Tái du nhập bò rừng bison giúp gia tăng sự đa dạng của thực vật
Các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Kansas mới đây đã phát hiện ra rằng việc tái du nhập bò rừng bison - loài động vật trước đây chủ yếu ăn cỏ - giúp tăng gấp đôi mức độ đa dạng của thực vật trong vùng đồng cỏ cao.
Tái du nhập loài là sự phóng thích có chủ đích một loài từ môi trường nuôi nhốt hoặc các khu vực khác nơi sinh vật có khả năng sống sót vào tự nhiên. Nghiên cứu đã thu thập dữ liệu trong vòng 30 năm tại Trạm sinh học Konza Prairie, các nhà khoa học đã công bố kết quả thu được trên tạp chí danh tiếng Proceedings of the National Academy of Science (PNAS).
“Bò rừng bison là một phần không thể thiếu của đồng cỏ Bắc Mỹ trước khi chúng đột ngột suy giảm 99% số lượng tại khu vực Đại Bình nguyên”, Zak Ratajczak, phó giáo sư sinh học và là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. “Việc bò rừng bison dần biến mất đã xảy ra trước khi có hồ sơ đánh giá, và do đó, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ việc chúng biến mất ảnh hưởng như thế nào đến tự nhiên”.
Nghiên cứu được tiến hành tại vùng sinh thái Flint Hills, nơi có một khu vực thảo nguyên cỏ cao. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ đa dạng của cộng đồng thực vật trong ba mô hình: không có động vật ăn cỏ lớn; tái du nhập bò rừng bison và được phép chăn thả quanh năm; hoặc du nhập bò nhà (cattle) và được phép chăn thả trong mùa sinh trưởng.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng nhiều đồng cỏ ở trung tâm Đại Bình nguyên có mức độ đa dạng sinh học thực vật thấp hơn đáng kể so với trước khi bò rừng bị xóa sổ trên diện rộng”, Ratajczak cho biết. “Việc đưa các loài động vật bản địa với kích thước lớn trở lại có thể giúp khôi phục sự đa dạng sinh học đồng cỏ”.
Nghiên cứu cũng cho thấy, so với mô hình không chăn thả bất kỳ gia súc lớn nào, mô hình chăn thả bò nhà có tác động tích cực đến sự đa dạng của thực vật hơn. Tuy vậy, mô hình chăn thả bò rừng bison vẫn có tác động lớn nhất, giúp gia tăng đáng kể mức độ phong phú của các loài thực vật.
“Tôi nghĩ rằng nghiên cứu này cũng cho thấy rằng bò nhà có thể có tác động tích cực đến nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực của chúng tôi”, Ratajczak cho biết. “Nhưng sau rốt, điều mà nghiên cứu này thực sự muốn nhắn nhủ, việc đưa bò rừng bison trở lại – trong trường hợp khả thi về mặt kinh tế và sinh thái – có thể tạo tác động tích cực đến việc bảo tồn đa dạng sinh học”.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu tìm hiểu bò rừng bison ảnh hưởng như thế nào đến khả năng chống chịu của cộng đồng thực vật khi khí hậu trở nên khắc nghiệt. Do thời gian nghiên cứu kéo dài, các nhà nghiên cứu có thể xem xét được một trong những hiện tượng hạn hán khắc nghiệt nhất đã xảy ra ở Đại Bình nguyên trong sự kiện Dust Bowl vào những năm 1930. (Đây là giai đoạn mà rất nhiều cơn bão và lốc cuốn theo cát bụi hoành hành ở các đồng cỏ tại khu vực Bắc Mỹ, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái và nông nghiệp trong khu vực).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong thời kỳ khí hậu khắc nghiệt, các loài thực vật bản địa trong khu vực chăn thả bò rừng bison có khả năng chống chịu với hạn hán. “Điều này cũng cho thấy sự đa dạng thúc đẩy khả năng phục hồi sinh thái”, Ratajczak nói. “Và khả năng phục hồi này sẽ trở nên cực kỳ quan trọng khi khí hậu bỗng trở nên khắc nghiệt”.
“Cần dữ liệu trong nhiều thập kỷ để hiểu về ý nghĩa của một số đặc điểm sinh thái. Chúng ta chỉ có thể xác định chúng bằng cách dùng các bản ghi dài hạn như các bản ghi được hỗ trợ bởi chương trình NSF LTER”, SS. Jesse Nippert cho biết. “Nếu không có những dữ liệu này, chúng ta sẽ chỉ có thể dùng các thí nghiệm ngắn hạn, thế thì khó mà theo dõi được các thuộc tính cơ bản của hệ sinh thái”.
“Nghiên cứu được thực hiện tại Konza Prairie thực sự độc đáo và ấn tượng”, David Rosowsky, phó chủ tịch nghiên cứu của K-State cho biết. “Có rất ít nơi trên thế giới cung cấp loại dữ liệu dài hạn có thể góp phần thay đổi cách chúng ta tương tác với tài nguyên thiên nhiên của mình”.
Hà Trang dịch
https://phys.org/news/2022-08-reintroducing-bison-grasslands-diversity-drought.html