Sự cáo chung của một siêu cường

Nợ nhà nước tăng, nạn thất nghiệp tăng, tăng trưởng nhợt nhạt và một nền công nghiệp ốm yếu – nước Mỹ đã trở thành một gánh nặng đối với nền kinh tế thế giới. Liệu còn có thể chặn đứng được sự xuống dốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới này?

Ông Cory Booker là thị trưởng thành phố Newark. Mùa thu năm ngoái ông buộc phải sa thải 160 cảnh sát, đơn giản vì ngân sách thành phố cạn tiền. Người dân thành phố này chỉ biết lắc đầu cám cảnh trước quyết định khó hiểu trên. Newark có khoảng 270.000 dân, là thành phố lớn nhất thuộc tiểu bang New Jersey. Đây là một trong 30 thành phố ở Mỹ có tỷ lệ tội phạm hình sự cao nhất nước. Cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho ngân sách thành phố bị thâm hụt tới 70 triệu đôla, thành phố thì nghèo đi còn tội phạm lại gia tăng. Khoảng một phần ba dân số ở đây sống dưới mức nghèo khổ. Tỷ lệ thất nghiệp trên 12%.

Sự xuống dốc cùa một đại cường

Không phải chỉ có Newark, mà cả nước Mỹ chịu ảnh hưởng muộn màng của cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề. Hai năm sau cuộc đại suy thoái, nước Mỹ vẫn còn lâu mới có thể nói đến sự phục hồi kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm hơn sự trông đợi, các doanh nghiệp hầu như không tạo thêm việc làm mới, cơ sở công nghiệp có nguy cơ bị xói mòn và các khoản nợ nhà nước tăng vùn vụt. Hiện vẫn chưa thấy bóng dáng một chiến lược chấn chỉnh, lành mạnh hóa ngân sách nhà nước. Nước Mỹ có nguy cơ bị mất tín nhiệm về vay nợ tín dụng.

Các “chuyên gia bôi đen” như Nouriel Roubini, giáo sư thuộc School of Business ở New York, lại được dịp lên tiếng chỉ trích. Nhà kinh tế này cảnh báo “Nước Mỹ và sự phát triển kinh tế thế giới lại đứng trước một nguy cơ đổ vỡ tệ hại mới”. Đồng nghiệp của ông, GS Joseph Stiglitz, Giải thưởng Nobel Kinh tế năm, nói toạc ra rằng: “Điều duy nhất mà chúng ta đã làm được là cứu các nhà băng. Chúng ta đã xã hội hóa sự thua lỗ và tư nhân hóa lợi nhuận. Ngoài ra hàng tuần chúng ta đã đổ hàng tỷ đôla vào Afghanistan trong khi đó lại cắt xén biên chế ở trường học của chúng ta. Đây chính là sự cáo chung đầy sai làm của một đại cường.”

Phải chăng sự sa sút về kinh tế báo hiệu sự cáo chung của nền kinh tế lớn nhất thế giới, phải chăng kỷ nguyên Mỹ đã chấm dứt?

Theo các thống kê quốc tế thì thực ra nước Mỹ đã mất vị trí đầu bảng từ lâu rồi. So sánh về khả năng cạnh tranh trong số 139 quốc gia trên thế giới Mỹ bị giảm hai bậc, nay đứng ở vị trí thứ tư sau Thụy Sỹ, Thụy Điển và Singapore (theo bảng xếp thứ hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới World Economic Forum). Dường như đa số dân Mỹ cũng đã buông xuôi cuộc chiến quyết giữ vị trí số một trong nền kinh tế thế giới. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận thì giờ đây phần lớn người Mỹ coi Trung Quốc là thế lực kinh tế hàng đầu thế giới.

Trước đây sau mỗi cuộc khủng hoảng, lần cuối cùng là sự vỡ bong bóng Dotcom, nước Mỹ bao giờ cũng nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ và từ đó vực nền kinh tế của các nước khác. Sức mạnh năng động sáng tạo của người Mỹ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tự do, thị trường lao động vô cùng năng động và sự khước từ một nhà nước phúc lợi thái quá luôn được các nhà kinh tế trường phái tự do đánh giá rất cao và coi đây là khuôn mẫu.

Cần tạo công ăn việc làm

Mức sống cao phát triển đầy ấn tượng trong ba thập niên qua thực ra không phải chỉ nhờ sự lao động hết mình của người Mỹ và nhờ những phát minh, sáng chế kỳ diệu của họ, mà đó là kết quả của sự cung cấp rất hào phóng tiền bạc và tín dụng cho nền kinh tế. Nhà kinh tế ở Chicago Raghuram Rajan, một cựu kinh tế trưởng của IMF, đã nhận thấy một sai lầm trong cấu trúc hệ thống kinh tế và hệ thống xã hội nước Mỹ.

Rajan cho rằng do mạng lưới an sinh xã hội ở Mỹ tương đối mỏng nên Cục dự trữ Liên bang (Fed) luôn chịu áp lực phải tạo nhiều nhất công ăn việc làm. Vì vậy khi gặp khó khăn ngân hàng chấp nhận dìm lãi xuất trong một thời gian dài và bơm thật nhiều thanh khoản cho nền kinh tế. Cạnh đó còn có vấn đề người Mỹ ác cảm với việc phải đóng thuế cao cũng như các khoản đóng góp cho nhà nước. Từ đó dẫn đến việc các chính trị gia khắc phục tình trạng chênh lệch thu nhập bằng cách cho người nghèo vay tín dụng để xây nhà với điều kiện ưu đãi. Hệ quả là hình thành bong bóng cực lớn về tín dụng và bất động sản, khi những bong bóng này nổ tung đẩy hệ thống tài chính toàn cầu đến bên bờ vực thẳm.

Đáng lý phải rút ra những bài học từ những sai lầm này thì nước Mỹ lại quyết giữ bằng được mô hình xã hội của mình, tạo tăng trưởng bằng cách bơm thật nhiều tiền của và tín dụng. Đầu thế kỷ này các doanh nghiệp được bơm tiền của, sau đó đến lượt các hộ gia đình được vay tín dụng nay đến lượt nhà nước vay tín dụng ngày càng nhiều hơn. Hiện tại tổng nợ của mọi khu vực đã tương đương 350 % tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn so với cuộc tổng hủng hoảng kinh tế thế giới đầu những năm ba mươi (300 %).

Nhưng mô hình này không còn có khả năng phát huy hiệu lực, điều này đã được chứng minh qua những nỗ lực vô vọng của Tổng thống Obama và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke, người ta đổ không biết bao nhiêu tiền bạc, tín dụng nhưng không thể tạo đà cho nền kinh tế vươn lên.

Không những tiềm lực sản xuất bị giảm sút mà ngay cả mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong những năm tới cũng sẽ tiếp tục ở mức thấp đáng kinh ngạc. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này.

Nợ nần chồng chất và bất tận

Nước Mỹ hiếm có sự chia rẽ chính trị sâu sắc như hiện nay. Điều này được chứng minh qua sự đấu tranh quyết liệt giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề nâng mức nợ cho phép. Nhà kinh tế Kenneth Goldstein thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế toàn cầu The Conference Board ở New York nhận định: “Ngày nay đất nước ta còn chia rẽ nặng nề hơn so với thời kỳ nội chiến. Không còn có sự thống nhất về nhận thức đối với những vấn đề chung, điều này sẽ làm cho đất nước tiếp tục phân hóa hơn nữa.”

Cách đây hơn 30 tháng, khi nhậm chức Tổng thống ở Washington, ông Obama được coi là niềm hy vọng to lớn của nước Mỹ. Điều mong muốn của ông không có gì hơn là cứu nền kinh tế Mỹ, để nước Mỹ lấy lại đà sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng. Mục tiêu cao nhất của ông là cân bằng được ngân sách nhà nước, để nền kinh tế không còn phải dựa vào bơm tiền bạc và tín dụng. Tuy nhiên ngồi ở cương vị Tổng thống chưa được một năm thì đảng Dân chủ của ông đã bị thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.

Những nỗ lực cải cách của ông Obama trong lĩnh vực tài chính, xây dựng hạ tầng cơ sở, giáo dục và y tế cũng như chính sách khí hậu không được đông đảo dân chúng Mỹ quan tâm. Đảng Dân chủ bị mất đa số trong Hạ viện. Phần lớn các tiểu bang do người của đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Từ đó đến nay nước Mỹ lâm vào tình trạng dậm chân tại chỗ. Hai chính đảng tranh cãi quyết liệt về việc tới đây sẽ giảm gánh nợ khổng lồ như thế nào. Những người phe Dân chủ thì muốn bên cạnh việc cắt giảm các khoản chi xã hội và quốc phòng còn cần phải tăng thuế. Tuy nhiên chủ trương đánh thuế vào người giầu (tax the rich) của ông Obama không nhận được sự ủng hộ của phe Cộng hòa. Lý lẽ của họ là đánh thuế cao sẽ càng làm cho nền kinh tế bị trì trệ hơn nữa. Vì vậy họ muốn giảm thuế cùng với việc cắt giảm mạnh mẽ các khoản chi và yêu cầu sửa đổi hiến pháp, buộc chính phủ hàng năm phải cân đối ngân sách nhà nước.
Hiện nay các tiểu bang đã phải thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên phần lớn các tiểu bang còn lâu mới có thể có một ngân sách cân bằng. Cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến thất thu thuế nặng nề mặt khác làm cho các khoản chi xã hội tăng lên mạnh mẽ. Chí ít đã có 31 tiểu bang trong năm ngân sách 2012, bắt đầu từ ngày 1/7, có mức thâm hụt ngân sách lên đến gần 90 tỷ đôla.

Nước Mỹ đầy thủ thuật

Ngay từ hồi tháng 5 nước Mỹ đã tới ngưỡng nợ nhà nước cao nhất là 14.294 tỷ đôla. Từ đó đến nay nước Mỹ chỉ có thể tiếp tục tồn tại nhờ những thủ thuật về kế toán. Nhưng chậm nhất đến đầu tháng tám thì cái trò này không thể tiếp tục tiếp diễn. Đến lúc đó nước Mỹ phải tăng mức nợ cho phép, nếu không giải quyết được vấn đề này thì nhà nước buộc phải cắt giảm phần lớn các khoản chi. Cho dù cái trò làm xiếc ở Washington kết cục như thế nào đi nữa thì chắc chắn sau cuộc bầu cử tổng thống tiến hành vào cuối năm 2012 nước Mỹ sẽ phải thực hiện một chính sách thắt lưng buộc bụng cực kỳ nghiêm ngặt.

Cho tới thời điểm này thị trường tài chính thế giới chưa mất hết lòng tin vào thế lực kinh tế hàng đầu thế giới này. Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng Euro đang tiếp tục leo thang, đẩy các nhà đầu tư lao vào trái phiếu nhà nước của Mỹ. Tuy nhiên điều này có thể nhanh chóng thay đổi. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nợ nhà nước của Mỹ năm 2011 leo lên mức 100% tổng sản phẩm quốc nội – trong khu vực đồng Euro giá trị này mới ở mức 87 %.

Nếu gộp cả những khoản nợ tiềm ẩn, tức cam kết chi trả cho các hệ thống xã hội, thì theo tính toán của Laurence Kotlikoff, giáo sư trường ĐH Boston, thì nước Mỹ hiện có khoản nợ lên tới 200 nghìn tỷ đôla, tương đương 1.300 % tổng sản phẩm quốc nội.

Khi nhà đầu tư mất lòng tin đối với nước Mỹ thì hậu quả thật khôn lường. Đồng đôla sẽ lao xuống vực, lãi xuất tăng vọt, giá cổ phiếu sẽ sụp đổ, nền kinh tế sẽ lâm vào tình trạng suy thoái. Thị trường tài chính thế giới sẽ bị rối loạn và sẽ không thể tránh những tác động khôn lường trên khắp thế giới.

Cho dù sự sụp đổ tài chính không diễn ra đối với nước Mỹ thì con đường thoát khỏi thảm cảnh nợ nần của nước Mỹ sẽ hết sức gian truân. Hy vọng nước Mỹ sẽ lại vươn lên sau khi thanh toán được các khoản nợ nần này chỉ là ảo tưởng. Các công trình nghiên cứu của nhà kinh tế Kenneth Rogoff ở ĐH Harvard cho thấy khi tỷ lệ nợ đạt 90 % thì tăng trưởng kinh tế sẽ bị giảm sút.

Harm Bandholz, nhà kinh tế trưởng người Mỹ tại Bank UniCredit của Italy cho rằng trong những năm tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ quá lắm chỉ có thể đạt từ 2,0 đến 2,5 %. Nhà kinh tế Goldstein thuộc The Conference Board dự báo trong tương lai không xa mức tăng trưởng này chỉ còn ở mức từ 1 đến 2%.

Ngày càng nhiều người bị thất nghiệp kéo dài

Đối với nước Mỹ thì đây là một sự sa sút cay đắng vì cách đây mới vài năm các nhà kinh tế Mỹ vẫn hy vọng về lâu dài tăng trưởng kinh tế nước này sẽ ở mức 3%.

Trong năm vừa qua nước Mỹ chỉ tạo thêm 1,9 triệu chỗ làm việc mới. Cùng thời gian đó ở khu vực dịch vụ công đã có 659.000 lao động thuộc các ngành giáo dục, cảnh sát và cứu nạn bị xóa tên. Tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 9,2 % cao gấp đôi so với thời kỳ trước khi có cuộc khủng hoảng tài chính.

Số lao động trong lĩnh vực dịch vụ tư tăng nhanh, chủ yếu ở những nghề có mức lương thấp, thí dụ trong ngành chăm sóc sức khỏe hoặc ngành ăn uống. Từ tháng 12/2009 đến tháng 6/2011 trong khu vực này đã có thêm 200.000 chỗ làm việc mới.

Trong khi đó các ngành công nghiệp, xây dựng có nhiều việc làm có mức lương cao, bị xóa sổ. Lockheed Martin, một trong những hãng sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới hủy 1.500 việc làm, tập đoàn viễn thông Cisco giảm 6.500 lao động.

Cơ hội tìm được một việc làm mới thường rất khó khăn, hơn nữa người Mỹ hiện không còn sẵn sàng di chuyển chỗ ở vì việc làm. Giá nhà cửa giảm tới 30%, nhiều người không muốn bán nhà vì thua lỗ để di chuyển tới các vùng khác để làm việc. Hiện đã có 44 % số người thất nghiệp bị mất việc làm đã hơn 6 tháng, xu hướng mất việc kéo dài ngày càng tăng.

Giáo dục tồi tệ

Ở Mỹ những người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng thường dễ có cơ hội tìm được việc làm. Tuy nhiên trong một thế giới mà công nghệ phát triển hết sức nhanh chóng và quá trình sản xuất lại có thể dịch chuyển nên nếu chỉ có một tầng lớp tinh hoa được đào tạo hoàn hảo là không đủ. Nước Mỹ thiếu một lực lượng thợ lành nghề được đào tạo bài bản. Không có lực lượng này thì không thể biến những ý tưởng mới mẻ thành sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.

Vấn đề giáo dục nổi cộm ngay ở các trường phổ thông. Theo điều tra của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thì trình độ về khoa học tự nhiên của học sinh Mỹ ở độ tuổi 15 so với quốc tế chỉ xếp hạng 17, về toán, thậm chí xếp thứ 25.

GS Dale Jorgensen, Đại học Harvard, lo ngại tăng trưởng năng xuất lao động của toàn ngành kinh tế Mỹ trong mười năm tới sẽ giảm, chỉ còn ở mức 1,5%, trong hai chục năm qua mức tăng trưởng này là 2%.

Đầu tư yếu ớt

Dư thừa cung về nhà ở làm cho giá nhà giảm dưới mức tín dụng mà người mua nhà đã từng được vay tiền của các ngân hàng để tậu nhà. Do đó nhiều chủ nhà không trả được nợ, các ngân hàng buộc phải bán đấu giá những ngôi nhà đó để thu nợ. Điều này lại làm tăng cung hơn nữa và làm cho giá bất động sản tụt hơn nữa. Đây là một cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Giá cả tụt giảm không chỉ kìm hãm tốc độ xây dựng nhà mới, nó còn làm giảm hứng thú tiêu dùng của người dân. Giới chuyên môn cho rằng thị trường bất động sản khó có thể hồi phục trước nửa cuối 2012.

Thay vì đầu tư vào việc mua sắm máy móc, thiết bị các doanh nghiệp ở Mỹ đang có xu hướng dùng lợi nhuận để mua lại cổ phiếu hoặc đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Theo tính toán của nhà kinh tế Bandholz thuộc UniCredit thì trong thời gian từ 2006 đến 2010 các doanh nghiệp Mỹ đã bỏ ra tới hai nghìn tỷ đôla để mua lại cổ phiếu của mình, 1,4 nghìn tỷ đôla đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những doanh nghiệp đầu tư trong nước thường chi tiền để mua máy móc thiết bị mới thay thế thiết bị cũ, lạc hậu do đó tăng năng xuất lao động và từ đó cắt giảm thêm chỗ làm việc.

Phải chăng nước Mỹ sẽ lâm vào tình trạng suy kiệt trong một thời gian dài? Không nhất thiết phải như vậy. Kẻ cứu nước Mỹ trớ trêu thay có thể lại là Trung Quốc. Trong một thời gian dài nước Trung Hoa khổng lồ với lực lượng lao động có mức lương thấp đã làm cho nền công nghiệp Mỹ điêu đứng. Theo một công trình nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG) trong vài năm nữa tình hình có thể thay đổi, hiện tại mức lương ở Trung Quốc tăng bình quân 17% mỗi năm. Hơn nữa đồng Nhân dân tệ ngày càng có giá trị lớn hơn. Khoảng cách về lương so với Mỹ đang ngày càng thu hẹp.

Nếu so sánh với những vùng có mức lương cao ở Trung Quốc như Thượng Hải và Thiên Tân với những vùng có mức lương thấp ở miền nam nước Mỹ thì lợi thế về tiền lương trên một sản phẩm của Trung Quốc trong vòng năm năm tới sẽ giảm 30%, đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế BCG. Tổng lợi thế về chi phí khi đó chỉ còn hơn từ 10 đến 15%. Nếu tính cả chi phí về kho tàng bến bãi và vận chuyển thì lợi thế về chi phí chỉ ở mức một con số, hay nói khác đi là rất ít. Vì vậy, Harold Sirkin, một đối tác của BCG, tin chắc rằng tới đây sẽ lại có nhiều sản phẩm made in USA hơn.

Trong thực tế điều này đang diễn ra. Tập đoàn công nghiệp khổng lồ General Electric dự kiến tăng cường đầu tư trong nước đặc biệt vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất động cơ máy bay, tuốc bin khí vv… Năm nay tập đoàn tuyển thêm 1.000 kỹ sư. Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing dự định sẽ sản xuất máy bay đường trường Dreamliner ở South Carolina tạo việc làm cho trên 3.500 lao động. Các bang miền nam nước Mỹ tăng cường thu hút nhà đầu tư nhờ mức lương ở đây thấp, tổ chức công đoàn lại yếu kém, hầu như không có vai trò gì.

***

Cần phải có thời gian mới có thể đánh giá về thành công của chiến dịch đẩy mạnh đầu tư ở các bang phía nam. Nhưng có một điều ngay từ bây giờ đã có thể khẳng định, nếu nước Mỹ không thành công trong việc giảm gánh nặng nợ nần và vực dậy nền kinh tế thì hậu quả khôn lường khó tránh khỏi. Với khoảng 23% của toàn cầu nước Mỹ vẫn là người nhạc trưởng quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới. Không có một nền kinh tế lành mạnh của nước Mỹ thì TQ cũng khó có thể vươn lên về kinh tế. Mỹ và châu Âu là những khách hàng tiêu thụ nhiều sản phẩm made in China nhiều nhất. Nếu nền kinh tế Mỹ suy sụp thì tăng trưởng kinh tế của TQ cũng sẽ bị giảm sút. Điều này sẽ làm cho nền kinh tế Đức ngấm đòn vì 12% xuất khẩu của Đức nhằm vào thị trường Mỹ và TQ.

Một nước Mỹ suy yếu và nợ nần chồng chất còn có nguy cơ làm cho Mỹ mất vai trò trung tâm trong hệ thống tiền tệ thế giới. Nước Mỹ sẽ bị mất vai trò là nhà sản xuất những sản phẩm công toàn cầu như nền an ninh thế giới và tự do. Mohamed El-Erian, chủ tịch hãng kinh doanh trái phiếu lớn nhất thế giới Pimco từng nói “trong quá khứ thế giới đã từng thay đổi không ít lần những nhà cung cấp sản phẩm công trên toàn cầu. Thí dụ sau chiến tranh thế giới II Hoa kỳ đã đứng ra tiếp nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu của Anh quốc. “Tuy nhiên khác với thời đó”, El-Erian cảnh báo, “ngày nay không có quốc gia nào sẵn sàng và có khả năng đảm đương nhiệm vụ này, khi mà nước Mỹ không còn khả năng lèo lái.”

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)