Swiss Made

Cuốn sách nổi tiếng Swiss Made của James Breiding đã giải thích cho chúng ta bí quyết về sự giàu có, thịnh vượng của quốc gia nhỏ bé nằm giữa các nước lớn tại Châu Âu này, không có biển, không có tài nguyên khoáng sản, có rất ít đất nông nghiệp nhưng có nhiều đồi núi,sông hồ với phong cảnh tuyệt đẹp.

Tại sao một nước nông nghiệp nghèo khổ trước đây đã trở nên một đất nước giàu có nhất hành tinh với GDP/người lền đến 80.276 USD (2013), sự giàu có không chỉ về tiền bạc mà cả về văn hóa, giáo dục, môi trường sống, với nền kinh tế phồn vinh, năng động, tăng trưởng bền vững, được xếp hạng năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới trong nhiều năm liền trong khi vẫn đứng đầu trong xếp hạng chất lượng cuộc sống. Tại sao Thụy Sỹ có thể thành công trong việc gắn liền tên nước mình với những sản phẩm có chất lượng cao nhất, được tín nhiệm nhất từ đồng hồ đến chocolat, từ fromage đến dược phẩm, dịch vụ du lịch, dịch vụ ngân hàng với tên tuổi các hãng, công ty nổi tiếng thế giới, tại sao Thụy Sỹ có số công ty lớn bình quân đầu người cao nhất thế giới v.v… Cũng cần phải nhắc đến Thụy Sỹ còn là đất nước có tỷ lệ nhà khoa học được giải thưởng Nobel và số bằng phát minh trên đầu người cao nhất thế giới và v.v.

Tác giả James Breiding đã nghiên cứu nghiêm túc và trình bày một cách hấp dẫn với cách hành văn dễ hiểu trong gần 600 trang sách để giải mã sự kỳ diệu có thực do bàn tay con người của đất nước này tạo ra với cách kể truyện hấp dẫn với các tình tiết rất thú vị.
Trong 15 chương sách, tác giả đã tập trung trình bày về các sản phẩm, doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tập đoàn đa quốc gia Thụy Sỹ nhưng tác giả đã bắt đầu bằng sự phân tích những đặc điểm về xã hội và nhà nước Thụy Sỹ, nhân tố quan trọng tạo nên sự kỳ diệu này.

Tác giả đã nêu bật những nét đặc thù của đất nước, con người và nhà nước Thụy Sỹ: đa dân tộc, đa văn hóa, nhiều ngôn ngữ, tỷ lệ người nhập cư rất cao. Nếu như một nước đa dân tộc tương tự như Nam Tư đã tan rã thì Thụy Sỹ lại thịnh vượng vì chế độ liên bang phân cấp sâu rộng và chế độ tự trị địa phương, thực hiện các quyền dân chủ của người dân, tôn trọng đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Thụy Sỹ đã biến sự đa dạng và tỷ lệ cao của người nhập cư thành một lợi thế, đó là lợi thế thu hút nhân tài. James Breiding đã kể ra vô số những doanh nhân thành đạt của Thụy Sỹ là người nhập cư từ Henri Nestle là người Đức tỵ nạn đến Nicolas Davidoff là người Nga gốc Do Thái nhập cư v.v. Chính môi trường mới của người nhập cư đòi hỏi tất cả những người này phải phấn đấu để tồn tại, để được tôn trọng và để đi đến thành công. Họ không phải lo lắng nhìn về quá khứ của mình mà tập trung mọi nỗ lực xây dựng sự nghiệp, vun đắp tương lai ở quê hương mới. Họ không phải lo lắng về những thất bại mà họ gặp phải trên con đường phát triển vì cả xã hội đều hăm hở thử nghiệm, thực hiện nguyên tắc “thử và sai” của điều khiển học, nhanh chóng học từ cái sai để chấp nhận thay đổi. Và trong số họ đã có không ít người đã thành đạt ở nước ngoài sau khi đã học, đã tỵ nạn tại Thụy Sỹ như Einstein, Lenin, Trotsky và nhiều người khác. Dòng người nhập cư và dòng chảy chất xám liên tục, năng động đã làm cho nước Thụy Sỹ nhanh nhạy với những tư tưởng mới, không chấp nhận những tư tưởng giáo điều cứng nhắc xưa cũ, không chấp nhận bảo thủ. Đội ngũ doanh nhân của Thụy Sỹ mạnh dạn dấn thân vào rủi ro, hướng mạnh ra thị trường nước ngoài vì thị trường trong nước đã nhanh chóng trở nên quá chất hẹp.

Ngay trong phần đầu của cuốn sách, tác giả đã đưa ra những nguyên nhân cho sự thành công đó chính là bộ máy nhà nước có quy mô tối thiểu cả về quy mô bộ máy lẫn mức thuế, một bộ máy tôn trọng nghiêm túc các quyền và nguyện vọng của người dân và rất ít can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các công ty và thị trường. Một nguyên tắc nổi bật của chính quyền Liên bang Thụy Sỹ là sự phân cấp và chế độ tự trị địa phương rất rộng rãi từ cấp tiểu bang đến tỉnh, thành phố. Mỗi cấp tự quyết định ngân sách và mức thuế của mình. Doanh nghiệp nếu thấy thuế suất và bộ máy ở bang A không thích hợp sẽ được tự do lựa chọn sang thành phố B, vì vậy các bang, thành phố đều phải phấn đấu có hiệu quả cao nhất với mức thuế thấp nhất, Người dân được nhà nước trưng cầu dân ý và trực tiếp biểu quyết về tất cả những vấn đề lớn, nhỏ liên quan đến họ từ mức thuế họ đồng ý đóng góp, đến đề xuất giảm thời gian làm việc, về số ngày được nghỉ lễ trong năm nên tăng lên, về nghiên cứu di truyền học, về nhà thờ Hồi giáo và về hội nhập Châu Âu v.v… Mới đây, trong tháng 11.2013 này, người dân Thụy Sỹ đã bác bỏ đề nghị giới hạn tối đa thu nhập của lãnh đạo công ty ở mức 12 lần tiền lương của công nhân và để cho công ty tự quyết định.Trưng cầu dân ý về những vấn đề như vậy được tổ chức thường xuyên và kết quả là đa số người dân đã bác bỏ những đề nghị kéo dài thêm ngày nghỉ, rút ngắn thời gian lao động, giảm độ tuổi được hưởng chế độ hưu trí hay giảm thuế vì e ngại làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước này. Thí dụ như quyền bỏ phiếu của phụ nữ chỉ được chấp nhận sau lần trưng cầu thứ ba hay thứ tư. Tác giả chỉ ra rằng chính chế độ này đã tạo ra sự ổn định và khả năng dự đoán được chính sách của Thụy Sỹ, điều mà các doanh nghiệp rất cần để hoạch định kế hoạch kinh doanh của họ. Điều rất rõ ràng là Thụy Sỹ có mức thuế cận biên thực tế bao gồm cả bảo hiểm xã hội thấp nhất so với tất cả các nước phát triển, thuế của Thụy Sỹ chỉ là 16% so với 24% của Mỹ, Nhật Bản, 35% của Đức và 36% của Pháp. Mức thuế này cũng là động lực để thu hút các công ty thành lập và hoạt động tại Thụy Sỹ.

Chế độ trung lập, tránh được chiến tranh tàn phá đất nước qua hai cuộc đại chiến ở Châu Âu, duy trì hòa bình và quan hệ hợp tác với các nước, được lựa chọn là địa điểm của nhiều cơ quan Liên hiệp quốc, tổ chức quốc tế và các hội nghị hòa bình trên thế giới, trong đó có Hội nghị Geneve 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam, Thụy Sỹ đã tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển, tạo nên sự tin tưởng của các công ty trên thế giới và cộng đồng quốc tế. Các công ty Thụy Sỹ luôn là những bên đối tác đáng tin cậy, những nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và đúng hẹn.

Một trong những nhân tố quan trọng cho sự ổn định của môi trường kinh doanh chính là sự ổn định mẫu mực của đồng franc Thụy Sỹ cũng được tác giả nêu bật. Từ 1894 đến 2002 đồng lire của Italia đã mất giá 1000 lần so với đồng franc Thụy Sỹ, năm 1970 1 USD đổi được 4 franc Thụy Sỹ thì nay chỉ còn đổi được 0,9 franc, tức là đã giảm 75%. Chính sự ổn định này lý giải tại sao các nước, các triệu phú lại muốn gửi tiền tại nơi đây để bảo tồn vốn liếng của mình, biến đất nước này thành một “con lợn vàng” để gửi tiền.
Tác giả cũng giải thích nguồn gốc của “bí mật ngân hàng” nổi tiếng của Thụy Sỹ có nguồn gốc lịch sử, được ưa chuộng một thời nhưng nay bị thách thức vì e ngại nó bị lạm dụng cho những phi vụ “nhạy cảm”.

Tác giả cũng không quên đánh giá tích cực về vai trò của quân đội Thụy Sỹ trong hình thành văn hóa, như một lò tôi luyện của quốc gia hun đúc tinh thần, nơi tạo ra môi trường giao tiếp như một lớp dự bị cho các giám đốc doanh nghiệp trong tương lai, Nhờ có chế độ nghĩa vụ quân sự băt buộc, vào quân đội các thanh niên nam giới được tiếp xúc với các thanh niên nói ngôn ngữ khác, đến từ các vùng khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau, góp phần tạo nên sự gắn kết của cộng đồng. Tác giả cũng ca ngợi quân đội Thụy Sỹ đã góp phần rèn luyện các doanh nhân Thụy Sỹ, nếp suy nghĩ, quá trình đi đến quyết định của họ.

Tác giả đã giải mã một nhân tố đem đến thành công của Thụy Sỹ đó chính là hệ thống giáo dục vượt trội từ cấp tiểu học đến đại học. Nhà giáo được trả lương cao và được xã hội trọng vọng. Các trường đại học Thụy Sỹ đã sản sinh ra 21 nhà khoa học được giải thưởng Nobel. Trong đó đa số là người nước ngoài.

Truyền thống được gìn giữ và ngự trị trong những công ty gia tộc như Holcim, Schindler, những người cam kết phát triển “công ty của họ”, trong khi Thụy Sỹ cũng là trụ sở của hãng Down Chemical, Google và nhiều tập đoàn lớn khác trong thế kỷ thứ 20 và 21 này.
Tác giả cũng lưu ý đến vai trò to lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thụy Sỹ, các công ty đóng góp tới 70% của nền kinh tế Thụy Sỹ. Công ty SIPCA sản xuất ra loại mực bảo mật và chống sao chép được dùng để in những ngân phiếu trong hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới hay Egon Zehnder một công ty săn lùng và giới thiếu giám đốc lớn nhất trên thế giới chỉ mới thành lập từ năm 1964 đã cung cấp nhân tài là giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị cho biết bao nhiều công ty trên thế giới, đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong 14 chương tiếp theo, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi vào một mê cung kỳ thú của vô vàn các sản phẩm, doanh nghiệp, các thành công và bài học thất bại của các công ty Thụy Sỹ, từ các sản phẩm từ sữa đem lại thương hiệu toàn cầu đầu tiên là pho mát Emmental đến các sản phẩm từ sữa của Nestle’, sô cô la, các thế hệ doanh nhân tài năng đã vươn ra khắp thế giới với các thương vụ mua lại và sáp nhật diễn ra suốt thế kỷ thứ 20 đến nay cho đến những thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ nổi tiếng thế giới về độ chính xác cao, độ tin cậy, gắn liền với những phát minh mới trong ngành công nghiệp này từ đồng hồ sử dụng thạch anh đến đồng hồ nhựa Swatch được sản xuất hoàn toàn bằng người máy. Và tác giả cũng không quên nhắc đến thách thức mới đối với ngành công nghiệp đồng hồ đến từ các thiết bị điện tử và số người đeo đồng hồ đang giảm đi.

Chương 3 dành cho du lịch kinh doanh tuyết, không khí và phong cảnh đẹp, với những lễ hội, những hội nghị nổi tiếng hàng năm ở Davos, sức hấp dẫn về văn hóa, sự thay đổi luồng du khách nay đến từ Trung Quốc, Nga. Tác giả cũng chỉ ra mâu thuẫn giữa du lịch hạng sang và du lịch đại chúng mà Thụy Sỹ phải giải quyết.

Trong chương 4 về thương mại, tác giả đã kể lại sự phát triển của các công ty Thụy Sỹ mua bán ca cao, cà phê, bông sợi, đến những kinh nghiệm kinh doanh kể cả kinh nghiệm đút lót hay hối lộ. Tác giả đã mô tả bí quyết tại sao Thụy Sỹ đã vượt qua London để trở thành đầu mối giao thương thế giới về dầu mỏ, về hạt có dầu, cà phê v.v.

Những chương kế tiếp về ngành ngân hàng, bảo hiểm, hàng dệt may cao cấp, công nghệ y học hiện đại, công nghiệp chế tạo máy với tỷ lệ xuất khẩu lên đến 80%, công nghiệp dược phẩm, ngành vận tải, xây dựng, máy tính, công nghệ thông tin và viễn thông, nghệ thuật và kiến trúc, và lý do tại sao các tập đoàn đa quốc gia lại yêu thích Thụy Sỹ.

Trong chương 15, tác giả đã phân tích những thách thức mà Thụy Sỹ đang phải đối mặt, dân số già, cạnh tranh gay gắt toàn cầu đối với từng ngành công nghiệp của Thụy Sỹ để đi đến niềm tin Thụy Sỹ sẽ tiếp tục thịnh vượng vì năng lực sáng tạo, vì sự cần cù và đạo đức của con người Thụy Sỹ. đến năng lực luôn đứng dậy sau khi vấp ngã hay thất bại. Tác giả đã cảnh báo về nguy cơ tự mãn của người Thụy Sỹ với những thành công trong quá khứ và nhắc nhở rằng Thụy Sỹ đã phát minh ra rất nhiều thứ những chưa phát minh thứ thuốc chống lại căn bệnh tự mãn.

Tôi tin rằng các bạn đọc sau khi đọc cuốn sách này sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích từ những kinh nghiệm của Thụy Sỹ để đưa Việt Nam tiến bước trên con đường phát triển, thịnh vượng. Chắc chắn rằng có rất nhiều bài học bổ ích mà nhà nước ta, các doanh nghiệp của ta có thể học được.

Phải chăng chúng ta có thể thực hiện đầy đủ và kịp thời hơn quyền phúc quyết trực tiếp của người dân đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của họ như trưng cầu dân ý và các hình thức dân chủ khác như công khai các khoản thu, chi ngân sách ngân sách, chi tiêu của bộ máy hành chính. Có thể trưng cầu dân ý ở cấp tỉnh về những vấn đề của tỉnh như thủy điện xả lũ hay trồng rừng ở Miền Trung v.v.

Quyền tự trị địa phương cũng nên được đặt ra nhằm khuyến khích và đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả của mình.

Các doanh nghiệp cũng có thể học nhiều từ các doanh nghiệp Thụy Sỹ, có tầm nhìn xa hơn, có hành động chuyên nghiệp hơn và “thắng không kiêu, bại không nản”, sẵn sàng đứng dậy tiếp tục sự nghiệp của mình sau khi vấp ngã và không bao giờ tự mãn.
Một cuộc thảo luận về cuốn sách này tại các Hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp trẻ chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp rút ra được những bài học thiết thực.

Tôi hy vọng sẽ có một ngày chúng ta có thể viết cuốn sách “Vietnam Made” về các bài học thành công và chưa thành công của Việt Nam. Hiện nay, Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo đã được phía Nhật Bản đề nghị chủ trì một dự án “Vietnam Made” mà tôi rất hân hạnh được mời tham gia. Tôi nghĩ những bài học từ cuốn sách này sẽ rất bổ ích cho dự án đó và mong được sự hưởng ứng và ủng hộ của Quý vị.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)