Sự khác biệt về văn hóa ảnh hưởng đến cái nhìn về tính sáng tạo
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế cao cấp - Đại học Nghiên cứu Quốc gia (HSE) mới đây đã phát hiện ra rằng những người từ các nền văn hóa khác nhau sẽ đánh giá mức độ sáng tạo của người khác theo những cách khác nhau.
Đặc thù văn hóa xác định cách một cá nhân đánh giá thành quả sáng tạo của người khác. Ảnh: Unsplash
Cụ thể, người Nga có xu hướng tin rằng một bức vẽ càng… quái đản thì tức là càng sáng tạo, trong khi những người từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thì có xu hướng ngược lại. Bài báo mới đây đã được xuất bản trên Frontiers in Psychology.
Đặc thù văn hóa xác định cách một cá nhân đánh giá thành quả sáng tạo của người khác. Một cách vô thức, mọi người hình dung về sự sáng tạo và công việc sáng tạo thông qua lăng kính văn hóa của họ; để rồi điều này lại tác động đến cách chúng ta đánh giá các thành quả sáng tạo. Dù vậy, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ sự khác biệt văn hóa thể hiện như thế nào trong việc đánh giá mức độ sáng tạo. Anatoly Kharkhurin, Trợ lý Giáo sư tại Khoa Khoa học Xã hội HSE đã cùng cộng sự của mình là Trợ lý Giáo sư Sergey Yagolkovsky thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu điều này.
Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng Bài kiểm tra trí tưởng tượng của Thomas Ward. Những người tham gia là sinh viên của Đại học HSE và Đại học American tại Sharjah (UAE). Các sinh viên được yêu cầu tưởng tượng, vẽ và mô tả một sinh vật sống trên hành tinh khác. Bài kiểm tra này nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy thoát khỏi khuôn mẫu khi yêu cầu người trả lời vẽ một thứ mà họ chưa từng nhìn thấy ngoài đời thực.
Bức vẽ sinh vật ngoài hành tinh của một sinh viên UAE. Ảnh: Kharkhurin AV và Yagolkovskiy SR
Nhóm nghiên cứu sẽ phân tích hình ảnh dựa trên ba đặc điểm: đối xứng hai bên, hai mắt và tứ chi. Những sinh vật ngoài hành tinh với cả ba đặc tính trên đều giống với những mô tả quen thuộc về con người và động vật trên Trái đất. Tuy nhiên, một người ngoài hành tinh với nhận dạng quái lạ – không tuân theo các quy tắc này – sẽ tạo được sức hút hơn.
Sau đó, sẽ có các tình nguyện viên từ Nga và UAE đảm nhiệm vai trò ban giám khảo. Ban giám khảo Nga bao gồm 53 sinh viên trong độ tuổi 17–20, trong khi ban giám khảo UAE bao gồm cùng một số lượng sinh viên ở độ tuổi 17–26. Nhiệm vụ của Ban giám khảo là đánh giá tính sáng tạo của 100 bức vẽ được chọn với tỷ lệ ngang nhau từ cả hai quốc gia – trên thang điểm từ 1 đến 5.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đại diện của các nền văn hóa khác nhau sẽ đánh giá các bức vẽ theo những cách khác nhau.
Ban giám khảo Nga đã trao số điểm hào phóng hơn nhiều so với phía UAE, bất kể quốc tịch của tác giả. Bức vẽ của các sinh viên người Nga đã giành được 3,12 điểm từ ban giám khảo Nga và 2,54 điểm từ các giám khảo của UAE, so với số điểm tương ứng lần lượt là 2,33 và 1,94 cho các bức vẽ của sinh viên UAE.
Phân tích dữ liệu cho thấy sự khác biệt về điểm số có liên quan đến việc hình dạng của người ngoài hành tinh trông quen thuộc như thế nào. Trong quá trình vẽ người ngoài hành tinh, sinh viên UAE nhìn chung ít đi lệch khỏi các đặc điểm điển hình hơn so với sinh viên Nga. Điều này có thể là do các sinh viên UAE không mấy hứng thú với việc phá vỡ các quy tắc để hoàn thành một nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo. Nhóm sinh viên UAE nhận thấy những bức vẽ càng khác thường thì trông càng kém hấp dẫn và do đó, họ đánh giá chúng là kém sáng tạo. Ngược lại, những sinh viên người Nga tham gia cuộc thi tin rằng người ngoài hành tinh càng khác biệt so với động vật trên cạn hay con người thì bức vẽ càng sáng tạo.
Bức vẽ sinh vật ngoài hành tinh của một sinh viên Nga. Ảnh: Kharkhurin AV and Yagolkovskiy SR
“Những người từ các nền văn hóa khác nhau đánh giá công việc sáng tạo khác nhau. Đại diện của các quốc gia “phương Tây” đề cao tính đổi mới và độc đáo trong tác phẩm nghệ thuật, trong khi những người từ các nền văn hóa “phương đông” coi trọng tính thẩm mỹ và tính chân thực của tác phẩm nghệ thuật. Đó là lý do tại sao ở các nước phương Tây, việc vi phạm các tiêu chuẩn chung được đánh giá cao, trong khi ở các nước phương Đông, chúng bị coi là quái gở’, Anatoly Kharkhurin nói .
Tuy nhiên, bất chấp sự khác biệt về văn hóa trong nhận thức về tính sáng tạo, cả nhóm giám khảo Nga lẫn UAE đều cho các bức vẽ của những sinh viên Nga điểm cao hơn. Điều này có thể liên quan đến thực tế là các quy tắc thẩm mỹ, không giống như nhận thức về sự sáng tạo, là thứ phổ biến bất chấp sự khác biệt giữa các nền văn hóa, và cả hai nhóm đều nhận thấy các bức vẽ của những sinh viên Nga đẹp hơn về mặt thẩm mỹ.
Đinh Cưu tổng hợp
Nguồn: Cultural Variations in Evaluation of Creative Work: A Comparison of Russian and Emirati Samples
Cultural differences impact the evaluation of creativity