Tại sao nhà khoa học nam tự trích dẫn công bố nhiều hơn nữ?
Trong một nghiên cứu mới đăng trên trang arXiv, các nhà xã hội học trường đại học Stanford (Mĩ) chỉ ra rằng, trung bình nam giới tự trích dẫn các bài báo khoa học của chính mình nhiều hơn 1.56 lần so với các đồng nghiệp nữ giới.
Marie Curie, nhà KH nữ duy nhất trong
bức ảnh những nhà vật lý hàng đầu tại
hội nghị Solvay, Bỉ (1927)
Để đánh giá sơ bộ khả năng của một người làm nghiên cứu, người ta thường xác định số lượng bài báo khoa học người đó được đăng, uy tín của các tờ báo (thường thông qua chỉ số Impact factor) và số lần các bài báo này được trích dẫn trong các nghiên cứu liên quan khác. Nhìn chung, việc một người tự trích dẫn các nghiên cứu trước đó của chính mình là bình thường và hợp lý, do các nghiên cứu thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp thực sự cần thiết nhằm đảm bảo tính logic của bài báo, quyết định tự trích dẫn hay không phụ thuộc vào từng tác giả. Trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, không tránh khỏi xu hướng một số nhà nghiên cứu tự trích dẫn với mục đích tăng uy tín và sức cạnh tranh của bản thân. Do đó, tỉ lệ tự trích dẫn là một thông số quan trọng không những ngụ ý năng suất nghiên cứu khoa học, mà còn có thể tiết lộ mức độ tự tin, áp lực cạnh tranh, hoặc mong muốn thăng tiến của người làm nghiên cứu.
Để tìm hiểu vấn đề này, các nhà xã hội học ở đại học Stanford đã thu thập khoảng 1.5 triệu bài báo khoa học thuộc từ năm 1779 đến 2011 thuộc tất cả các lĩnh vực trên thư viện điện tử JSTOR (thực tế, có rất ít bài báo xuất bản trước năm 1950 được lưu trữ trong thư viện này). Qua quá trình xử lý số liệu, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, số lượng tự trích dẫn chiếm gần 10% tổng số các trích dẫn, trong đó sinh học phân tử, toán học, sinh thái học là những ngành nghề có tỉ lệ tự trích dẫn cao nhất. Ngược lại, những người nghiên cứu về lịch sử, luật và văn hóa cổ điển (classics) có tỉ lệ tự trích dẫn thấp nhất.
Điểm chính của nghiên cứu là so sánh tỉ lệ tự trích dẫn của nam và nữ. Trong tổng số hơn 2 triệu tác giả (những người có thể xác định được giới tính dựa vào tên gọi), tác giả nam chiếm đến 78.1%, tác giả nữ chỉ chiếm 21.9%. Nam giới có xu hướng tự trích dẫn nhiều hơn hẳn so với các nữ đồng nghiệp, trong mọi thời điểm và ở hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu. Trung bình một tác giả nam tự trích dẫn nhiều hơn 1.56 lần so với đồng nghiệp nữ. Điều đáng ngạc nhiên là con số này chỉ là 1.23 trong thập niên 1950 và đã lên đến 1.7 trong hai thập niên trở lại đây, bất chấp thực tế số lượng nữ giới theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học ngày càng tăng.
Tỉ lệ tự trích dẫn của nam giới và nữ giới kể từ năm 1950. Nguồn: Nature
Tuy nhiên, phân tích thống kê trong nghiên cứu này có thể chỉ đúng cho Mỹ và các nước có hệ thống tên gọi tương tự. Do giới tính của các tác giả bài báo được xác định dựa vào 1000 tên gọi phổ biến nhất trong mỗi năm từ 1879 – 2012, được liệt kê bởi Cơ quan an ninh xã hội Mĩ (US Social Security Administration). Nếu một tên gọi không nằm trong danh sách này hoặc có thể được dùng cho cả nam và nữ, dữ liệu về người đó sẽ không được tính. Điều này có nghĩa một lượng lớn tác giả dùng tên viết tắt cũng bị bỏ qua. Tổng cộng, có đến 26.7% tác giả không xác định được giới tính, trong đó 24.3% đến từ những tên không có trong danh sách các tên gọi phổ biến và 2.4% do những tên gọi có thể dành cho cả nam và nữ.
Một điều đáng lo ngại nữa là, trong thời gian trước, có nhiều tác giả nữ chọn cách dùng tên viết tắt để che giấu giới tính thật của mình. Chính điều này có thể làm giảm một số lượng lớn tác giả nữ trong dữ liệu phân tích. Cùng ý kiến về vấn đề này, Adrian Letchford, một nhà khoa học dữ liệu thuộc trường đại học Warwick (Anh), từng có các nghiên cứu về vấn đề trích dẫn,cho biết: “Một tỉ lệ lớn các tác giả bị loại khỏi danh sách phân tích, đặc biệt là phụ nữ – những người có xu hướng không tiết lộ giới tính của mình”.
Nguyên nhân
Lý giải thực trạng nam giới có xu hướng tự trích dẫn nhiều hơn nữ giới, Cassidy Sugimoto, ở Đại học Indiana University Bloomington (Mĩ) cho biết, nam giới thường có chức vụ cao hơn trong khoa học, có nhiều bài báo hơn và do đó có nhiều khả năng để tự trích dẫn. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, mặc dù số lượng nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học tăng nhanh trong những năm gần đây, nam giới vẫn thường là những người nắm giữ những chức vụ quan trọng.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, hiện tượng nam tự trích dẫn nhiều hơn nữ có thể do nam giới có xu hướng tự tin về khả năng của bản thân hơn nữ giới, đặc biệt trong những lĩnh vực có vốn được xem là thế mạnh của họ. Ngược lại, nữ giới lại thường phải hứng chịu nhiều chỉ trích hơn khi quá tham vọng hoặc có hành động tự “quảng cáo” bản thân, đồng thời, trong tiềm thức, nhiều người vẫn không đánh giá cao khả năng của bản thân so với đồng nghiệp nam. Ngoài ra, nam giới cũng thường có xu hướng theo đuổi những nghiên cứu có tính chuyên biệt hóa, ít người thực hiện. Điều này dẫn đến số lượng đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực thấp và họ có nhiều khả năng phải tự trích dẫn nghiên cứu của chính mình.
Các tác giả của nghiên cứu này nhận định, kết quả về sự khác biệt giữa nam và nữ trong việc tự trích dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các thông số liên quan đến số lượng trích dẫn của các bài báo khoa học. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cần lưu ý rằng nữ giới có xu hướng tự trích dẫn nghiên cứu của chính mình ít hơn nam giới, từ đó có cách đánh giá phù hợp. Một đề xuất được đưa ra là không tính đến những trích dẫn được thực hiện bởi chính tác giả để có thể đảm bảo công bằng trong khoa học.