Sự đi xuống của nước Mỹ: Trung tâm quyền lực bị lung lay
(Bài viết này trích từ cuốn "Cuộc chiến tranh thế giới vì sự thịnh vượng: quyền lực và sự giầu có sẽ được phân phối lại như thế nào" của Gabor Steingart.)
Sức mạnh của nước Mỹ ngày nay đồng thời cũng là chỗ yếu của Mỹ, vì thế chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này. Về cơ bản nước Mỹ có ba yếu tố làm nên thắng lợi huy hoàng, ba yếu tố thành công đó đã đưa nước Mỹ lên đài vinh quang của thế giới.
Thứ nhất: Khó có nơi nào mà sự lạc quan và sự quyết chí vươn lên lại bộc lộ rõ rệt và tập trung cao độ như ở Mỹ. Nước Mỹ có sự quyết tâm vươn tới cái mới một cách mạnh mẽ nhất, điều đó không phải mới có từ ngày hôm qua (như đối với người dân ở Đông Âu) và cũng không phải từ ba thập niên này (như đối với người Trung Quốc), mà có từ khi những người đầu tiên nhập cư vào nước Mỹ. Sự tò mò không một chút e dè, ngần ngại dường như đã ngấm vào máu thịt người Mỹ.
Cho đến nay dòng người năng nổ, nhiệt tình, ưa mạo hiểm vẫn tiếp tục đổ vào nước Mỹ, dòng người đó từ năm 1980 đến nay đã nâng nguồn nhân lực ở nước Mỹ lên gần 44 triệu người. Chính nhờ dòng người này nên nguồn nhân lực ở Mỹ luôn luôn trẻ trung, năng động, dám mạo hiểm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Thứ hai: Mỹ là một đất nước có tính toàn cầu rất triệt để. Ngay trong lịch sử hình thành của mình, khi những con người ngang tàng, bướng bỉnh của tất cả các nước đặt chân, hòa nhập với nhau tại nước Mỹ, họ đã chứng tỏ mình là những đứa con của thế giới. Ông Helmut Schmidt gọi những người khai thiên lập địa ra nước Mỹ là “Những tinh hoa đầy sinh lực”, cái gien đó truyền lại cho đến tận ngày nay. Ngôn ngữ Mỹ trở thành thống soái và đã đẩy lùi tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp ngay từ nửa cuối của thế kỷ trước. Lối sống Mỹ, từ chiếc áo phông, điệu nhảy Rock ‘n’ Roll cho đến thư điện tử đã xâm chiếm già nửa thế giới một cách hòa bình. Ngay từ đầu các tập đoàn đã có xu hướng bành trướng ra các nước khác để tăng cường buôn bán và xây dựng các cơ sở sản xuất ở các nước đó. Các tập đoàn đa quốc gia không phải là một phát minh của Mỹ nhưng đã trở thành “đặc sản” của họ.
Thứ ba: Nước Mỹ là quốc gia duy nhất trên trái đất có thể làm ăn buôn bán khắp thế giới và thanh toán bằng đồng tiền của mình. Đồng đôla đã trở thành phương tiện thanh toán thế giới. Ai muốn có đôla, phải mua của Mỹ. Mọi quyết định quan trọng về lượng tiền chu chuyển hay về mức lãi suất chỉ đạo đều diễn ra bên trong đường biên giới nước Mỹ, điều này bảo đảm tính độc lập ở mức cao nhất cho nước Mỹ. Dòng máu Mỹ chảy trong huyết quản của nền kinh tế thế giới. Hầu như một nửa số thương vụ làm ăn trên thế giới được thanh toán bằng đồng đôla, hai phần ba dự trữ ngoại tệ của các nước cũng ở dạng đồng đôla.
Nguyên nhân có thể dẫn đến đụng độ
Sau đây xin trình bầy về mặt trái của tấm huân chương:
Thứ nhất: Người Mỹ lạc quan đến độ ngây thơ. Khoản nợ của nhà nước, của các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ hiện nay vượt mọi giới hạn từ xưa đến nay. Người Mỹ tin vào tương lai rực rỡ của họ, họ tin rằng cái tương lai đó huy hoàng hơn nhiều so với thực tại, hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ cho phép mình tạm ứng để chi tiêu, mức tạm ứng này lớn đến độ trở thành nguy cơ đe dọa tương lai của họ. Tầng lớp bình dân và trung lưu ở Mỹ thực chất đã từ bỏ lối sống tiết kiệm. Vào đầu thế kỷ 21 người Mỹ sống theo kiểu đại gia đình ở Châu Phi, nghĩa là có bao nhiêu ăn xài bấy nhiêu, họ hoàn toàn không có một chút dự trữ tài chính nào.
Thứ hai: Toàn cầu hóa phản công nước Mỹ. Mỹ là quốc gia thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên khắp thế giới hơn bất kỳ một quốc gia nào, kết quả là nền công nghiệp của nước này đang bị xói mòn. Một số ngành sản suất, trước hết là ngành sản xuất đồ gỗ, ngành công nghiệp điện tử giải trí, ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô và cả ngành sản suất computer đang rời bỏ vĩnh viễn nước Mỹ. Thị phần của Mỹ đang ngày càng bị thu hẹp lại.
Thứ ba: Đồng đôla không những làm cho nước Mỹ trở nên hùng mạnh mà còn làm cho nước này dễ bị tổn thương. Chính phủ bơm đôla đi khắp thế giới để làm ăn buôn bán, ngày nay vòng quay đồng tiền của nước Mỹ có thể bị đánh gục từ bên ngoài – thí dụ từ phía Bắc Kinh. Bill Clinton từng nói Trung Quốc là một “đối tác chiến lược”, còn George Bush thì coi Trung Quốc là “một sự đối đầu chiến lược”. Cả hai Tổng thống Mỹ đều nghĩ tới một điều như nhau. Ở đây có một sự lệ thuộc vào nhau, trong điều kiện bình thường hai nước tay cầm tay hợp tác làm ăn. Khi thời buổi đổi thay thì sự phụ thuộc vào nhau này rất có thể gây nên sự đối đầu mạnh mẽ.
Đánh mất sự phồn vinh
Nước Mỹ vào đầu thế kỷ 21 vẫn là một cường quốc thế giới. Nhưng cường quốc thế giới này đang phải cạnh tranh với bên ngoài và đang phải đối đầu với hàng loạt khó khăn ở bên trong. Toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Mỹ vốn rộng mở với cả thế giới. Giờ đây toàn cầu hóa đang dồn một bộ phận đông đảo người lao động Mỹ vào chân tường.
Cho đến nay sự vươn lên của Châu Á chỉ mới làm cho nền kinh tế Mỹ suy giảm tương đối. Nhưng đối với nhiều công nhân, viên chức Mỹ thuộc tầng lớp dưới và trung lưu thì sự sa sút này đã đến mức tuyệt đối vì những cái mà họ có hiện nay ít hơn trước đây; ít tiền bạc hơn, ít uy tín hơn và cơ hội để họ vươn lên trong xã hội cũng trở nên xa vời. Trong cuộc chiến thế giới giành lấy sự phồn vinh họ là những người bị thua cuộc. Đó là số phận của họ, nhưng họ hoàn toàn không có lỗi lầm. Điều này càng không phải là chuyện riêng tư của họ. Người Mỹ không thể không đặt ra câu hỏi rất khó chịu với họ là, tại sao ngày càng có nhiều người Mỹ bị tách ra khỏi cuộc sống phồn vinh ngay ở đất nước mình?
Ngày 28.10.1998 Hạ Viện Mỹ đã thành lập một Ủy ban gồm các nhân vật nổi tiếng để nghiên cứu, làm rõ tác động của việc thâm hụt cán cân thương mại và sự tàn lụi của lao động công nghiệp. Donald Rumsfeld, hiện nay là Bộ trưởng Quốc phòng, Robert Zoellick, hồi đó là Bộ trưởng Thương mại, Anne Krueger, nhân vật thứ hai của Quỹ Tiền tệ quốc tế, và giáo sư Lester Thurow của MIT đã tham gia Ủy ban này để thực hiện nhiệm vụ do Tổng thống Mỹ giao phó.
Theo báo cáo của Ủy ban này thì cho đến những năm 1970 thế giới của người Mỹ vẫn êm xuôi, không có vấn đề gì. Trong ba thập niên đầu tiên sau chiến tranh thế giới thu nhập của các gia đình người Mỹ thuộc mọi tầng lớp đều tăng nhanh gần như nhau, thu nhập của tầng lớp nghèo phần nào tăng nhanh hơn. Mức tăng của một phần năm cuối cùng của xã hội Mỹ đạt gấp 120%, hai phần năm đạt gấp 101%, ba phần năm gấp 107%, bốn phần năm gấp 114% và cái phần năm cuối cùng chỉ tăng gấp 94%. Đây là những con số phản ánh giấc mơ của xã hội Mỹ.
Nhưng sau đó xu hướng trên đã đảo ngược, không phải chỉ ở nước Mỹ. Nước Nhật đã thức tỉnh, hướng đi của các dòng chảy thương mại trên thế giới có những thay đổi. Các nhà tư bản rời khỏi quê cha đất tổ và tự mình tìm đến những địa bàn đầu tư mới thích hợp với họ hơn. Trước đây đầu tư trực tiếp nước ngoài thường ít nhiều cùng phát triển với công nghiệp xuất khẩu nay nó phát triển hết sức mạnh mẽ.
Cho đến thời điểm đó đầu tư ở nước ngoài chủ yếu nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của Đức, Mỹ hoặc Pháp, nay diễn ra sự chuyển dịch các cơ sở sản xuất, mục đích chủ yếu nhằm giảm giá thành sản xuất. Sản xuất được tổ chức trên khắp thế giới để thỏa mãn thị trường thế giới, từ đó dẫn đến một sự phân phối mới đối với đồng vốn và lao động. Từ năm 1985 đến 1995 sản xuất toàn cầu tăng 100%. Tuy nhiên cũng trong thời gian đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng tới 400%. Với sự chuyển dịch yếu tố sản xuất là đồng vốn thì bắt đầu có sự băn khoăn lo lắng về sự chuyển dịch lao động, yếu tố sản xuất thứ hai.
Có chi nhánh ở tất cả các nước đàn anh trên thế giới.
Việc làm mới hình thành ở đâu đó và không thể không tác động đến thu nhập của các gia đình ở nước Mỹ. Trong khoảng thời gian hai mươi năm sau đó thu nhập của một phần năm dân cư ở thứ hạng thấp nhất bị sụt giảm 1,4%, tuy nhiên đối với hai phần năm tiếp theo dù sao vẫn đạt mức tăng trưởng là 6,2%, ba phần năm tăng 11,1% và bốn phần năm tăng tới 19%, phần đỉnh của tháp là lực lượng thúc đẩy, những bộ não đi tiên phong và những kẻ thu được nhiều lợi lộc nhất trong quá trình toàn cầu hóa, thì mức tăng trưởng thu nhập lên tới 42%.
Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong nền kinh tế Mỹ: Cho đến những năm 1970 sự phát triển sản xuất ở Mỹ lan ra khắp thế giới, đồng đôla và hàng hóa Mỹ xuất hiện khắp mọi nơi. Châu Âu và nước Nhật bị tàn phá trong chiến tranh được xây dựng lại nhờ vào sức mạnh của nước Mỹ. Trong bốn thập niên nước Mỹ là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đồng thời cũng là quốc gia cung cấp nhiều tín dụng nhất trên thế giới. Quốc gia giàu có nhất thế giới bơm tiền của, hàng hóa tới các nước nghèo hơn. Nước Mỹ sử dụng nguồn năng lượng hừng hực trong sản xuất của họ để làm bùng lên ngọn lửa sản xuất ở các nước khác hoặc chí ít cũng giúp cho ngọn lửa đó ở một số nước khác lóe lên. Không ai có thể phủ nhận nước Mỹ là trung tâm sức mạnh của thế giới. Từ đây các nguồn năng lượng lan tỏa đi khắp nơi.
Ngay cả khi không có các hoạt động quân sự đồng vốn của Mỹ cũng hiện diện trên khắp thế giới. Nhiều người coi đây là một sự đặc ân trời cho nhưng cũng có một số người coi đây là một sự trừng phạt. Nhưng dù sao thì vào thời kỳ đó nước Mỹ đã trở nên thịnh vượng và tư bản Mỹ đã làm ăn rất phát đạt. Khi nền kinh tế Mỹ ở trên đỉnh cao huy hoàng, chói lọi này tài sản ròng của Mỹ ở nước ngoài đạt 13% tổng sản phẩm xã hội của Mỹ. Nói một cách khác: giới tư bản Mỹ có chi nhánh ở tất cả các nước đàn anh trên thế giới.
Những cái còn lại hiện nay
Cái nước Mỹ hùng mạnh đó ngày nay không còn nữa. Cái trung tâm quyền lực này hiện vẫn mạnh hơn hết thảy nhưng từ một số năm gần đây nguồn năng lượng đã chảy theo hướng ngược lại. Ngày nay người Châu Á, Mỹ La tinh và Châu Âu cùng tham gia vào việc cung cấp cho hạt nhân sản xuất Bắc Mỹ. Quốc gia xuất khẩu hùng mạnh nhất thế giới ngày nào nay trở thành quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới. Từ nước cung cấp tín dụng quan trọng nhất nước Mỹ trở thành nước vay tín dụng đáng kể nhất. Hiện nay tài sản ròng của người nước ngoài ở Mỹ lên đến 2,5 nghìn tỷ đôla, hoặc nói khác đi người nước ngoài chiếm giữ 21% tổng sản phẩn quốc nội của Mỹ. (20% các loại cổ phiếu, 17% trái khoán công nghiệp và 24% công trái nằm trong tay người nước ngoài).
Nguyên nhân dẫn đến sự thật nói trên không phải là do sự lười biếng của người Mỹ, cũng không phải do lối sống tiêu dùng vô độ của họ. Giới công nghiệp Mỹ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này: chỉ trong một số thập niên nền công nghiệp Mỹ đã giảm một nửa, chỉ đóng góp có 17% vào tổng sản phẩn quốc nội trong khi đó ở Châu Âu là 26% .
Tất cả các nền kinh tế đáng kể trên thế giới đều xuất khẩu hàng hóa vào nước Mỹ, mà không nhập khẩu một lượng hàng có giá trị tương ứng của Mỹ. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc cán cân thương mại năm 2005 có sự thâm hụt lên đến 200 tỷ đôla \, trong buôn bán với Nhật Bản thâm hụt 80 tỷ và với Châu Âu là 120 tỷ đôla. Ngay cả với các nền kinh tế không mấy phát triển như Ukraina hay Nga nền kinh tế Mỹ cũng không tạo nên thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu. Tầu container kìn kìn chở hàng xuất khẩu vào nước Mỹ, nhiều con tầu phải chạy không tải khỏi nước Mỹ vì thiếu hàng xuất khẩu của Mỹ.
Cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ bị thâm hụt nặng nề không phải vì nước Mỹ nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu, dầu mỏ hay thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất. Số tiền chi để nhập khẩu dầu mỏ cũng chỉ chiếm 160 tỷ đôla. Cái mà nước Mỹ nhập khẩu có giá trị lớn nhất lại là những sản phẩn hàng đầu của một nền kinh tế phát triển như ô tô, máy vi tính, tivi vv… trong khi đó Mỹ lại không có khả năng tung ra thị trường thế giới các sản phẩm trên với khối lượng tương tự.