Startup chuyên ngành cơ khí: Những kẻ liều lĩnh, đơn độc?
Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thường không mấy quan tâm tới các startup cơ khí, mặc dù các sản phẩm của họ có tiềm năng lớn đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao và đồ dân dụng. Theo nhận định của một mentor, cứ 100 startup thì có tới 99% “rơi rụng” ngay chặng đầu khởi nghiệp. Và nếu là “dân” cơ khí, cơ hội nằm trong số 1% thành công vô cùng mong manh.
Thiết bị bón phân cho cây ngô. Tiến độ : Đã thử nghiệm, cần cải tiến nhiều nếu muốn phát triển. Sản phẩm tương tự tại Việt Nam: Chưa có. Ảnh do nhóm BKACM (Đông Phong) cung cấp.
Giỏi + đam mê: Vẫn thất bại!
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hầu như ai cũng biết đến BKACM (hiện đổi tên là Đông Phong), không chỉ vì những giải thưởng nhóm giành được tại các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp mà còn vì BKACM là startup đúng nghĩa duy nhất giữa rất nhiều các nhóm nghiên cứu cơ khí trẻ giàu tiềm năng nhưng lại xem khởi nghiệp là giấc mơ xa vời.
BKACM có khởi đầu khá thuận lợi khi dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tích hợp hai chức năng gieo hạt và bón phân cho cây ngô” về nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – Startup Ideas” 2015 do Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NTBIC) tổ chức. Thành tích này rất đáng tự hào bởi trong các cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp, khối cơ khí thường thiệt thòi hơn khối công nghệ thông tin do mô hình sản phẩm không cho thấy ngay hiệu quả và giá trị thương mại.
Từ bước đệm ấy, sau khi tiếp tục khảo sát nhu cầu thị trường, BKACM chọn máy nông nghiệp tự động làm hướng đi chính, nhắm đến các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ và đến nay, đã chế tạo hoàn chỉnh, chạy thử ba sản phẩm: máy bón phân cho ngô, mía, cỏ. Chưa kể, hai máy khác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, không sản phẩm nào ra được thị trường và cuộc chào hàng tới một doanh nghiệp chuyên về sản xuất phân bón cũng thất bại. Ngoài số tiền thưởng (thường chỉ vừa đủ để làm mô hình sản phẩm) có được từ các cuộc thi, số vốn đầu tư đều do các thành viên của nhóm tự bỏ tiền túi. Sau ba năm khởi nghiệp, họ chưa “kiếm” được đồng lãi nào, thậm chí, còn “mất trắng” 10 triệu đồng do một lô sản phẩm mắc lỗi kỹ thuật. Với các sinh viên chưa ra trường hoặc mới tốt nghiệp, đấy là khoản tiền rất lớn. Dù vậy, trưởng nhóm Tạ Đức Cường khẳng định, BKACM không từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp nhưng nhóm cần dừng lại một thời gian ngắn để kiện toàn đội ngũ, điều chỉnh hướng đầu tư sản phẩm sau khi đã “ngấm” nhiều bài học thực tiễn “đắt giá”. Cường cũng nhận ra, nhóm của mình còn “non” cả về kỹ thuật lẫn kinh nghiệm khảo sát nhu cầu thị trường và chọn ý tưởng.
Nhìn vào hành trình chông gai của BKACM, dễ hiểu vì sao nhiều nhóm nghiên cứu khác chùn bước dù vẫn hào hứng tham gia các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp. Lý do chính, là để có kinh phí nghiên cứu, còn chuyện khởi nghiệp thì “chưa nghĩ đến” như chia sẻ của The Fobik, một nhóm khác của Đại học Bách khoa đã giành giải đặc biệt cuộc thi Kiến tạo giải pháp công nghệ – kỹ thuật để giải quyết những vấn đề nông nghiệp Hackafarm Innovation Camp Việt Nam 2016 với dự án “Máy gieo hạt hút chân không” và giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức (Đại học Leipzig, CHLB Đức và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức) với dự án Xe đạp gấp. Dẫu không bị “quăng quật” trong thực tế như BKACM, nhưng cũng như các các nhóm nghiên cứu cơ khí khác, The Fobik nhận thức rõ những khó khăn với startup khi “liều mạng” thử sức kinh doanh, chẳng hạn: khó gọi vốn từ các vườn ươm do sản phẩm gần như không thể sinh lãi ngay tức thì, doanh nghiệp thường đánh giá thấp khả năng mang lại lợi nhuận của sản phẩm, khó đăng ký bản quyền nếu sản phẩm quá đơn giản hoặc chỉ là cải tiến các máy đã có trên thị trường, sản phẩm dễ bị “nhái” và rào cản đầu tiên chính là: Không có kinh phí!
Ai cũng biết, nếu như ở nước ngoài, chuyên ngành cơ khí nhận được nhiều ưu đãi, sinh viên có thể nghiên cứu sản phẩm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường thì ở Việt Nam, “dân” cơ khí nói chung, bao gồm thầy, trò, các startup, các doanh nghiệp… đều chịu thua thiệt do ít nhận được hỗ trợ hơn so với các ngành đang là xu thế. Chị Phạm Vân Anh (Mentor thuộc câu lạc bộ TIG1 – Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích rõ hơn về thực trạng của các nhóm nghiên cứu cơ khí: “Nhiều nhóm rất tài năng nhưng chọn cách giữ các ý tưởng ‘hay ho’ trong đầu và cũng không có ý định bán cho ai cả. Họ chỉ âm thầm nghiên cứu hoặc chọn con đường an toàn là ‘theo’ thầy – người có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp, ‘làm nghề’ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp”. Đó là lý do các sinh viên dám nuôi chí khởi sự kinh doanh chỉ đếm trên đầu ngón tay và startup cơ khí duy nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội cho đến nay vẫn là BKACM.
Không đơn độc
Có thể thấy, BKACM là điển hình cho một nhóm startup chọn con đường tự lực khởi sự kinh doanh, tự trang bị máy móc, tự lựa chọn ý tưởng đầu tư…. và hoạt động theo cách khá bản năng. Tuy nhiên, nhóm không hoàn toàn đơn độc trên hành trình khởi nghiệp mà nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ bà Phan Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Công ty TNHH thương mại cơ khí Khải Minh), người giữ vai trò còn hơn cả một mentor đối với BKACM.
Đã “lăn lộn” trong ngành cơ khí hơn 20 năm ở lĩnh vực phụ tùng lưỡi xới đất máy cày, bà Diệp hiểu rõ điều gì làm nên lợi thế cạnh tranh cho các loại máy nông nghiệp cũng như những nhược điểm trong các máy do nhóm của Cường thực hiện. Tuy nhiên, bà vẫn “sát cánh” cùng BKACM, bởi: “Đấy là nhóm sinh viên thực sự có tố chất, cả về nhiệt huyết, tiềm năng lẫn đức độ” và: “Nếu không được hỗ trợ để thực tập từ những việc nhỏ nhỏ như thế thì đến việc lớn sau này, các bạn sẽ không biết phải triển khai thế nào”.
Khi BKACM gần như bế tắc trong việc bán sản phẩm cho doanh nghiệp, lời khuyên từ mentor đặc biệt này đã vực dậy tinh thần của cả nhóm. Đơn giản, bà Diệp kể lại chính câu chuyện tìm đường ra thị trường cho sản phẩm của mình. “Trong lĩnh vực cơ khí, không có chuyện một hay hai năm đã ra được sản phẩm. Để sản xuất hàng loạt một sản phẩm mới, cô phải bỏ ra không dưới năm năm, bao gồm cả thời gian nghiên cứu, chào mẫu và tặng mẫu cho khách sử dụng, rồi chờ đợi phản hồi để chỉnh sửa sản phẩm cho hoàn thiện. Đã chọn ngành cơ khí thì mình cũng xác định luôn, con đường đi sẽ dài và gập ghềnh hơn các ngành khác. Quan trọng là trong quá trình gia công máy, tiếp cận người tiêu dùng và doanh nghiệp, các cháu đã nắm được khâu tổ chức sản xuất một thiết bị cơ khí để giảm thiểu những rủi ro trong tương lai. Thà mình mất 10 triệu, 20 mươi triệu bây giờ còn hơn sau này, có khả năng mất đến tiền tỷ”. Cũng theo bà Diệp, với startup chuyên ngành cơ khí, thành công hay không ở bước đầu khởi nghiệp không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là học được khâu tổ chức, biết cách hoạch định lộ trình cũng như kinh nghiệm chế tạo một sản phẩm. Dù “chào hàng” và gọi vốn chưa thành công thì ít nhất, các bạn cũng hiểu được, việc phân phối sản phẩm “mắc” ở chỗ nào.
Chính từ thất bại này, nhóm của Cường đã hiểu rõ, việc lựa chọn sản phẩm “đánh” trúng nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Và muốn vậy, cần phải xâm nhập thực tế tại vùng nghiên cứu, tìm hiểu nhiều người chứ không chỉ năm, sáu người rồi “thêu dệt” ý tưởng theo cách khá chủ quan. Tới đây, thay vì đầu tư cho máy tích hợp nhiều chức năng, BKACM sẽ tập trung vào máy nông nghiệp một chức năng. Đó là sự chuyển hướng hợp lý trong thời điểm các hộ nông dân vẫn quen “lao động chân tay” và không muốn bỏ quá nhiều tiền để mua máy nông nghiệp tự động. Một sản phẩm khác được nhóm “nhắm” tới là máy tự động tưới nước, bón phân cho cỏ, nhiều khả năng có thị trường rộng mở nếu tính đến mật độ sân golf tại Hà Nội. Bà Diệp cũng tư vấn cho BKACM về hướng phát triển trong tương lai, đó là, phải tìm cách cộng tác với một viện quy hoạch nông nghiệp để nhận được sự giúp đỡ từ phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm. Từ đấy, nhóm sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ về đặc tính của các giống cây, mới có hướng chuẩn để thay đổi thiết kế cho phù hợp.
Điều thú vị, mối duyên giữa mentor “không chuyên” Phan Thị Ngọc Diệp và BKACM lại bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trên một trang mạng về nghiên cứu máy nông nghiệp. Qua những lần chat inbox, hai bên nhận ra nhiều điểm tương đồng và từ đó, thiết lập một mối quan hệ, có lẽ, còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều mối quan hệ đơn thuần giữa mentor và mentee. Đó là ví dụ cho thấy, nếu chịu khó tìm kiếm các kênh thông tin, các startup sẽ không đơn độc trên đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của “dân” cơ khí nói riêng và Bách khoa nói chung, như nhận xét của mentor Phạm Vân Anh, là: “ chỉ thích nghiên cứu âm thầm”, e ngại những gì thuộc về bề nổi và chưa thực sự chủ động tìm đến các mentor hay các vườn ươm. Đó là lý do, câu lạc bộ TIG đặt mục tiêu gần: hình thành một hệ thống các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, vừa là những người thầy vừa hoạt động như các mentor và quy tụ các nhóm sinh viên tài năng, giữa hai bên phải có sự kết nối mạnh mẽ. Hiện tại, TIG đang có sáu nhóm nghiên cứu, mỗi nhóm tập trung vào các dự án riêng cả cơ bản lẫn ứng dụng. Một trong những gương mặt “sáng” của TIG là The Fobik, đã “gặt hái” thành công ngoài mong đợi. Dù chỉ giành giải khuyến khích tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức nhưng nhóm lại được tập đoàn BK Holdings, một trong những vườn ươm uy tín hỗ trợ “nóng” 10 triệu đồng để chế tạo sản phẩm mẫu, ra mắt vào tháng Tư tới. Như nhận xét của mentor Vân Anh, The Fobik nhận được sự ưu đãi này không chỉ nhờ chất lượng sản phẩm mà còn vì BK Holdings đã nhận thấy tiềm năng về con người của nhóm. Hiện tại, The Fobik dồn lực cho sản phẩm mẫu xe đạp gấp theo hướng: hạ giá thành bằng vật liệu thông dụng và tăng cường kết cấu cơ khí nhằm tạo nên một sản phẩm nhỏ, gọn, nếu gấp theo cách khác sẽ tạo ra một dạng xe kéo hàng. Trong thời điểm Hà Nội đẩy mạnh các phương tiện giao thông công cộng, sản phẩm này có nhiều khả năng cạnh tranh so với các mẫu xe đạp gấp đang có trên thị trường, cồng kềnh hơn và giá thành rất đắt. Còn dự án “Máy gieo hạt hút chân không” được “để dành” cho tương lai và nhóm cũng xác định, hướng đến các trang trại sản xuất quy mô lớn.
Khác với BKACM, The Fobik là điển hình cho các nhóm nghiên cứu cơ khí được đào tạo bài bản, có tư duy nghiên cứu, phát triển sản phẩm, biết cách phân phối thời gian, công việc, thời điểm nào thì nên đầu tư cho sản phẩm nào. Ngoài ra, nhóm còn nhận được hỗ trợ “sát sườn” về kỹ thuật chuyên môn từ chính những người thầy – mentor của mình. Họ chắc chắn không đơn độc trên chặng đường nghiên cứu phía trước. Chỉ có điều, chưa biết, với những lợi thế đó, họ có dám vượt qua chính mình để trở thành một startup hay không.
———-
1 Câu lạc bộ TIG (Technology – Innovation – Globalization) được thành lập vào tháng 2-2016 với tiêu chí: đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ; tiến tới toàn cầu hóa cả về sản phẩm và con người, đồng thời, đặt mục tiêu xa: đến năm 2020, là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ sư R&D cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.