Sở hữu trí tuệ và phát triển kinh tế: Câu chuyện Ấn Độ

Theo một nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học Robert Shapiro và Aparna Mathur, nếu Ấn Độ có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tương đương với Trung Quốc, dòng vốn FDI của họ sẽ tăng lên 33% hàng năm.

Trong Thông điệp liên bang mới đây, tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa khẳng định tham vọng hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại giữa Mỹ và 11 quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng lúc, Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thỏa thuận riêng của mình tại châu Á và các khu vực khác. Các hiệp định thương mại ngày một nở rộ này được kỳ vọng là sẽ tạo nên những chu kỳ tăng trưởng đáng mơ ước cho các quốc gia đang phát triển, nhưng để làm được điều đó, chúng không những phải làm giảm bớt các rào cản thương mại mà còn phải hỗ trợ xây dựng khung thể chế của một nền kinh tế hiện đại, trong đó có các quyền sở hữu trí tuệ (IP).

Một số nhà hoạt động và quan chức chính phủ cho rằng vấn đề cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là chuyện “hạ hồi phân giải” vì, theo họ, sở hữu trí tuệ là rào cản phát triển và chỉ nên thực thi những quyền này sau khi các quốc gia đã đạt tới một tình trạng phát triển cao về kinh tế. Đây là thái độ rất phổ biến ở Ấn Độ, quốc gia vừa mới ra quyết định hoãn các vòng thương lượng về thương mại với Liên minh châu Âu, và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các vòng đàm phán toàn cầu Doha. Anand Sharma, Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ, gợi ý: “Cần phải có những sự linh động dành cho các quốc gia đang phát triển.”

Song trên thực tế, các ý tưởng được bảo hộ là động lực phát triển cho cả quốc gia phát triển và đang phát triển. Thay vì xem nhẹ quyền sở hữu trí tuệ, các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ nên nhận thấy rằng việc củng cố cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài – một yếu tố cần thiết giúp họ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, và cải thiện khả năng tiêu dùng của người dân trong nước.

Ngày nay, sở hữu trí tuệ chiếm một tỉ trọng đa số trong giá trị của các công ty lớn. Theo một nghiên cứu trên nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ, năm 2009, vốn trí tuệ – bao gồm các bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu, và kiến thức tổ chức  – chiếm tới 44% giá trị thị trường của các công ty. Rõ ràng, những công ty này không muốn đặt quyền sở hữu trí tuệ của mình trước nguy cơ bị bào mòn hay bị ăn cắp trắng trợn; họ muốn kinh doanh ở những nơi họ có thể yên tâm rằng quyền sở hữu trí tuệ của mình được an toàn.

Các quốc gia đang phát triển được lợi nhiều từ việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Họ sẽ mang lại những tiến bộ công nghệ cùng các kỹ thuật quản lý mới giúp đẩy mạnh phát triển cho các công ty trong nước, đồng thời tạo đà cho quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp sở tại. Sự có mặt của họ còn là tiền đề ra đời của những công ty trong nước mới với chức năng làm nhà cung cấp cho họ, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, củng cố kỹ năng cho công nhân, nâng cao năng suất, và gia tăng doanh thu cho chính phủ.

Hiện tại, Ấn Độ chỉ thu hút được 2,7% trong tổng số tiền đầu tư toàn cầu cho nghiên cứu và phát triển; Trung Quốc, với cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, thu hút được gần 18%; và Mỹ 31%. Theo số liệu của Liên hợp quốc, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ chỉ tương đương với 11,8% GDP của nước này trong giai đoạn 2010 – 2012, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 30% của các quốc gia đang phát triển khác.

Theo một nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học Robert Shapiro và Aparna Mathur, nếu Ấn Độ có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tương đương với Trung Quốc, dòng vốn FDI của họ sẽ tăng lên 33% hàng năm. Trong lĩnh vực dược phẩm – một lĩnh vực đặc biệt hay bị vi phạm sở hữu trí tuệ – một cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn có thể giúp Ấn Độ tăng dòng chảy FDI từ 1,5 tỉ USD năm nay lên tới 8,3 tỉ USD năm 2020, đồng thời trong khoảng thời gian này, số tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực dược phẩm cũng tăng gấp đôi lên tới 1,3 tỉ USD. Hoạt động FDI tăng cường có thể đem lại 18.000 việc làm mới chỉ riêng trong ngành dược phẩm.

Nếu Ấn Độ có thể nâng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình lên tương đương với Mỹ, tức còn hiệu quả hơn Trung Quốc, thì lợi ích họ đạt được thậm chí sẽ còn lớn hơn nữa. Tới năm 2020, dòng chảy FDI có thể sẽ tăng tới 83%/năm; và chỉ riêng trong lĩnh vực dược phẩm, FDI có thể đạt tới con số 77 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư cho R&D tăng lên tới 4,2 tỉ USD, và 44.000 việc làm mới sẽ được tạo.

Những con số trên càng thêm phần ý nghĩa khi mà chính phủ Ấn Độ vẫn đang tiếp tục “bóp hầu bóp họng” các quyền sở hữu trí tuệ trong ngành dược. Trong hai năm qua, quốc gia này đã phế bỏ hoặc thách thức bằng sáng chế đối với 15 loại thuốc do các hãng dược quốc tế sản xuất nhằm dọn đường cho các công ty trong nước; họ nói rằng tình trạng độc quyền là “nối giáo cho giặc”, giúp các công ty áp giá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Các quan chức Ấn Độ khẳng định, việc cho phép các nhà sản xuất trong nước làm nhái các loại thuốc có bằng sáng chế sẽ giúp làm hạ thấp giá thành và mở rộng quyền tiếp cận thuốc chữa bệnh cho người dân.

Song bằng sáng chế thuốc và giá cả không phải là rào cản chính đối với khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ. Vấn đề lớn hơn ở đây, như công ty tư vấn IMS đã phát hiện ra năm ngoái, là sự thiếu hụt bác sĩ, trạm xá, bệnh viện, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Những trạm xá, bệnh viện công hiện thời thì bị coi là vô dụng bởi bác sĩ thường xuyên vắng mặt. Thuốc – dù giá có rẻ tới đâu – cũng thành vô giá trị khi không có người kê đơn.

Thêm nữa, người dân Ấn Độ còn ít được tiếp cận với các chương trình bảo hiểm, nhất là với các bệnh nhân ngoại trú. Chính tình trạng này, cùng với việc thiếu một mạng lưới an ninh công cộng, đã khiến cho các vấn đề về y tế trở thành nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn về kinh tế cho cả những gia đình trung lưu. Như vậy, cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém đã không giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân Ấn Độ mà lại còn làm trầm trọng thêm những thách thức vốn đã hết sức đáng lo ngại về chăm sóc sức khỏe của quốc gia này.

Đã đến lúc các lãnh đạo Ấn Độ cần nhận thấy vai trò tích cực của cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống người dân. Một điều quan trọng không kém là các nhà đàm phán thương mại trên thế giới cũng cần phải từ bỏ cái quan niệm rằng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một thứ xa xỉ phẩm mà chỉ các nước giàu mới đủ sức cáng đáng. Thực tế ở đây là sở hữu trí tuệ là động lực kinh tế mà công dân các quốc gia đang phát triển không nên bỏ qua.

Rod Hunter là Giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush, hiện là Phó chủ tịch cấp cao Hội nghiên cứu dược học và các nhà sản xuất dược phẩm tại Mỹ.

Thu Trang dịch theo project-syndicate.org

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)