Tái tạo màu sắc đã mất: Một cách lý giải mới về các tác phẩm nghệ thuật cổ đại
Hai nhà khảo cổ học người Đức đã tạo ra các bản sao đầy màu sắc của những hiện vật cổ đại. Những tác phẩm này sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm “Chroma: Ancient Sculpture in Color” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan
Tác phẩm “Phrasikleia” phiên bản có màu, được mạ vàng và đính thêm những viên đá quý. Ảnh: Vincent Tullo / The New York Times
Roko Rumora, một nhà sử học trẻ tuổi, có thể nhắm mắt đi qua các căn phòng trưng bày các tác phẩm Hy Lạp và La Mã trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan mà không va phải bức tượng nào hay khiến những chiếc bình Athen đổ nhào.
Rumora đã thuộc nằm lòng con đường xuyên qua những đại sảnh cổ kính nổi tiếng này từ cách đây một thập kỷ – khi anh còn là một thực tập sinh của trường đại học. Nhưng giờ đây khi anh trở lại Bảo tàng, xung quanh mỗi góc phòng đều có những tác phẩm lạ lẫm – những người phụ nữ bằng đá cẩm thạch với lớp sơn đậm, những người đàn ông bằng đồng, những tấm bia và một tượng nhân sư đang mỉm cười – mọi thứ đều quá đỗi sặc sỡ so với những kiệt tác bằng đá cẩm thạch vĩ đại nguyên bản đã gây ấn tượng với công chúng trong hơn một thế kỷ qua.
Rumora dừng lại dưới chân bước tượng một thiếu nữ có tên “Phrasikleia” – với đôi mắt to, cô đội vương miện hình búp sen và mặc một chiếc váy màu nâu vàng thêu hoa. Cô là một trong số 17 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Chroma: Ancient Sculpture in Color”. Triển lãm sẽ mang đến 17 tác phẩm nghệ thuật tái tạo, nhằm khơi gợi cách người Hy Lạp và La Mã sơn các tác phẩm điêu khắc của mình, một thực hành được gọi là “đa sắc” (polychromy – thực hành trang trí các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, v.v., bằng nhiều màu sắc).
Rumora, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Chicago, nhận thấy sự hiện diện của những bản sao đầy màu sắc này bên cạnh các hiện vật gốc – nhiều hiện vật vẫn còn dấu vết sơn – trông thật chói mắt. “Việc chúng có lấp đầy được khoảng trống hay không phụ thuộc vào việc ngay từ đầu bạn có thấy những bức tượng gốc này thiếu sót màu sắc hay không”, anh nói.
Đối với những giám tuyển phụ trách triển lãm Chroma, những bình luận như vậy không khiến họ băn khoăn, mà thậm chí còn có phần thêm tự tin hơn. Triển lãm, mà bảo tàng gọi là “đột phá”, hướng đến các tác phẩm điêu khắc cổ đại – từ năm 2700 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ ba sau Công nguyên. Vinzenz Brinkmann, 63 tuổi, và vợ ông, Ulrike Koch-Brinkmann, 58 tuổi – hai nhà khảo cổ học người Đức, những người đã cống hiến cuộc đời vào sự nghiệp phục dựng lại màu sắc cổ vật thông qua nghiên cứu khoa học – đã tiên phong kêu gọi tổ chức triển lãm này. Dự án của họ bắt nguồn từ những nỗ lực học thuật gần đây nhằm xóa bỏ sự hiểu lầm phổ biến rằng tác phẩm điêu khắc cổ điển thường được làm bằng đá cẩm thạch trắng không sơn màu.
“Công trình tái tạo các tác phẩm nghệ thuật của nhà Brinkmann thật thú vị bởi họ đã tiên phong thay đổi những quan niệm thông thường”, Seán Hemingway, giám tuyển tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp và La Mã của Bảo tàng Met, người đã tổ chức “Chroma” cùng với trợ lý giám tuyển Sarah Lepinski, nhận xét.
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Chroma”. Ảnh: Vincent Tullo / The New York Time
Tuy nhiên, một số nhà sử học lo ngại rằng Bảo tàng Met đã phóng đại quá đà các tác phẩm tái tạo của vợ chồng Brinkmann, đưa chúng lên thành biểu tượng của thực hành nghệ thuật đa sắc thời cổ đại, trong khi nghiên cứu của cặp đôi chỉ là một trong số hàng chục giả thuyết đang được tranh luận. Những tranh cãi về triển lãm không chỉ bàn đến chất màu và phương pháp khoa học, mà một số học giả còn xem việc tái thiết tác phẩm đã mở ra một câu hỏi lớn: ai có thể định nghĩa quá khứ?
“Tất cả tác phẩm tái dựng đều bất định và không chắc chắn”, Sarah E. Bond, nhà sử học tại Đại học Iowa, người đã viết nhiều bài báo để tranh luận về thực hành đa sắc, cho hay. “Tại sao không để tất cả mọi người tự lựa chọn cách tái thiết của riêng mình? Điều đó sẽ giúp họ nhận ra rằng sự không chắc chắn là một phần tất yếu của phương pháp nghiên cứu lịch sử.”
Không chắc chắn là một cụm từ đáng sợ trong học thuật. Một số học giả lo ngại rằng việc thừa nhận những hạn chế trong công trình nghiên cứu của họ có thể khiến công chúng e ngại và làm tổn hại đến danh tiếng của các tổ chức nơi họ làm việc. Nhưng rõ ràng đối với các chuyên gia đa sắc, những người chỉ đưa ra phỏng đoán từ một vài dấu hiệu còn sót lại trong các đồ tạo tác sơn màu, không có cái gọi là chắc chắn tuyệt đối. Cần phải có sự diễn giải, suy đoán của con người nếu muốn lấp đầy những lỗ hổng kiến thức và dựng lại các bản sao mô phỏng.
Vinzenz Brinkmann là người đầu tiên thừa nhận rằng các tác phẩm tái dựng luôn cần được phản biện liên tục, như ông và vợ đã từng làm. Vào khoảng năm 2010, họ đã sơn lên bản tái tạo của tác phẩm “Phrasikleia” có niên đại từ thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên; năm 2019, họ đã làm lại một tác phẩm khác, thêm phần mạ vàng và những viên đá quý – tác phẩm này hiện đang được trưng bày tại triển lãm của Bảo tàng Met.
“Chúng tôi đưa ra các đề xuất, và chúng tôi yêu cầu khán giả hiểu được những ẩn ý đằng sau đó”, Brinkmann nhận xét và tiết lộ rằng hơn 100 nhà nghiên cứu đã tham gia vào tất cả các dự án của cặp đôi trong nhiều thập kỷ. “Mọi thứ đều là kết quả của một quá trình nghiên cứu.”
Vợ chồng nhà Brinkman bắt đầu tham gia tái tạo tác phẩm từ năm 1980, khi ấy họ đang là sinh viên tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich, Đức, một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu của châu Âu. Lúc bấy giờ, các nhà nghiên cứu thường xác định dấu vết của sắc tố bằng cách nghiên cứu “bóng” hoặc các thay đổi cực nhỏ trên bề mặt của cho thấy có vết sơn màu. Trong những năm gần đây, tiến bộ công nghệ đã giúp quá trình nghiên cứu của họ trở nên chính xác hơn; vợ chồng Brinkmann cho biết họ thu thập tới 500 phép đo từ một tác phẩm điêu khắc duy nhất bằng cách sử dụng các công cụ như phân tích quang phổ huỳnh quang tia X di động (portable X-ray fluorescence) và máy quang phổ hấp thụ phân tử ngoại khả kiến UV-VIS (ultraviolet-visible spectroscopy).
Các bản sao do vợ chồng Brinkmann tạo ra đã trở nên nổi tiếng, thậm chí lu mờ những đồ tạo tác nguyên gốc. Các tác phẩm của họ được dùng để minh hoạ cho các bài trên Wikipedia và trong các trò chơi điện tử kinh phí lớn như Assassin’s Creed Odyssey, lấy bối cảnh Hy Lạp cổ đại – như thể đó mới chính là nguyên bản. Nhiều người suy đoán rằng sự nổi tiếng này bắt nguồn từ triển lãm “Gods in Color” được cặp đôi tổ chức tại các địa điểm như Bảo tàng Vatican, Bảo tàng Nghệ thuật Harvard và Bảo tàng Ashmolean ở Oxford, Anh từ năm 2003.
Lật đổ quan niệm thông thường
Vào năm 1764, Johann Joachim Winckelmann, được cho là nhà sử học nghệ thuật có ảnh hưởng nhất kể từ thời Phục hưng, đã đề xuất khái niệm về sắc trắng trong các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch cổ đại. Như nhà sử học Nell Irvin Painter đã viết trong cuốn sách năm 2010 của bà, Lịch sử người da trắng, một cách phân tích mới đã thống trị diễn ngôn: “Màu sắc trong điêu khắc đồng nghĩa với sự man rợ, và họ cho rằng người Hy Lạp cổ đại cao quý quá đỗi tinh tế, họ sẽ không tô màu lên tác phẩm nghệ thuật.”
Bảo tàng Met đặc biệt chú trọng nghiên cứu về đa sắc thời cổ đại dưới thời vị giám đốc thứ ba của nó, Edward Robinson (1858 – 2931). Ông là người đã chứng kiến các nhà khảo cổ học khai quật các tác phẩm điêu khắc từ Thành cổ Athen mang dấu vết sơn, từ đó ông đã viết một bài báo có sức ảnh hưởng về chủ đề này vào năm 1892. Bảo tàng cũng bắt đầu thu được nhiều hiện vật có dấu vết của màu sắc hơn.
Một trong những hiện vật mà họ mua được là tượng nhân sư bằng đá cẩm thạch cổ đại. Về sau vợ chồng Brinkmann đã tái tạo và sơn màu lên, trưng bày trong cuộc triển lãm bằng công nghệ in 3D – kết quả từ tiến trình hợp tác với bốn phòng ban tại Met, bao gồm phòng nghiên cứu khoa học và phòng bảo tồn vật thể.
Tượng nhân sư được làm lại có lông vũ mạ vàng trên đôi cánh màu xanh và đỏ; một chiếc vòng cổ bằng vàng được đeo trên cổ của nó. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng trong nghiên cứu; tuy nhiên, đối với chiếc vương miện, vợ chồng Brinkmann cần phải đưa ra suy đoán – bởi các nhà khảo cổ học không tìm thấy phần đỉnh của nó. Cặp đôi quyết định thử dùng một sợi dây vàng cuộn sang một bên – dựa trên các hoạ tiết trang trí trên đồ gốm Hy Lạp.
Tượng nhân sư nguyên bản (bên trái) và bản tái tạo được làm từ vật liệu in 3D polymethyl methacrylate. Ảnh: Vincent Tullo / The New York Times
Theo Mark Abbe, một nhà sử học nghệ thuật tại Đại học Georgia, việc mang màu sắc cổ xưa trở lại trước công chúng, sẽ giúp đập tan định kiến phổ biến rằng tượng xưa đều chỉ có độc một màu trắng, từ đó nâng cao nhận thức về tình trạng phân biệt chủng tộc. Bên cạnh đó, các cuốn sách chuyên ngành sẽ chú trọng in màu ảnh hơn, thay vì chỉ có màu đen và trắng.
Những thành công bước đầu này in đậm dấu ấn của Max Hollein – một trong những người đầu tiên ủng hộ nỗ lực của nhà Brinkmann.
Năm 2007, Max Hollein, khi đó đang phụ trách bảo tàng điêu khắc Liebieghaus ở Frankfurt, đã tuyển Vinzenz Brinkmann vào phụ trách bộ phận cổ vật và châu Á của bảo tàng. Một năm sau đó, các tác phẩm tái tạo bắt đầu ra đời. Vào năm 2017, Hollein đã tạo điều kiện để Brinkmann tổ chức cuộc triển lãm “Gods in Color” tại bảo tàng Legion of Honor ở San Francisco, và vào năm 2019, không lâu sau khi Hollein trở thành giám đốc của Bảo tàng Met, ông đã hỗ trợ đưa các tác phẩm tái tạo đến New York.
Trò chuyện qua điện thoại, Hollein ca ngợi bản lĩnh chấp nhận rủi ro của vợ chồng Brinkmann, ông gọi họ là những người tiên phong – liên tục sửa đổi tác phẩm của mình theo những thông tin khảo cổ mới cập nhật. “Bản đầu tiên, bản thứ hai của những tác phẩm tái tạo này không được tinh tế như hiện tại bạn đang thấy đâu,” ông khẳng định và nói thêm rằng đối với khoảng 80% du khách, việc người Hy Lạp đã tô màu lên các bức tượng của họ sẽ là “một bước ngoặt thú vị và tôi nghĩ rằng điều đó có giá trị giáo dục lớn. “
Ngay cả với các nhà học thuật khó tính hay xét nét, các tác phẩm của Brinkmann vẫn nhận được sự tôn trọng. Tuy nhiên, trong số 10 học giả được phỏng vấn cho bài báo này, hơn một nửa nhận xét rằng vợ chồng Brinkmann đã hơi quá trớn trong thực hành nghệ thuật, họ chọn những tông màu quá sáng khiến các tác phẩm tái tạo trông lòe loẹt. Thậm chí, một người chỉ trích rằng cặp đôi này đã bỏ qua các yếu tố về ánh sáng và sự phai màu mà các nghệ sĩ thời đại có thể đã dự liệu từ trước trong tác phẩm của họ.
“Cần tính đến ánh nắng mặt trời gay gắt tại Hy Lạp,” Gaifman nói “Hãy so sánh màu xanh của các mái vòm tại Santorini và màu xanh trên những mái nhà ở New England. Chúng khác nhau vì ánh sáng tự nhiên tại mỗi nơi đều có những điểm khác biệt”.
Tác phẩm tái tạo được đặt bên cạnh tác phẩm nguyên gốc để người xem có thể dễ dàng hình dung. Vincent Tullo / The New York Times
Tương tự, triển lãm nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. Nhà phê bình Philip Kennicott của tờ Washington Post đã viết rằng các công trình tái tạo “thiếu những đặc trưng cho thấy đây là các tác phẩm thuộc về thời cổ xưa,” chúng “đáng lo ngại – theo mọi cách. Triển lãm yêu cầu người xem phải thay đổi cách mà họ cảm nhận về thế giới cổ đại”.
Các nhà sử học và chuyên gia về cổ vật chỉ ra rằng vợ chồng Brinkman đã sử dụng thạch cao và nhựa kết tinh thay vì dùng đá cẩm thạch như nguyên gốc. Đá cẩm thạch thường phát sáng từ phía sau bề mặt sơn, còn các vật liệu khác có xu hướng hấp thụ sắc tố. Cặp đôi cho biết các nguyên liệu thay thế giúp tiết kiệm chi phí và mang lại nhiều tác động hơn đến người xem.
Vì sao lại như vậy? Vinzenz Brinkmann lý giải rằng ông đã tiến hành một thử nghiệm vào năm 2008, trong đó ông đã cho một số nhà phê bình – những người mà ông nhận định là có gu thẩm mỹ – xem hai tác phẩm tái tạo lại tấm bia Paramythion (380 TCN – 370 TCN): một được làm từ đá cẩm thạch chất lượng cao, tấm còn lại làm bằng đá cẩm thạch tổng hợp. Khi được yêu cầu chọn bản tái tạo tốt nhất, “tất cả đều chọn đá cẩm thạch tổng hợp,” ông nói.”Mọi người đều nhận xét bia đá cẩm thạch trông như tấm xốp”.
Bất chấp các tranh cãi, triển lãm vẫn đang được đón nhận nồng nhiệt. Theo một cách nào đó, chúng ta không thể lý giải được lịch sử. Như Hollein, giám đốc của Bảo tàng Met, đã nhận xét, “đó là một quá trình lặp đi lặp lại để ngày càng tiệm cận sự thật. Bạn sẽ không bao giờ đạt được thứ gọi là sự thật tuyệt đối.”
Đinh Cửu tổng hợp
Nguồn: That Painted Greek Maiden at the Met: Just Whose Vision Is She?
Chroma: Ancient Sculpture in Color