Tại sao startup nên tự “vùng vẫy” trong 10 năm trước khi gọi vốn

Nóng vội gọi vốn đầu tư có thể dẫn tới cái chết sớm cho startup.

Bạn có một ý tưởng mới tuyệt vời và một đội ngũ sáng lập xuất sắc, nắm giữ những kỹ năng phù hợp, sẵn sàng đứng vững trước mọi thách thức trên thị trường? Bạn có thể cho rằng đây đã là thời điểm chín muồi để kêu gọi những nhà đầu tư thiên thần. Nhưng bạn sai rồi.

Đó là quan điểm của Ryan Smith, nhà sáng lập nền tảng điều tra trực tuyến Qualtrics. Qualtrics vừa huy động được khoảng 220 triệu USD với giá trị định giá hơn 1 tỉ USD, vượt ngưỡng để trở thành một công ty kỳ lân. Sở dĩ anh đạt được thành tựu như ngày hôm nay là nhờ đã để công ty mình tự thân “vẫy vùng” trong suốt một thập kỷ, tự gây dựng nên cơ sở khách hàng và hoàn thiện mô hình kinh doanh trước khi lên tiếng chào mời các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Và theo anh, đó mới là cách làm đúng, nhưng hiện lại có quá nhiều nhà sáng lập chọn con đường sai lầm mà anh phác họa như sau: Bước 1: Nguệch ngoạc vạch vài dòng ý tưởng trên giấy. Bước 2: Huy động hàng đống tiền đầu tư. Bước 3: Tiêu tiền. Bước 4: ??? Bước 5: Lợi nhuận!

Theo anh, một nguyên nhân lớn ở đây là thung lũng Silicon bấy lâu vẫn coi những công ty chưa trải qua vòng gọi vốn đầu tiên chỉ là những kẻ mơ tưởng hão. Anh tâm sự: “Chúng tôi đã gây dựng được một công ty, và từ hai bàn tay trắng chúng tôi đã phát triển để đạt tới mốc 50 triệu USD doanh số và 30 triệu USD lợi nhuận hàng năm. Nhưng khi ấy không ai chú ý tới chúng tôi cả. Không một lời chúc mừng. Cho đến một hôm, chúng tôi quyết định huy động 70 triệu USD thì mọi người mới sững sờ nhìn chúng tôi.”

Và đây là những lý do khiến Smith tin rằng các startup nên tự mình bươn chải càng lâu càng tốt trước khi tiếp nhận dòng vốn rót từ các quỹ đầu tư mạo hiểm:

1. Nguồn vốn ngoài là một khoản tiền thế chấp, không phải phần thưởng

Rất nhiều người mở tiệc ăn mừng sau khi hoàn tất được một vòng gọi vốn, như thể bản thân quá trình này là đích đến cuối cùng của họ vậy. Nhưng nhận vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng tương tự như việc nhận một khoản tiền thế chấp vậy – đó là dòng vốn phục vụ cho một mục đích rất cụ thể, và cái mục đích này đặt ra những trách nhiệm to lớn và lâu dài cho những người nhận được khoản vốn đó.

2. Các chiến lược thoái vốn đã thay đổi

Từ trước đến nay, các startup công nghệ phất lên nhanh chóng nhờ đi theo quá trình này: kêu gọi vốn đầu tư, mở rộng quy mô, tích cực quảng bá, và rồi được một gã khổng lồ nào đó trong giới công nghệ mua lại. Rất nhiều nhà sáng lập đã thoái vốn theo con đường này, nhưng cách làm này đang ngày một trở nên khó khăn hơn, nhất là với những công ty kỳ lân.

“Trên thị trường có khoảng 11 công ty có thể mua đứt một công ty trị giá một tỉ đô la, nhưng chẳng ai mua cả,” Smith cho biết. Và như thế, chỉ còn lại một phương án là chào bán cổ phần ra công chúng, song đây cũng là cả một thách thức đối với những công ty không có lịch sử hoạt động lâu dài. “Họ sẽ không có đủ dữ liệu để trình bày trước các cổ đông về kế hoạch hoạt động trong vai trò một công ty đại chúng,” anh nói.

3. Tốt hơn hết là hãy chứng tỏ bản thân trước khi gọi vốn

Theo Smith, bạn chỉ nên dọi vốn để xây dựng đội ngũ, bổ sung sản phẩm mới, hay bước chân vào các thị trường quốc tế. Không nên gọi vốn để thực thi một ý tưởng mới nằm ở giai đoạn tiền khả thi. Tại sao vậy? “Đừng huy động một đống tiền lớn rồi sau đó mới bắt tay chạy vòng quanh, bởi lúc ấy, mọi thất bại hay mọi thay đổi nào về kế hoạch hành động của bạn đều sẽ bị đem ra mổ xẻ, soi mói; trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng quá trình phát triển tự nhiên của một công ty mới thành lập,” Smith chia sẻ.

4. Bạn sẽ xây dựng được tinh thần hiếu chiến hơn

Khi mọi việc trở nên khó khăn, bạn sẽ phải dụng đến tinh thần hiếu chiến để có thể sinh tồn; và bạn sẽ không thể có được cái tinh thần ấy nếu như vừa khởi sự bạn đã có trong tay khoản tiền đầu tư kếch sù từ các quỹ mạo hiểm. Smith cảnh cáo: “Bạn sẽ cần phải học cách hiếu chiến ra sao, nhưng tốt hơn hết là hãy tự học chứ đừng đợi tới khi huy động được nguồn vốn ngoài rồi mới bắt đầu học – lúc ấy rủi ro sẽ là rất lớn. Hơn nữa, bạn sẽ cảm thấy tự hào khi đứng trước các nhà đầu tư hay các cổ đông mà nói rằng bạn đã từng làm những việc còn khó hơn thế vạn lần, rằng bạn đã có kinh nghiệm mời gọi một nhân viên giỏi tới làm việc cho bạn với mức lương 8 USD/giờ trong khi ở nơi khác họ được mời mọc với mức lương “khủng” hơn nhiều lần.”

5. Bạn sẽ sáng tạo hơn

“Nếu bạn nhớ lại những ngày mình còn ngồi ghế nhà trường và không một xu dính túi, hẳn bạn sẽ nhận ra rằng đó là khi sự sáng tạo nảy sinh,” Smith nói. “Bạn xoay sở khéo hơn, và bạn mạnh dạn đi ngược lại những quan niệm thông thường.”

Chẳng hạn, Smith cho biết, Qualtrics phải tiếp cận thị trường nghiên cứu giá rẻ vì họ không đủ nguồn lực để tiếp cận với những khách hàng hấp dẫn hơn. “Chưa có ai tìm đến thị trường này cả. Nếu sẵn tiền trong tay, hẳn chúng tôi cũng sẽ không theo đuổi chiến lược này,” Smith nói.

Nhưng xét về lâu dài, chiến lược đó đã mang lại thành công cho Qualtrics. “Tất cả những sinh viên đó, những khách hàng của chúng tôi, rồi sẽ ra trường, và họ sẽ tham gia vào lực lượng lao động, và họ mang theo sản phẩm của chúng tôi đi theo,” anh nói.

6. Tài sản riêng là quan trọng

Theo Smith, khi mở rộng quy mô công ty, điều quan trọng là bạn phải sở hữu nó càng nhiều càng tốt. Nếu anh huy động vốn quá sớm thì có thể Qualtrics sẽ không tồn tại nổi. Thành lập từ năm 2002, Qualtrics đã tồn tại, thậm chí vật lộn được qua những giai đoạn ngặt nghèo của những năm 2008 – 2009. Nhưng họ không có được hồ sơ thành tích ấn tượng mà các quỹ đầu tư mạo hiểm tìm kiếm.

“Nếu chúng tôi từ bỏ 57% công ty mình từ năm 2004, hẳn chúng tôi sẽ không đến được ngày hôm nay vì nó chẳng có gì nổi bật cả. Chúng tôi chỉ nổi lên từ những năm 2010-2011,” Smith chia sẻ.

Anh bổ sung thêm: “Nếu các bạn gọi được nhiều vốn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có người khác viết nên câu chuyện về bạn. Còn tôi, tôi muốn tự mình viết nó.”

Trang Bùi dịch từ inc.com

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)