Stradivari và cuộc tìm kiếm chưa kết thúc
Thật tình cờ khi tôi biết hai nghệ sỹ rất tài năng, Laura Hamilton và Lanny Paykin, cũng là cha mẹ của bạn gái tôi. Hamilton chơi violin và là concertmaster cộng tác của Dàn nhạc Opera Metropolitan; Paykin là nghệ sỹ cello tự do thường xuyên chơi tại Trung tâm Lincoln, cho các chương trình Broadway và trong các bộ phim và chương trình truyền hình. Chúng tôi đã tụ họp tại căn hộ chật chội của tôi ở West Philadelphia để nói về điều làm nên âm thanh độc đáo của các nhạc cụ Cremona.
Rối tinh rối mù
Không ai sở hữu một cây Stradivarius hay Guarneri mà không bị ám ảnh bởi các nhạc cụ này, nhưng giống như hầu hết những người chơi đàn dây cổ điển, họ tin rằng có điều gì đó đặc biệt về âm thanh của những nhạc cụ đó, cho dù âm thanh đó được tạo ra bởi sự lắp ráp chính xác, gỗ hay vec-ni. Laura Hamilton, nghệ sĩ violin và là concertmaster cộng tác của Dàn nhạc Opera Metropolitan, người đã chơi ít nhất một vài nốt trên cây Strad của một người bạn, đã cố gắng mô tả âm thanh của những nhạc cụ hay nhất:
“Tôi nghĩ điều mà chúng ta cần cho các phòng hòa nhạc lớn của chúng ta chính là sự kết hợp giữa tập trung và phóng âm, và cũng chính là độ ấm áp và độ phong phú, âm sắc thú vị, kết cấu thú vị, chứ không chỉ là một âm thanh tia lazer, bạn hiểu không?”
Hamilton đã nhanh chóng giải thích rằng có cả một bộ từ vựng thuật ngữ âm nhạc mà hầu hết mọi người không quen thuộc, không khác gì cách những người sành rượu nói về các vị “hăng” và “rêu”. Cuộc trao đổi đó khiến tôi tự hỏi liệu có nhà nghiên cứu nào yêu cầu các nghệ sỹ chuyên nghiệp nắm bắt được sở thích âm nhạc của họ theo cách khoa học hay không. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Germain đã đề cập đến một nhà nghiên cứu tên là Claudia Fritz tại Đại học Pierre và Marie Curie ở Paris, người làm việc trong một lĩnh vực có cái tên hấp dẫn đến mức tôi phải kiểm tra lại để đảm bảo là mình đã nghe chính xác.
Lĩnh vực này được gọi là tâm lý học âm học [psychoacoustics], và nó nằm ở chỗ giao thoa giữa tâm lý học và kỹ thuật âm học. Thay vì đo sóng âm, Fritz và các đồng nghiệp của cô nghiên cứu cách mọi người cảm nhận âm thanh một cách chủ quan. Cứ hỏi Fritz câu hỏi cũ về một cái cây đổ trong rừng mà không có ai xung quanh để nghe thấy, và đánh giá chuyên môn của cô có lẽ sẽ là “ai quan tâm chứ?”
Một thí nghiệm chỉ kiểm tra một số ít đàn violin không nên được khái quát hóa cho tất cả các nhạc cụ Cremona.
Khi tìm hiểu về nghiên cứu của Fritz, tôi thấy rằng vào năm 2010, cô đã tiến hành một thí nghiệm mù kép để xác định xem liệu các nghệ sỹ violin lành nghề có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các nhạc cụ cũ và mới hay không. Trong một cuộc thi violin ở Indianapolis, Fritz đã mời 21 nghệ sỹ đến một phòng khách sạn và giới thiệu với họ sáu cây violin trong đó có hai cây Stradivari, một cây Guarneri và ba cây violin hiện đại được ngụy trang để trông giống đồ cổ. Mỗi người tham gia có một phút để thử nghiệm các cây violin theo cặp, với một cây hiện đại và một cây cổ trong mỗi cặp. Trong mỗi cặp trong 10 cặp đàn thí nghiệm, người chơi được yêu cầu chọn ra nhạc cụ mà họ ưa thích. Khi hoàn tất, những người tham gia thí nghiệm được cho 20 phút để chơi bất kỳ cây violin nào và đánh giá chúng theo âm điệu, độ đáp ứng, độ dễ chơi và độ phóng âm. Cuối cùng, họ được yêu cầu chọn cây violin nào mà họ sẽ mang về nhà nếu có thể.
Fritz phát hiện ra rằng 13/21 người tham gia đã chọn một cây violin hiện đại để mang về nhà và một trong những cây Strad bị ghét ở hầu hết mọi hạng mục. Khi các nghệ sỹ được yêu cầu đoán xem nhạc cụ mà họ chọn là cũ hay mới, chỉ có ba người trả lời đúng.
Kết quả thí nghiệm đã được báo chí đưa tin rộng rãi. Tờ The New Scientist đưa tin rằng “các nghệ sỹ violin chuyên nghiệp không phát hiện ra cây Stradivarius trong bài kiểm tra mù”. Tôi cũng đã sẵn sàng gạt bỏ sự huyền bí của nhạc cụ Cremona cho đến khi tôi tình cờ đọc được một bài đăng blog năm 2012 của Laurie Niles, một trong những nghệ sỹ tham gia thí nghiệm
Niles đã nhận diện một số lỗi phương pháp mà cô nghĩ có thể đã ảnh hưởng đến thí nghiệm như nghiên cứu không kiểm tra khả năng của nghệ sĩ trong việc phân biệt đàn Stradivarius với nhạc cụ hiện đại mà chỉ. Nó yêu cầu những người tham gia chọn cây đàn mà họ thích chơi hơn, điều này có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố ít đáng kể như kích cỡ (những người có bàn tay nhỏ thích đàn violin nhỏ hơn) hoặc thực tế là họ ở trong một căn phòng khách sạn có chất lượng âm học kém.
Thứ hai, các nhạc cụ Cremona có thể đã bị tổn hại trước khi thí nghiệm bắt đầu. Trong khi những cây violin hiện đại được chọn vì chất lượng của chúng và được lên dây và căn chỉnh cẩn thận trước khi thí nghiệm, ba nhạc cụ cũ hơn không được căn chỉnh. Nếu một chân trụ âm thanh (sound post) bị lệch đi trong hành trình đến khách sạn, không ai được phép sửa nó và cây violin sẽ nghe tệ hơn một cây violin hiện đại dù không phải do lỗi của nó.
Cuối cùng, thí nghiệm này giống như một lời khen ngợi dành cho những cây violin hiện đại hơn là một bản “cáo trạng” dành cho những cây violin cổ hơn. Có lẽ những cách giải thích khác nhau về thí nghiệm và tất cả các biến số của nó cũng mang tính chủ quan như chất lượng âm thanh mà Fritz đang thử nghiệm. Có lẽ tâm lý học âm học không phải là cách tốt nhất để tìm ra điều gì làm nên sự đặc biệt của một cây Strad.
Tìm thêm manh mối
Năm 2016, Marjan Sedighi-Gilani, một nhà nghiên cứu kỹ thuật tại Zurich, đã sử dụng một cỗ máy như vậy để kiểm tra xem liệu vec-ni có tác động đáng kể đến âm thanh của đàn violin hay không. Cô và các đồng nghiệp đã lấy các mẫu gỗ từ những cây thường được dùng để làm đàn violin. Rồi họ phủ lên mỗi miếng gỗ một trong bốn loại vec-ni khác nhau, hai loại được tạo ra trong phòng thí nghiệm của cô và hai loại được lấy từ các nhà làm đàn violin người Đức, những người chế vec-ni theo cách truyền thống của người Cremona. Rồi Sedighi-Gilani truyền xung âm thanh qua gỗ trong khi quét các mẫu bằng cách chụp X-quang, cùng loại công nghệ được sử dụng để xác định chấn thương não. Sau khi ghép các lát lại với nhau, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bản đồ ba chiều của gỗ khi nó rung động để phản ứng với sóng âm.
Không có lý do gì để một nghệ sỹ ngôi sao mua một nhạc cụ Ý cổ khi họ có thể có thứ gì đó tốt y như vậy với giá chỉ bằng một phần nhỏ.
Sedighi-Gilani phát hiện ra rằng sự hiện diện của vec-ni làm giảm âm trong khi đẩy nó ra theo hướng vuông góc với thớ gỗ (Thông thường, các nhạc cụ không có vec-ni sẽ phát ra âm thanh cùng hướng với thớ gỗ). Nói cách khác, vec-ni nhanh chóng làm im tiếng violin sau khi nó bắt đầu rung, đồng thời phát ra âm thanh đều hơn theo mọi hướng. Vec-ni chuyên nghiệp do những người làm đàn violin Đức sản xuất gây ra nhiều giảm và phóng âm hơn vec-ni được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Paykin ví hiệu ứng này như “một diễn viên sẽ thì thầm trên sân khấu”.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng vec-ni được tạo ra trong phòng thí nghiệm thấm sâu vào gỗ và mỏng dần theo thời gian. Các bản quét nhạc cụ từ thời Stradivari cho thấy vec-ni vẫn dày và nằm gần bề mặt hơn, mặc dù phần lớn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, như tôi đã chứng kiến trong cửa hiệu của Germain. Độ dày và độ ổn định đó có thể đã bảo tồn khả năng giảm và phóng âm của nhạc cụ trong hàng trăm năm.
Dĩ nhiên máy móc không thể cho bạn biết liệu một cây Strad có âm thanh tốt hơn một cây violin hiện đại hay không. Sedighi-Gilani chỉ có thể kết luận rằng vec-ni có tác động vật lý đến âm thanh của một nhạc cụ. Điều này có vẻ hiển nhiên; các vật liệu góp phần ảnh hưởng đến âm thanh của nhạc cụ. Nhưng mỗi lần các nhà nghiên cứu tạo ra một kết nối khác (trong trường hợp này là giữa vec-ni và sự phóng âm), các nghệ nhân làm đàn như Germain lại tiến gần thêm một bước nữa đến việc kiểm soát hoàn toàn âm thanh của nhạc cụ họ làm ra.
Tôi đã nói chuyện với các nghệ sỹ chuyên nghiệp, phỏng vấn một nhà làm đàn violin và đọc vô số nghiên cứu khoa học, nhưng tôi chưa xem xét góc nhìn của một khán giả trung bình. Các nhạc cụ Cremona chỉ trở nên nổi tiếng vì những người nghe chúng quyết định rằng chúng nghe hay hơn các nhạc cụ khác. Liệu chúng có còn giữ được vị thế khi khán giả không biết họ đang nghe một cây Strad không?
Trong khi các nghệ sỹ chuyên nghiệp ở thí nghiệm mù kép của Fritz bị giới hạn trong một phòng khách sạn nhỏ, các thí nghiệm nghe gần đây của khán giả gợi ra rằng mọi người có thể phân biệt được sự khác nhau giữa một cây Strad và một cây đàn violin hiện đại trong một phòng hòa nhạc lớn, nơi mà sự phóng âm là con át chủ bài. Vào tháng 4 năm 2015, một thí nghiệm không chính thức đã được thiết lập tại Trung tâm Barbican ở London. Trước Dàn nhạc giao hưởng London, nhạc trưởng của dàn nhạc, Roman Simovic, đã chơi trên sáu cây violin cho khán giả nghe, một trong số đó là một cây Stradivarius. Sau khi Simovic chơi xong, khán giả đã bình chọn cây Strad là cây đàn họ yêu thích của mình một cách áp đảo.
Một thí nghiệm lén lút hơn nhiều đã được thực hiện vào năm 2007 bởi người giữ mục cho tờ Washington Post, Gene Weingarten, trong giờ cao điểm tại tàu điện ngầm Washington, D.C. Weingarten đã hợp tác với nghệ sỹ violin nổi tiếng Joshua Bell và cây Strad 300 năm tuổi, được biết đến với tên gọi Gibson ex-Huberman mà giống như cây Strad của Totenberg, đã từng bị đánh cắp và thất lạc trong nhiều thập kỷ. Bell, người thường biểu diễn trong chiếc sơ mi đen bóng bẩy tại các phòng hòa nhạc cháy vé, gần như không thể được nhận ra trong chiếc quần jean và mũ bóng chày khi ông bắt đầu biểu diễn kiếm tiền bên cạnh một thùng rác ngay bên ngoài Ga tàu điện ngầm L’Enfant Plaza. Trong khi đó, Weingarten, sử dụng một camera bí mật, theo dõi những hành khách đi ngang qua. Trong suốt 45 phút, hơn 1.000 người đã đi ngang qua một trong những nghệ sỹ tài năng nhất thế giới đang chơi một trong những nhạc cụ được đánh giá cao nhất từng được chế tạo ra. Chỉ có bảy người dừng lại để lắng nghe và chỉ có một người nhận ra Bell thực sự là ai (Bell đã kiếm được 32 USD cho màn biểu diễn của mình).
Khi một người biểu diễn thực sự kết nối với một nhạc cụ, nó không còn chỉ là những vật liệu tạo nên các đặc tính vật lý của nó nữa; nó trở thành một phần mở rộng của cơ thể người biểu diễn, một phần phụ thấm nhuần sức mạnh và sức nặng của 300 năm lịch sử.
Thí nghiệm của Weingarten không phải là một đánh giá công bằng về khả năng nhận ra một cây Stradivarius của khán giả; hầu hết những người tham gia một cách vô thức chỉ cố gắng đi làm đúng giờ. Nhưng cuộc biểu diễn này ủng hộ ý tưởng rằng ở bên ngoài bối cảnh, một cây violin Cremona nghe cũng giống như bất kỳ nhạc cụ có chất lượng chuyên nghiệp nào khác. Ngay cả những người dừng lại để nghe Bell cũng có thể dừng lại để nghe bất kỳ nghệ sỹ đường phố nào. Theo nghĩa đó, bí mật của một cây Strad có thể bị gạt bỏ như thành kiến nhận thức đơn thuần; người ta mong đợi nó nghe hay hơn thực tế và họ tự cho rằng nó đặc biệt vì họ muốn như vậy. Sẽ khá thất vọng khi phải trả hàng trăm đô la cho một vé hòa nhạc hoặc hàng triệu đô la cho một cây violin mà không nhận được thứ bạn mong đợi. Germain đã đề cập đến ý tưởng này trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi: “Nếu bạn được thông báo trước rằng bạn đang nghe một cây Stradivarius, thì sẽ có vầng hào quang đó. Tôi nghĩ nó được gọi là hiệu ứng hào quang trong khoa học. Bạn mong đợi mọi thứ tốt hơn hoặc khác biệt so với thực tế”.
Fritz đã đi đến một kết luận tương tự trong thí nghiệm mù kép lần thứ hai được tiến hành vào năm 2012 nhằm đến tất cả các mối quan tâm về phương pháp luận của thí nghiệm đầu tiên. Thí nghiệm mới diễn ra tại một phòng hòa nhạc lớn cũng như phòng tập ở Paris. Fritz đã mời 10 nghệ sỹ độc tấu nổi tiếng nhất thế giới và những người tham gia được dành nhiều thời gian hơn với số lượng nhạc cụ gấp đôi. Kết quả gần như giống hệt với thí nghiệm thứ nhất; cây violin được ưa chuộng nhất là cây violin hiện đại và cây violin bị ghét nhất là cây violin Stradivarius. Các nghệ sỹ có thể đoán được nhạc cụ nào là cũ hay mới với tỷ lệ khoảng 50%, không tốt hơn việc tung đồng xu.
Chiếc đinh cuối cùng đóng vào hộp dựng violin, ít nhất là đối với tôi, là khi Fritz đã công bố một nghiên cứu khác vào tháng 5 năm 2017, dường như bóc trần quan niệm rằng các nhạc cụ Cremona có thể được chơi nhẹ nhàng trong khi phóng âm cực xa. Trong hai thí nghiệm mù kép, một nhóm khán giả gồm 55 người ở Paris và 82 người ở New York khẳng định rằng violin hiện đại luôn kêu to hơn đàn Stradivari hoặc Guarneris, cả trên sân khấu và ở phía sau khán phòng. Và Fritz một lần nữa phát hiện ra rằng các cây violin hiện đại được cả người biểu diễn lẫn khán giả đánh giá cao hơn về chất lượng âm thanh tổng quát. Ít người phản đối các thí nghiệm. Có thể là thí nghiệm không tính đến khả năng đàn violin hiện đại dễ được chơi thành thạo hơn nhiều ngay lập tức nhưng các nhạc cụ Cremona đòi hỏi sự kiên nhẫn và luyện tập mà chỉ có hiệu quả sau nhiều tháng hoặc nhiều năm. Niles đã cảnh báo, một thí nghiệm chỉ kiểm tra một số ít đàn violin không nên được khái quát hóa cho tất cả các nhạc cụ Cremona. Những ý kiến khác cho rằng không có lý do gì để một nghệ sỹ ngôi sao mua một nhạc cụ Ý cổ khi họ có thể có thứ gì đó tốt y như vậy với giá chỉ bằng một phần nhỏ.
Những bình luận như vậy có thể gây sợ hãi cho những người buôn bán đàn violin, những người phát đạt từ việc bán những nhạc cụ trị giá hàng triệu đô la cho cả nghệ sỹ và nhà sưu tập. Nhưng bất kỳ nỗi sợ hãi nào như vậy đều là quá sớm: thị trường nhạc cụ Ý vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Năm 2011, Lady Blunt Stradivarius, một trong những cây Strad được bảo quản tốt nhất thế giới, đã được bán đấu giá với giá 15,9 triệu USD và vẫn giữ kỷ lục là nhạc cụ Cremona đắt đỏ nhất. Ở mức thấp hơn, các cây đàn Strad trong tình trạng kém hơn được bán với giá từ 1 triệu đến 3 triệu USD nhưng các nhà sưu tập dự đoán giá trị của chúng sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm.
Philip Johnson gần như chắc chắn sẽ không đồng tình với phát hiện của Fritz. Anh ta chính là kẻ đã lấy cây Stradivarius của Totenberg. Không giống như nhiều tên trộm nghệ thuật và nhạc cụ khác, Johnson chưa bao giờ có ý định bán chiến lợi phẩm của mình. Johnson túng thiếu đến mức phải chôm chỉa đồ ăn từ các cửa hàng tạp hóa nhưng vẫn không bán đàn. Không thể mang nó đến một cửa hiệu sửa chữa chuyên nghiệp vì sợ bị phát hiện, anh ta đã hàn gắn nó bằng keo dán Elmer và cố gắng tự mình lên dây và giữ cho nhạc cụ hoạt động bình thường.
Đến đầu năm 2011, Johnson rơi vào tình trạng tồi tệ hơn cả cây Stradivarius vì ung thư tuyến tụy. Johnson qua đời ở tuổi 58, để lại cây violin mà mình tuyên bố có giá trị khoảng 30.000 USD cho Thanh Tran, vợ cũ của anh ta. Năm 2015, Tran đã gửi các ảnh chụp cây đàn cho một người thẩm định, người này ngay lập tức nhận ra đó là một cây Stradivarius đích thực. Phát biểu với National Public Radio (NPR), người thẩm định nhớ lại là đã nói với Tran rằng, “Tin tốt là đây là một cây Stradivarius. Tin xấu là nó đã bị đánh cắp từ 35, 36 năm trước từ Roman Totenberg”. Totenberg đã qua đời năm 2012 ở tuổi 101 còn Nina, cô con gái lớn nhất, phóng viên viết về việc lấy lại được cây đàn cho NPR, kể rằng cây violin mất tích đã ám ảnh giấc mơ của cha cô trong suốt quãng đời còn lại.
Mặc dù bị bỏ bê nhiều năm, cây violin cũ vẫn ở trong tình trạng tốt đáng kinh ngạc. Bất kể Johnson có biết hay không, loại keo Elmer rẻ tiền mà anh ta dùng để vá cây Strad có thể hòa tan trong nước, nghĩa là keo sẽ giãn nở và co lại theo gỗ của cây đàn thay vì cưỡng lại những thay đổi tự nhiên về độ ẩm và làm đàn nứt thêm. Không thể phủ nhận rằng tay nghề thủ công của Stradivari đã mang lại cho nhạc cụ của ông tuổi thọ đáng kinh ngạc, ngay cả khi chúng không được bảo dưỡng hoàn hảo. Chỉ sau một năm phục chế, cây violin của Totenberg đã có chân trụ âm và các dây đàn mới, và cuối cùng đã sẵn sàng trở lại sân khấu. Một người con gái khác của Totenberg, Jill, lưu ý “Khi cây violin đó được trả lại cho chúng tôi, chúng tôi thực sự cảm thấy như cha mình đã trở lại căn phòng với chúng tôi vào ngày hôm đó”.
Vào ngày 14/3/2017, nghệ sỹ Mira Wang, một trong những học trò xuất sắc của Totenberg, biểu diễn với cây Strad của Totenberg trước 200 người tại một câu lạc bộ không được tiết lộ ở New York City, bắt đầu bằng tác phẩm của nhà soạn nhạc người Bỉ Eugène Ysaÿe. Khi Wang chơi nốt đầu tiên, không ai quét sóng âm, phân tích một miếng giẻ lau vecni hoặc so sánh âm thanh với âm thanh của một cây violin hiện đại. Họ chỉ đang thưởng thức một màn trình diễn tuyệt vời được truyền tải trên một nhạc cụ được đánh bóng bằng lịch sử và ý nghĩa.
Kể cả khi bí mật của một cây Stradivarius là không có bí mật nào, thì điều đó có thực sự quan trọng không? Không thể tính toán chính xác chất lượng của một bức họa tuyệt vời, và có vẻ như với những cây violin Cremona cũng vậy; rất nhiều giá trị là chủ quan, được xác định bởi người chơi và người nghe. Bất kể Fritz và các nhà nghiên cứu khác thực hiện bao nhiêu nghiên cứu để chứng minh rằng một cây Strad không có gì đặc biệt, mọi người sẽ gán cho nó một điều gì đó hơn thế. Khi một người biểu diễn thực sự kết nối với một nhạc cụ, nó không còn chỉ là những vật liệu tạo nên các đặc tính vật lý của nó nữa; nó trở thành một phần mở rộng của cơ thể người biểu diễn, một phần phụ thấm nhuần sức mạnh và sức nặng của 300 năm lịch sử. Có lẽ sự giao thoa giữa vật liệu và cảm xúc đó chính là lớp tài hoa thêm vào mà khán giả khẳng định rằng họ nghe thấy khi họ khăng khăng rằng một cây Stradivarius là đặc biệt.□
Jacob Roberts1
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.sciencehistory.org/stories/magazine/stradivari-and-the-search-for-brilliance/
—–
1 Cây bút tự do ở Portland, Oregon, và từng thuộc đội ngũ viết bài cho Distillations.
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024