Tại sao có sự thăng trầm kinh tế?
Có lẽ tại các vết trên mặt trời. Chí ít thì đã có William Stanley Jevons, một trong những nhà kinh tế có tên tuổi nhất trong thế kỷ 19, từng nghĩ như vậy. Theo Jevons thì vết đen trên mặt trời làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Kể từ thời Josef và Jevons đã có vô vàn công trình nghiên cứu về sự thăng trầm. Tuy vậy người ta vẫn chưa có một lời giải thích rõ ràng, thỏa đáng cái gì là nguyên nhân dẫn đến sự thăng trầm của nền kinh tế.
![]() Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới |
Trở ngại đầu tiên là việc định nghĩa khái niệm. Trong một thời gian khá dài, người ta cho rằng sự thăng trầm kinh tế chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nghĩa là trong vài ba năm. Tuy nhiên khi nghiên cứu về sự phát triển kinh tế lâu dài, vấn đề lại không phải như vậy, sự hạn chế về thời gian đã biến mất.
Những vết đen trên mặt trời và ý định của Đấng tối cao
Các sách giáo khoa thường đề cập đến đường cong hình sin diễn ra trong một chu kỳ gồm nhiều năm: sự phát triển kinh tế lên đến đỉnh cao, sau một thời gian ngắn bắt đầu đi xuống đến đáy để rồi lại chuẩn bị đi lên. Trong thực tế, sự phát triển này muôn hình vạn trạng: đôi khi kinh tế tăng trưởng trong một thời gian dài với mức tăng cao, cũng có khi sự tăng trưởng này diễn ra trong một thời gian dài nhưng mức tăng lại thấp. Đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước, nền kinh tế thế giới sa sút nghiêm trọng và phải mất rất nhiều năm mới khôi phục được. Trong thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thăng trầm này, tuy nhiên không còn ai nói đến vết đen trên mặt trời hay ý của Đấng tối cao là nguyên nhân của sự thăng trầm nữa.
Biến động kỹ thuật ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thăng trầm
Nước Mỹ có một sự giải thích khá thuyết phục mang tên “Lý thuyết về tính hiện thực của chu kỳ thăng trầm”. Hai nhà khoa học kinh tế Edward Prescott và Finn Kydland, được giải thưởng Nobel năm 2004 là một trong những cha đẻ của học thuyết này. Từ hiện thực ở đây hàm ý, các nhà kinh tế tiến hành công trình nghiên cứu của mình về sự hoạt động của một nền kinh tế mà không có sự tham gia của đồng tiền. Thoạt nghe thì quả là ngô nghê nhưng để đơn giản hóa họ đã làm việc trên cơ sở giả thuyết này.
Ý tưởng cơ bản của học thuyết này là, sự biến động của nền kinh tế là kết quả của những tác động ngẫu nhiên không thể lường trước được. Những tác động đó có thể là thảm họa thiên nhiên, những thay đổi về chính sách kinh tế (như tăng thuế đột ngột), giá nhiên liệu tăng đột biến hoặc những sáng chế phát minh mang tính đột phá, mở đường. Học thuyết này thường dựa trên những giả định, trong đó đề cập nhiều đến tác động của những thay đổi về kỹ thuật, công nghệ đến sự thăng trầm của nền kinh tế. Với cách nhìn đó có thể giải thích sự tăng trưởng mạnh mẽ ở một số quốc gia vào cuối những năm chín mươi là do hệ quả của một “kinh tế mới” (new economy).
Quan niệm tiến bộ kỹ thuật quyết định sự phát triển kinh tế không có gì là mới. Giữa những năm 20 của thế kỷ trước, nhà khoa học kinh tế Liên Xô Nikolai Kondratjew đã cho rằng, sự phát triển kinh tế của các nước công nghiệp diễn ra theo chu kỳ khoảng 50 năm, cuối các chu kỳ đó lại xuất hiện những sáng chế, phát minh mới để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.
Các nhà khoa học kinh tế hiện đại tỏ ra nghi ngờ đối với quan niệm chu kỳ Kondratjew. Họ không thấy cơ sở của quy luật phát triển kinh tế này mà cho rằng, tiến bộ kỹ thuật là điều không thể tiên lượng được. Nhưng nếu điểm lại những gì đã diễn ra trong quá khứ, chúng ta không thể không ngạc nhiên khi thấy rằng: giai đoạn từ 1780 đến 1849 là giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và máy hơi nước là phát minh quan trọng nhất, vì thế giai đoạn này có tên là giai đoạn “Máy hơi nước-Kondratjew”. Tiếp theo là giai đoạn từ 1849 đến 1890, đây là kỷ nguyên xây dựng đường sắt, giai đoạn “Đường sắt-Kondratjew”. Từ 1890 đến 1940 được gọi là chu kỳ “Kỹ thuật điện- và công nghiệp hóa chất-Kondratjew”, từ 1940 đến 1990 là chu kỳ “Tự động hóa-Kondratjew”. Nếu tiếp tục theo giải thích này thì từ năm 1990 các nước công nghiệp đang ở trong giai đoạn “Thông tin và truyền thông-Kondratjew”.
Phải chăng kinh tế đi xuống vì lí do quá tiết kiệm?
![]() Vết đen trên mặt trời (ảnh chụp của Nasa) có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế? |
Thường thì ảnh hưởng của tiến bộ kỹ thuật hoặc thiên tai không đủ để giải thích cho sự thăng trầm của nền kinh tế. Liệu đồng tiền có ảnh hưởng đến sự đi xuống của nền kinh tế, nhất là khi người ta quá hạn chế chi tiêu hay không? Từ lâu đã có luận đề nền kinh tế đi xuống là do người dân quá tiết kiệm tiêu dùng, không dám chi tiêu còn các nhà doanh nghiệp thì lo ngại không dám mạnh dạn đầu tư. Điều này thường diễn ra khi tương lai không sáng sủa, ảm đạm làm cho người dân băn khoăn, lo ngại cho cuộc sống trong tương lai của họ. Trong trường hợp đó nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng và tự nó không thể thoát ra nổi tình trạng bi đát này.
Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã truyền bá quan niệm này khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm 30 thế kỷ trước- tuy nhiên quan niệm này đã ra đời trước đó từ lâu. Ngày nay hầu như không ai còn tranh cãi về việc diễn biến kinh tế nhất thời có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý của người dân. Tuy nhiên cho đến nay vấn đề này cũng chưa trở thành một học thuyết có tính phổ biến.
Vì thế, cho đến tận ngày nay, vẫn còn những nhà khoa học có tên tuổi tiếp tục truy tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 30 thế kỷ trước. Một số người cho rằng, hồi đó lượng tiền quay vòng trên thị trường quá ít, một số người khác lại rất nghiêm túc khẳng định tình trạng thất nghiệp cao là kết quả sự hình thành bột phát thói lười nhác trong quần chúng. Phải chăng cuộc khủng hoảng này là do các vết đen trên mặt trời.
(theo FAZ – Chủ nhật, 18.06.2006)