Suy thoái kinh tế toàn cầu hay cuộc chiến các cường quốc?

Tuần này bộ sậu nước Mỹ gồm nhân vật thứ hai Nhà trắng - bà Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton - và ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Timothy Geithner - tháp tùng công du 3 nước châu Á: Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc, với chủ đề đàm phán về an ninh và kinh tế Mỹ - Trung, trong đó vấn đề Bắc Hàn đứng đầu nghị trình. Sau khi nhậm chức Tổng thống nước Mỹ, ông Barack Obama đã có hai chuyến công du sang đối tác Trung Quốc trong hai năm 2009, 2010. Mọi nỗ lực đàm phán kinh tế theo quan điểm cấp tiến, hiền hòa của Đảng Dân chủ của ông Obama đều không mang lại kết quả tốt đẹp trong việc kêu gọi Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ (NDT), nguyên nhân mà người Mỹ và cả thế giới cho rằng chính nó đã làm nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008. Mặc dù những tháng gần đây, người Trung Quốc đồng ý sẽ tăng giá đồng NDT. Nhưng vẫn chưa thấy bất kỳ động tĩnh nào là họ sẽ thực thi

Và ngày 25/5/2010, ông Hồ Cẩm Đào vẫn phát biểu: “Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhưng theo chính sách của Trung Quốc chứ không theo bất kỳ áp lực nào”. Vấn đề đặt ra là tại sao 3 năm nay kể từ giữa cuối năm 2007, căn bệnh mãn tính khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu tái diễn từ nước Mỹ, chính sự sụp đổ của các tập đoàn tài chính mà cách đây chỉ 7 năm thôi chúng là nơi thu hút đầu tư mạnh nhất trên thế giới. Và chúng đã lan rộng trên toàn thế giới, nhưng người Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối nâng giá đồng NDT mà “thế giới còn lại” cho là nguyên nhân mọi khủng hoảng. Họ cho rằng trong 4 năm qua người Mỹ đã cho giảm giá đến 15% đồng USD, sao không gọi đó là nguyên nhân khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sao cả thế giới không lên tiếng, lại cho là chính sách giữ giá đồng NDT thấp của họ là nguyên nhân cơ bản làm mất cân đối ngân sách các nước trên thế giới? Nhưng đến lúc này ông Hồ Cẩm Đào lại đồng ý điều chỉnh chính sách tiền tệ và vẫn còn để lửng khi nào thay đổi và thay đổi ra sao, có gì nằm sau cuộc khủng hoảng này?

     Nhìn lại quá khứ và nguyên nhân khủng hoảng
     Các nhà chiến lược kinh tế cho rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một qui luật có tính chu kỳ như một biểu đồ hình sin. Cứ thế lập đi lập lại không bao giờ dứt. Cho đến nay đã có 8 cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã diễn ra vào các thập niên 1930, 1940, 1950 có 2 cuộc vào năm 1953 và 1958, 1970, 1980, 1990 và 2000. Nhưng nguyên nhân là do mất cân đối toàn cầu về mức độ thặng dư thương mại khổng lồ giữa các quốc gia tạo ra.
    Các nhà kinh doanh làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng lại cho rằng nguyên nhân khủng hoảng là do thiếu năng lực quản lý hệ thống tài chính. Còn việc mất cân cối thặng dư thương mại giữa các nước chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi.
    Thế nhưng các nhà theo trường phái thuyết âm mưu (Conspiracy theory) thì cho rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế là bắt nguồn từ lòng tham của con người mà gây ra. Và lòng tham đó đã được các nhà tài phiệt tận dụng một cách triệt để, để vơ vét và làm giàu cho tập đoàn của mình. Họ chủ động kích cầu lòng tham của “thế giới còn lại” bằng giấc mơ ảo từ tín phiếu, từ cổ đông, từ bất động sản… Họ nâng giá bằng những đợt kích giá trên thị trường chứng khoán. Họ cho vay một cách dễ dàng những đồng vốn kếch sù họ có. Đến khi chiếc bong bóng họ thổi đã đến đỉnh điểm, họ bắt đầu châm kim bằng những đợt thắt chặt hầu bao cho vay và nâng giá lãi suất. Làn sóng vỡ nợ gia tăng và các con nợ phá sản, thất nghiệp gia tăng, “của Cesar lại trả về Cesar” bằng phương án xiết nợ, người tiêu dùng trắng tay. 

     Những cuộc tranh cãi và gây sức ép
     Chủ xướng của các nước có nền kinh tế đã phát triển cao như Mỹ và châu Âu là dựa vào lý do các nhà chiến lược đưa ra, để gây sức ép với các nước đang phát triển vì các nước này chủ trương một đồng tiền yếu phục vụ cho xuất khẩu, làm thâm thủng những khối lượng khổng lồ về nhập siêu của các nước đã phát triển dẫn đến mất cân bằng thặng dư thương mại.
     Trong khi đó, chủ trương của những nhà quản lý tài chính toàn cầu như IMF lại cho rằng các nước có thâm thủng thương mại cần siết chặt quản lý tín dụng ngân sách nước mình. Buông lỏng quản lý tài chính hay là chết?
     Đối với các nhà theo thuyết âm mưu thì các Nhà nước cần phải chặt bàn tay lông lá vô hình của các quyền lợi nhóm, để giảm thiểu lòng tham và những cơn sóng thổi phồng thị trường trong nước.
     Ai cũng có lý, và ai cũng đưa ra lý lẽ cho riêng mình mà chưa ai có thể thắng ai. Song điều cho thấy rõ ràng nhất trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lần này đã dẫn đến những hệ lụy như sau:
     + Các nước chủ trương một nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu, đại diện là Trung Quốc đã vướng vào thế “lưỡng đầu thọ địch”. Một mặt họ bị các nước đã phát triển lên án chính sách đồng tiền NDT neo ở giá thấp. Một làn sóng vận động tẩy chay hàng Trung Quốc trên khắp toàn cầu với chiêu bài hàng Trung Quốc có nhiều độc hại gây chết người. Bắt đầu bằng việc sữa có chất Melamine ở Trung Quốc, rồi sau đó là đồ chơi trẻ em, các loại thức ăn cho trẻ em như kẹo bánh rồi đến cả vải sợi dùng để sản xuất hàng may mặc.
     + Một số chiến dịch tăng giá thuế nhập khẩu vào các nước đã phát triển của những mặt hàng xuất khẩu từ các nước thế giới thứ ba, trong đó có Việt Nam, đã được áp dùng vì lý do họ cho rằng các nước thứ ba đã có chính sách bảo hộ hàng xuất khẩu bằng nhiều cách, trong đó có chính sách phá giá đồng tiền nội địa.
      + Đối với bản thân các nước đã phát triển, chính quyền sở tại đã áp dụng cả 3 lý thuyết đưa ra của các nhà phân tích. Đại diện rõ nhất là Mỹ, chính sách cải tổ quản lý từ y tế đến tài chính đã và đang tiến hành thực thi ráo riết. Bên cạnh đó việc giảm giá đồng USD đã được FED thực hiện liên tục 4 năm qua, và gây áp lực nâng giá đồng NDT của Trung Quốc. Những cuộc phá sản các tổ chức tài chính mà đặc trưng là sự công bố phá sản tổ chức tài chính Lehman Brothers – bắt đầu cho một chuỗi phá sản 73 ngân hàng, tổ chức tín dụng trên đất Mỹ – Tung tiền ra mua lại các tập đoàn bị phá sản và kích cầu kinh tế. Chính sách thắt lưng buộc bụng trên toàn nước Mỹ, nơi tiêu dùng hơn ½ tổng sản lượng thế giới làm ra, chỉ với một số dân chưa bắng 1/20 của toàn cầu.
     + Đối với cựu lục địa châu Âu, một chính sách đoàn kết để đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn đã và đang xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh sự siết chặt quản lý tài chính tiền tệ, tung tiền cứu các nền kinh tế thành viên đang rơi vào sụp đổ, gây áp lực nâng giá đồng NDT Trung Quốc và tăng thuế hàng nhập khẩu từ các nước được cho là có chính sách bảo hộ xuất khẩu hàng tiêu dùng thông qua sự phá giá đồng tiền.
     + Thế giới bắt đầu thủ thế với những biến động do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra. Những mặt hàng có tính sát sườn đã được các nhà đầu tư đẩy lên cao ngất chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay. Đã có lúc lương thực, đặc biệt là gạo đã tăng từ 600 đến 1.200 USD/tấn vào cuối tháng 4/2008. Vàng lên đỉnh điểm trên 1.237 USD/ounce vào giữa tháng 5/2010, và dầu hỏa lên trên 118 USD/ thùng vào cuối tháng 4/2008. Chỉ số Dow Jones, đã có lúc rơi từ hơn 12.000 điểm xuống còn dưới 7.000 điểm vào khoảng đầu tháng 3/2009. Sự thao túng thị trường và tạo ra những đợt giá lên xuống đã góp phần không nhỏ cho sức nóng suy thoái kinh tế 2008-2009.
     Tất cả những bối cảnh trên đã tạo ra một hình ảnh thế giới hỗn loạn thời hiện đại. Tất cả nháo nhào, tất cả đều thua thiệt, mất mát. Nhưng cái mất lớn nhất là mất lòng tin. Nó đã mang đến những được mất như thế nào cho tài chính toàn cầu? Ai được, ai mất, ai lợi, ai bị hại? Sẽ có một cái nhìn cụ thể trong kỳ tới.

Kỳ sau: Được – Mất trong suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2009

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)