Tại sao “xài không hết” tiền NGO?

Có một hiện tượng nghịch lý đang diễn ra hằng ngày tại Việt Nam, là: trong khi chính quyền Trung ương đang phải vất vả tìm kiếm các nguồn tiền nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án về sinh kế trong nước, thì nhiều cơ quan địa phương - đối tác của các dự án phi Chính phủ (NGO) - lại phải tìm “cách xài cho hết” tiền dự án, nhưng thường lại “xài không hết”!? Cuối cùng, tiền phải trả lại cho các nhà tài trợ. Không rõ các nhà khoa học gọi hiện tượng này là gì, nhưng chúng tôi cho rằng đó là hiện tượng “lãng phí” do nhân lực yếu

Trong hoạt động sinh kế, không thể không nhắc đến vai trò của các NGO (dĩ nhiên ở đây chỉ bàn đến các “NGO thiện chí”). Từ năm 1996 đến nay, các NGO liên tục chứng minh được vai trò của mình trong việc hỗ trợ Chính phủ xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại dịch H5N1 bùng phát, ngay lập tức nhiều NGO vào cuộc sau vài lời kêu gọi của Ủy ban công tác phi Chính phủ nước ngoài và Bộ NN&PTNT; cơn bão số 2 đổ bộ vào Miền Trung, các NGO cũng hăng hái cứu trợ khẩn cấp sau vài lời ngỏ ý của chính quyền…Ngoài các hoạt động phụ nêu trên, các NGO (với vai trò là những người khách thiện chí) thường hoạt động chính yếu bằng các dự án phát triển cộng đồng, thông qua các đối tác địa phương (chủ nhà). Vậy mà, việc đào tạo nhân lực cho NGO chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nghịch lý trên.

Thông thường, trong quá trình thực hiện dự án, các NGO chỉ giữ vai trò giám sát và phê duyệt kế hoạch tài chính cho các hoạt động của dự án. Hầu hết các hoạt động này đều do “chủ nhà” tham gia lập kế hoạch và thực hiện dựa trên tài liệu dự án (như project implementation, matrix…).Vì thế, tốc độ giải ngân của một dự án tỷ lệ thuận với khả năng thiết lập chương trình hành động (phương án thực hiện) của “chủ nhà”. “Chủ nhà”, về phần mình, lại thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động NGO, nên không có đủ phương án tốt để giải phóng nguồn vốn.

Một dự án NGO thường phức tạp, bao gồm hàng loạt vấn đề phải thực hiện cùng lúc (môi trường, nước sạch, năng lượng, y tế, giáo dục, tín dụng – tiết kiệm, giới…), đòi hỏi phải có nguồn nhân lực giỏi (giỏi cả ngoại ngữ) thì mới đáp ứng nhu cầu công việc và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Nhưng chúng ta dễ thấy rằng, lao động Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cộng đồng hiện nay còn quá yếu, buộc các NGO phải bỏ ra các khoản chi phí khá cao để thuê các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hỗ trợ cho các dự án. Điều này lý giải một phần là tại sao chi phí hành chính của các dự án này đạt đến con số trên 50% (có tài liệu còn ghi là 70%!). Tuy chỉ còn lại vỏn vẹn 50% (hoặc 30%) số tiền viện trợ nhưng các dự án vẫn không giải ngân hết. Bà Carol Sherman (nguyên giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam), trong một cuộc họp với Bộ NN&PTNT đã nói: “Cần phải đảm bảo rằng các tổ chức này (đối tác Việt Nam) được trang bị đầy đủ và có thể tiếp cận với nguồn nhân lực cần có để thực thi nhiệm vụ…”

Hiện tại chỉ có vài trường đại học trong nước có đào tạo về ngành “phát triển cộng đồng” với tỷ lệ tuyển sinh rất khiêm tốn. Trong khi đó, từ lâu ngành này đáng lẽ phải được ưu tiên đào tạo để phục vụ trong một nước mà cho đến nay vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo 14,87% (năm 2008). Thực ra, Việt Nam cũng đã “thành lập” các ngành về phát triển cộng đồng từ 1945 (Theo Tuổi trẻ CN, 1/2/2004), nhưng “thành lập” rồi cứ để đó, không quan tâm thực hiện thì chẳng khác gì một “quy hoạch treo”.

Lần theo dấu vết của khung pháp lý hiện hành về NGO, chúng tôi cảm thấy nó bị hỏng một lỗ lớn về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho NGO. Trong “Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006-2010” (Ban hành kèm theo Quyết định số 286/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng) có dành một mục nho nhỏ nói về “Tăng cường nguồn nhân lực trong công tác phi Chính phủ nước ngoài” (mục 4), nhưng không nói rõ giao cho ai thực hiện, theo lộ trình nào và đào tạo từ nguồn nào để đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Các Quyết định 340/TTg (1996), 59/2001/QĐ-TTg, 64/2001/QĐ-TTg…, cũng thế.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực này chính là quan niệm xem trọng FDI (vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào hoạt động kinh doanh) hơn NGO. Đây đó vẫn cho rằng các nguồn vốn NGO “không đáng kể” và thủ tục quyết toán “rườm rà” nên người ta không chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực cho NGO. Quan niệm như thế chẳng khác gì bỏ bê người nghèo, người thiệt thòi, lạc hậu vì đa phần nguồn vốn NGO là để phục vụ những người này. Hơn nữa, tuy giá trị viện trợ và được giải ngân của NGO “không đáng kể” (năm 2007 là 250 triệu USD – theo Báo điện tử ĐCSVN), nhưng bên cạnh giá trị tiền tệ của mình, các dự án của NGO còn chứa đựng nhiều phương pháp tiếp cận có giá trị phát triển bền vững khác – một giá trị vô hình. Các NGO thiện chí thường hoạt động bằng cái tâm thật sự về môi trường, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai… và hoạt động của họ rất “xanh”, sạch, đậm tính nhân văn và hoàn toàn phi lợi nhuận. Còn FDI có đảm bảo được những giá trị này không? Hãy nhìn vào các vụ gây ô nhiễm môi trường của Vedan, Miwon, Giấy Việt Trì… vừa qua mà sớm gạt bỏ quan niệm xem FDI quan trọng hơn NGO và gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cho NGO!

Đào tạo như thế nào?

Cần phải kết hợp đồng bộ ba giải pháp để sớm có nguồn nhân lực cho NGO: hoàn thiện khung pháp lý, liên kết đào tạo và luân chuyển cán bộ. Trước hết, pháp luật cần phải có những điều khoản cụ thể nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho công tác NGO tại Việt Nam, từ đó các trường đại học có thể mở rộng tuyển sinh các ngành như y tế công cộng, phát triển cộng đồng, công tác xã hội…Trong quá trình đào tạo, các trường nên thỉnh giảng các chuyên gia nước ngoài đang làm việc cho NGO và “nhờ” họ hỗ trợ chuyên môn cho các giảng viên. Mặt khác, cần phải tăng cường việc liên kết đào tạo với các nước có kinh nghiệm về lĩnh vực này như Hà Lan, Philippines, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Ấn Độ… Về phía “chủ nhà”, với vai trò là đối tác địa phương, cũng cần phải có cán bộ chuyên trách có đủ năng lực để kết hợp với “khách” trong việc thực hiện, giám sát, đánh giá và quản lý dự án. Cách tốt nhất để sớm có được những cán bộ như thế là luân chuyển (tạm thời) một hoặc một số cán bộ phù hợp sang làm việc toàn thời gian cho các dự án NGO để học tập trực tiếp trên công việc.

Vậy, trách nhiệm đào tạo nhân lực cho “khách” (NGO) trước hết thuộc về “chủ nhà”, chính xác là Nhà nước. Đào tạo được nguồn nhân lực này thì chúng ta mới khai thác hết nguồn vốn NGO, mới giải quyết được nghịch lý: vừa phải “chạy đôn chạy đáo” đi kiếm tiền cho người nghèo vừa phải trả lại tiền cho các nhà tài trợ! Đó là sự lãng phí không đáng có. Cuối cùng, thiệt thòi vẫn là người nghèo.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)