Soi chiếu cây keo: Một lát cắt về lịch sử nước Úc

Than củi từ đống tro tàn của ngọn lửa thời cổ đại cho thấy quốc hoa của nước Úc đã giúp người bản địa sống sót qua những thay đổi khắc nghiệt của khí hậu


Các nhà khảo cổ học xem xét các hầm ở Karnatukul (Serpents Glen), Katjarra (Dãy Carnarvon) nơi sa mạc phía Tây nước Úc. Ảnh: Chae Byrne, Đại học Tây Úc

Cây keo, thường được gọi là wattle hoặc acacia, là một chi lớn của cây bụi và cây trong phân họ Mimosoideae thuộc họ đậu Fabaceae. Năm 1988 hoa keo vàng chính thức được công nhận là quốc hoa của Úc, đồng thời trở thành một biểu tượng xuất hiện trên quốc huy của nước này. Tuy nhiên một nghiên cứu phân tích các ngọn lửa trại cổ đại ở Sa mạc Tây Úc đã phát hiện ra rằng không phải chỉ mới đây, mà thực tế cây keo đã có một lịch sử văn hóa kéo dài 50.000 năm.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thực hành khảo cổ học để phân tích than củi được bảo quản tại địa điểm khảo cổ lâu đời nhất trên Đất nước Martu (nhóm thổ dân bản địa sống ở sa mạc Tây Úc). Kết hợp với cư dân Martu, GS Chae Byrne từ Đại học Tây Úc và các cộng sự đã phát hiện ra quốc hoa của Úc hoá ra là nguyên liệu không thể thiếu để người bản địa tạo ra các công cụ, thực phẩm và thuốc trong hơn 50.000 năm.

Bằng cách xem xét các hầm trú ẩn tại sa mạc đá ở Katjarra (Dãy Carnarvon) và Karnatukul (Serpents Glen), GS Byrne đã tìm thấy những cách sử dụng củi cổ xưa nhất trong khu vực, xác nhận rằng cây keo là một nguồn thực vật ổn định, hữu dụng trong một môi trường khắc nghiệt.

“Cây keo rất quan trọng đối với cuộc sống của người Martu và rất cần thiết để hình thành sự sống nơi cảnh quan khô cằn với đồng bằng toàn cát và rặng núi đá của Sa mạc phía Tây. Trên thực tế, hiện tại nơi đây vẫn như vậy,” GS Byrne nhận định.

“Người Úc lớn lên và quen thuộc với màu xanh lá cây và vàng của cây keo trên quốc huy – đó là biểu tượng quốc gia. Nhưng nghiên cứu hé lộ những điều sâu sa hơn, rằng cây keo đã tồn tại theo dòng lịch sử, và là một phần trung tâm của nước Úc”. Các cộng đồng thổ dân đã tận dụng hơn 100 loài keo để làm củi đốt, làm công cụ, thực phẩm và làm thuốc.

Nhưng nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên xác nhận những thổ dân bản địa thời kỳ đầu đã định cư và phát triển một cộng đồng thịnh vượng ở vùng đất khô cằn của Sa mạc phía Tây, bất chấp những thay đổi khắc nghiệt của khí hậu, nơi ​​hạn hán và sa mạc hóa diễn ra trên diện rộng.

Một nhà nghiên cứu xem xét các hiện vật còn sót lại của những người thổ dân thời xưa. Ảnh: Chae Byrne, Đại học Tây Úc

Byrne cho biết việc bảo tồn các khu vực mà cây keo đang phát triển là điều rất quan trọng đối với sự tồn tại của các cộng đồng bản địa trong khu vực – đó là điều kiện tiên quyết để họ vượt qua những biến động khí hậu khắc nghiệt.

“Trong quãng thời gian khô cằn, hạn hán, cây keo đóng một vai trò vô cùng quan trọng”, Byrne quả quyết, “người dân trong khu vực đã sử dụng cây keo như một phần đời sống thường nhật, nó cung cấp nguyên vật liệu trong thời kỳ khan hiếm tài nguyên”.

“Hạt giống cây keo được lưu trữ và bảo quản. Có thể người dân đã hái khỏi cây và phơi chúng”. Nhóm thổ dân sử dụng hạt cây keo như một nguồn thực phẩm chính, họ thu lượm, nghiền thành bột nhão hoặc nấu thành bánh dưới tro – tương tự như chất gôm và rễ non. Wattle cũng đã được chứng minh là có thể điều trị đau nhức và nhiễm trùng, phổ biến nhất là sắc thuốc và xông hơi. Cây keo tựa như một cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, góp phần duy trì sự phồn vinh của một cộng đồng trong hàng chục ngàn năm.

Đây là nghiên cứu khảo cổ học đầu tiên khảo sát về quá trình sử dụng thực vật tại các sa mạc ở Úc. Trong những điều kiện nhất định, những mảnh thực vật mỏng manh có thể được bảo quản và tồn tại hàng nghìn năm trong môi trường tự nhiên. Thông qua việc lấy mẫu những cây hiện đang phát triển trong khu vực, các nhà nghiên cứu có thể so sánh chúng với các mảnh than cổ xưa được phát hiện từ đống tro tàn của củi lửa ở các địa điểm khảo cổ.

“Các di tích thực vật đặc biệt hữu ích trong việc nghiên cứu di sản bản địa Úc. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên như cây cối có tầm quan trọng lâu dài – từ xa xưa đến hiện đại, trong khi các di tích văn hoá trong lịch sử thì lại vô cùng quý hiếm,” Byrne nói.

“Nó cho thấy cách con người di dời, định cư qua các cảnh quan khác nhau, cách họ phụ thuộc và sinh sống tại các khu vực có nguồn nước. Rồi sau đó, bằng cách xem xét các di tích nằm rải rác – than củi từ đống tro tàn sẽ hế lộ rất nhiều mục đích sử dụng khác nhau theo thời gian và chúng ta có thể tái tạo lại bức tranh đời sống thời kỳ cổ xưa”, ông chia sẻ.

“Có rất nhiều điều chúng ta có thể khám phá được từ than củi, không chỉ về những người đãsử dụng nó để thắp lên ngọn lửa, mà còn về khoa học môi trường và biến đổi khí hậu”.

Hoàng Nhi  tổng hợp

Nguồn:

Wattle used for tools, food and medicine by Western Desert traditional owners for 50,000 years, study shows

Acacia pycnantha

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)