Tại sao vaccine cần một chuỗi vận chuyển nhiệt độ cực thấp?
Vaccine mới đây của hãng Biotech của Đức cùng với hãng Pfizer của Hoa Kỳ phát triển cần được vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ âm 80 độ C. Nhưng chỉ có khoảng 28% các doanh nghiệp hậu cần đã được chuẩn bị tốt để có thể vận chuyển loại vaccine này.
Sẽ không làm gì được nếu không có đá khô, nghĩa là carbondioxid nhưng ở dạng rắn. Trong điều kiện áp suất bình thường nhiệt độ của đá khô không nóng quá -78,6 độ C. Đây là nhiệt độ cần có khi vận chuyển vaccine Covid-19.
Phát triển vaccine đang có những tiến bộ to lớn. Hãng Biotech của Đức cùng với hãng Pfizer của Hoa Kỳ đã phát triển thành công một loại vaccine chống virus Covid-19 đạt hiệu quả trên 90%, một thông tin gây xôn xao dư luận thế giới. Tuy nhiên bên cạnh tin tốt lành này lại có một tin xấu: Loại vaccine của Biontech dựa trên nền tảng công nghệ mRNA mới. Cho đến nay hầu như không có dữ liệu về sự ổn định hóa học của các loại vaccine này. Để tránh rủi ro, loại hoạt chất này phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 80oC khi vận chuyển.
Trong lĩnh vực hậu cần, yêu cầu về nhiệt độ kiểu này có tên là “Ultra Deep Freeze” (nhiệt độ cực thấp) Ông Nathan Zielke, nhà tư vấn chuyên tổ chức các chuỗi cung ứng phục vụ các doanh nghiệp thiết bị y tế, là người biết rất rõ vận chuyển ở nhiệt độ này phức tạp như thế nào. Ông nói “đây là một yêu cầu khắt khe nhất mà cơ quan hậu cần phải đối mặt“. Kết quả một điều tra gần đây của Tổ chức Vận tải hàng không TIACA cho thấy, chỉ có khoảng 28% các doanh nghiệp hậu cần đã được chuẩn bị tốt để thực hiện vận chuyển loại vaccine này.
Có thể nói vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ cực thấp là rất hãn hữu. Ngay cả các doanh nghiệp chuyên sâu như DHL, Kühne+Nagel và Lufthansa Cargo và một vài cơ sở khác có thể lưu giữ sản phẩm y tế ở nhiệt độ âm 20oC. Để đạt được nhiệt độ thấp hơn các cơ quan hậu cần thường phải dùng đá khô. Để vận chuyển đường dài người ta thường dùng thùng lạnh, trong thùng chứa đá khô hoặc có hệ thống làm lạnh riêng. Lý tưởng nhất là có phương tiện đo nhiệt điện tử để giám sát tình trạng giữ nhiệt khi vận chuyển.
Các loại thùng lạnh này thường khá đắt đỏ. “Giá một cái thùng loại này tương đương giá một chiếc ô tô con”, theo Joachim von Winning thuộc “Air Cargo Community“. Thông thường hãng vận tải thuê thùng lạnh trực tiếp từ nhà sản xuất như của hãng Envirotainer, Thụy Điển hay hãng Dokasch của Đức.
Một điều chưa rõ ràng là hiện tại thế giới có bao nhiêu thùng lạnh. Theo một điều tra của hãng DHL thì để vận chuyển 10 tỷ liều vaccine thì cần phải có 15 triệu thùng lạnh. Ngay cả khi mỗi thùng lạnh được sử dụng quay vòng tới 5 lần thì nhu cầu với thùng lạnh vẫn là 3 triệu thùng. “Cao hơn nhiều so với số lượng hiện có“, theo một chuyên gia logistic.
Kể cả việc vận chuyển bằng thùng lạnh cũng có nhiều thách thức. Nói chung các sản phẩm y tế, dược phẩm thường được vận chuyển bằng đường hàng không, phương tiện này nhanh và có độ tin cậy cao nhưng đắt đỏ. Trong điều kiện đại dịch hiện nay, nhiều máy bay vận chuyển hành khách không hoạt động, do đó việc vận chuyển kèm dưới bụng máy bay khó áp dụng, vì thế phải thuê cả chuyến máy bay để vận chuyển, chi phí càng lớn hơn.
Vận chuyển vaccine đòi hỏi nhiều không gian hơn, để giữ nhiệt, các thùng lạnh thường có vỏ rất dày, do đó một thùng lạnh không chứa được nhiều vaccine. Vả lại vận chuyển thùng lạnh phải đáp ứng được yêu cầu cao vì độ an toàn, đá khô là khí độc hại CO2.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và phân phối được cho người dân trên thế giới với vacxin cần tới khoảng 15.000 chuyến bay theo ước tính của DHL. Tuy nhiên Cơ quan hàng không IATA dự tính chỉ cần khoảng 8000 chuyến bay. Dù bao nhiêu đi nữa thì năng lực vận chuyển bằng đường hàng không khá hạn chế. Chỉ có một số công ty vận chuyển nhanh như FedeEx, UPS hay DHL và một vài hãng hàng không là có máy bay vận tải hàng hóa riêng.
Hiện tại sân bay Frankfurt đang nỗ lực chuẩn bị cho chiến dịch vận chuyển vacxin. Sân bay này là sân bay lớn nhất châu Âu về vận chuyển hàng hóa có nhu cầu bảo ôn. Sân bay này có 13.500 m2 có thể điều chỉnh nhiệt độ, riêng Lufthansa sử dụng 8800m2. Từ kho lưu trữ lạnh tại đây, vaccine sản xuất ở châu Âu sẽ được vận chuyển đi khắp thế giới. “Từ đây thuốc sẽ được xuất khẩu thí dụ tới châu Phi. Vaccine sản xuất ở Ấn Độ hay Trung Quốc có thể được đưa đến Frankfurt, bốc dỡ tại đây để chuyển tiếp đi các nơi khác“. Theo kế hoạch, cùng một lúc có thể bốc dỡ hàng ở năm máy bay ngay tại sân bay này..
Một thách thức nữa là kho chứa vaccine tại các Trung tâm tiêm chủng. Theo DHL hiện tại chỉ có 25 nước có hạ tầng cơ sở để tiếp nhận các thùng lạnh chứa vaccine và bảo quản chúng ở nhiệt độ âm 80 độ C. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng một phần ba dân số có điều kiện tiếp cận với vaccine. Hiện tại vẫn có nhiều người hy vọng trong những tháng tới sẽ có thêm những kết quả nghiên cứu mới về độ ổn định của vaccine và quy định nghiêm ngặt về độ lạnh sẽ được nới lỏng. “Sẽ phù hợp với điều kiện thực tế nếu ở chặng giao hàng cuối cùng yêu cầu về nhiệt độ khi vận chuyển từ 2 đến 8oC”.
Giới am hiểu cho rằng những vấn đề khó khăn này là có thể giải quyết được. “Không phải mãi tới hôm qua, mà ngay từ khi vừa bùng nổ đại dịch ngành vận tải, hậu cần đã có các cuộc trao đổi với các doanh nghiệp dược phẩm”, ông Frank Appel, chủ tịch Hội đồng quản trị DHL Đức. Mọi sự đã được chuẩn bị chu đáo, “tuy nhiên sẽ phải mua sắm thêm mấy cái tủ lạnh“. Các đối thủ cạnh tranh như UPS và Kühne+Nagel đã bắt đầu làm rồi. Cả Lufthansa cũng đã vào cuộc. “Cuộc khủng hoảng này thật đáng buồn và tiêm chủng là cần thiết“, mới đây ông Carsten Spohr, nhà lãnh đạo của Lufthansa đã nói, “đây sẽ là một vụ làm ăn lớn“.
Xuân Hoài dịch