Sở hữu trí tuệ: Khi địa danh không còn là địa giới

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp khiến nhiều địa danh cấp tỉnh, huyện, xã biến mất khỏi bản đồ địa giới hành chính. Vậy khi địa danh không còn là địa giới, giá trị văn hóa, tinh thần gắn với những danh xưng đầy tự hào “Dừa Bến Tre”, “Dừa sáp Trà Vinh”, “Muối Bạc Liêu”, “Thanh long Bình Thuận”, “Hạt điều Bình Phước”... vẫn có thể tồn tại?

Vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Shutterstock.

“Địa danh” dưới góc nhìn phát luật Sở hữu trí tuệ

Địa danh đã từ lâu là một chỉ dẫn thương mại quan trọng của cộng đồng sản xuất và kinh doanh tại từng vùng. Việc sử dụng địa danh để phân biệt sản phẩm theo nơi xuất xứ đã phổ biến từ sớm ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, người dân thường gắn sản phẩm với các tên địa phương quen thuộc như bàu đá, ngã bảy, bến nghé, cây thị, gò vấp, rạch chiết… để thể hiện nguồn gốc. Khi thương mại phát triển, địa danh không chỉ giúp nhận diện xuất xứ mà còn gắn liền với chất lượng đặc trưng của sản phẩm. Một ví dụ điển hình là bản đồ “The Molucca Islands” do Petrus Plancius vẽ, trong đó thể hiện rõ những địa điểm nổi tiếng về sản xuất hương liệu như đinh hương, nhục đậu khấu ở vùng Maluku, nay thuộc Indonesia và Malaysia, từng được phương Tây gọi là “quần đảo gia vị” 1

Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam, “địa danh” là một yếu tố cấu thành “dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm”, tức dấu hiệu thể hiện sản phẩm có xuất xứ từ một khu vực địa phương cụ thể 2. Mặc dù khái niệm này bao gồm cả biểu tượng, hình ảnh hoặc các yếu tố đặc trưng khác của địa phương, trong thực tiễn bảo hộ quyền SHTT hiện nay, địa danh vẫn đóng vai trò chủ đạo. 

Vì địa danh là tài sản chung của cộng đồng nên pháp luật không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào độc quyền sở hữu địa danh dưới dạng nhãn hiệu thông thường. Nói chung, pháp luật SHTT quốc tế và Việt Nam đã đặt ra những ngoại lệ cho việc bảo hộ nhãn hiệu cho yếu tố địa danh gắn với nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Cụ thể, có hai dạng nhãn hiệu đặc biệt có thể được dùng để bảo hộ cho địa danh, đó là nhãn hiệu tập thể (NHTT) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN):

NHCN là nhãn hiệu do một tổ chức đứng ra cấp cho các sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc hoặc cách sản xuất. Nó giống như “con dấu bảo đảm” cho người tiêu dùng biết sản phẩm đó đã được kiểm chứng. Ví dụ, nhãn hiệu chứng nhận “DALAT – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được gắn trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm rau củ quả, cà phê, hoa nghĩa là các sản phẩm này được trồng đúng “vùng Đà Lạt”, đúng quy trình, đạt chất lượng do đơn vị sở hữu nhãn hiệu quy định.

Hình 1. NHCN “DALAT – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 292363 cấp ngày 08/12/2017 và có hiệu lực đến ngày 06/6/2027.

Còn NHTT là nhãn hiệu dùng chung cho các thành viên trong cùng một hiệp hội hoặc nhóm sản xuất để phân biệt sản phẩm của họ với sản phẩm bên ngoài nhóm. Nhóm này thường được tập trung, thành lập dựa trên một cộng đồng dân cư tại cùng một khu vực địa lý nên sản phẩm của họ cũng gắn với địa danh. Ví dụ, NHTT “Sầu riêng Cai Lậy” do Hội Làm vườn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (cũ) làm chủ sở hữu, nếu được gắn trên sản phẩm quả sầu riêng sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được quả sầu riêng này là của các thành viên Hội làm vườn huyện Cai Lậy trồng và đưa ra thị trường, gián tiếp chứng minh nguồn gốc địa lý của sản phẩm.

Việc đăng ký bảo hộ địa danh dưới dạng NHTT hay NHCN luôn gắn với các điều kiện chặt chẽ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích. Theo quy định hiện hành, chủ thể đăng ký phải được UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh cho một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Trên thực tế, các chủ thể được cấp phép chủ yếu là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức tập thể thuộc mô hình chính quyền địa phương.

Vì vậy, việc sở hữu, quản lý và sử dụng các nhãn hiệu này ở Việt Nam mang tính chất của một hoạt động quản lý nhà nước. Quyền sử dụng thường được cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo một hình thức tương tự thủ tục hành chính không chính thức. Dù còn một số bất cập, cơ chế này vẫn góp phần kiểm soát việc sử dụng địa danh gắn với đặc sản địa phương.

Bên cạnh nhãn hiệu, pháp luật SHTT còn quy định đối tượng bảo hộ đặc biệt là chỉ dẫn địa lý (CDĐL), áp dụng cho các sản phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện địa lý nơi sản xuất khi đáp ứng hai điều kiện: sản phẩm phải có nguồn gốc từ khu vực địa lý cụ thể và phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính do chính điều kiện tự nhiên và con người nơi đó quyết định.

Khác với nhãn hiệu, chủ sở hữu CDĐL là nhà nước, và quyền quản lý được giao cho UBND cấp tỉnh hoặc đơn vị được ủy quyền. Thống kê đến tháng 11/2022 cho thấy, gần như toàn bộ CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam đều do cơ quan nhà nước quản lý. Quy trình đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ cho CDĐL phức tạp hơn nhãn hiệu thông thường. Tính đến nay, mới có 145 CDĐL được cấp văn bằng, trong đó có 132 CDĐL của Việt Nam, gắn với các đặc sản tiêu biểu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn, v.v.


Do lo ngại về tính hợp lệ và thiếu hiểu biết pháp lý, nhiều địa phương đang tìm cách thay đổi tên thương hiệu để phù hợp với địa danh hành chính mới. Nếu thực hiện một cách máy móc, không quan tâm đến nhận thức cộng đồng và giá trị văn hóa, việc này sẽ vô tình góp phần xóa nhòa ký ức địa phương.

Như vậy, địa danh có thể được đăng ký bảo hộ dưới dạng một NHTT, NHCN chứa địa danh hoặc một CDĐL, nhưng không mang ý nghĩa trao quyền sở hữu độc quyền mà để trao quyền sử dụng cho các chủ thể đủ điều kiện nhằm bảo vệ danh tiếng sản phẩm gắn với cộng đồng. Đây là cách tiếp cận phản ánh tư duy pháp lý coi địa danh là tài sản cộng đồng cần được bảo vệ và phát huy giá trị.

Khi địa danh hành chính thay đổi

Để hình dung được thay đổi về địa danh gắn với đặc sản địa phương do sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, trước hết cần làm rõ nội hàm của hai khái niệm “địa danh hành chính” và “địa danh truyền thống”. Cụ thể, địa danh hành chính là tên gọi chính thức của một đơn vị lãnh thổ, được nhà nước quy định và quản lý, có giá trị pháp lý rõ ràng, đóng vai trò trong việc xác định quyền hạn quản lý, phân chia địa giới và tổ chức chính quyền địa phương.

Ngược lại, địa danh truyền thống là những tên gọi đã được hình thành, lưu truyền và duy trì trong đời sống của cộng đồng dân cư tại một vùng đất. Những địa danh này có thể trùng khớp hoặc không còn tương đồng với tên hành chính hiện tại, thậm chí một số không còn được ghi nhận trong bất kỳ văn bản pháp lý nào. Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại bền bỉ trong ngôn ngữ giao tiếp, trong ẩm thực, thơ ca, truyện kể dân gian, thói quen định danh sản phẩm và trong tiềm thức cộng đồng. Các ví dụ điển hình cho địa danh truyền thống vượt khỏi khuôn khổ hành chính, trở thành ký hiệu văn hóa và thương hiệu vùng miền có thể kể đến như “Hòa Lộc” gắn với xoài cát, “Gò Đen” gắn với rượu đế, “Lệ Cần” gắn với khoai lang, “Chợ Đào” gắn với gạo Nàng Thơm hay “Bảy Núi” gắn với gạo Nàng Nhen thơm, v.v. Do đó, một địa danh hành chính có thể không còn tồn tại trên bản đồ hành chính mới, nhưng không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn tên gọi ấy trong thực tiễn đời sống cũng như trong hệ thống bảo hộ quyền SHTT.

Hình 2. NHTT “Sầu riêng Cai Lậy” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 318303 cấp ngày 16/4/2019 và có hiệu lực đến ngày 20/9/2028.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp khiến nhiều địa danh cấp tỉnh, huyện, xã không còn được sử dụng chính thức. Điều này đặt ra lo ngại các sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với những địa danh ấy, vốn đã trở thành biểu tượng văn hóa vùng miền, có nguy cơ mai một. Trên truyền thông, việc thay thế “Dừa Bến Tre” bằng “Dừa Vĩnh Long” sau sáp nhập ba tỉnh là ví dụ cho sự tiếc nuối đó. Vấn đề đặt ra là liệu pháp luật SHTT có đủ cơ chế để bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần gắn với những tên gọi truyền thống.

Trên thực tế, pháp luật hiện hành không yêu cầu địa danh sử dụng trong đăng ký bảo hộ CDĐL hay NHTT, NHCN phải là địa danh hành chính hiện tại. Địa danh có thể là tên gọi chính thức, tên gọi trong lịch sử hoặc tên dân gian nếu được biết đến rộng rãi 3. Điều kiện quan trọng là địa danh đó phải có ranh giới xác định rõ ràng và được thể hiện bằng bản đồ có xác nhận của UBND cấp tỉnh.

Do đó, một địa danh vẫn có thể tiếp tục được bảo hộ nếu đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng, danh tiếng sản phẩm và không gây nhầm lẫn, dù tên gọi đó không còn tồn tại trong hệ thống địa giới hành chính hiện hành. Trong khi đó, nhiều cơ quan quản lý, truyền thông và người tiêu dùng vẫn mang nặng tư duy hành chính hóa, cho rằng khi địa danh hành chính thay đổi thì tên sản phẩm gắn với địa danh đó cũng buộc phải thay đổi theo. Cách hiểu này dẫn đến không ít lúng túng và phát sinh hai vấn đề:

Thứ nhất, nếu một địa danh đã được bảo hộ dưới dạng NHCN, NHTT hoặc CDĐL nhưng sau sắp xếp hành chính không còn tồn tại, thì có bắt buộc phải sửa đổi địa danh đó theo tên gọi hành chính mới hay không?

Thứ hai, nếu tổ chức quản lý hoặc chủ sở hữu quyền SHTT đối với các đối tượng trên là cơ quan hành chính cấp huyện hoặc cấp tỉnh đã bị giải thể, sáp nhập hoặc đổi tên từ ngày 1/7/2025, thì văn bằng bào hộ (VBBH) có đương nhiên mất hiệu lực hay không?

Đối với câu hỏi thứ nhất, quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN giúp chúng ta đưa ra câu trả lời là pháp luật không bắt buộc phải đổi tên. Dẫu vậy, do lo ngại về tính hợp lệ và thiếu hiểu biết pháp lý, nhiều địa phương đang tìm cách thay đổi tên thương hiệu để phù hợp với địa danh hành chính mới. Nếu thực hiện một cách máy móc, không quan tâm đến nhận thức cộng đồng và giá trị văn hóa, việc này sẽ vô tình góp phần xóa nhòa ký ức địa phương. Khi truyền thông cũng chạy theo sự thay đổi đó, tên gọi truyền thống có nguy cơ biến mất khỏi bao bì, bảng hiệu và tâm trí người tiêu dùng. 


Việc xử lý vấn đề về chủ thể quyền của CDĐL và NHCN, NHTT chứa địa danh ở Việt Nam phát sinh cho hoạt động sắp xếp lại đơn vị hành chính trong thời gian vừa qua là một khía cạnh đặc thù, riêng có trong hệ thống bảo hộ quyền SHTT đối với địa danh của thế giới.

Về mặt pháp lý, mọi sửa đổi đối với đối tượng bảo hộ quyền SHTT đều phải giữ nguyên bản chất và không làm thay đổi phạm vi bảo hộ. Ví dụ, việc sửa đổi văn bản bảo hộ CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm dừa xiêm xanh thành “Vĩnh Long” sẽ không được Cục SHTT chấp nhận vì đã làm thay đổi bản chất đối tượng bảo hộ từ dấu hiệu “Bến Tre” thành “Vĩnh Long”, cũng như mở rộng phạm vi bảo hộ từ tỉnh Bến Tre (cũ) thành tỉnh Vĩnh Long mới trong khi gần như không thể chứng minh mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm với điều kiện đặc thù của khu vực địa lý được mở rộng.

Đối với câu hỏi thứ hai, vấn đề trở nên phức tạp hơn. Văn bằng bảo hộ CDĐL có hiệu lực vô thời hạn và chỉ bị chấm dứt khi các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm bị thay đổi đến mức làm mất đi những yếu tố đó. Do đó, việc tổ chức quản lý bị giải thể không ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản này.

Trong khi đó, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm cả NHTT và NHCN, có hiệu lực 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần. Nhãn hiệu chỉ hết hiệu lực nếu không được gia hạn đúng hạn hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: chủ sở hữu tuyên bố từ bỏ quyền, không còn tồn tại, không sử dụng nhãn hiệu trong 5 năm liên tục không có lý do chính đáng, không kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả việc sử dụng nhãn hiệu, gây nhầm lẫn về chất lượng hoặc nguồn gốc, hoặc trở thành tên gọi thông thường.

Như vậy, nếu cơ quan hành chính cấp huyện hoặc cấp tỉnh là chủ sở hữu nhãn hiệu và bị giải thể, khả năng văn bằng bị chấm dứt hiệu lực là có cơ sở, đặc biệt nếu không có chủ thể kế thừa thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Tuy nhiên, việc chủ sở hữu nhãn hiệu không còn tồn tại chỉ là điều kiện cần. Để văn bản bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trước thời hạn, cần có quyết định chính thức của Cục SHTT. Hiệu lực văn bằng chỉ kết thúc kể từ ngày ban hành quyết định này, chứ không mặc nhiên mất hiệu lực khi cơ quan chủ sở hữu bị giải thể do sắp xếp hành chính.


Hệ thống pháp luật hiện hành hoàn toàn cho phép bảo lưu các tài sản trí tuệ của cộng đồng gắn với địa danh truyền thống. Do đó, vấn đề nằm không phải ở chỗ thiếu quy định pháp luật mà ở chỗ thiếu một tư duy linh hoạt và một cách tiếp cận tôn trọng giá trị văn hóa thay vì rập khuôn theo ranh giới hành chính. 

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 190/2025/NQ/QH15 của Quốc hội quy định về xử lý vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các văn bản, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi hết thời hạn hoặc được cơ quan kế nhiệm thay thế, sửa đổi. Quy định này tạm thời loại trừ khả năng văn bản bảo hộ NHTT, NHCN bị chấm dứt hiệu lực chỉ vì chủ sở hữu là cơ quan hành chính không còn tồn tại, ít nhất là đến hết ngày 28/2/2027 theo khoản 2 Điều 15 của nghị quyết này.

Kinh nghiệm quốc tế

Nhìn ra quốc tế, có thể thấy rằng việc thay đổi địa giới hành chính không gây ảnh hưởng đến hiệu lực bảo hộ của CDĐL, miễn là vẫn duy trì mối liên kết đặc thù giữa sản phẩm và lãnh thổ sản xuất. Theo hướng dẫn chuyên môn của CarIPI – một sáng kiến phối hợp giữa Cơ quan SHTT Liên minh châu Âu (EUIPO) và các quốc gia vùng Caribe, khu vực địa lý trong hồ sơ bảo hộ CDĐL không bắt buộc phải trùng khớp với địa giới hành chính, “miễn là vùng lãnh thổ nơi sản xuất sản phẩm mang CDĐL xác định rõ ràng, thì nó không nhất thiết phải trùng với địa giới hành chính” 4.  Một ví dụ điển hình là sản phẩm cà phê mang CDĐL “Valdesia” (Cộng hòa Dominica) với khu vực địa lý tương ứng với CDĐL không hoàn toàn trùng khớp với ranh giới hành chính của vùng Valdesia. 

Những gì diễn ra trên thực tế tại EU càng cho thấy sự linh hoạt đó. Chẳng hạn, CDĐL “Valencianos” (Tây Ban Nha) cho các sản phẩm cam, quýt tại đây đã được mở rộng phạm vi khu vực địa lý vượt ra ngoài địa giới hành chính ban đầu của vùng Valencia do điều kiện khí hậu biến đổi khiến nhiều vùng lân cận cũng trở nên phù hợp với yêu cầu sản xuất sản phẩm 5.  Hay CDĐL “Almagro” cho giống cà tím truyền thống của Tây Ban Nha, có nguồn gốc từ vùng Bolaños de Calatrava, tỉnh Ciudad Real, Castilla-La Mancha, có lịch sử lâu đời, được nhắc đến trong Don Quixote (Cervantes) đã trở thành biểu tượng của di sản ẩm thực địa phương. Trước nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm truyền thống, cơ quan quản lý đã mở rộng phạm vi địa lý để bao gồm thêm các khu vực có điều kiện sản xuất tương tự. Công báo chính thức của Liên minh châu Âu – Official Journal L 317/2022 – đã công bố về sự mở rộng này .   

Ngược lại, một số CDĐL như “Roquefort” (Pháp) cho phô mai đã thu hẹp ranh giới để đảm bảo duy trì tính nguyên bản và chỉ sản xuất tại các hang động truyền thống ở miền Nam nước Pháp. Những thay đổi về hành chính, chẳng hạn như đổi tên các thị trấn, được đề cập trong thông số kỹ thuật của CDĐL “Parma” (Italy) cho sản phẩm thịt đùi heo muối khô cũng cho thấy cách quy định pháp luật SHTT của EU giải quyết các cập nhật về mặt địa giới hành chính liên quan đến CDĐL được bảo hộ 7.  

Tại châu Á, Ấn Độ là một ví dụ điển hình thể hiện sự thận trọng trong việc điều chỉnh khu vực địa lý tương ứng với CDĐL nhằm tránh làm “loãng” mối liên kết bản địa của sản phẩm. Theo Đạo luật CDĐL năm 1999 của Ấn Độ, mọi sửa đổi phạm vi khu vực địa lý của CDĐL phải bảo đảm không làm thay đổi “bản chất cốt lõi” (substantial character) của sản phẩm. Trong vụ tranh chấp liên quan đến gạo Basmati, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã bác bỏ đề nghị mở rộng vùng bảo hộ sang bang Madhya Pradesh do lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng và danh tiếng truyền thống của sản phẩm (Agricultural and Processed Food Products v. State of Madhya Pradesh, 2020).

Việt Nam có thể học hỏi được gì? 

Sự thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực bảo hộ hay bắt buộc phải thay đổi phạm vi khu vực địa lý tương ứng với CDĐL và NHTT, NHCN gắn với địa danh. Việc thay đổi phạm vi khu vực địa lý là phương án tùy chọn, không phải là một thủ tục hành chính đơn thuần mà chỉ được chấp thuận nếu có đủ cơ sở khoa học để chứng minh khu vực địa lý sau khi thu hẹp hay mở rộng vẫn duy trì được các yếu tố nền tảng của mối liên kết giữa tính chất đặc thù của sản phẩm và đặc thù của khu vực địa lý. Như vậy, pháp luật hiện hành và các văn bản mới như Nghị quyết 190 đã tạo cơ sở pháp lý để xử lý các vấn đề phát sinh từ việc sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có việc duy trì hiệu lực văn bản về CDĐL và NHTT, NHCN gắn với địa danh. 

Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền SHTT đối với địa danh gắn với đặc sản địa phương ở Việt Nam có một yếu tố đặc thù về chủ sở hữu, gần như khác biệt với các quốc gia, khu vực trên thế giới, đó là về chủ thể quyền. Nếu trên thế giới, chủ sở hữu CDĐL hay nhãn hiệu chứa địa danh là các tổ chức tư nhân, thậm chí cá nhân đơn lẻ (vì vậy không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về địa giới hành chính) thì ở Việt Nam, CDĐL thuộc sở hữu nhà nước và NHCN, NHTT chứa địa danh được UBND tỉnh giao về cho cơ quan hành chính cấp dưới làm chủ sở hữu. Do đó, việc xử lý vấn đề về chủ thể quyền của CDĐL và NHCN, NHTT chứa địa danh ở Việt Nam phát sinh cho hoạt động sắp xếp lại đơn vị hành chính trong thời gian vừa qua là một khía cạnh đặc thù, riêng có trong hệ thống bảo hộ quyền SHTT đối với địa danh của thế giới.

Do đó, để đảm bảo hoạt động quản lý và sử dụng các đối tượng này diễn ra hiệu quả và phù hợp với tổ chức bộ máy chính quyền mới, cần thực hiện một số thủ tục cụ thể liên quan đến việc chuyển giao quyền SHTT, cụ thể: 

Thứ nhất, trường hợp tổ chức quản lý CDĐL hoặc chủ sở hữu NHCN là UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được sáp nhập và thay đổi tên (ví dụ Bến Tre nhập với Vĩnh Long, Trà Vinh thành Vĩnh Long) cần tiến hành thủ tục sửa đổi tên, địa chỉ của tổ chức quản lý CDĐL thành cơ quan cấp tỉnh mới được thành lập.

Thứ hai, trường hợp tổ chức quản lý CDĐL là UBND cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện bị chấm dứt hoạt động sau sắp xếp đơn vị hành chính, cần tiến hành thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ để thay đổi tổ chức quản lý CDĐL từ cơ quan cấp huyện thành một cơ quan cấp tỉnh/xã nơi có CDĐL. Việc thay đổi này phải có sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp tỉnh.

Thứ ba, trường hợp chủ sở hữu NHCN là cơ quan cấp huyện hoặc chủ sở hữu NHTT là một tổ chức tập thể được tổ chức theo mô hình chính quyền cấp huyện (Hội Nông dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Làm vườn huyện, Hội Thủy sản huyện, v.v) bị chấm dứt hoạt động sau sắp xếp đơn vị hành chính, cần tiến hành thủ tục chuyển nhượng hoặc sửa đổi văn bằng bảo hộ, từ cơ quan cấp huyện thành một cơ quan cấp tỉnh/xã nơi có địa danh được bảo hộ. Cả hai phương án này đều cần có sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, thủ tục chuyển nhượng chỉ có thể tiến hành khi “hợp đồng chuyển nhượng” này được ký kết trước ngày 1/7/2025 – thời điểm cơ quan cấp huyện (bên chuyển nhượng) chấm dứt hoạt động. 

Ngoài ra, trong tất cả các trường hợp, chủ thể quyền còn cần phải cập nhật thông tin liên quan đến tên, địa chỉ của chủ thể quyền và chủ thể khác có liên quan trong Quy chế quản lý CDĐL và Quy chế sử dụng NHTT, NHCN theo quy định cũng như thông tin về địa giới hành chính mới trên bản đồ khu vực địa lý tương ứng với CDĐL hoặc địa danh được bảo hộ (không thay đổi phạm vi khu vực địa lý, chỉ cập nhật lại địa giới hành chính mới của khu vực này, ví dụ, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, cập nhật đơn vị hành chính cấp tỉnh mới và cấp xã mới).

Kết luận

Cần phải nhấn mạnh rằng việc thay đổi nêu trên không phải là thay đổi về địa danh hay phạm vi bảo hộ của các CDĐL, NHTT, NHCN đang được bảo hộ mà chỉ đơn thuần là sự thay đổi về chủ thể quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các đối tượng này. Hệ thống pháp luật hiện hành hoàn toàn cho phép bảo lưu các tài sản trí tuệ của cộng đồng gắn với địa danh truyền thống. Do đó, vấn đề nằm không phải ở chỗ thiếu quy định pháp luật mà ở chỗ thiếu một tư duy linh hoạt và một cách tiếp cận tôn trọng giá trị văn hóa thay vì rập khuôn theo ranh giới hành chính. 

Địa danh không chỉ là một tọa độ trên bản đồ, mà là nơi cư trú của ký ức cộng đồng, là điểm tựa của niềm tự hào và bản sắc. Luật pháp có thể thay đổi, nhưng niềm tin và sự gắn bó của người dân với tên quê hương là điều cần được gìn giữ và cũng chính là điều tạo nên sức sống lâu bền của một thương hiệu nông sản Việt.□

————-

1. ICA Commission on Map Design, “MapCarte 289/365: The Molucca Islands by Petrus Plancius, 1594”,
https://mapdesign.icaci.org/2014/10/mapcarte-289365-the-molucca-islands-by-petrus-plancius-
1595/?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR0ae3-
3rIXTIaXr5cW4aHoc43g25Fdo1bOarNnWPqAMDvNHPOD9nWGdXyY_aem_9MNEJPpWLsrx4khIcAMjfA,
truy cập ngày 13/7/2025.

2.Điểm a khoản 8 Điều 24 của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ Khoa học và Công
nghệ hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

3. Điểm a khoản 8 Điều 24 của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN

4. CarIPI Learning Module – GI Specifications, Q9, 2021,
https://internationalipcooperation.eu/en/caripi/learning/3.1_GI_specifications

5. Song, X. (2024). Scrutinizing the Expanding Scope of Geographical Indication Protection: A Critical Analysis
of the Justifications for the Anti-Evocation Measures. World Trade Review, 23(1), 20–46,
https://www.cambridge.org/core/journals/world-trade-review/article/abs/scrutinizing-the-expanding-scope-of-
geographical-indication-protection-a-critical-analysis-of-the-justifications-for-the-antievocation-
measures/6434C1F976D164E12E7225EAEAEE432E.

6. Berenjena de Almagro PGI, PDO PGI Report, https://www.qualigeo.eu/en/product/berenjena-de-almagro-pgi/

7. Mandasmitha, J. (2025, March). Amendment of geographical indications: A comparative study of India and the
EU. International Journal of Law and Regulation in Africa, 2(7).
https://www.ijlra.com/uploads/MANDASMITHA.J.pdf.

Bài đăng Tia Sáng số 14/2025

Tác giả

  • Nguyễn Trần Hải Đăng

    ThS Nguyễn Trần Hải Đăng (Đại diện Sở hữu công nghiệp), hiện công tác trong lĩnh vực pháp lý và sở hữu trí tuệ tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK.

    View all posts
(Visited 81 times, 3 visits today)