Sự bùng nổ của các ngân hàng ở Việt Nam: Những rủi ro tiềm ẩn

Sau sự kiện mọc lên như nấm của các hợp tác xã tín dụng vào những năm cuối cùng của thập niên 1980, chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến sự ra đời nhiều đến như vậy của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trong thời gian vừa qua. Nhiều ngân hàng mà cách đây một năm rất ít người biết đến bỗng nhiên “lột xác” trở thành các ngân hàng có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng với trụ sở cao hàng chục tầng nằm trên những trục đường phố chính tại Hà Nội hay TP.HCM. Hơn thế, các chi nhánh ngân hàng đã, đang và sẽ được thành lập ở rất nhiều nơi. Ở nhiều tỉnh, hai năm trước đây chỉ có chi nhánh ngân hàng của bốn ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng đến nay con số này đã xấp xỉ 20. Thêm vào đó, hiện nay đang có vài chục bộ hồ sơ xin thành lập mới các ngân hàng được gửi đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chờ xem xét. Tại sao các ngân hàng lại thi nhau mở rộng và điều này mang lại điều gì cho Việt Nam?

Sự bùng nổ của các ngân hàng, điều tất yếu?
Có ý kiến cho rằng xu hướng nâng cấp, mở rộng và xin thành lập mới các ngân hàng là điều tất yếu. Đây chính là tác động tích cực của sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới vì nó đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh ngân hàng hơn nên nhiều người muốn tham gia.
Không phủ nhận việc bùng nổ của các ngân hàng có phần do Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo quan sát của người viết thì có thể đó chỉ là chất xúc tác, trong khi nguyên nhân chính là do sự bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) và kỳ vọng của nhiều người về việc tham gia của các ngân hàng nước ngoài trong thời gian tới sẽ là cơ hội kiếm tiền tuyệt vời nếu có phần sở hữu trong các ngân hàng.
Thứ nhất, nhìn vào TTCK sẽ thấy rằng cổ phiếu của các ngân hàng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu (cả về giá cũng như giá trị thị trường). Nhiều người kiếm được rất nhiều tiền từ việc kinh doanh cổ phiếu ngân hàng. Cầu của loại chứng khoán này luôn ở mức cao đã kích thích mong muốn có thật nhiều cung. Đây là một phần lý do để nhiều người muốn thành lập ngân hàng mới hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ tại các ngân hàng hiện hữu.
Thứ hai, chính sự tăng trưởng quá mức của TTCK đã làm cho nhiều doanh nghiệp từ chỗ giá trị thị trường chỉ vài trăm tỷ đồng đột nhiên tăng lên hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này đã tạo ra cảm giác huy động vốn dễ dàng cho các doanh nghiệp và mong muốn có ngân hàng riêng cho mình.
Thứ ba, nhiều người cho rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ ồ ạt gia nhập thị trường Việt Nam sau khi các cam kết WTO có hiệu lực. Lúc đó, họ sẽ mua lại các ngân hàng trong nước và nếu ngân hàng nào có mạng lưới càng rộng, quy mô càng lớn thì giá sẽ càng cao. Đây có thể là lý do lý giải cho việc các ngân hàng đua nhau thành lập chi nhánh, mở rộng mạng lưới hoạt động của mình.

Những điều đáng quan tâm

Khi mạng lưới được mở rộng, một chi nhánh được thành lập, việc đầu tiên các ngân hàng phải làm là tìm cách tăng trưởng nguồn vốn huy động, tăng trưởng tổng tài sản. Quy mô của ngân hàng, của chi nhánh càng lớn khi số vốn huy động được càng nhiều và tổng tài sản càng lớn. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng trong thời gian qua cho dù đang thừa vốn nhưng không ngân hàng nào dám hạ lãi suất vì nếu làm như vậy, với kỳ hạn huy động chủ yếu vẫn là 3-6 tháng như hiện nay, chỉ sau một vài quý nguồn vốn sẽ chảy sang các ngân hàng khác. Đây là điều mà không một người điều hành ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nào muốn.
Việc lãi suất không hạ mà còn có xu hướng gia tăng bất kể vốn huy động được sử dụng nhiều hay ít sẽ tạo ra những tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho các ngân hàng vì theo thời gian, lãi suất cho vay phải cao mà điều này đồng nghĩa với rủi ro sẽ cao hơn. Khi lãi suất tăng đến mức độ nào đó thì chỉ còn toàn những dự án hết sức rủi ro mới có thể vay vốn. Đây chính là hiện tượng lựa chọn ngược hay lựa chọn bất lợi trong các hoạt động tài chính.
Thêm vào đó, để bù đắp cho chi phí huy động vốn, đồng thời lợi dụng những sự rắc rối trong các cách tính lãi suất mà không phải ai cũng có thể hiểu được nên một số ngân hàng đã đưa ra các phương thức cho vay với lãi suất trên bề mặt chỉ vào khoảng 10%-12% một năm, nhưng lãi suất thực mà người vay phải trả cao gấp hai lần con số này. Với phương thức kinh doanh như vậy, xem ra tôn chỉ “đôi bên cùng có lợi” trong phát triển bền vững của các ngân hàng chưa được tuân thủ vì khi khách hàng biết mình bị lừa thì việc quay lưng với ngân hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một điều đáng quan tâm khác là việc mở rộng quy mô quá nhanh trong khi nguồn nhân lực và khả năng quản trị ngân hàng không thể theo kịp sẽ tạo ra rủi ro rất lớn cho cả hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế vì các ngân hàng rất khó để có thể làm tốt công tác đánh giá và quản trị rủi ro ở rất nhiều hoạt động mà nó luôn tiềm ẩn những bất trắc.
Không ai mong đợi điều tương tự đã xảy ra đối với các hợp tác xã tín dụng vào những năm 1988- 1989, nhưng nếu các ngân hàng cứ phát triển quá mức trong khi các điều kiện khác không thể theo kịp, nhất là khả năng quản trị và phòng ngừa rủi ro không đáp ứng được thì nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng mà nó tạo hậu quả hết sức nặng nề cho nền kinh tế là rất có thể xảy ra. Đó có thể cũng là lúc chúng ta phải bán các ngân hàng cho các đối tác nước ngoài với giá rất bèo. Đây chính là những điều mà Việt Nam cần hết sức lưu ý trong tiến trình xây dựng một hệ thống ngân hàng mạnh để làm tốt hơn nữa vai trò là kênh phân phối vốn chính và hiệu quả cho nền kinh tế.

Huỳnh Thế Du

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)