Sự mong manh của khoa học và phận người

Không chỉ đem lại những thông tin mới về một bức tranh mang tính biểu tượng của họa sĩ Tân cổ điển Pháp Jacques-Louis David, Antoine Laurent Lavoisier (1743–1794) and Marie-Anne Lavoisier (Marie-Anne Pierrette Paulze, 1758–1836), những công cụ khoa học tiên tiến đã giúp khắc họa rõ hơn sự mong manh của khoa học và phận người giữa dòng xoáy lịch sử.

Bức họa Antoine Laurent Lavoisier (1743–1794) và Marie-Anne Lavoisier (Marie-Anne Pierrette Paulze, 1758–1836). Nguồn: MET.

Được treo tại bảo tàng Mỹ thuật Metropilitan (Mỹ), bức họa Antoine Laurent Lavoisier (1743–1794) and Marie-Anne Lavoisier (Marie-Anne Pierrette Paulze, 1758–1836) được quan tâm một cách đặc biệt bởi hai lý do: thứ nhất người sáng tạo ra nó là một họa sĩ tiên phong của kỷ nguyên Tân cổ điển mà tên tuổi gắn liền với bức chân dung các nhân vật lịch sử Oath of the Horatii (Lời thề của nhà Horatii), The Death of Socrates (Cái chết của Socrates), The Death of Marat (Cái chết của Marat), Napoleon at the Saint-Bernard Pass (Napoleon trên đèo Saint-Bernard), The Emperor Napoleon in His Study at the Tuileries (Hoàng đế Napoleon trong phòng làm việc tại cung điện Tuileries)…; thứ hai đó là chân dung của cặp vợ chồng nhà Lavoisier, những người đặt nền tảng cho nền hóa học hiện đại. Nếu đặt cả nhà Lavoisier và Jacques-Louis David, người ghi lại hình ảnh mang tính biểu tượng của họ, vào bối cảnh thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Pháp 1789, người ta sẽ thấy nổi lên những mối quan hệ nhằng nhịt không ngờ cũng như sự bi thảm không thể tránh khỏi của số phận con người trong bối cảnh lịch sử rối ren.

Sau bốn thập niên được treo lại bảo tàng Met, vào năm 2019, nhà giám tuyển Katharine Baetjer đề xuất với Ban Bảo tồn tranh của Met là nên loại bỏ lớp véc ni tổng hợp đã xuống cấp trên bề mặt bức họa. Khi đó, nhà bảo tồn Dorothy Mahon đã nhận thấy những điểm màu đỏ kỳ lạ bên dưới lớn sơn vẽ mái đầu của Marie Anne Lavoisier, gợi ý có những nét vẽ bên dưới mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Những quan sát ban đầu của nhà bảo tồn Dorothy Mahon đã dẫn đến một cuộc tìm hiểu rộng hơn với sự hỗ trợ của các công cụ phân tích và manh mối lịch sử… Và sau ba năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra điều bí ẩn mà từ trước chưa được ai quan tâm. Kết quả được họ công bố trên tạp chí Heritage Science “Discovering the evolution of Jacques-Louis David’s portrait of Antoine-Laurent and Marie-Anne Pierrette Paulze Lavoisier” (Khám phá sự tiến triển của bức chân dung Antoine-Laurent và Marie-Anne Pierrette Paulze Lavoisier của Jacques-Louis David).

Antoine Laurent có vai trò lớn lao với khoa học, cụ thể là nền hóa học hiện đại. Nếu lật giở lịch sử khoa học, chúng ta biết rằng trước Antoine Lavoisier, thuật giả kim (alchemy) với những bí quyết được úp mở là có thể biến kim loại bình thường thành vàng hay khả năng điều chế thuốc chữa bách bệnh đã phát triển thịnh vượng ở châu Âu đến tận thời kỳ Phục Hưng. Ngay cả trong truyện cổ tích của Andersen thì cũng có những nạn nhân của thuật giả kim, nhà quý tộc phá sản Valdemar Daae và các cô con gái bị buộc phải rời lâu đài của mình nhưng vẫn ôm chiếc bình quý chứa dung dịch mà ông cho là có khả năng biến đá thành vàng.

Cho đến thời kỳ Khai Sáng, những tri thức mới đã làm thay đổi tất cả. Antoine Lavoisier đóng vai trò trung tâm của cuộc cách mạng hóa học thế kỷ 18 và là người có ảnh hưởng lớn đến cả lịch sử hóa học lẫn lịch sử sinh học. Về tổng thể, những đóng góp vĩ đại của Lavoisier trong hóa học là đem lại thay đổi môn khoa học này từ định tính sang định lượng cũng như khám phá ra vai trò quan trọng của oxy trong quá trình đốt, và hàng loạt khám phá khác: ghi nhận, đặt tên oxygen (1778), hydrogen (1783), dám đối đầu với thuyết phlogiston (thuyết về sự cháy), góp phần xây dựng hệ mét, viết danh sách mở rộng đầu tiên các nguyên tố, giúp cải cách danh pháp hóa học, dự đoán sự tồn tại của silicon (1787), khám phá ra là dù vật chất có thể thay đổi hình dạng nhưng khối lượng của nó vẫn không đổi.

Antoine Laurent Lavoisier trong phòng thí nghiệm của mình.

Những điểm bất thường

Ngày nay, mỗi khi nhìn ngắm bức chân dung này, người ta không khỏi dấy lên sự kỳ lạ. Antoine và Marie Anne Lavoisier được khắc họa như những nhân vật thượng lưu giàu có chứ không phải những nhà khoa học hiện đại sinh ra trong thời kỳ Khai sáng.

Trong bức vẽ của Jacques-Louis David, cả hai vợ chồng nhà hóa học đều xuất hiện với vẻ ngoài trang nhã và có phần đỏm dáng, dù trang phục không quá cầu kỳ. Chiếc áo đen giản dị của Antoine Lavoisier không làm giảm được sự cầu kỳ của chiếc áo sơ mi trắng viền ren ở cổ và cổ tay, dường như không phù hợp với công việc thực nghiệm của một nhà hóa học. Trang phục của vợ ông, bà Marie Anne Lavoisier, cũng dường như không phù hợp với vai trò người trợ lý của phòng thí nghiệm, vai trò bà vẫn đảm nhiệm trong các nghiên cứu của chồng mình. Những chai lọ được xếp trên mặt bàn phủ nhung đỏ hay nằm dưới đất, đều mang dáng dấp của sự sắp đặt nghệ thuật, nghĩa là nhiệm vụ của chúng ở đây thuần túy là để trang trí. Dường như trong bức chân dung này, yếu tố khoa học chỉ là thứ yếu và nếu không có khuôn mặt quen thuộc của Lavoisier thì người ta vẫn ngỡ đây là một cặp vợ chồng thượng lưu, đặt hàng chàng họa sĩ nổi tiếng để có một bức họa để đời.

Các kỹ thuật khoa học hiện đại đã giúp các nhà bảo tồn nhìn sâu hơn vào bức họa.

Các nhà bảo tồn phát hiện ra điều bí ẩn này khi dùng nhiều công cụ phân tích mới, vốn chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Một sự kết hợp giữa máy quét cắt lớp huỳnh quang X quang macro (MA-XRF) và những kỹ thuật chụp ảnh hồng ngoại không xâm lấn để chụp ảnh và phân tích bức họa. Khi dùng ánh sáng hồng ngoại để xuyên qua các lớp sơn bên trên và dò những thay đổi của tác phẩm còn MA-XRF dùng để xác định sự phân bố của các nguyên tố thành phần của các màu vẽ, bao gồm cả những màu vẽ dưới lớp bề mặt, qua đó đem lại những bản đồ chi tiết về thành phần các chất để giúp các nhà khoa học bảo tồn nhận biết về sự hiện diện của các lớp màu bên dưới. Do đây là bức tranh khổ rộng nên các nhà khoa học chọn nhiều mặt cắt và nghiên cứu nó trước khi ráp lại hoàn chỉnh.

Theo cách đó, các nhà khoa học phát hiện ra bức tranh ban đầu với ý tưởng khác biệt so với bức tranh mà chúng ta thấy ngày nay. Trong bức tranh nguyên thủy, bà Lavoisier đội một chiếc mũ lớn được trang trí những dải ruy băng xanh lam lộng lẫy và đóa hoa giả. Thời trang Paris biến đổi rất nhanh, chỉ cần vài tháng là có thể đưa ra một chiếc váy hay một chiếc mũ mới. Qua trao đổi với Jessica Regan của Viện Trang phục của Met, các nhà nghiên cứu đã biết được chiếc mũ đen ruy băng màu xanh lam mà bà Lavoisier đội là mũ à la Tarare, được đặt theo tên vở opera Tarace của Antonio Salieri và Pierre Beaumarchais, vốn xuất hiện vào cuối hè, đầu thu năm 1787. Dải ruy băng này hoàn toàn ăn khớp với thắt lưng lụa màu xanh lam trên chiếc váy chemise à la reine của bà Lavoisier.

Nhưng không phải chỉ có vậy, cả ông Lavoisier cũng thay đổi. Thoạt tiên ông không mặc chiếc áo đen có ba chiếc cúc giản dị và chiếc quần chẽn màu đen mà là choàng trên người chiếc áo khoác dài màu nâu thời thượng. Sự phân bố của sắt và việc kiểm tra các vùng trên bề mặt bức họa, nơi màu đen bị phai đi cho thấy có bảy chiếc cúc màu vàng, có lẽ bằng đồng, trên chiếc áo. Đáng ngạc nhiên hơn là Lavoisier còn khoác thêm một cái áo choàng màu đỏ trên đôi vai, bao bọc lấy khuỷu tay trái rồi cuộn quanh người ông trước khi rơi xuống sàn.

Tất cả phục sức nguyên bản đã cho thấy rõ cảm giác kỳ lạ của người xem là có sơ cở: nhà Lavoisier không hề giống người làm khoa học. Họ quá thời thượng và đỏm dáng.

Nhưng có lẽ, kỳ lạ hơn cả là trong nguyên bản, các dụng cụ khoa học của ông Lavoisier vắng bóng. Chúng chỉ được vẽ thêm vào, như cái áo đen của nhà hóa học, trên mặt bàn trống không, cùng với tấm khăn trải bàn màu đỏ. Tấm khăn được thêm vào này đã che đi chiếc bàn được chạm khảm cầu kì với những chi tiết bằng đồng theo phong cách Rococo. Rõ ràng, mọi chi tiết mới cho thấy, ý đồ của họa sĩ – và có lẽ là ý đồ của nhà Lavoisier, là không xuất hiện với phong cách của nhà khoa học mà như những người thuộc tầng lớp thượng lưu.

Số phận ẩn sau nét vẽ

Antoine Laurent Lavoisier trên đường ra pháp trường. Nguồn: sciencephoto.com.

Ở đây, có một câu hỏi đặt ra, tại sao nhà Lavoisier lại muốn mình xuất hiện với phong cách này? Và tại sao họa sĩ Jacques-Louis David lại vẽ lại bức tranh sau khi đã hoàn thành nó? Ông cảm thấy không hài lòng với sự biểu đạt của nhân vật hay vì nguyên nhân nào khác? Quả thật, người ta không thể trả lời thấu đáo câu hỏi này, nếu không đặt các nhân vật trong tranh và cả họa sĩ vào bối cảnh lịch sử, nơi nó được sinh ra.

Khi nhìn vào xuất thân của Antoine Lavoisier, người ta sẽ thấy số mệnh đã đặt sẵn cho ông một vị trí trong xã hội thượng lưu: ông sinh ra trong một gia đình quyền quý và ở tuổi lên năm, ông đã hưởng một gia sản lớn sau khi mẹ qua đời. Tuy nhiên, ông không dùng gia sản để sống một cuộc đời vô lo, vô nghĩ mà dành để đầu tư cho khoa học, kể từ khi trình bày bài báo đầu tiên của mình tại Viện Hàn lâm Khoa học Pháp ở tuổi 21. Gia sản của ông gia tăng thông qua việc mua cổ phần ở General Farm, vốn cho phép ông có thể sống thoải mái, dành toàn tâm toàn ý cho khoa học và đóng góp những khoản tài trợ hào phóng cho cộng đồng. Vào thời điểm bình minh của khoa học hiện đại, thật khó để có thể tìm được nguồn tài trợ cho khoa học và cũng không thể “làm giàu” được từ khoa học, vì vậy Lavoisier đã dùng tiền túi để mở một phòng thí nghiệm với những trang thiết bị đắt tiền, thu hút các nhà khoa học tới làm việc mà không vướng phải các rào cản kinh phí.

Là một người theo chủ nghĩa nhân đạo, Lavoisier quan tâm đến việc cải thiện đời sống của người dân Pháp bằng nông nghiệp, công nghiệp và khoa học. Năm 1766, Lavoisier được vua Pháp trao huy chương vàng cho công trình về chiếu sáng đường phố và hai năm sau được bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Cũng năm đó, ông tập trung vào một dự án thiết kế một cống dẫn nước để mang nước sông Yvette vào Paris để mọi người có thể được uống nước sạch. Nhưng do dự án này không bao giờ được khởi công nên ông lại hướng vào việc làm sạch nước sông Seine. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Lavoisier lại tập trung tìm hiểu bản chất hóa học của nước và việc cải thiện điều kiện vệ sinh công cộng.

Thêm vào đó, ông cũng quan tâm đến chất lượng không khí và cũng dành thời gian nghiên cứu về nguy cơ rủi ro tới sức khỏe do ảnh hưởng từ thuốc súng. Năm 1772, ông thực hiện một nghiên cứu về tái tạo khách sạn Hôtel-Dieu sau khi nó trải qua một trận hỏa hoạn, theo cách cho phép đặt các đường thông hơi đúng quy tắc và làm sạch không khí. Cùng thời điểm đó, ông còn thực hiện một cuộc điều tra về điều kiện vệ sinh của tù nhân tại các nhà tù ở Paris và nêu ra một số đề xuất cải thiện điều kiện sống (nhưng sau đó đã bị lờ đi).

Không chỉ lập hai tổ chức về giáo dục là Lycée và bảo tàng Musée des Arts et Métiers như những công cụ giáo dục công, Lavoisier còn góp phần thành lập Hội đồng Nông nghiệp Hoàng gia, dành nhiều khoản tiền của chính mình để cải thiện điều kiện canh tác ở Sologne – nơi có chất lượng mùa vụ nghèo nàn; tham gia điều hành Hội đồng thuốc súng, qua đó cải thiện chất lượng và sản lượng thuốc súng, đưa nó trở thành một nguồn thu cho chính phủ… Tuy nhiên, vai trò của Hội đồng thuốc súng cũng hỗ trợ trở lại cho khoa học của Lavoisier khi được tham gia vào phòng thí nghiệm của Royal Arsenal từ năm 1775 đến năm 1792…

Bức vẽ nhà Lavoisier hoàn thành vào trước khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra. Có tin đồn là họa sĩ David đã được trả 7.000 livre vào ngày 16/12/1788, và dự kiến sẽ treo nó tại Paris Salon, hay còn gọi là Académie des Beaux-Arts (Viện Hàn lâm nghệ thuật Pháp). Do tình hình căng thẳng thời kỳ đó mà họa sĩ dự định sẽ không mời đông đảo công chúng tới thưởng lãm, tuy nhiên cẩn thận vẫn chưa đủ. Sau đó, một số người trong chính quyền đã khuyên ông nên thay đổi một số chi tiết trong bức họa cho an toàn, bởi không nên đưa hình ảnh Lavoisier giàu có khiến nhà hóa học trở thành kẻ thù của cuộc cách mạng. Đây là lý do khiến Davis đã phải thêm vào một số đồ lề khoa học trong phòng thí nghiệm của Lavoisier, xóa đi một số yếu tố ban đầu ở hai nhân vật.

Có một điều có thể Davis cũng không ngờ là chính tài khéo trong những nét giúp ông xoay chuyển tình thế lại góp phần hình thành một thể loại tranh chân dung mới mà sau này ông đã tận dụng để vẽ một loạt chân dung khác. “Về mặt lịch sử nghệ thuật, những manh mối này đem lại cái nhìn mới vào cách David đến với cột mốc của nghệ thuật vẽ chân dung châu Âu, không phải đến một cách bất ngờ vào một thời điểm mà trên cơ sở tính toán lại và sáng tạo lại những kiểu chân dung đã có, nhiều bức trong số này đã trở thành tiên phong cho nghệ thuật vẽ chân dung phụ nữ như Adelaïde Labille-Guiard và Elisabeth Louise Vigée Le Brun vào những năm 1780”, nhà giám tuyển của Phòng tranh châu Âu Met là Davis Pullins nói.

Trong thông cáo báo chí của Met, ông cũng cho biết thêm: “Khía cạnh cá nhân trong bức họa Antoine Laurent Lavoisier và vợ ông đã được khắc họa trong bức chân dung của Jacques-Louis David. Tuy nhiên giờ thì chúng ta mới thấy một khía cạnh khác, hoàn toàn theo nghĩa đen, ẩn dấu trong bức chân dung hiện tại. Đây là một lăng kính khác để khi nhìn vào đó, chúng ta thấy nhà Lavoisier không phải vì những đóng góp của họ cho khoa học mà là như người của tầng lớp thu thuế giàu có, một vị trí giúp cho họ có được điều kiện đầu tư cho khoa học nhưng cuối cùng lại đưa chính Lavoisier tới bục máy chém vào năm 1794”.

Cuối cùng, một thế kỷ sau, khi nhà Lavoisier, David và những người cùng thời không còn nữa thì bức họa mới được ra mắt công chúng, đúng vào Triển lãm thế giới năm 1889. Thế cuộc rồi cũng đổi thay, nỗi hàm oan đã được cởi bỏ, tuy không thể rút lại những gì Lavoisier phải chịu đựng nhưng có một điều chắc chắn là đóng góp cho khoa học của ông thì còn mãi…□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: Smithsonian, Heritage Science

Thật không ngờ là những gì khiến Lavoisier trở nên nổi tiếng và có nhiều đóng góp cho xã hội lại trở thành tai họa cho ông trong thời kỳ cuộc cách mạng Pháp, diễn ra từ năm 1789 đến năm 1799 với việc lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Thành công của cuộc cách mạng Pháp đã tạo đà cho việc xóa bỏ Ferme générale, một công ty tài chính nông nghiệp của chính quyền hoàng gia mà Lavoisier tham gia, vào năm 1791, và buộc Lavoisier từ chức ở Hội đồng thuốc súng và rời phòng thí nghiệm tại Royal Arsenal. Vào ngày 24/11/1793, ông và một số những người tham gia Ferme générale bị bắt giữ với chín tội danh cáo buộc tư túi tiền bạc và cho thêm nước vào thuốc lá trước khi bán. Lavoisier đã viết lời phản đối, trong đó nhắc nhở về nỗ lực đem lại chất lượng cao cho thuốc lá như thế nào. Theo những lời đồn đại thì Coffinhal, chánh án phiên tòa đã nói “Nền cộng hòa không cần cả học giả lẫn nhà hóa học; phiên tòa không thể bị trì hoãn” sau lời đề nghị của Lavoisier được trở về để tiếp tục làm thí nghiệm.

Tòa phán quyết Lavoisier tội chết, cuộc xử tử diễn ra vào ngày 8/5/1794. Nhà toán học Lagrange đã thốt lên “Tuy chỉ chém bay mái đầu này trong chốc lát nhưng mất cả trăm năm sau cũng không thể tái tạo được một trí tuệ như thế”.

Có nhiều đồn đại về nguyên nhân đích thực khiến Lavoisier bị buộc tội nhưng theo nhà lịch sử khoa học Stephen Jay Gould thì do nhà lý luận chính trị và nhà khoa học Pháp Jean-Paul Marat tố cáo ông. Marat có mối tư thù với Lavoisier vì Lavoisier từng chỉ ra những điểm chưa được trong công trình của Marat khi ông này cố gắng trở thành thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Sau này, cả Coffinhal lẫn Marat đều chết bất đắc kỳ tử: Coffinhal bị xử tử ba tháng sau phiên tòa này còn Marat bị một cô gái theo phe Girondin là Charlotte Corday đâm chết trong bồn tắm.

Bản thân số phận của David cũng khác thường. Ông sau đó trở thành người ủng hộ nhiệt thành của Cách mạng Pháp và là bạn của Maximilien Robespierre, một trong những nhà lãnh đạo cách mạng. Từng bị bắt giam sau khi Robespierre thất thế, ông đã chuyển hướng ủng hộ Napoleon và phát triển phong cách Đế chế với việc sử dụng những gam màu ấm áp của trường phái Venice. Sau khi Napoleon thoái vị, David sống tha hương tại nước ngoài. Một ngày mới bước chân khỏi một rạp hát, David bị một chiếc xe chở hàng đâm phải. Ông qua đời vào ngày 29/12/1825.

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)