So sánh bất bình đẳng kinh tế giữa đế chế La Mã và triều Hán

Ba nhà nghiên cứu của trường đại học Bocconi, Italy, trường đại học Cambridge, Anh, và trường đại học Stanford, Mỹ, đã tìm ra nhiều bất bình đẳng kinh tế dưới triều đại nhà Hán hơn đế chế La Mã.

Một hoạt động giao thương buôn bán giữa các thương gia của hai đế chế.

Trong nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature Communications, Guido Alfani, Michele Bolla và Walter Scheidel đã áp dụng các công cụ kinh tế hiện đại và kinh doanh vào đánh giá hai nền kinh tế này.

Đế chế La Mã tồn tại xấp xỉ 500 năm, từ khoảng năm 27 trước công nguyên đến năm 476, và bao gồm phần lớn lãnh thổ xung quanh biển Địa Trung Hải, các phần khác của châu Âu và Anh. Triều đại nhà Hán tồn tại xấp xỉ 425 năm, từ năm 206 trước công nguyên đến năm 220, bao gồm Trung Quốc và một số vùng lân cận.

Hai đế chế này, các nhà nghiên cứu lưu ý, đồng tồn tại trong quãng thời gian xấp xỉ 250 năm, và trong khi có nhiều khác biệt trong điều kiện của hai đế chế thì vẫn có những điểm tương đồng. “Thực tế là sự xuất hiện, phát triển và sự sụp đổ cuối cùng của các chính thể này chủ yếu chồng chéo về mặt thời gian đã dẫn đến nhiều nỗ lực nghiên cứu so sánh. Chúng tôi xây dựng nghiên cứu này bằng cách khám phá các cấu trúc kinh tế xã hội của La Mã và Hán và sự khác biệt nội bộ về phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người giữa các địa phương hoặc khu vực”, họ viết trong công bố.

Để so sánh các điều kiện kinh tế của người sống ở hai đế chế, các nhà nghiên cứu đã tập hợp những bằng chứng lịch sử mà họ có thể và sử dụng nó để đánh giá các điều kiện sống dựa trên vị trí xã hội và sự thịnh vượng. “Chúng tôi ước tính mức độ bất bình đẳng chung của đế quốc là sự kết hợp của bất bình đẳng giữa và trong các khu vực. Cách tiếp cận này cho phép chúng tôi tính đến một số đặc điểm của các chính thể đế quốc góp phần quan trọng vào việc xác định mức độ bất bình đẳng chung”, họ lưu ý cách tiếp cận của mình.

Việc so sánh hai đế chế dưới góc nhìn khác cho chúng ta thấy sự thịnh vượng và lụn bại của một quốc gia trong lịch sử.

Họ tìm thấy thu nhập trung bình của người sống ở đế chế La Ma cao xấp xỉ 2,25 lần mức sinh hoạt tối thiểu và gấp 1,88 lần so với người sống ở triều đại nhà Hán. Họ cũng phát hiện ra top 1% người La Mã kiếm được tương đương 19% tổng thu nhập đế chế, và 5% chiếm 37%. Ở triều đại nhà Hán, top 1% chiếm xấp xỉ 26%, tăng lên 42% nếu tính đến 5% người giàu nhất trong khi 50% người nghèo nhất chỉ kiếm được 24%. “Một đế chế cổ đại thứ ba, đế chế Aztec, cho thấy sự phân phối không đồng đều hơn đáng kể so với cả La Mã và Hán, với 1% người giàu nhất chiếm 42% tổng thu nhập và 50% người nghèo nhất chỉ chiếm 23%”, họ so sánh và đồng thời lưu ý, “bất kỳ loại so sánh nào giữa các đế chế Á-Âu, chẳng hạn như La Mã và Hán, và đế chế Aztec, phát triển trong giai đoạn muộn hơn nhiều và trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa khác biệt sâu sắc, cần phải được thực hiện một cách thận trọng”.

Sự phân bố sự thịnh vượng của khác biệt theo vị trí địa lý. “Vùng thủ đô nhà Hán giàu hơn vùng trung tâm La Mã khi so sánh với mức trung bình của đế chế. Tuy nhiên, ở triều nhà Hán không có vùng nào khác có thu nhập bình quân đầu người cao gần bằng. Gần nhất là một số vùng ở Đồng bằng Hoa Bắc với khoảng 2 mức tối thiểu để đủ sống, thấp hơn 35–40% so với Sili. Ngược lại, ở Đế chế La Mã, ba vùng có thu nhập bình quân đầu người trên 2,5 mức tối thiểu để đủ sống, không quá xa so với bán đảo Ý”, họ viết.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý trong bài báo của mình là những người đứng đầu đến chế La mã tin tưởng vào các quan chức địa phương để cai quản vùng đất đế chế xâm lược được trong khi những người đứng đầu triều nhà Hán chọn cách chuyển các quan chức tới nơi gần hơn với trung tâm quyền lực. “Triều đại nhà Hán nhìn chung không tin tưởng giới tinh hoa địa phương, đặc biệt là giới tinh hoa thành thị. Việc cưỡng bức di dời giới tinh hoa từ các tỉnh đến khu vực trung tâm liên tục có thể được kỳ vọng là đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của các địa phương”.

Có lẽ một phần là do việc đầu tư công cho quân đội ở đế chế La Mã cao hơn – họ phải trả lương cho quân đội trong suốt đế chế để giữ hòa bình. “Một sự khác biệt quan trọng liên quan đến chi tiêu công. Ở đế chế La Mã, chi tiêu chủ yếu bao gồm chi tiêu quân sự. Việc triển khai các quân đoàn và lực lượng phụ trợ ở các tỉnh biên giới đã dẫn đến sự phân phối lại có hệ thống và đáng kể từ một số vùng nội địa giàu có sang các vùng biên giới có xu hướng tương đối nghèo hơn. Có thể lập luận rằng, điều này đã làm giảm bất bình đẳng giữa các vùng và hạn chế sự tập trung quá mức các nguồn lực kinh tế ở khu vực thủ đô”.

Để so sánh sự bất bình đẳng giữa hai đế chế, các nhà nghiên cứu sử dụng một bảng xã hội, phân loại con người theo địa vị xã hội cùng thu nhập liên quan. Kết quả cho thấy một hệ số Gini – trong kinh tế học, hệ số Gini, hay còn gọi là tỉ lệ Gini, là một thang đo độ phân tán thống kê có xu hướng tái hiện sự bất bình đẳng kinh tế, bất bình đẳng về sự giàu có hoặc bất bình đẳng về tiêu dùng trong một quốc gia hoặc một nhóm xã hội. Chỉ số này do nhà thống kê và xã hội học người Ý Corrado Gini phát triển.

Hệ số Gini cho thấy đế chế La Mã có điểm là 0,46 và triều đại nhà Hán là 0,48. Trên cùng thang đo, con số 1 thể hiện sự bất bình đẳng hoàn toàn. Để hiểu hơn về con số này, các nhà nghiên cứu đã lưu ý hệ số Gini hiện nay của Mỹ là 0,41.

Nhóm nghiên cứu lưu ý là triều đại nhà Hán cũng có tỉ lệ khai thác cao hơn nhiều – tỉ lệ tại đó nhóm thượng lưu chi phối nền kinh tế – so với đế chế La Mã, 80% so với 69%. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của họ.

Thanh Đức từ Nature Communications

“A comparison of income inequality in the Roman and Chinese Han empires”

https://doi.org/10.1038/s41467-025-58581-0

Tác giả

(Visited 72 times, 1 visits today)