Sữa mẹ có phải là “siêu thực phẩm” cho trẻ sơ sinh?
Nuôi con bằng sữa mẹ được coi là tối ưu trong chế độ dinh dưỡng đối với trẻ sơ sinh, thậm chí còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật. Nhưng điều này thường không được áp dụng được với với mọi bà mẹ, vả lại cũng có một số bà mẹ không muốn cho con bú. Vậy chế độ ăn này thực sự quan trọng và lành mạnh như thế nào?
Đại đa số phụ nữ đều có ý định sẽ cho con bú nhưng đến khi con họ ra đời nẩy sinh một loạt vấn đề. Với một số bà mẹ, phải mất rất nhiều thời gian để ra sữa, một số trường hợp khác thì vú mẹ dễ bị chảy máu hoặc chỉ có rất ít sữa khiến trẻ sơ sinh khóc vì đói. Ở Đức, theo Cơ quan Giám sát Nuôi con bằng sữa mẹ, đến tháng thứ tư chỉ còn có một phần hai đến một phần ba số bà mẹ còn cho con bú. Có một số nguyên nhân của việc bỏ bú: đau núm vú, thiếu sữa và bị tắc sữa. Cạnh đó là các trường hợp trẻ sơ sinh không chịu bú. Kết quả là nhiều bà mẹ bỏ cuộc. Câu hỏi đặt ra là sữa mẹ có thực sự quan trọng đối với trẻ?
Một vài thập kỷ trước, nhiều nhà nghiên cứu đã khuyên các bà mẹ không nên cho con bú. Nguyên nhân là họ lo ngại mầm bệnh của bệnh viêm gan và HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học tin rằng ngành công nghiệp có thể tạo ra một chất thay thế sữa mẹ có lợi hơn cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Ngày nay, hầu như không còn có nhà khoa học nào chỉ trích việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhà sinh học phân tử Juping Yuan tại Đại học Frankfurt cho biế, còn có nhiều lỗ hổng trong kiến thức về sữa mẹ. Người ta chưa có nhiều thông tin về tầm quan trọng của tế bào gốc và microRNA được tìm thấy trong sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh.
Yuan là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về tế bào gốc trong sữa mẹ. Chúng phát sinh từ máu và mô vú của người mẹ và mang chất di truyền của người mẹ, Yuan đã chứng minh trong 40 mẫu sữa mẹ. Chúng đi qua thành ruột của đứa trẻ và tới tất cả các cơ quan như gan, phổi, tuyến tụy, thậm chí cả não. Hiện vẫn còn chưa rõ chúng tác động như thế nào đến các cơ quan này. Xét cho cùng, tất cả các loại tế bào gốc đều nằm trong số đó, bao gồm cả tế bào toàn năng, đa năng, có thể phát triển thành các mô trong cơ thể con người.
Sữa mẹ có chống béo phì không?
Tế bào gốc không phải là thành phần duy nhất chưa được khám phá trong sữa mẹ. Sữa mẹ còn chứa các phần tử nhỏ, được gọi là exosomes, trong đó chứa microRNA của người mẹ. MicroRNA, các đoạn mã di truyền dài từ 15 đến 20 cặp base, là một chủ đề rất nóng liên quan đến ung thư và béo phì. Có thể hình dung ra là dòng sữa mẹ sẽ là chốt chặn đầu tiên bảo vệ đứa trẻ khỏi bệnh béo phì và ung thư.
Corinna Gebauer, giám đốc ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Đại học Leipzig, nói: “Trong 15 năm qua, chúng tôi đã phát hiện ngày càng nhiều thành phần tăng cường sức khỏe trong sữa mẹ. Ví dụ, thành phần lớn thứ ba là oligosaccharides trong sữa. Đây là các hợp chất đường, trong đó có khoảng 200 loại cho đến nay đã được biết đến. Mỗi bà mẹ có thể tạo ra một loại cocktail cụ thể của các chất này. Chúng bảo vệ thành ruột của trẻ khỏi vi khuẩn gây bệnh và là thức ăn cho các vi sinh vật có lợi cho đường ruột. Chúng cân bằng hệ thống miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh. Sữa công nghiệp dành cho trẻ sơ sinh có bán trên thị trường không chứa những chất này và cho đến nay, các nhà hóa học chỉ có thể sản xuất được hai trong số 200 oligosaccharide đã được xác định.
Từ lâu, người ta đã biết lactobacilli trong sữa mẹ cũng thúc đẩy sự phát triển niêm mạc ruột. Các axit béo không no chuỗi dài đóng vai trò là vật liệu xây dựng cho não. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ có tác dụng phát triển của bộ não.
Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ sau này ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn. Trẻ cũng không có xu hướng thừa cân. Khi còn nhỏ, trẻ ít có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh viêm tai giữa. Tuy nhiên có những lầm tưởng về sữa mẹ: cho đến nay chưa có gì chứng minh sữa mẹ bảo vệ khỏi dị ứng thực phẩm. Cũng chưa rõ liệu sữa mẹ có thể ngăn ngừa bệnh hen suyễn và các bệnh dị ứng khác hay không.
Nhà khoa học Yuan khẳng định: “Sữa mẹ là một loại siêu thực phẩm được thiết kế riêng cho con bạn”. Chính vì thế từ những năm 1970 và 1980, các phòng khám phụ sản đã thành lập cái gọi là ngân hàng sữa mẹ. Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh bị bệnh có thể được cung cấp sữa mẹ đã được quyên góp. Hiện nay ở Đức có 25 ngân hàng sữa mẹ. Đến năm 2023, tất cả các trung tâm hỗ trợ trẻ sinh thiếu tháng phải được kết nối với một ngân hàng sữa mẹ. Qua đó các oligosaccharid, enzym, tế bào gốc và exsome của sữa mới được bảo toàn. Để đảm bảo an toàn, các nhà vi sinh vật học sẽ kiểm tra vi trùng từ sữa được hiến tặng trước đó. Ngoài ra, máu của người hiến tặng còn được xét nghiệm HIV, viêm gan B và C. Người mẹ hiến tặng sữa không được hút thuốc, uống rượu hoặc uống các loại thuốc chữa bệnh.
Ưu điểm của sữa mẹ đặc biệt rõ ràng ở các trung tâm dành cho trẻ sinh non: nếu trẻ được uống sữa mẹ, dù chỉ vài ml mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột nguy hiểm, viêm ruột hoại tử, thường gặp ở trẻ sinh non có thể giảm từ năm đến mười lần.
Qua đó có thể thấy sữa mẹ rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, vì thế cho dù người mẹ có ít sữa, có bị tắc sữa hay bị viêm đầu vú vẫn nên cố gắng cho con bú.
Hoài Nam tổng hợp
Nguồn: https://www.welt.de/gesundheit/plus199550692/Ist-Muttermilch-wirklich-ein-Superfood-fuer-das-Kind.html
https://www.deutschlandfunk.de/saeuglingsernaehrung-im-faktencheck-muttermilch-superfood-100.html#:~:text=Muttermilch%20versorgt%20ein%20Baby%20mit,Sie%20enth%C3%A4lt%20auch%20Antik%C3%B6rper.