Startup Babylon Health tuyên bố phá sản
Khi ra mắt công chúng vào năm 2021, Babylon Health được định giá hơn 4 tỷ USD. Giờ đây startup này đã đã tuyên bố phá sản do quá chú trọng đến việc quảng bá rầm rộ, ít quan tâm tới chất lượng dịch vụ.
Cuối năm 2016, Hugh Harvey khi đó đang là chuyên gia tư vấn tại Cơ quan Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (NHS). Trong quá trình nghiên cứu, anh đã tìm hiểu về học máy và nhận ra tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế. Tất nhiên, anh không phải là người đầu tiên nhận ra điều đó, nhưng anh là người hiếm hoi trong số các đồng nghiệp nhận thức được rằng NHS sẽ không phải là đơn vị tiên phong ứng dụng AI vào y học, thay vào đó là một doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, khi startup công nghệ y tế Babylon Health đăng thông báo tuyển dụng, anh đã nhanh chóng ứng tuyển.
Ông Ali Parsa, nguyên giám đốc ngân hàng, một người Anh gốc Iran, đã thành lập Babylon Health vào năm 2013 tại London. Ông muốn Babylon Health trở thành một ứng dụng chăm sóc sức khỏe tiện lợi cho tất cả mọi người. Vào thời điểm Harvey đầu quân cho công ty vào năm 2016, công ty đã nhận được hàng chục triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm – mặc dù vào thời điểm đó, tất cả những gì họ xây dựng được chỉ là một ứng dụng giúp bệnh nhân gọi điện video với bác sĩ của họ. Tất nhiên đó là dịch vụ hữu ích, nhưng đó không phải là lý do các nhà đầu tư đặt niềm tin vào Babylon. Giá trị của công ty nằm ở kế hoạch lớn của những người đứng đầu, đó là bổ sung thêm công cụ AI để theo dõi triệu chứng, giúp tăng tốc độ – hoặc thậm chí là tự động hóa – quy trình chẩn đoán.
Ban đầu, Harvey rất phấn khích trước viễn cảnh tốt đẹp sắp đến, nhưng rồi mọi thứ trở nên bẽ bàng khi anh chứng kiến thứ được gọi là “AI phát hiện bệnh thông qua triệu chứng”. Đó là các bảng tính Excel ghi lại những lộ trình đưa ra quyết định lâm sàng do các chuyên gia của công ty viết. Về cơ bản, họ đã chia cơ thể thành các phần khác nhau, và tùy thuộc vào phần cơ thể mà người dùng nhấp vào, ứng dụng sẽ dựa trên các lộ trình để cung cấp thông tin. “Tôi không nghĩ rằng đây thực sự là trí tuệ nhân tạo,” Harvey nhớ lại.
Nhưng trong vài năm tiếp theo, Babylon vẫn là một “hiện tượng’. Công ty đã giành được hợp đồng với NHS và các nhà cung cấp bảo hiểm y tế của Anh. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ Babylon thông qua WeChat. Một quỹ lớn của Ả Rập Saudi đã đầu tư 550 triệu USD. Vào thời điểm IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2021, Babylon được định giá 4,2 tỷ USD. Song chẳng bao lâu sau, công ty ngày càng lỗ đậm khi họ phải chi rất nhiều tiền để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Giá cổ phiếu nhanh chóng rơi tự do. Và cuối cùng, công ty đã sa thải hàng loạt nhân viên và nộp đơn xin phá sản.
Tờ WIRED đã liên hệ với ba nhân viên cũ của Babylon Health để khám phá điều gì đã xảy ra với đứa con cưng của ngành công nghệ y tế. Những gì họ kể về quá trình sụp đổ của công ty – vào thời điểm mà các nhà đầu tư mạo hiểm đang cực kỳ quan tâm đến những startup ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe – là lời cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của việc chú trọng đến các chiến dịch quảng cáo rầm rộ hơn là nâng cao hiệu quả của dịch vụ.
Cả ông Parsa và đại diện Babylon Health đều không trả lời các yêu cầu bình luận.
Một ứng dụng sơ sài
Ông Parsa đặt tên cho đứa con tinh thần của mình theo tên thành phố cổ Babylon, địa điểm mà nhà sử học Hy Lạp Herodotus cho rằng có một quảng trường nơi người dân tụ tập để chia sẻ những lời khuyên về cách điều trị bệnh.
Các nhân viên cũ cho biết ông Parsa luôn bị ám ảnh bởi “tăng trưởng thần tốc”. Công ty đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng tràn lan và dự án của phòng ban cũng chồng chéo lên nhau. Một nhân viên cũ giấu tên chia sẻ, trong cùng một thời điểm, có tới ba nhóm đang làm việc trên ba phiên bản nhưng không tương thích lẫn nhau của công cụ phát hiện bệnh thông qua triệu chứng. Nhân viên này từng chứng kiến một giám đốc sản phẩm vừa được tuyển dụng đang đi qua đi lại trong trụ sở làm việc. Anh ấy phải tìm kiếm một nhóm để làm việc cùng vì không có ai cho anh ấy biết công việc của mình là gì.
Theo các nhân viên cũ, ông Parsa đã quá hấp tấp trong việc mở rộng quy mô hoạt động, trong khi các sản phẩm của Babylon Health còn chưa hoàn chỉnh. Sau khi Harvey gia nhập đội ngũ nghiên cứu, công ty đã trấn an anh rằng nhóm khoa học dữ liệu của họ đang làm việc trên một biểu đồ tri thức, kết nối các thông tin bằng xác suất. Harvey và các bác sĩ lâm sàng khác phải cung cấp dữ liệu bằng cách trả lời hàng nghìn câu hỏi, chẳng hạn như “Xác suất một người mắc bệnh vàng da bị viêm gan là bao nhiêu?” Các câu hỏi dần dần trở nên chi tiết hơn, chẳng hạn như “Xác suất một người nào đó bị vàng da trong hai tuần và mắc bệnh viêm gan B là bao nhiêu?”
“Các câu hỏi ngày càng tào lao và không liên quan,” Harvey nói, anh khẳng định đó không phải là AI.
Đài BBC từng đến trụ sở của Babylon để quay phim về công nghệ này. Nhưng có một vấn đề: Ứng dụng vẫn chưa hoàn thiện. Nó chỉ được mô hình hóa cho các bệnh về tiêu hóa; về cơ bản là những vấn đề liên quan đến dạ dày. Ứng dụng thậm chí còn không có giao diện. Harvey còn nhớ một nhà khoa học dữ liệu đã phải ngủ lại văn phòng nhiều đêm và cả cuối tuần để chạy đua với thời gian hòng dựng lên thứ gì đó trông giống như một ứng dụng. “Nhưng tất cả chúng tôi đều biết… đó không phải là sản phẩm chúng tôi đang tạo ra,” Harvey nói. “Đây là bản mô phỏng của một thứ gì đó đã được thực hiện một cách vội vã nhằm trình diễn cho BBC.” Lời kể của Harvey đã được chứng thực bởi một cựu nhân viên khác.
Ứng dụng chẩn đoán của Babylon, có tên là GP at Hand, được ra mắt vào năm 2017, hứa hẹn sẽ giúp giải quyết danh sách chờ khám dài dằng dặc của NHS bằng cách tự động hóa một số câu hỏi của bệnh nhân.
Nhiệm vụ của Harvey tại Babylon là thuyết phục các cơ quan quản lý rằng họ có thể sử dụng ứng dụng này để phân loại bệnh nhân, giúp xác định mức độ khẩn cấp của bệnh tình để bác sĩ sắp xếp thứ tự khám. Nhưng đây không phải là tham vọng lớn nhất, ông Parsa đã công khai tuyên bố vào năm 2017 rằng họ có thể chẩn đoán bệnh nhân: một lời tuyên bố gây sửng sốt. Harvey kể rằng ông ấy gần như ngày nào cũng đến gặp anh để hỏi xem liệu họ đã nhận được giấy phép theo quy định hay chưa, và lúc nào Harvey cũng phải giải thích rằng họ sẽ có được nó – nhưng chỉ để phân loại bệnh nhân thôi.
Cuối năm đó, công ty khẳng định công cụ AI của họ hoạt động tốt hơn bác sĩ trong một bài kiểm tra khả năng chẩn đoán (tất nhiên, các chuyên gia đều nghi ngờ về mức độ khả thi của lời khẳng định). Dù bị nhiều chuyên gia chăm sóc sức sức khỏe chỉ trích, song ứng dụng GP at Hand ngày càng phổ biến. Lúc bấy giờ, Harvey đã quyết định nghỉ việc và quay trở lại NHS để làm chuyên gia tư vấn
Một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính hiệu quả của công cụ AI do Babylon Health phát triển là chuyên gia ung thư của NHS, David Watkins. Lúc đầu, ông chỉ đăng lên Twitter bằng tài khoản ảo những sai lệch bất thường so với tiêu chuẩn lâm sàng mà bot của Babylon Health sẽ gặp phải, chẳng hạn như bot hỏi một phụ nữ 66 tuổi lo lắng về khối u ở vú xem cô ấy có đang mang thai hay đang cho con bú hay không, và cuối cùng nó đã thất bại trong việc phát hiện ra các triệu chứng của cơn đau tim. Trong một thông cáo, công ty đã gọi ông là “kẻ chọc ngoáy”.
Một báo cáo năm 2017 của Ủy ban Chất lượng Chăm sóc, cơ quan quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội ở Anh, đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của các dịch vụ mà công ty cung cấp – Babylon Health lập tức dọa kiện Ủy ban. Về sau, vào năm 2020, công ty rốt cục phải thừa nhận rằng ứng dụng GP at Hand của họ đã làm rò rỉ dữ liệu, có nghĩa là người dùng có thể xem hàng chục cuộc gọi video tư vấn của các bệnh nhân khác. Và, ngay cả khi dịch vụ của họ đã được áp dụng trên toàn quốc, Babylon Health vẫn đang gặp khó khăn để làm cho mô hình của họ sinh lời ở Anh. Ông Parsa đổ lỗi cho sự thất bại của Babylon là vì vấn đề cơ cấu của NHS, khiến startup này không bao giờ có thể thu được lợi nhuận. Babylon đã chấm dứt hợp đồng với NHS vào tháng tám năm ngoái.
Thành Babylon đã đổ
Không chỉ gói gọn hoạt động ở Anh, từ lâu ông Parsa đã có tham vọng vươn ra toàn cầu. Công ty mở văn phòng ở Canada nhưng đã chuyển nhượng cho một bên khác vào năm 2021. Cùng năm đó, một cuộc điều tra của Chính phủ Canada cho thấy ứng dụng này không tuân thủ các quy định về quyền riêng tư của quốc gia. Babylon chuyển hướng sang Mỹ, nơi họ có thể kiếm được bộn tiền nhờ các chương trình bảo hiểm y tế Medicaid và Medicare. Ông Parsa thậm chí còn chuyển đến sống ở đó.
Nhưng kế hoạch ‘Mỹ tiến’ rốt cục cũng thất bại. Đó là một thị trường đông đúc, trong khi Babylon chưa đủ sức để cạnh tranh. “Có rất nhiều công ty công nghệ y tế có quy mô lớn ở đây đã tồn tại lâu hơn Babylon rất nhiều”, bà Christina Farr, nhà đầu tư công nghệ y tế thuộc OMERS Ventures ở San Francisco, cho biết. Một cựu nhân viên nhận định ông Parsa không nhận thức được rằng Mỹ là một thị trường đã vững chắc – chứ không phải là một thị trường non trẻ. Ngay cả việc ra mắt thị trường chứng khoán của công ty cũng nhanh chóng đi xuống.
Trong vòng 18 tháng kể từ khi niêm yết, cổ phiếu của Babylon đã giảm 99%. Ông Parsa mô tả vụ rớt đài này là một “thảm họa không thể tin được, không thể giải quyết được”. Thực chất điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù Babylon đang tạo ra doanh thu nhưng lại lỗ rất nhiều tiền. Năm 2022, công ty lỗ 221 triệu USD. Trong ba tháng đầu năm 2023, nó lỗ thêm 63 triệu USD. Vào tháng 5/2023, quỹ cho công ty vay nhều nhất, Albacore Capital, đã cố gắng sáp nhập nó với một công ty công nghệ y tế khác, MindMaze. Thương vụ sáp nhập đã thất bại vào đầu tháng tám.
Babylon không phải là công ty đầu tiên trong lĩnh vực AI và chăm sóc sức khỏe gặp khó khăn trong việc chuyển các chiến dịch quảng bá rầm rộ sang thành công về mặt thương mại. David Wong, phó giáo sư về khoa học dữ liệu và tin học y tế tại Đại học Leeds ở Anh, cho biết số phận của nó “đặt ra câu hỏi xung quanh cách chúng ta có thể thương mại hóa AI trong chăm sóc sức khỏe”. PGS Wong chỉ ra một thất bại khác: sự sụp đổ của Sensyne Health, một công ty khởi nghiệp về AI, khiến hai quỹ tín thác NHS tiêu tốn 18 triệu USD khi bị hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch chứng khoán London vào năm 2022. Cùng năm đó, IBM bán phá giá Watson Health. Chưa hết, Olive AI, một công ty khởi nghiệp tự động hóa chăm sóc sức khỏe trị giá 4 tỷ USD vào năm 2021, đã cắt giảm 1/3 số lượng nhân viên của mình vào tháng 2/2023.
Các chuyên gia cho rằng lý do khiến các công ty như Babylon thất bại chỉ đơn giản là vì những ứng dụng – dù hiện đại đến mấy – cũng khó lòng thay thế các bác sĩ lâm sàng bằng xương bằng thịt. Những thuật toán vô tri vô giác không thể chăm sóc bệnh nhân một cách chu đáo, hợp lý như con người.
Khởi nghiệp là một cuộc chiến khó lường. “Rất nhiều người có ý tưởng thú vị để khởi nghiệp nhưng hầu hết trong số đó đều không thành công,” Wong kết luận.
Ngô Thành