Tại sao startup cần huấn luyện viên?

Ở Việt Nam, “huấn luyện viên khởi nghiệp” – startup coach vẫn còn là một khái niệm mới với khá nhiều startup. Để có một cái nhìn toàn diện về tại sao cần huấn luyện viên (HLV) khởi nghiệp, như thế nào là một người HLV tốt và làm thế nào để hưởng lợi nhiều nhất từ một chương trình huấn luyện, tôi muốn chia sẻ với các bạn góc nhìn của một người đã tham gia hoạt động này trong 4 năm qua.


Dave Bailey, người sáng lập công ty chuyên huấn luyện các CEO của các công ty gọi được vốn từ vòng series A trở lên. Nguồn: Dave Bailey.

Trước hết, huấn luyện khởi nghiệp là một công việc thuộc nhóm huấn luyện kinh doanh trong đó người HLV “cầm tay chỉ việc” rèn luyện thành công kỹ năng sử dụng công cụ cho doanh nghiệp/đội nhóm của doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng cho đôi nhóm của doanh nghiệp và đặt câu hỏi giúp doanh nghiệp tự giải quyết vấn đề. Mối quan hệ giữa HLV và doanh nghiệp khởi nghiệp là mối quan hệ ngắn hạn, thông thường từ 3-6 tháng. 
Ở Việt Nam, có những tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện cho doanh nghiệp, nhưng đội ngũ huấn luyện khởi nghiệp chuyên nghiệp thì còn rất ít. Từ những thành công và thất bại của cả người làm HLV và startup, và các dự án đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng có 3 lý do chính khởi nghiệp cần HLV.
1. Startup thường có quá nhiều vấn đề để giải quyết và quá nhiều việc phải làm cùng một lúc.
Việc là khởi nghiệp sáng tạo không bao giờ dễ dàng. Những ngợi ca trên báo chí, sự xuất hiện dày đặc trên truyền thông không giúp bạn giảm bớt áp lực khi phải đối diện với những vấn đề cụ thể trực tiếp của doanh nghiệp. Nếu dành thời gian để giải quyết những việc gấp gáp nhưng không quan trọng lắm thì sáng lập viên sẽ không còn thời gian cho những việc quan trọng dài hơi. Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) cũng thường gặp phải những giới hạn về nguồn lực và có xu hướng cần tiền mới giải quyết được. Việc xuất hiện HLV sẽ giúp KNST sắp xếp lại những vấn đề mang tính thứ tự ưu tiên để giải quyết với nguồn lực hạn chế một cách tối ưu.

Theo Dave Bailey, tại sao các nhà sáng lập cần Huấn luyện viên (Coach), không phải Tư vấn (Consultants), theo đó tóm lại gồm 10 điểm:
1. Hãy để các nhà sáng lập tự đưa ra chương trình làm việc của mình (nhấn mạnh sự chủ động)
2. Không ai có thể nhận được lời khuyên trước khi họ hiểu vấn đề (khác biệt giữa HLV và tư vấn)
3. Câu hỏi luôn có giá trị lớn hơn câu trả lời (thậm chí lời khuyên)
4. Bám sát các mục tiêu cụ thể 
5. Sự tò mò trái ngược với sự phán xét
6. Nghe lời nói của mình từ người khác
7. Chia sẻ kinh nghiệm, không hướng dẫn
8. Kiên nhẫn là điều cần thiết để huấn luyện hiệu quả
9. Cho bạn niềm tin khi cần 
10. Theo dõi là 90% giá trị

2. Vấn đề mà người sáng lập nghĩ là vấn đề bức xúc, khó khăn nhất chưa chắc đã phải là vấn đề quan trọng nhất.
HLV không biết câu trả lời cho các vấn đề nhưng họ biết hỏi những câu hỏi mang tính kỹ thuật cần thiết để tìm ra vấn đề mang tính cốt tử của doanh nghiệp đó, có ảnh hưởng đến sự sống còn và những rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn đầu trứng nước của doanh nghiệp. Ví dụ, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng vốn là vấn đề lớn nhất, nhưng nhờ những câu hỏi của HLV, đôi khi tự doanh nghiệp nhận ra rằng đó có thể là vấn đề thứ 2,3 trong thứ tự ưu tiên. 
3. Sự cô đơn và những thành quả được ghi nhận.
Khởi sự kinh doanh là chấp nhận sự cô đơn khi phải đối diện với các quyết định, với những tính toán ngắn hạn và dài hạn, ngay cả khi bạn có một đội nhóm tốt thì người lãnh đạo vẫn là người phải chấp nhận sự cô đơn ấy. Việc có một HLV đi cùng và người chủ dự án phải tham gia quá trình huấn luyện là đặc biệt quan trọng. Ngoài giá trị cùng nhau phân tích khó khăn thất bại, thì việc có một sự ghi nhận từ bên ngoài là nguồn động viên quan trọng, một sự ghi nhận có giá trị để chủ doanh nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ hơn sau đó. 

Câu chuyện của người HLV và người được huấn luyện

Năm 2015, tôi cùng 11 anh chị em khác bước ra từ chương trình đào tạo tăng cường HLV đổi mới sáng tạo của dự án Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) với một loạt công cụ và kiến thức mới mẻ trong tay. Chúng tôi được đưa thẳng vào một doanh nghiệp khởi nghiệp để…huấn luyện. Doanh nghiệp vừa nhận được một khoản vốn mồi với tham vọng trong 6 tháng đạt mục tiêu chứng minh tiềm năng xuất khẩu và kiểm chứng được mô hình kinh doanh bền vững. 6 tháng trải nghiệm với EZCloud với tôi thực sự quý giá để nhận ra rằng tại sao một doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù rất tiềm năng đội ngũ rất tốt lại rất cần huấn luyện viên – một sự trợ giúp kỹ thuật quan trọng cho kiểm chứng mô hình kinh doanh và sự phát triển của dự án. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện không hề diễn ra suôn sẻ mà luôn có những thách thức với cả hai phía nếu muốn hoàn thành tốt công việc của mình. Như anh Đặng Thành Trung, giám đốc sáng tạo của EZCloud chia sẻ, có rất nhiều khó khăn phải trải qua trong suốt quá trình huấn luyện để nhận ra rằng, rất may mắn đã kiên nhẫn đi theo suốt thời gian đó. Những khó khăn mà anh Trung đề cập ở đây không nằm ngoài những khó khăn mà chính cá nhân chúng tôi đã trải qua trong vai trò HLV cho những doanh nghiệp sau này: 
1. Vượt qua khỏi sự khó chịu khi có một người ngoài bước vào doanh nghiệp:
Vốn không phải là người đóng góp tiền cho doanh nghiệp, thậm chí dịch vụ huấn luyện là dịch vụ trả phí, rất dễ hiểu khi EZCloud (vốn được dự án IPP2 tài trợ để sử dụng HLV) hay một doanh nghiệp bất kỳ nào phải trả phí để sử dụng dịch vụ này là sự chống đối lại vai trò của người HLV. Thực tế, không ít doanh nghiệp đặt ra câu hỏi tại sao lại phải đưa một người HLV vào chỉ để hỏi và giám sát doanh nghiệp? Hơn thế nữa, một doanh nghiệp khởi nghiệp, thời gian là vô cùng quý giá, vậy mà luôn phải dành một khoảng thời gian chỉ để trả lời câu hỏi của một người không liên quan gì. Sự khó chịu này sẽ không biến mất sau tối thiểu 3 buổi đầu tiên vì những câu hỏi của HLV luôn mang tính căn bản, bắt chủ doanh nghiệp phải lật lại rất nhiều vấn đề mà thường ngày họ chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Việc phải lật lại và nghi ngờ cả những gì mình đang làm là một cảm giác rất khó chịu. Tuy nhiên, thông thường, sau buổi thứ 3, sẽ có những thay đổi và chuyển biến, hiệu ứng từ những câu hỏi 


EZ Cloud (bên trái) đang trao đổi với một huấn luyện viên của chương trình IPP. 

2. Vượt qua nỗi sợ bị giám sát.
Cảm giác bị ai đó giám sát những mục tiêu đề ra không phải dễ dàng. Khi đối diện với chính mình cho những việc mình không thực hiện được và trả lời HLV của mình vào buổi gặp tiếp theo, đó là một công việc khó khăn. Bạn làm chủ của doanh nghiệp bạn, tại sao bạn cần ai đó giám sát? Câu hỏi đó rất thường gặp, nhưng hãy tin tôi, ở giai đoạn đầu, sự tự do của người làm chủ doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khiến bạn làm việc 20 tiếng mỗi ngày, nhưng cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ đạt mục tiêu đề ra bởi lẽ không ai tạo ra áp lực cho bạn. Sự giám sát chính là giá trị quan trọng mà huấn luyện mang lại. 
3. Vượt qua cảm giác ngại phải cam kết.
Hằng tuần, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện những gì mình đề ra. Mặc dù không có hình phạt nào cho việc không thực hiện được, nhưng rõ ràng, việc phải lý giải những nguyên nhân mình không thực hiện được sau một khoảng thời gian đủ dài (thông thường là 6 tháng) thực sự sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy về chấp nhận thất bại và học từ thất bại. Nếu thói quen thực hiện cam kết và tìm nguyên nhân cho thất bại và phòng ngừa rủi ro được thiết lập tại doanh nghiệp, đây sẽ là một thay đổi rất lớn cho bước chuyển từ văn hóa của một nhóm dự án khởi nghiệp thành một doanh nghiệp trưởng thành thực sự. 
Trên thực tế, ngay tại các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trên thế giới, huấn luyện là một hình thức phổ biến nhằm gia tăng hiệu suất công việc. Với khởi nghiệp, việc sử dụng huấn luyện viên mang tính đặc thù. Việc lựa chọn huấn luyện viên tốt cũng là một khó khăn không nhỏ. Nếu được phép cho vài lời khuyên với các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi xin phép đưa ra 3 lời khuyên sau đây:
1. Bên cạnh một cố vấn (mentor)- người sẽ thúc đẩy sự phát triển cá nhân của bạn, hãy tìm một HLV khởi nghiệp để có sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
2. Hãy đưa những người ra quyết định quan trọng trong doanh nghiệp vào quá trình huấn luyện, nó sẽ giúp tạo ra tiếng nói chung cho cả đội nhóm và kế hoạch hành động hiệu quả cả nhóm hướng đến.
3. Thời gian huấn luyện phải đủ dài (tối thiểu 3 tháng tăng cường, lý tưởng nhất là 6 tháng) để đảm bảo hiệu quả của huấn luyện. Mọi sự thay đổi không diễn ra qua một đêm, nó cần thời gian, đặc biệt là những thay đổi về tư duy.
Làm thế nào để tìm được HLV tốt, để thay cho lời kết, tôi xin mượn lời của Dave Bailey, 10 năm làm HLV cho các khởi nghiệp tại các môi trường khác nhau, người từng cho lời khuyên rằng, khởi nghiệp cần HLV hơn là người tư vấn. Đúc rút từ trải nghiệm của chính mình, Dave tổng kết: “Tìm một huấn luyện viên giỏi là rất khó khăn. Bạn muốn ai đó có mối liên hệ với bạn, người đã trải qua những gì bạn đang trải qua. Một người có thể đặt cái tôi của họ sang một bên và quan tâm đến bạn. Một người biết kết nối bạn với những người tài năng nhất. Bạn sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ huấn luyện viên của mình, cả về thời gian và năng lượng, cảm xúc, vì vậy, phải bù đắp cho họ một cách phù hợp. Hãy nhớ rằng có những người giỏi nhất xung quanh có ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của bạn”. □

Tài liệu tham khảo: Why Founders Need Coaches, Not Consultants. Dave Bailey. Medium. 201

CÁC LOẠI HÌNH HUẤN LUYỆN
Performance coaching:
Huấn luyện hiệu suất công việc Skills coaching
Huấn luyện kỹ năng Career Coaching
Huấn luyện sự nghiệp Personal or life coaching
Huấn luyện cá nhân Business coaching
Huấn luyện kinh doanh Executive coaching
Huấn luyện quản lý Team facilitation
Điều phối nhóm Work shadowing
Giám sát công việc

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)