Tài sản mã hóa: Cân bằng đổi mới và rủi ro

Trong bối cảnh thị trường tài sản mã hóa phát triển nhanh chóng, kéo theo nhiều rủi ro pháp lý và xã hội, Việt Nam cần sớm xây dựng một lộ trình quản lý toàn diện, hài hòa giữa các yếu tố pháp lý, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế.

Ảnh: Growtika/Unsplash

Tại Việt Nam, dù tài sản mã hóa chưa được pháp luật chính thức công nhận, nhưng sự quan tâm của công chúng đối với loại tài sản này lại rất lớn. Theo số liệu năm 2023, khoảng 21% người Việt – tương đương 21 triệu người – sở hữu tài sản mã hóa, đưa Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về số lượng người tham gia. Trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến 10/2022, khối lượng giao dịch tại Việt Nam đạt 90,8 tỷ USD, trong đó có khoảng 956 triệu USD liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp6. Trong bối cảnh thị trường tài sản mã hóa tăng trưởng nhanh chóng, các nghiên cứu trong nước trước đây chủ yếu tập trung vào việc kêu gọi công nhận đây là một loại tài sản hợp pháp3. Việc công nhận này sẽ giúp xác định rõ quyền sở hữu, bảo vệ quyền lợi của người dùng, đồng thời tạo điều kiện cho việc xây dựng các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư về quản lý giao dịch, thuế và phòng chống rửa tiền. Gần đây, tại Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số phiên bản tháng 03/2025 (Dự thảo Luật), khái niệm “tài sản số” – bao gồm “tài sản mã hóa điện tử” và “tài sản ảo” – đã được đưa vào Dự thảo. Như vậy, với bản chất đặc thù của loại “tài sản” này, Việt Nam cần có định hướng quản lý phù hợp. Bài viết này nhằm phân tích một số vấn đề liên quan đến khía cạnh “đổi mới” và “rủi ro” đối với tài sản mã hóa.

Về mặt kỹ thuật và công nghệ

Năm 2008, Bitcoin ra đời khi Satoshi Nakamoto công bố bài viết “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System”, đánh dấu sự xuất hiện của khái niệm tài sản mã hóa điện tử (Nakamoto, 2018). Tài sản mã hóa điện tử – theo định nghĩa tại Dự thảo Luật – là các đơn vị kỹ thuật số được bảo mật bằng mã hóa và vận hành trên nền tảng chuỗi khối (blockchain). Trên toàn cầu, tài sản mã hóa đã phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng trăm triệu người dùng; tính đến năm 2024, ước tính có khoảng 560 triệu người – tương đương 6,8% dân số thế giới – sở hữu loại tài sản này. Thị trường từng đạt đỉnh gần 3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 20211.

Dưới làn sóng công nghệ 4.0, tài sản mã hóa dựa trên nền tảng blockchain được xem là sản phẩm giao thoa giữa nhiều tiến bộ công nghệ hiện đại. Nhờ blockchain, các giao dịch được ghi nhận dưới dạng các khối liên kết với nhau thông qua các hàm băm mật mã, đảm bảo tính bất biến, minh bạch và an toàn của dữ liệu. Các giao dịch được xác thực nhờ cơ chế đồng thuận như Proof of Work hoặc Proof of Stake, vừa đảm bảo cập nhật hệ thống công khai, vừa phát hành thêm đơn vị tiền mới theo quy trình lập trình sẵn.


Sự thiếu vắng các quy định điều chỉnh tài sản mã hóa còn làm tăng rủi ro xảy ra những tội phạm nguy hiểm hơn như thao túng thị trường và đặc biệt là rửa tiền.

Một đặc điểm nổi bật của tài sản mã hóa là tính phi tập trung. Không có máy chủ trung tâm hay ngân hàng trung ương điều hành hệ thống; thay vào đó, mạng lưới vận hành dựa trên đồng thuận phân tán. Điều này không chỉ giúp chống lại kiểm duyệt mà còn cho phép giao dịch ngang hàng trên toàn cầu với chi phí thấp và thời gian xử lý nhanh. Ví dụ, Bitcoin có thể được chuyển từ Việt Nam sang Mỹ chỉ trong vài phút mà không cần qua trung gian tài chính.

Cấu trúc kinh tế của tài sản mã hóa cũng rất đa dạng. Bitcoin có nguồn cung tối đa 21 triệu coin, phát hành giảm dần theo thời gian – một đặc điểm khiến nó được ví như “vàng kỹ thuật số”. Trong khi đó, các đồng khác như Ether hay Dogecoin có nguồn cung linh hoạt, thậm chí không giới hạn, phản ánh sự khác biệt trong thiết kế kinh tế của từng loại. Giá trị tài sản mã hóa chủ yếu được xác lập theo cơ chế cung – cầu thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư, thay vì quyết định hành chính.

Một yếu tố quan trọng khác là tính bảo mật và ẩn danh. Giao dịch được thực hiện thông qua khóa mật mã riêng, chỉ người sở hữu khóa mới có thể chuyển tiền. Mặc dù thông tin giao dịch được công khai trên blockchain, danh tính người dùng lại không được tiết lộ, chỉ thể hiện dưới dạng chuỗi ký tự ngẫu nhiên. Điều này giúp bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời đảm bảo giao dịch nhanh chóng và minh bạch.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh và đổi mới trong lĩnh vực tài chính số, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đang tập trung phát triển tiền tập trung kỹ thuật số – hay còn gọi là CBDC (Central Bank Digital Currency). Khác với các đồng tiền mã hóa phi tập trung, CBDC được thiết kế và phát hành bởi ngân hàng trung ương, dựa trên công nghệ chuỗi khối không công khai. Điều này nghĩa là quyền kiểm soát, quản lý và cấp phát tiền kỹ thuật số sẽ nằm trong tay của một tổ chức duy nhất, giúp đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính và đồng bộ hóa chính sách tiền tệ. Mô hình CBDC cho phép các ngân hàng trung ương cải thiện hiệu quả giao dịch, giảm chi phí và tăng cường bảo mật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lưu lượng cung tiền nhằm hỗ trợ ổn định kinh tế.

Người dân chăng băng rôn tố cáo “tiền ảo” iFan trên đường phố.

Khung pháp lý và thực trạng quản lý hiện hành

Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc điều chỉnh tài sản mã hóa. Theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP và Nghị định 143/2021/NĐ-CP, tài sản mã hóa – thường gọi là tiền ảo – không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp. Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng Bitcoin và các loại tiền ảo khác không thuộc danh mục phương tiện thanh toán được pháp luật cho phép.

Về mặt dân sự, Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”; tài sản mã hóa không nằm trong bất kỳ loại nào trong số này. Hệ quả là, khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi các bên rất khó được bảo vệ. Khoảng trống pháp lý này đã bị lợi dụng cho các hành vi gian lận. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sự mơ hồ trong định nghĩa để thành lập các sàn giao dịch tiền ảo theo mô hình đa cấp, lừa đảo hàng nghìn người đầu tư. Vụ IFan và Pincoin năm 2018 tại TP.HCM là minh chứng điển hình, với hơn 32.000 người bị lừa và thiệt hại khoảng 15 nghìn tỷ đồng7. Ngoài ra, thị trường trong nước còn tràn lan các “coin rác” – những đồng tiền không có giá trị nền tảng, được đẩy giá rồi bán tháo, khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đến nay vẫn giữ quan điểm thận trọng: không công nhận rộng rãi, cũng không cấm hoàn toàn. 


Dù hiện nay tiền mã hóa chưa được công nhận đầy đủ là tài sản hay tiền tệ, nhưng theo Luật Đầu tư 2020 và nguyên tắc tự do kinh doanh, việc sở hữu, đầu tư hay kinh doanh tài sản mã hóa không bị cấm. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán trong quy định pháp luật hiện hành khiến các bên tham gia giao dịch phải “tự chịu rủi ro” mà không được bảo vệ đầy đủ. 

Tuy nhiên, gian lận chỉ là một trong những hệ quả dễ thấy, sự thiếu vắng các quy định điều chỉnh tài sản mã hóa còn làm tăng rủi ro xảy ra những tội phạm nguy hiểm hơn như thao túng thị trường và đặc biệt là rửa tiền. Cộng thêm sức ép từ quốc tế – như việc Việt Nam bị Tổ chức đặc nhiệm liên chính phủ về chống rửa tiền – FATF đưa vào “danh sách xám”2 – cho thấy nhu cầu cấp thiết phải xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Danh sách xám của FATF là chỉ báo cho thấy quốc gia đang trong quá trình cải thiện hệ thống phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhưng vẫn chưa đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Danh sách này nhằm thúc đẩy các quốc gia thực hiện các biện pháp cải tiến, từ đó tránh bị liệt kê vào danh sách “đen”, nơi mà các quốc gia bị giới hạn giao thương và gặp nhiều áp lực quốc tế về mặt hình phạt.

Sự ra đời của Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số là bước tiến quan trọng trên con đường “luật hóa” tài sản số ở Việt Nam. Đáng chú ý, tại phiên bản Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số tháng 07/2024, ban đầu khái niệm “tài sản số” chỉ bao gồm các token, nhưng theo những phiên bản cải tiến sau này, khái niệm này đã được mở rộng thành bao gồm nhiều loại hơn như tài sản ảo và tài sản mã hóa điện tử. Nếu token chỉ bao gồm tiền kĩ thuật số và những gì tương tự chủ yếu dùng để thanh toán, giao dịch thì khái niệm tài sản ảo và tài sản mã hóa điện tử bao trùm tất cả các vật phẩm số mà người dùng có thể sở hữu bất kể có thanh toán được hoặc dựa trên công nghệ blockchain hay không. Điều này đánh dấu sự tiến bộ quan trọng về mặt lập pháp, khi các cơ quan chức năng đã minh thị và tiếp nhận những tiến bộ công nghệ mới, tạo điều kiện cho việc xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ và linh hoạt hơn trong tương lai. Theo đó, tại Dự thảo Luật phiên bản tháng 03/2025, đã định nghĩa rằng “tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.” Quy định này không chỉ mở rộng khái niệm về tài sản trong hệ thống pháp luật mà còn tạo nền tảng để xây dựng các văn bản hướng dẫn quản lý giao dịch và bảo vệ quyền lợi người dùng. Dù hiện nay tiền mã hóa chưa được công nhận đầy đủ là tài sản hay tiền tệ, nhưng theo Luật Đầu tư 2020 và nguyên tắc tự do kinh doanh, việc sở hữu, đầu tư hay kinh doanh tài sản mã hóa không bị cấm. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán trong quy định pháp luật hiện hành khiến các bên tham gia giao dịch phải “tự chịu rủi ro” mà không được bảo vệ đầy đủ. 

Các quy định mới sẽ không thể triệt tiêu hoàn toàn “coin rác” nhưng có thể đảm bảo một môi trường an toàn hơn cho nhà đầu tư.

Xét trên cục diện toàn cầu, các quốc gia đã áp dụng nhiều mô hình quản lý tài sản mã hóa khác nhau, thể hiện sự linh hoạt trong cân bằng giữa khuyến khích đổi mới và kiểm soát rủi ro3. Tại Nhật Bản, từ năm 2016, tài sản mã hóa đã được đưa vào khuôn khổ pháp luật qua việc sửa đổi Luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act) – có hiệu lực từ tháng 4/2017. Luật của Nhật định nghĩa tài sản mã hóa với hai nội dung chính: (i) là giá trị tài sản được ghi nhận điện tử, được chấp nhận như phương tiện thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ giữa các bên không xác định; và (ii) là giá trị tài sản có thể trao đổi với giá trị trên. Nhật Bản phân loại tài sản mã hóa thành hai nhóm: Tiền ảo loại I – dùng làm phương tiện thanh toán phi chính thức, và Tiền ảo loại II – tài sản ảo có thể trao đổi. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa phải đăng ký với Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), tuân thủ các quy định về an ninh mạng, quản trị rủi ro và bảo vệ tài sản khách hàng. Sau các sự cố như Mt. Gox hay Coincheck, Nhật Bản còn thành lập Hiệp hội giao dịch tài sản ảo (JVCEA) nhằm tự quản lý và phối hợp giám sát, tạo ra môi trường an toàn cho nhà đầu tư.

Hoa Kỳ, với hệ thống pháp luật liên bang phức tạp, quản lý tài sản mã hóa được thực hiện thông qua nhiều cơ quan như Sở Thuế vụ (IRS), Ủy ban Chứng khoán (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và Mạng lưới Chống tội phạm Tài chính (FinCEN). IRS đã xác định tài sản mã hóa là “tài sản” và áp dụng các quy định thuế thu nhập vốn. SEC xem một số token là chứng khoán nếu chúng thỏa mãn tiêu chí “Howey Test” – đặc biệt đối với các dự án ICO. Ngoài ra, mỗi bang ở Hoa Kỳ có quy định riêng như giấy phép “BitLicense” ở New York hay các luật “thân thiện” với blockchain ở Wyoming. Gần đây, Hoa Kỳ đang có các sáng kiến nhằm thống nhất khung pháp lý, như Sắc lệnh 14067 của Tổng thống Biden và các dự luật phân loại tài sản kỹ thuật số, với mục tiêu vừa bảo vệ nhà đầu tư vừa thúc đẩy đổi mới công nghệ.

So với cách tiếp cận thiên về giám sát chặt chẽ như ở Nhật Bản hay mô hình phân quyền phức tạp của Hoa Kỳ, Singapore nổi bật như một quốc gia theo đuổi chiến lược điều tiết cân bằng, trong đó chính sách công được thiết kế để đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và duy trì kiểm soát hiệu quả đối với các rủi ro tài chính phát sinh từ tài sản mã hóa. Quốc gia này không công nhận tài sản mã hóa là đồng tiền hợp pháp nhưng không cấm người dân sở hữu hay sử dụng nó, tài sản mã hóa được phân loại theo tính chất sử dụng: có thể là sản phẩm thị trường vốn (chứng khoán), token thanh toán kỹ thuật số (Digital Payment Token – DPT) hay một loại tài sản kỹ thuật số khác. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan phải đăng ký với Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chống rửa tiền, an ninh mạng và quản trị rủi ro. Chính sách thuế ưu đãi – không đánh thuế lãi vốn đối với cá nhân đầu tư – cũng đã thu hút nhiều sàn giao dịch quốc tế đặt trụ sở tại đây.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Quy định về Thị trường Tài sản Mã hóa (Markets in Crypto-Assets Regulation – MiCA), có hiệu lực từ năm 2024. Đây là bộ khung pháp lý toàn diện đầu tiên trên thế giới dành riêng cho tài sản mã hóa, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ và lưu ký tài sản mã hóa. MiCA yêu cầu các tổ chức phát hành stablecoin phải được cấp phép, duy trì dự trữ tương xứng và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tài chính. Các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa cũng phải đăng ký, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo mật thông tin, phòng chống rửa tiền và bảo vệ nhà đầu tư. Mô hình quản lý của EU được đánh giá cao ở tính minh bạch, khả năng bảo vệ thị trường và thúc đẩy đổi mới bền vững trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Hướng đi cho Việt Nam

Trong bối cảnh thị trường tài sản mã hóa phát triển nhanh chóng, kéo theo nhiều rủi ro pháp lý và xã hội, Việt Nam cần sớm xây dựng một lộ trình quản lý toàn diện, hài hòa giữa các yếu tố pháp lý, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế. Trước hết, theo nội dung Dự thảo Luật, nhóm tác giả hiểu rằng Việt Nam đã bước đầu công nhận tài sản mã hóa là một loại tài sản hợp pháp trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại minh thị rằng “tài sản số là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Dẫn chiếu đến Bộ luật Dân sự hiện hành, tài sản chỉ bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn về việc tài sản số có thể được xếp vào loại nào trong bốn nhóm tài sản nói trên. Do đó, việc bổ sung và làm rõ khái niệm trong pháp luật dân sự là bước đi cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất và hạn chế rủi ro trong thực tiễn áp dụng.


Việc bổ sung và làm rõ khái niệm tài sản mã hóa, tài sản số trong pháp luật dân sự là bước đi cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất và hạn chế rủi ro trong thực tiễn áp dụng.

Song song đó, cần bổ sung các điều khoản trong Luật Các tổ chức tín dụng nhằm khẳng định rằng tài sản mã hóa không phải là tiền pháp định và không được sử dụng như một phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc định danh rõ ràng này sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng các văn bản dưới luật cụ thể hơn, từ đó cho phép nhà nước điều tiết và bảo vệ tài sản mã hóa một cách chính danh. Trên cơ sở khung pháp lý cơ bản trên, chính phủ cần ban hành một nghị định riêng về quản lý, sử dụng và giao dịch tài sản mã hóa. Nghị định này cần quy định rõ các nội dung cốt lõi như: điều kiện phát hành tài sản mã hóa ra công chúng (Initial Coin Offering – ICO, tương tự như quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu – IPO); yêu cầu đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; nghĩa vụ công bố thông tin dự án; và thiết lập cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Ngoài ra, cần quy định việc quản lý các sàn giao dịch và các dịch vụ liên quan, với yêu cầu về vốn tối thiểu, an ninh mạng và quản trị rủi ro. Đồng thời, cần có chính sách thuế phù hợp đối với giao dịch tài sản mã hóa nhằm khắc phục lỗ hổng thuế hiện nay, cũng như quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, bao gồm nghĩa vụ thực hiện KYC, lưu trữ thông tin và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. 

Triệu phú Charlie Shrem, sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa BitInstant, bị bắt và giam giữ hai năm vì liên đới tới vụ rửa tiền và buôn bán ma túy bằng Bitcoin.

Việc xác định mô hình quản lý là một yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tài sản mã hóa. Theo đề xuất từ Bộ Tài chính, Việt Nam có thể áp dụng phương pháp “sandbox” – tức chạy thử nghiệm trên môi trường kiểm tra được cách ly – để triển khai, vận hành và áp dụng các phương pháp quản lý tiền mã hóa trong giai đoạn đầu4. Qua sandbox, các cơ quan chức năng cùng với các chuyên gia từ khu vực tư nhân sẽ thu thập dữ liệu hoạt động, xác định các lỗi, rủi ro và những điểm cần cải thiện, từ đó xây dựng chính sách phù hợp và định hướng thị trường vào khuôn khổ pháp luật. Phương pháp này không chỉ giúp đánh giá chính xác hiệu quả của mô hình quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc điều chỉnh kịp thời trước khi áp dụng trên diện rộng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính nói chung.


Việc xác định mô hình quản lý là một yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng khung pháp lý về tài sản mã hóa. Theo đề xuất từ Bộ Tài chính, Việt Nam có thể áp dụng phương pháp “sandbox” – tức chạy thử nghiệm trên môi trường kiểm tra được cách ly – để triển khai, vận hành và áp dụng các phương pháp quản lý tiền mã hóa trong giai đoạn đầu

Cuối cùng, việc phát huy vai trò của khu vực tư nhân và cộng đồng nghiên cứu cũng rất quan trọng. Nhà nước có thể ủy quyền hoặc đặt hàng các công ty công nghệ phát triển các hệ thống giám sát giao dịch trên blockchain và hệ thống xác thực danh tính số, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước đồng thời tận dụng tối đa chất xám xã hội. Các mô hình tự quản có sự giám sát thông qua thành lập các hiệp hội ngành như Hiệp hội Blockchain hay Hiệp hội Fintech cũng cần được khuyến khích nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử, phối hợp xử lý vi phạm và đảm bảo tính minh bạch trong ngành. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao – những chuyên gia am hiểu công nghệ blockchain và tài chính số – thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và hợp tác với các tổ chức quốc tế là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo hiệu quả của khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa.□

——

* Hai tác giả Tô Kiến Lương, Mai Nguyễn Dũng làm việc tại Khoa Luật, UEH.

Tài liệu tham khảo

1. Binance News. (2024). The number of cryptocurrency holders worldwide has exceeded 560 million, accounting for 6.8% of the world’s population. Binance Square. https://www.binance.com/en/square/post/2024-05-28-5-6-6-8-8701566234354

2. FATF. (2025). Danh sách “đen và xám.” https://www-fatf–gafi-org.translate.goog/en/countries/black-and-grey-lists.html?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=tc

3. Linh V. T. (2025). XÂY DỰNG PHÁP LUẬT QUẢN LÝ TIỀN ẢO, KINH NGHIỆM TRÊN THẾ GIỚI VÀ THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM. GASS.

4. Minh Phương. (2025, March 20). Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Báo Nhân Dân điện tử. https://nhandan.vn/post-866435.html

5. Nakamoto, S. (2018). Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System. www.bitcoin.org

6. Việt Nam News. (2024). VN ranks second in the world in cryptocurrency ownership rankings. Vietnamnews.Vn. https://vietnamnews.vn/economy/1655455/vn-ranks-second-in-the-world-in-cryptocurrency-ownership-rankings.html

7. VTV. (2018, May 23). Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỉ đồng. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/kinh-te/bo-cong-an-vao-cuoc-dieu-tra-vu-lua-dao-tien-ao-15000-ti-dong-20180523173436632.htm

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 26 times, 26 visits today)