SVF và VAST hợp tác về khởi nghiệp
Sáng 27/09/2017, tại Hà Nội, Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã ký văn bản Hợp tác chiến lược, nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu KH&CN cũng như sản phẩm KH&CN đến với doanh nghiệp để triển khai sản xuất kinh doanh. Sáu công nghệ đã được chọn để khởi đầu cho sự hợp tác này.
TS Hà Quý Quỳnh – Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (phải)
và ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc SVF, đại diện cho hai bên ký văn bản hợp tác
Lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành và các nhà khoa học, nhà sáng chế công nghệ trẻ của VAST.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ cùng nhau tiến hành các hoạt động: Lựa chọn kết quả nghiên cứu KH&CN của các nhà khoa học thuộc VAST để giới thiệu tới các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; Tổ chức các buổi hướng dẫn cách xây dựng, trình bày đề án, kế hoạch kinh doanh kết quả KH&CN để trình bày, kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp; Trình bày đề án, kế hoạch hợp tác phát triển sản phẩm KH&CN giữa các chủ sở hữu công nghệ với các nhà đầu tư để cùng phối hợp sản xuất hàng hóa KH&CN xuất khẩu.
Đây được xem như một nỗ lực nhằm cải thiện mối liên kết còn lỏng lẻo giữa nhà khoa học và doanh nghiệp trong quá trình hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc SVF, cho biết, việc hợp tác sẽ diễn ra trên nguyên tắc lấy các nhà khoa học làm trung tâm, còn SVF đóng vai trò đầu mối tiếp nhận các đơn đặt hàng từ địa phương và từ cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp đang có mong muốn đầu tư mở rộng ngành nghề để làm đề bài cho các nhà nghiên cứu.
Sau khi thẩm định từ khoảng 200 công nghệ sẵn sàng chuyển giao, đợt này VAST và SVF đã chọn được sáu công nghệ được các nhà đầu tư quan tâm để triển khai hợp tác sản xuất, kinh daonh giữa các nhà khoa học và doanh nghiệpm bao gồm:
1. Công nghệ sinh học trong tạo giống cây Ba kích để sản xuất dược liệu chất lượng cao của Viện Công nghệ sinh học;
2. Công nghệ bào chế và sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ dược liệu chất lượng cao của Viện Hóa học;
3. Công nghệ Nano trong nâng cáo giá trị, chất lượng dược phẩm Việt Nam, Viện khoa học vật liệu
4. Công nghệ Plasma lạnh trong sản xuất thiết bị hỗ trợ điều trị trong bệnh viện, Viện Vật lý;
5. Công nghệ nhận dạng để sản xuất thiết bị hỗ trợ người khiếm thị đọc sách, Viện Công nghệ thông tin;
6. Công nghệ bảo mật, giám sát thông tin kinh doanh trên mạng xã hội, Viện Công nghệ thông tin;
Trong khuôn khổ lễ ký kết, các viện/trung tâm nghiên cứu của VAST và các doanh nghiệp cũng trưng bày khoảng 50 sản phẩm khoa học và công nghệ tiềm năng khác, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và dược phẩm, bên cạnh các sản phẩm về thiết bị y tế và điện tử dân dụng.
SVF ra đời năm 2016, là quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sử dụng nguồn vốn xã hội hóa và không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ hoạt động theo mô hình: gây quỹ – đầu tư – phát triển doanh nghiệp – trao quyền – đánh giá thành quả – tái đầu tư. Giá trị cốt lõi và tôn chỉ hoạt động do SVF tự đặt ra là kết nối – nuôi dưỡng – chắp cánh, với những cam kết như sẽ đầu tư 20 triệu USD và hỗ trợ cho hoạt động R&D thông qua việc xây dựng ít nhất hai phòng Lab và hình thành Mạng lưới các nhà khoa học.