn thiếu.

Theo một nghiên cứu gần đây nhất của IAB phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì số lao động trong thời gian từ  2005-2014 ở các nước mới nổi bị giảm trên 5%, vì các nhà đầu tư  từ các nước công nghiệp như General Electric rút một phần cơ sở sản xuất của mình về nước hoặc hạn chế mở rộng. Ngoài ra, 14% số lao động ở các nước mới nổi này còn bị giảm do tự động hoá.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo không nên nhìn tương lai quá đen tối và coi nhẹ vai trò của lực lượng lao động trong bối cảnh số hoá. Xét cho cùng thì sự tự động hoá cũng giúp việc tạo bước đệm cho sự thay đổi về nhân khẩu học. 

“Số hoá xóa bỏ một số việc làm nhưng đồng thời cũng tạo ra những việc làm mới do có nhu cầu mới và thị trường mới “, kinh tế gia Schneider lưu ý. Hiện nay, Viện nghiên cứu của ông Schneider đang nghiên cứu một mô hình nhắm đánh giá chính xác hơn hiệu ứng ròng đối với thị trường lao động. 

Điều này sẽ là một động lực mới đối với sự tranh cãi có từ lâu – Cách đây ít tuần, nhà kinh tế trưởng của Google, ông Hal Varian đã có bài phát biểu tại cuộc họp hàng năm của Hiệp hội chính sách xã hội ở Freiburg về đề tài số hoá. Ông đã chiếu lên tường một bài báo có từ tận năm 1935 cảnh báo đến nguy cơ mất việc làm do “những cỗ máy biết nghĩ’.

Nguyễn Xuân Hoài dịch (Theo WirtschaftsWoche)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)