Sự chia rẽ của những huynh đệ
Sáu năm sau vụ khủng bố 11.9, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ vẫn đang trong thời kì khó khăn. Dẫu vậy, những tín hiệu mới của một sự đổi thay cũng đã bắt đầu xuất hiện mà điển hình là sự chia rẽ trong các phong trào Hồi giáo vũ trang. Dường như đang có một sự chia rẽ giữa một khuynh hướng "dân tộc chủ nghĩa" và "quốc tế chủ nghĩa" của những người này.
Bin Laden trong một cuộn băng phát hồi năm 2001. |
Từ năm 2003, các chiến binh tình nguyện người nước ngoài đổ về Pakistan và Iraq. Dẫu vậy, thay vì làm hài lòng các thủ lĩnh Taliban và các nhóm kháng chiến Hồi giáo địa phương, những kẻ này, chủ yếu đều thuộc thành phần cấp tiến và theo tư tưởng Takfirism – một ý thức hệ coi “những người Hồi xấu” là kẻ thù chính – đã gây ra một sự rối loạn. Xung đột với các chính phủ Hồi giáo, họ đã gây ra những hỗn loạn chính trong những khu vực dân cư mà lẽ ra họ phải bảo vệ.
Ở Iraq, Abou Moussaba Al-Zarqawi, một trong những lãnh đạo Takfirism chủ yếu đã rời Waziristan để đến xứ sở này ngay sau khi quân đội Mỹ tràn ngập lãnh thổ và trở thành một trong những nhân vật uy tín nhất của phong trào kháng chiến. Bày tỏ công khai thái độ trung thành với Bin Laden, tập hợp quanh mình chủ yếu là những chiến binh nước ngoài, ông này đã xây dựng nên nhánh Iraq của Al-Qaeda. Tình hình ở đây nhanh chóng trở nên giống với Waziristans và Afghanistan. Ngay sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, phong trào kháng chiến địa phương phải mất một giai đoạn để tái tổ chức các thành phần phân tán gồm các bộ lạc, các nhóm vũ trang phân tán, các thành viên đảng Baath và các cựu sĩ quan của vệ binh cộng hòa cũng như những lực lượng vũ trang khác. Khoảng trống đó tạo cơ hội cho đám chiến binh tụ tập từ bốn phương trời dưới ngọn cờ đen của Bin Laden, chứng tỏ sự hiện hữu trên chiến trường của mình với chủ trương theo đường lối Takfirism. Đó cũng chính là điều kiện gây ra một chia rẽ nội bộ giữa các lực lượng địa phương và các lực lượng quốc tế và cuộc chiến ở Iraq nhanh chóng trở thành một cuộc xung đột dữ dội của các phe phái.
Để có thể hiểu được tình hình, người ta phải nắm được bối cảnh đặc biệt dẫn đến cuộc chuyển hóa ý thức hệ của Al-Qaeda. Trong cuộc chiến tranh du kích chống quân đội Xô viết những năm 1980, có hai lò đào tạo các chiến binh Hồi giáo: Yemen và Ai Cập. “Nhóm Yemen ” gồm những kẻ có đời sống đơn giản, sang Afghanistan chỉ với mục đích tử đạo và sau cuộc chiến sẽ trở về nước hoặc ở lại các khu vực chiến trường xưa để xây dựng gia đình với dân địa phương. Ngược lại, các chiến binh được đào tạo ở Ai Cập chủ yếu lại thuộc các thành phần có học (bác sĩ, kĩ sư…). Họ là những kẻ có động cơ ý thức hệ và tham vọng chính trị mạnh mẽ nhất. Al-Qaeda đã được sinh thành trong môi trường này. Tiền thân của nó là một tổ chức mang tên “Phòng dịch vụ” được thành lập trong giai đoạn chiến tranh chống Liên Xô ở Afghanistan và chính Bin Laden là người đã biến nó thành Al-Qaeda. Sau cuộc chiến chống Liên Xô, những “người Ai Cập” đã ở lại Afghanistan vì cảm thấy tham vọng chính trị của mình chưa được thỏa mãn. Bin Laden là chất kết dính của phong trào này để tạo nên một khối thống nhất và tư tưởng Takfirism đã được hình thành trong bối cảnh đó.
Lính Mỹ ở Iraq |
Cho đến đầu năm 2006, số lượng các chiến binh nước ngoài (gốc Arập, Tchechene, Uzbek…) có mặt ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan đã lên tới con số trên bốn ngàn. Những kẻ này muốn tiến hành một cuộc chiến chống lại quân đội Pakistan hơn là tập trung cho cuộc chiến “giải phóng” Afghanistan và đã trên thực tế đã xung đột với quân đội Pakistan. Điều này đặt các thủ lĩnh Taliban trong tình thể phải lựa chọn. Tình thế đó càng trở nên rõ nét sau cuộc tấn công vào các lực lượng liên quân vào đầu năm 2006. Các thủ lĩnh Taliban hiểu rằng tận dụng sự ủng hộ của dân điạ phương, sử dụng bom tự chế và những kĩ thuật chiến tranh du kích đô thị học được ở Iraq có thể làm liên quân thiệt hại nặng nhưng không thể chiếm được các vị trí có tính chiến lược. Họ bắt buộc phải tìm kiếm một giải pháp khác, và đến tháng 9.2006, một thỏa ước giữa Taliban và chính quyền Pakistan được kí kết. Nhờ thỏa ước này mối quan hệ giữa người Pakistan và Taliban được củng cố và thậm chí trong đó, có cả những điều khoản liên quan đến việc trục xuất các chiến binh nước ngoài về nước. Cuộc “hôn nhân” giữa Al-Qaeda và Taliban bắt đầu rạn vỡ.
Hiển nhiên, Al-Qaeda không thích thỏa ước này và tìm cách phá vỡ nó bằng việc gây bất ổn trong lòng các đô thị Pakistan mà điển hình là vụ Đền thờ đỏ. Những vụ việc này đã gây không ít lúng túng cho nhà cầm quyền Pakistan. Dẫu vậy, thỏa ước vẫn đứng vững. Nó thỏa mãn yêu cầu của chính quyền Pakistan muốn hạn chế ảnh hưởng của Al-Qaeda ở khu vực bộ lạc cũng như khuynh hướng từ bỏ lí thuyết “quốc tế chủ nghĩa cực đoan” của Al-Qaeda ở các thủ lĩnh Taliban. Và tất nhiên, các đối tác của thỏa ước phải ra tay. Nhưng cuộc tàn sát các chiến binh nước ngoài trong các vùng bộ lạc đã diễn ra. Taliban chỉ dành cho họ một lựa chọn : sang Iraq.
Các “ông trùm” của Al-Qaeda: Al Zawahiri và Bin Laden. |
Ngay từ năm 2003, sau khi quân đội Mỹ tràn ngập Iraq, Al-Qaeda đã cử nguời sang đây. Tiến sĩ Mohamed Bashar Al-Faidy, một thành viên của Tập hợp các nhà thần học Hồi giáo, một thành phần của phong trào kháng chiến Iraq hồi tưởng lại: “Ngay khi được cử làm toàn quyền ở Iraq, Paul Bremer đã lập tức giải tán tất cả các lực lượng an ninh Iraq. Chúng tôi đã cử một đoàn đại biểu đến gặp ông ta và lưu ý ông ta rằng một quyết định như vậy có thể mở cửa cho bất kì ai thâm nhập qua biên giới. Ít nhất thì cũng nên giữ lại lực lượng biên phòng. Bremer không đồng ý : đối với ông ta, tất cả các lực lượng an ninh đều là người của Saddam Hussein. Ngay lập tức, Iraq phải chịu đựng một làn sóng xâm nhập của những cá nhân đủ loại bao gồm cả bọn khủng bố đến từ Iran hay Al-Qaeda, tập hợp ở đây vì những mục đích khác nhau. Ngày nay, tôi tin rằng Bremer đã thực thi chính sách đó một cách có ý thức với toan tính thu hút các chiến binh Al-Qaeda về Iraq, nơi mà ông ta cho rằng dễ tiêu diệt và bắt họ hơn là ở Afghanistan hay vùng Waziristan”.
Trong lúc Al-Qaeda muốn nắm lấy quyền chỉ huy ở Iraq và lái phong trào này theo chính sách toàn cầu của họ thì những lãnh đạo kháng chiến ở đây, được thúc đẩy trước hết bởi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, ngày càng tỏ ra lo lắng và muốn thoát khỏi thế lực này. Những dấu hiệu bất hòa ngày càng lộ rõ. Tháng 4 năm 2007, kênh truyền hình Al Jazira đã phát đi tuyên bố của Ibrahim Al Shammari, người phát ngôn của Quân đội Hồi giáo Iraq về việc li khai với Al-Qaeda và tỏ rõ ý muốn sẵn sàng đàm phán với Mỹ.
Trong một cuộc họp báo ở Washington vào ngày 26.4.2007, tướng David Petraeus, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Iraq đã thông báo về việc mặc dù vẫn là đối thủ của quân đội Mỹ nhưng nhiều nhóm quân nổi loạn và quân kháng chiến Hồi giáo Sunnite đã chống lại Al-Qaeda. Ông này cũng cho biết thêm là quân đội Mỹ tiếp tục đàm phán với các thủ lĩnh bộ lạc Sunnite và những lãnh đạo kháng chiến cũ để những người này đưa các chiến binh của mình sáp nhập vào lực lượng an ninh chính quy Iraq và cùng tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.
Về phần Al Faidy, ông này nói thẳng: “Tất cả các thành tố ngoại quốc thuộc các tổ chức vũ trang phi chính quy đều là một mối nguy cơ đối với Iraq. Họ bám lấy ý muốn làm chủ Iraq vì những mục tiêu cá nhân. Al-Qaeda đã bị các tổ chức tình báo nước ngoài thâm nhập, chưa kể đến sự lệch lạc trong tư tưởng tôn giáo của họ, điển hình là tư tưởng Takfirism. Vậy mà cuối cùng, chính người Iraq lại phải trả giá đắt. Điều đó còn do cả những người Shiite do mật vụ Iran bảo trợ. Họ muốn làm chủ Nam Iraq và đã sát hại hàng chục thủ lĩnh Shiite ở đây, những người chỉ muốn chống lại cuộc xâm lược của phương Tây”. Theo Al Faidy, phần lớn các chiến dịch quy mô ở Iraq đều là sản phẩm của các phong trào kháng chiến dân tộc chủ nghĩa. Vậy mà truyền thông phương Tây thường chỉ gán nó cho Al-Qaeda. Chính những người kháng chiến Iraq đang phải trả giá cho việc đã mở rộng vòng tay đón Al-Qaeda.
Đó cũng là tình hình chung của tất cả những lực lượng đã chấp nhận Al-Qaeda trong hàng ngũ của mình. Một cục diện mới giờ đây đang thành hình: các chính phủ “chống khủng bố” như Mỹ hay Pakistan chấp nhận một nền hòa bình xây dựng trên việc chia xẻ quyền lực với các nhóm đối lập. Chỉ với một điều kiện: Không Al-Qaeda.
(tổng hợp từ tư liệu của Le Monde Diplomatique)
Thế giới Hồi giáo được chia thành hai nhánh, Sunnite và Shiite và một trong hai nhánh đó đang trở thành kẻ thù mới của Mỹ. Một cách sững sờ, sau 11.9, người ta biết rằng những “chiến binh của tự do” nguời Afghanistan, những người đã từng được Ronald Reagan ca tụng vì cuộc kháng chiến chống lại “Đế chế của cái Ác – người Nga” lại có một quan niệm khá “độc đáo” về tự do.
Trong quá khứ, người Mỹ đã từng “nuôi ong tay áo” sử dụng những lực lượng cực đoan chống lại Liên Xô và sau đó bị chính những lực lượng này phản bội. Nhưng dường như Mỹ không rút ra được bài học lịch sử. Theo thông tin của nhà báo Seymour Hersch của tờ The New Yorker, Mỹ đang xây dựng một liên minh với các chế độ Arập ôn hòa thuộc hệ phái Sunnite để chống lại Iran và người Shiite. Vậy mà trong số những “đồng minh” ấy lại có cả những thành phần hết sức “cực đoan”. Trường hợp điển hình là ở Lebanon. Chính phủ của Fouad Siniora đang phải đối đầu với sự chống đối do Hezbollah thuộc hệ phái Shiite lãnh đạo. Và trong điều tra riêng của mình Hersch đã tỏ rõ sự lo ngại trước sự phát triển của nhiều nhóm Hồi giáo Sunnite cực đoan có quan hệ với Al-Qaeda nhưng lại nhận hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ. Liệu những người này, sau khi được Mỹ và đồng minh ưu ái có quay lại “chống lại” nước Mỹ? Câu hỏi dù sao vẫn còn đang được treo lại.
Ý thức hệ Takfirism là một niềm tin hết sức lâu đời ở các nước Hồi giáo, và được những chiến binh Hồi giáo Ai Cập phục hưng sau thất bại của nước này trước Israel năm 1967. Tư tưởng này được xây dựng trên một xác tín : sự suy yếu của các cộng đồng tôn giáo là kết quả của sự suy yếu của chính ngươi Hồi giáo, do họ xa rời các thực hành tín ngưỡng. Những người Hồi giáo không thực hành tín ngưỡng là người Hồi giáo không trung thành. Và những ai gắn bó với tư tưởng Takfirism sẽ được kêu gọi rời bỏ các xã hội Hồi giáo mà họ đang sống để tạo dựng một cộng đồng Hồi giáo tự trị và tiến hành chiến tranh với những người Hồi giáo không trung thành. Tư tưởng Takfirism tồn tại trong những nhóm Hồi giáo phân tán trong thế giới Arab trong những năm 1970. Nó tập hợp lại ở Afghanistan trong những năm 1980 trong cuộc chiến tranh chống Liên xô và nở rộ ở Iraq sau khi quân đội Mỹ tràn ngập đất nước này. Từ 2003, tư tưởng Takfirism bắt đầu được Al-Qaeda chấp nhận. Việc tiêu diệt lãnh đạo của những nước Hồi giáo “không trung thành” được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu và vùng lãnh thổ thuộc các bộ lạc ở Pakistan trở thành vùng đất thánh cho tư tưởng này. Takfirism đã làm Al-Qaeda thay đổi từ trong bản chất. Sau vụ 11.9, những kẻ khủng bố nhận ra rằng chúng bị tiêu diệt, bị tàn sát, bị ném bom, đầu của chúng bị treo thưởng bởi phương Tây cũng như Pakistan. Vậy thì không nên có sự phân biệt người Hồi giáo và Thiên chúa giáo, Pakistan và Mỹ… Và “thù trong” cũng nguy hiểm không kém “giặc ngoài”. Có thể nói, ý thức hệ Takfirism đang trở thành một thành tố gây bất ổn mới của thế giới Hồi giáo.