Sự sụp đổ tài chính phố Wall và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam
Sự sụp đổ của một số công ty tài chính hàng đầu của phố Wall trong những ngày gần đây là một sự kiện gây chấn động toàn cầu. Đợt khủng hoảng này là đợt khủng hoảng có tính thế kỷ, nên đây cũng là một cơ hội thế kỷ để cho các doanh nhân Việt Nam vươn lên vượt qua các đối thủ ở các quốc gia khác trong tương lai. Những chính sách đúng đắn của Chính phủ vào lúc này là rất cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam biến cơ hội ngàn vàng này thành hiện thực.
Sự sụp đổ của thị trường tài chính phố Wall là một sự sụp đổ do sáng tạo và vì sáng tạo. Như nhà kinh tế vĩ đại Schumpeter đã viết cách đây gần thế kỷ, đó là sự sụp đổ từ bên trong của nền kinh tế tư bản, một sự sụp đổ cần thiết để phát triển, để cái mới hơn, hiệu quả hơn ngự trị, thay thế cái cũ. Không nghi ngờ gì, sự sụp đổ này sẽ gây tổn thương đáng kể cho một bộ phận nhất định các doanh nghiệp Mỹ cũng như trên thế giới có liên quan trực tiếp hoặc tương đối gần với các định chế tài chính phá sản này. Nhưng nhờ sự sụp đổ này mà nền kinh tế của Mỹ trong thời gian tới sẽ nhanh chóng được hồi phục. Chúng ta có quyền hy vọng vào điều này bởi vì nền kinh tế đã được giao lại vào tay những doanh nhân có năng lực hơn; nguồn tiết kiệm thực của dân chúng Mỹ sẽ được dành cho những hoạt động kinh doanh hiệu quả trong tương lai thay vì bị Chính phủ Mỹ bỏ ra để tiếp tục duy trì hệ thống kém hiệu quả đó. Những định chế sai lầm về tài chính, tiền tệ, và quản lý công ty sẽ được hiệu chỉnh hoặc thay thế, nhường chỗ cho những định chế hiệu quả hơn. Đối với những khu vực kinh tế bị tác động gián tiếp của sự sụp đổ này thì đây là một sự cảnh báo cần thiết. Họ sẽ phải xem xét lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình, các danh mục đầu tư trong tương lai, và các mô hình quản lý cũng như mối quan hệ hiện có để phòng ngừa tai họa có thể sẽ xảy ra với mình. Sự tính toán và điều chỉnh của hàng tỷ con người trên thế giới sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới, hệ thống quản lý mới tốt hơn và hiệu quả hơn để thay thế những cái cũ kĩ hiện tại. Nhờ đó, thế giới sẽ nhanh chóng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
***
Đối với Việt Nam, ảnh hưởng của đợt sụp đổ của một số công ty tài chính phố Wall vẫn chỉ là gián tiếp ngay cả khi Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Và nếu suy nghĩ cẩn trọng thì thực ra những tác động xấu đó không lớn như mới thoạt hình dung.
Trước hết, đó là việc một số quĩ hoặc nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ rút tiền về để củng cố các hoạt động của mình ở nước sở tại. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là những trường hợp bất khả kháng. Các nhà đầu tư gián tiếp sẽ không rút đi khi mà thị trường chứng khoán của Việt Nam đã xuống quá nhiều trong năm nay, và khó có thể xuống thấp hơn nữa để rút vốn. Họ càng không rút khi mà cơ hội sinh lời trong tương lai đảm bảo cao hơn so với ở nước sở tại của họ.
Thứ hai, một số nhà đầu tư trực tiếp có thể không thu xếp đủ vốn để theo đuổi các dự án đã cam kết của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này chỉ đáng sợ khi những nhà đầu tư này không thấy cơ hội sinh lợi đáng kể trong tương lai. Nếu Chính phủ Việt Nam đưa ra được các chính sách kinh tế rõ ràng, nhất quán, đưa nền kinh tế tiến tới một nền kinh tế thị trường thực sự, đảm bảo sự phát triển bền vững thì sự giảm sút luồng vốn đầu tư sẽ không nhiều.
Thứ ba, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo ngại vì hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần vẫn là các loại hàng hóa cơ bản như sản phẩm nguyên liệu thô (dầu thô, than đá), nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), may mặc và giày dép, thủy sản. Độ co giãn của cầu đối với những hàng hóa này không lớn. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này chỉ bị giảm chút đỉnh khi ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình nước ngoài bị giảm.
***
Ngay từ tháng 3/2008, Chính phủ Việt Nam đã lường được tình cảnh tồi tệ của nền kinh tế Mỹ, đã tính đến những phương án chính sách và kế hoạch trong điều kiện nền kinh tế này rơi vào suy thoái dài hạn, trong điều kiện giá dầu vẫn ở mức cao. Điểm nổi bật trong chính sách kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua là ưu tiên chống lạm phát nhưng không chỉ đơn giản bằng công cụ tiền tệ. Chính phủ đã nhận ra được là chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư công, sự méo mó của hệ thống sản xuất do khối doanh nghiệp Nhà nước gây ra, và sự bảo hộ giá cả quá lâu trong một số ngành mới là những nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. Những khoản cắt giảm và giãn tiến độ thực sự về đầu tư công, việc tiếp tục kế hoạch cổ phần hóa, niêm yết các công ty này trên thị trường, sự thoái vốn của SCIC ở hầu hết những doanh nghiệp sau cổ phần, và gần đây là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc để giá xăng dầu vận hành theo kinh tế thị trường là những hành động cụ thể thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường. Nhưng với sự kiện khủng hoảng tài chính phố Wall lần này có lẽ đòi hỏi Chính phủ phải nhanh chóng đưa ra những chính sách và cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ và dứt khoát hơn nữa. Dưới đây tôi sẽ đề xuất một số chính sách mà Chính phủ nên theo đuổi trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn. Tôi tin rằng nhiều kiến nghị dưới đây đã được Chính phủ đã và đang tiến hành cũng như được nhiều đồng nghiệp khác của tôi đưa ra. Việc trình bày chúng ở đây để đảm bảo sự đầy đủ và nhất quán của các chính sách hướng tới việc đón nhận cơ hội có được từ sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản như hiện nay (14%) nhưng bỏ mức tín dụng trần 30% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách có điều kiện với các ngân hàng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giảm đối với các ngân hàng chứng tỏ được rằng những khoản nợ xấu từ đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính hoặc đầu tư khác của họ là trong vòng kiểm soát.
Việc duy trì lãi suất cơ bản như hiện nay nhằm tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong thời gian tới cơ hội đầu tư được mở rộng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nên các doanh nghiệp có thể tìm được những dự án có khả năng thu lời cao trong tương lai được mở ra. Doanh nhân nào có khả năng tìm thấy những cơ hội này thì hoàn toàn có thể có quyền tiếp cận vốn đầu tư. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các ngân hàng thương mại kinh doanh hiệu quả có thể mở rộng qui mô của mình để chiếm lĩnh thị trường.
Tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định như hiện nay. Trong trung hạn, sau khi lạm phát đã được kiềm chế, chính sách tỷ giá có thể chuyển sang chế độ tỷ giá linh hoạt có kiểm soát.
Việc duy trì tỷ giá ổn định như hiện nay góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát. Với việc duy trì VND có giá trị cao có thể dẫn đến việc nhập siêu. Tuy nhiên, với nguồn cung ngoại tệ vẫn ổn định và với chính sách thuế quan hạn chế tiêu dùng các loại hàng xa xỉ phẩm, đây không phải là điều đáng lo ngại trước mắt. Việc nhập khẩu máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất có vai trò quan trọng hơn vì nó giúp cho nền kinh tế có khả năng kiểm soát được lạm phát nhờ tăng năng suất lao động. Đây là thời điểm các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các điều kiện ưu đãi các loại máy móc thiết bị hiện đại của nước ngoài do tình trạng đình đốn sản xuất của các nước này. Về trung và dài hạn, chính sách này sẽ hạn chế được nhập siêu nhờ việc tăng năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Sau khi lạm phát được khống chế, việc chuyển sang chế độ tỷ giá linh hoạt có kiểm soát sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của nền kinh tế thế giới.
Tiếp tục việc hạn chế tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ phẩm như ô tô, xe máy, rượu ngoại… Đối với vàng, Nhà nước có thể tiến tới nới lỏng việc hạn chế nhập khẩu vàng khi áp lực ngoại tệ không còn lớn và khi sự hoảng loạn về cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ qua đi.
Việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ phẩm cần được tiếp tục trong thời gian trước mắt nhằm khuyến khích đưa các nguồn lực vào khu vực sản xuất. Nó cần được dỡ bỏ khi nền kinh tế đi vào ổn định để đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân.
Nhà nước nên tính toán thời điểm nới lỏng hạn chế nhập khẩu vàng để điều hòa thị trường ngoại tệ, đặc biệt là khi có dấu hiệu dư thừa ngoại tệ. Việc nới lỏng nhập khẩu vàng cũng sẽ giải quyết được nhu cầu tiêu thụ vàng của dân chúng trong dịp cuối năm.
Đẩy mạnh cổ phần hóa và cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và cải cách các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp cho các doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm cơ hội thị trường, và nhờ đó có thể sẽ phát triển nhanh hơn.
Nhà nước không nên e ngại việc không bán được cổ phiếu ra bên ngoài ở thời điểm cổ phần hóa. Nhà nước có thể vẫn tiếp tục nắm đa phần vốn sở hữu tại các doanh nghiệp sau khi đã cổ phần. Doanh nghiệp sau cổ phần vẫn có thể có động lực đổi mới phát triển nếu Nhà nước cam kết sẽ thưởng cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận có được từ phần cổ phiếu thoái vốn của mình nếu doanh nghiệp làm ăn phát đạt.
Tiếp tục các chính sách về thắt chặt chi tiêu Chính phủ và đầu tư công
Việc thắt chặt chi tiêu Chính phủ và chuyển các khoản đầu tư công sang cho khu vực tư nhân sẽ góp phần vào việc giảm thuế cho khu vực doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Các doanh nghiệp sẽ có thêm được nguồn vốn để mở rộng sản xuất và thị trường. Đây cần phải xem như là một chính sách dài hạn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Khi đó Nhà nước dùng tiền thuế chủ yếu vào việc giữ gìn an ninh trật tự, qui hoạch và giám sát qui hoạch, điều hòa xung đột giữa các nhóm lợi ích trong xã hội, và ngăn ngừa thiên tai, khủng hoảng.
Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ phát triển trung và dài hạn
Sự đình đốn sản xuất ở các nước phát triển sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nhân Việt Nam tiếp cận được với máy móc công nghệ hiện đại với các điều kiện ưu đãi. Nâng cao năng lực sản xuất trong giai đoạn này sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể mở rộng qui mô sản xuất trong trung và dài hạn, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu gia tăng của các nền kinh tế phát triển trong giai đoạn phục hồi.
Các ban ngành của Bộ Công thương, Phòng thương mại Việt Nam và các ngân hàng thương mại có thể cùng phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để thúc đẩy hoạt động này.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài
Sự đình đốn sản xuất ở các nước phát triển tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt NamNam có thể mua lại các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài với giá rẻ. Những doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội này sẽ có khả năng trở thành những doanh nghiệp đa quốc gia của Việt trong tương lai.
Việc đầu tư ra bên ngoài Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ góp phần giải quyết được hiện tượng dư thừa USD ở Việt Nam, qua đó giúp cho thị trường ngoại hối được ổn định, kích thích được xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước cũng không phải bơm tiền ra để duy trì tỷ giá hối đoái ổn định. Nhờ đó, lạm phát sẽ được kiềm giữ.
Rà soát lại và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng
Một hệ thống tài chính, ngân hàng lành mạnh là tối cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Chính phủ cần phải xem xét lại các định chế quản lý tài chính ở các ngân hàng và đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Chính phủ sẽ không bao dung những ngân hàng mà không chủ động có những biện pháp tự phòng ngừa rủi ro.
Chính phủ cần rà soát lại các ngân hàng cho vay nhiều vào khu vực bất động sản và các loại dự án có tính rủi ro cao. Với những trường hợp có nguy cơ cao. Chính phủ cần yêu cầu cũng như tham vấn các bên để thực hiện các biện pháp mua bán nợ nhằm chia sẻ rủi ro cho nhiều định chế tài chính khác có khả năng kiểm soát rủi ro tốt hơn, có mức độ thanh khoản tốt hơn. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ nên yêu cầu các ngân hàng yếu kém sáp nhập vào các ngân hàng khác khi tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại này vẫn còn chưa đến mức tồi tệ.
Tiến tới thị trường chứng khoán không có các biên độ
Vai trò của thị trường chứng khoán không đơn thuần chỉ là nơi huy động vốn cho các doanh nghiệp. Chức năng chính của nó là định hướng các nguồn lực vào những lĩnh vực có khả năng đem lại lợi nhuận tốt nhất trong tương lai. Để đảm nhận được chức năng này, thị trường chứng khoán cần những nhà đầu tư tài ba và chuyên nghiệp, biết tính toán đắn đo cho từng sự thay đổi giá trị cổ phiếu.
Tuy nhiên việc duy trì biên độ hiện tại khuyến khích những nhà đầu tư ưa mạo hiểm tham gia vào thị trường thay vì là những nhà đầu tư biết tính toán kinh tế. Khi duy trì mức giá trần và giá sàn, những nhà đầu tư sẵn sàng đặt giá trần hoặc giá sàn mà không sợ rằng mức giá đó là quá cao hoặc quá thấp vì họ nghĩ rằng ngày mai họ có thể sửa chữa được các quyết định không đúng đắn. Biến động thị giá cổ phiếu không phải là do kết quả tính toán cẩn trọng của các nhà đầu tư trong việc hướng nguồn lực tới những lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao. Thị trường chứng khoán bị biến thành một loại “sòng bạc”, làm giàu cho những tay chơi trường vốn và mánh khóe. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như nhân viên có cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng bị tước đoạt nguồn vốn ít ỏi của mình vì sự không am hiểu, cũng như không có đủ cơ hội để am hiểu, các mánh khóe của thị trường chứng khoán kiểu này.
Việc loại bỏ các biên độ sẽ khiến cho các nhà đầu tư phải tính toán cho từng mức giá mà họ đặt, giúp cho họ có thể nhanh chóng huy động được nguồn tài chính khổng lồ cho những doanh nghiệp có tiềm năng sinh được lợi nhuận cao, và nhanh chóng thoái lui khỏi những doanh nghiệp có chính sách kinh doanh sai lầm. Thị trường sẽ chỉ là sân chơi dành cho những nhà đầu tư thực thụ giúp nền kinh tế định hướng phát triển bền vững. Những cá nhân khác muốn tham gia thị trường chứng khoán sẽ buộc phải thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp nếu họ không muốn bị thua lỗ. Đây là điều kiện cần thiết để giúp cho thị trường chứng khoán trở thành “phong vũ biểu” của nền kinh tế.
Các chính sách về lao động, lương bổng và an sinh xã hội
Trước mắt Chính phủ chưa tăng lương tối thiểu. Với các doanh nghiệp làm ăn phát đạt, chủ doanh nghiệp ắt sẽ đảm bảo mức lương tốt cho nhân viên để có thể phát triển lâu dài. Với các doanh nghiệp yếu kém, việc tăng lương tối thiểu chỉ dẫn đến việc doanh nghiệp sa thải nhân công để tránh thua lỗ. Như vậy khi nền kinh tế bị đình trệ, nâng lương tối thiểu không giải quyết được vấn đề cải thiện đời sống của công nhân cũng như vấn đề thất nghiệp. Nó lại có thể là một nguyên nhân gây ra lạm phát.
Việc giữ nguyên mức lương tối thiểu sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tính toán và điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất. Một khi các doanh nghiệp đã khôi phục lại được khả năng sản xuất, chúng sẽ hấp thụ trở lại lượng nhân công mà chúng sa thải.
Khi lượng nhân công thất nghiệp tăng lên cao do nhiều cơ sở kinh doanh yếu kém bắt buộc phải sa thải nhân công thì một phần lớn lực lượng thất nghiệp này sẽ được hấp thụ bởi khu vực nông thôn vì đa phần công nhân Việt Nam hiện nay xuất thân từ nông dân. Phần nông thôn không hấp thụ được, chủ yếu là công nhân có xuất xứ từ khu vực thành thị, cần có những chính sách hỗ trợ nhất định để tránh những bất ổn trong xã hội. Nhà nước có thể tổ chức, hỗ trợ việc tái đào tạo tay nghề cho lực lượng này để giúp họ có thể tìm được việc làm. Các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng góp phần hấp thụ được một phần lực lượng thất nghiệp này. Trung trung hạn và dài hạn, vấn đề lương bổng và điều kiện lao động cần được thể hiện một cách minh bạch qua các hợp đồng lao động. Nhà nước chú tâm vào việc tư vấn cho các bên, đặc biệt là người lao động, xây dựng các hợp đồng lao động có khả năng thực thi cao. Nhà nước đóng vai trò trung gian để duy trì hợp đồng giữa hai bên cũng như ngăn cản các bên lạm dụng “quyền sở hữu vốn của giới chủ và quyền sử dụng lao động của giới công đoàn” để gây sức ép lên nhau.
Xây dựng cơ chế thị trường cho các lĩnh vực cơ bản (điện, nước, than, xi măng, sắt thép, xăng dầu, đường sắt), lĩnh vực xã hội (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục), lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực bất động sản và các thị trường phát sinh.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chỉ giải quyết được một phần vấn đề khuyến khích kinh doanh hiệu quả. Nó không giải quyết được vấn đề Nhà nước vẫn phải tiếp tục can thiệp vào các lĩnh vực “đặc biệt” mà các doanh nghiệp này hoạt động để ngăn cản các hành vi lạm dụng vị thế cũng như tính chất đặc thù của các loại hàng hóa này. Để nới lỏng hoặc “buông tay” khỏi các lĩnh vực này, Nhà nước nhất thiết phải thiết kế cơ chế thị trường cho chúng. Một khi cơ chế thị trường cho các lĩnh vực này được thiết lập, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể tham gia mà không khiến cho người tiêu dùng sợ phải trả giá cao cũng như chất lượng dịch vụ thấp.
Đây là những lĩnh vực hoàn toàn có thể vận hành được theo cơ chế thị trường. Chính phủ cần tỏ rõ quyết tâm xây dựng và chuyển giao những lĩnh vực này cho thị trường. Chính phủ nên có lịch trình rõ ràng và có thể mời những chuyên gia hàng đầu thế giới phối hợp với các chuyên gia trong nước để thiết kế các cơ chế thị trường cho những lĩnh vực này.
Một khi những lĩnh vực cơ bản này được vận hành theo cơ chế thị trường, nền kinh tế Việt Nam sẽ có được một cái gốc vững vàng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như trợ giúp và nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước vươn xa ra thị trường quốc tế.
Xác lập quyền tư hữu về đất đai
Việc xác nhận quyền tư hữu về đất đai là bước cuối cùng để chuyển Việt Nam thành một nền kinh tế thị trường thực thụ. Nó khiến cho các mảnh đất trở nên có giá trị thực theo đánh giá của thị trường dựa trên qui hoạch tổng thể của Nhà nước về mục đích sử dụng đất đai. Các mảnh đất nhờ đó có thể sinh lời lớn nhất cho những người chủ sở hữu biết khai thác chúng trong khuôn khổ mục đích sử dụng cho phép của chính quyền. Nhà nước sẽ không còn phải gồng mình làm thay thị trường mà chỉ còn phải tập trung vào việc qui hoạch đất đai sao cho đảm bảo được sự phát triển hài hòa và bền vững của nền kinh tế.
Luật đất đai hiện tại của Việt Nam hầu như đã xác nhận quyền tư hữu đất đai của nhân dân. Với việc hiện nay Chính phủ chấp nhận việc xác định giá trị đất đai theo giá thị trường thì vai trò của Nhà nước thực ra rất mờ nhạt. Việc xác lập quyền tư hữu đất đai sẽ giúp cho chúng ta có tên gọi đúng về quyền mà người dân đang có đối với đất đai của họ, biến những mảnh đất trở thành những tài sản thực thụ, có khả năng mua bán, sang nhượng, hay thế chấp. Các chủ thể kinh tế của Việt Nam nhờ đó có thể dễ dàng quan hệ mua bán, vay mượn với các đối tác nước ngoài bằng tài sản đất đai của mình.