Sữa lạc đà vào châu Âu
Sau những cuộc đàm phán đầy khó khăn và kéo dài, nay lần đầu tiên các doanh nghiệp ở Trung Đông có thể xuất khẩu sữa lạc đà sang châu Âu.
Lô sản phẩm sữa lạc đà đầu tiên mang nhãn hiệu Cameliciou của hãng The Emirates Industry for Camel Milk & Products (EICMP) ở Dubai đã xuống tàu lên đường sang châu Âu. Chúng trước tiên dành cho các doanh nghiệp đối tác thuộc ngành mỹ phẩm và dược phẩm. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan cũng nhập sữa tươi phục vụ công tác nghiên cứu về đặc tính và lĩnh vực sử dụng sữa lạc đà.
EICMP đánh giá cao tiềm năng to lớn của thị trường châu Âu đối với nhiều loại sản phẩm sữa lạc đà như sữa tươi, sữa bột, váng sữa để làm kem và sô cô la.
Người tiêu dùng châu Âu sẽ được hưởng những ưu điểm của sữa lạc đà, điều mà người dân trên sa mạc đã ca ngợi từ hơn 3.000 năm nay: sữa lạc đà rất giàu dinh dưỡng; lượng Vitamin C gấp năm lần, hầu như không có đường và chất béo cũng chỉ bằng phân nửa sữa bò. Hơn nữa, sữa lạc đà không chứa protein Beta-Lactoglubolin và Beta-Casein – những loại protein có thể gây dị ứng sữa. Những người không dung nạp lactose có khả năng tiêu hóa sữa lạc đà tốt hơn.
Tuy nhiên một số chuyên gia châu Âu cho rằng sữa lạc đà có chứa gien gây dị ứng vì thế những người bị dị ứng sữa bò hay sữa dê cần cảnh giác với sữa lạc đà, cho dù nguy cơ dị ứng ở sữa lạc đà không nhiều như với sữa bò.
Dựa vào một số công trình nghiên cứu hiện có và những nhận xét lạc quan của người tiêu dùng thì sữa lạc đà gần như là một loại “thần dược”. Theo đó sữa lạc đà có tác dụng điều trị đối với các loại bệnh như sỏi mật, viêm dạ dày, xơ gan và viêm gan, viêm thực quản, và các bệnh viêm loét đường ruột khác như Morbus Crohn và Collitis. Thậm chí nó còn có tác dụng làm giảm bệnh viêm thần kinh da, bệnh lao, và ung thư.
Hàm lượng Vitamin C cao và số lượng lớn các loại globulin miễn dịch và enzyme chống khuẩn trong sữa lạc đà có tác dụng tăng khả năng miễn dịch nói chung, nhưng các khả năng chữa những bệnh khác vẫn còn là một dấu hỏi.
Để chứng minh tác dụng của sữa lạc đà, người ta hay viện dẫn công trình nghiên cứu do ĐH Ben Gurion ở TP Beer-Sheva (Israel) tiến hành năm 2005. Tại đây, người ta đã điều trị tám đứa trẻ bị dị ứng nặng đối với sữa bò bằng sữa lạc đà. Theo đó, chỉ sau bốn ngày, mọi biểu hiện của dị ứng sữa đều biến mất.
Viện nghiên cứu về lạc đà ở Ấn Độ cũng cho hay, sữa lạc đà có tác dụng đối với bệnh tiểu đường Type-1. Các nhà y học giải thích trong sữa lạc đà có một lượng lớn chất giảm đường, và những chất này lại không bị phân hủy bởi chất axit trong dạ dày.
Tuy nhiên, chuyên gia Jörg Kleine-Tebbe làm việc tại Trung tâm về bệnh dị ứng và hen suyễn Westend (Đức) cho rằng, cần xem xét hết sức cẩn trọng những kết quả tích cực về tác dụng chữa bệnh của sữa lạc đà bởi chúng chưa được nghiên cứu lâm sàng một cách toàn diện.
Chừng nào chưa có các nghiên cứu lâm sàng thì các sản phẩm sữa lạc đà cũng chỉ là một loại đặc sản bổ sung cho thị trường thực phẩm của châu Âu.
Nguyễn Xuân Hoài dịch