Talos trong thần thoại Hy Lạp – một ví dụ sớm của AI?
Talos, người lính gác của thần thoại Hy Lạp được miêu tả có suy nghĩ như người và có một vài tính cách của người.

“Tôi đề nghị nên xem xét câu hỏi này ‘Máy móc có thể suy nghĩ không?’”.
Đây là câu hỏi mà Alan Turing nêu ra trong một tiểu luận viết năm 1950 “Máy tính và trí tuệ”. Trong bài viết này, nhà toán học người Anh đã nêu một phương pháp mà giờ được gọi là “Kiểm tra Turing” để xác định liệu một máy tính có năng lực suy nghĩ như một con người không.
Turing, người được coi là cha đẻ của trí tuệ nhân tạo (AI), không phải là người đầu tiên nghĩ đến một cỗ máy có thể đạt được trí tuệ giống người. Frankenstein, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mà nhà văn Mary Shelley viết năm 1818 là sự vật lộn với những phân mảnh đạo đức của sự sống nhân tạo còn vở kịch của nhà văn Séc Karel Čapek, R.U.R, ra mắt sân khấu thế giới vào năm 1921, tạo ra thuật ngữ “robot” để miêu tả những sinh vật hình người đã đánh úp chiếm lĩnh thế giới.
Nhưng thần thoại Hy Lạp đánh bại tất cả những nỗ lực này bằng việc đưa ra khái niệm ‘người máy’ hơn 2.000 năm trước. Adrienne Mayor, nhà sử học về khoa học cổ đại và nhà nghiên cứu văn học dân gian cổ đại tại trường Đại học Stanford, lập luận trong cuốn sách xuất bản năm 2018 của bà, Gods and Robots: Myths, Machines and Ancient Dreams of Technology (Các vị thần và các robot: Thần thoạt, máy và những giấc mơ cổ đại của công nghệ), “Từ rất rất lâu trước khi có các cỗ máy đồng hồ kỳ quặc thời Trung cổ và [các máy móc tự động] của châu Âu hiện đại thời kỳ đầu… các ý tưởng về việc tạo ra sự sống nhân tạo – và những nỗi e sợ về việc sao chép tự nhiên – đã có trong thần thoại Hy Lạp”.
Một trong số nhiều câu chuyện cổ đại tập trung vào Talos, một lính gác khổng lồ bằng đồng do thần thợ rèn Hephaestus, con trai thần Zeus, tạo ra. Người đồng này chỉ có một tĩnh mạch trong cơ thể, chạy từ đầu đến mắt cá chân, và bị đóng lại ở đỉnh đầu bằng một cái nêm. Thần Zeus đã trao Talos cho người tình Europa, sau khi đưa nàng đến đảo Crete nằm ngoài khởi Hy Lạp. Gã khổng lồ được giao nhiệm vụ tuần tra hòn đảo và đi vòng quanh nó ba lần một ngày, xua đuổi bọn cướp biển cũng như những vị khách không mời bằng những loạt đá.
Talos đã được miêu tả trong thần thoại như một cỗ máy được lập trình để hành động như con người, dẫu chưa bao giờ có năng lực tiến tới việc có được sự sống như con người – thứ mà ngày nay có thể gọi là robot.
Sử thi Argonautica do tác giả Hy Lạp cổ đại Apollonius Rhodius sáng tác trong thế kỷ 3 trước Công nguyên, kể về Jason thực hiện nhiệm vụ giành bộ lông cừu vàng, trong đó có cuộc chạm trán Talos. Sau khi giành được bộ lông cừu vàng huyền thoại, những người anh hùng đã bước xuống bờ biển Crete nhưng bị Talos ngăn lại. Người yêu của Jason, nàng phù thủy Medea, bắt đầu hát, cầu khẩn “những linh hồn chết, những kẻ ăn tươi nuốt sống sự sống, những con chó săn nhanh nhẹn phi phàm của thần chết Hades”, theo một bản dịch Argonautica thế kỷ 20. Sau đó nàng nhìn thẳng Talos bằng “cái nhìn đầy mê hoặc” của mình, làm cho anh ta mê mẩn đờ dại quên trời đất. Nhờ vậy, nàng có thể lấy được cái đinh ra khỏi tĩnh mạch của Talos và khiến người đồng chảy máu đến chết.
“Talos cố trụ trên đôi chân không mệt mỏi của mình một lúc, đảo đồng đảo địa, và cuối cùng, yếu ớt không còn sinh lực nào, gục xuống thịch một cái nặng nề”, bản dịch miêu tả cái chết của người đồng. Nói cách khác, tương tác giữa Talos và Medea giống như một giai thoại tiêu biểu về một anh hùng cổ đại và một nữ anh hùng cổ đại đối diện với những thử thách, những chướng ngại mà thần thánh tạo ra rồi cuối cùng vượt qua kẻ đối đầu của mình.

Các thực thể được thánh thần ban tặng sự sống kỳ diệu không phải là chuyện hiếm trong thần thoại Hy Lạp. Chúng ta có thể nhớ đến nàng Galatea, một tác phẩm nghệ thuật do nhà điêu khắc Pygmalion tạo ra và được nữ thần sắc đẹp Aphrodite thổi vào sự sống.
Không như Galatea, con người trở nên hiện thực hóa một cách siêu nhiên”, Talos không được tạo ra bằng “những câu thần chú hoặc ý chí thần thánh”, Mayor viết. Người đồng do thần thợ rèn Hephaestus làm ra, hay nói cách khác “được chế tạo chứ không phải được sinh ra từ bùa phép” trong một quá trình mà những người Hy Lạp cổ đại “có thể gọi là biotechne (kỹ thuật sinh học), trong đó bios là ‘sự sống’ và techne, ‘được chế tác thông qua nghệ thuật hoặc khoa học’”.
Talos đã được miêu tả trong thần thoại như một cỗ máy được lập trình để hành động như con người, dẫu chưa bao giờ có năng lực tiến tới việc có được sự sống như con người – thứ mà ngày nay có thể gọi là robot.
“Thông qua các nhân vật thần thoại như Talos, những người cổ địa có thể định liệu trước việc liệu có một thực thể ‘ được tạo ra chứ không phải được sinh ra’ đơn giản là một cỗ máy không trí não hay một cỗ máy tự động hóa hoặc một trí thông minh tự động không tri giác” (Adrienne Mayor, trường Đại học Stanford).
“Có nhiều định nghĩa về robot nhưng một định nghĩa được chấp nhận phổ biến là một robot có thể tự di chuyển, tương tác với môi trường xung quanh, và có thể có một số dạng hoạt động bên trong cũng như nguồn điện”, Mayor nói. “Talos có tất cả những điều đó”.
Sử thi Argonautica miêu tả hệ thống tính toán bên trong của Talos một cách sâu sắc, phác thảo một số cách cần thiết thể tạo dựng một cỗ máy dạng này. “Giờ đây toàn bộ cơ thể và tứ chi của chàng đã được làm bằng đồng và bất khả xâm phạm”, bản dịch nêu, “nhưng bên dưới gần mắt cá nhân của chàng có một mạch máu, và nó, cùng với những vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết của nó, được bao phủ bằng một lớp da mỏng”.
“Mạch máu này”, có lẽ được hình dung rõ hơn là một ống chuyên chở ichor, thứ chất lỏng thanh khiết và trong suốt là máu của các vị thần của thần thoại Hy Lạp. Một cái đinh hoặc một cái bu lông đã giữ cho hệ thống này cố định ở trên mắt cá nhân Talos. Theo nghĩa đó, chính chất lỏng thần thánh này có chức năng như một nguồn điện hoặc một dòng điện, chảy trôi tuần hoàn qua tứ chi của tượng đồng robot và tiếp nhiên liệu cho chuyển động và hành động của chàng. Nếu như phần kỹ thuật bên trong của Talos bị xáo trộn thì chàng sẽ gặp tai họa.
Hàng thiên niên kỷ trước khi Turing đặt ra câu hỏi “Các cỗ máy có thể nghĩ ngợi không?”, Talos, Pandora và những thực thể trí tuệ nhân tạo khác đã lập nên một sân khấu cho con người khám phá ý tưởng này.
Một số học giả diễn giải sự sáng tạo Talos theo cách khác biệt. Trong Sublime Dreams of Living Machines: The Automaton in the European Imagination (Những giấc mơ siêu phàm về những cỗ máy sống: Máy móc tự động trong trí tưởng tượng của người châu Âu), nhà sử học Minsoo Kang viết rằng Talos được xem như “không phải là một thực thể cơ khí mà rất giống một thực thể sống”.
Theo cái nhìn của Mayor, điều này đã đơn giản hóa bản chất kỹ thuật một cách rõ ràng của Talos. “Làm gì có sinh thể sống nào lại có cơ thể kim loại và một hệ tuần hoàn không phải là mạch máu được bịt kín bằng một cái chốt?”, bà nêu trong cuốn sách của mình.
“Talos, giống như những ý tưởng hiện đại về các cyborg nửa người nửa máy,… được hình dung như một thực thể lai giữa các vật chất sống và không sống”, Mayor viết. “Thông qua các nhân vật thần thoại như Talos, những người cổ đại có thể định liệu trước việc liệu có một thực thể ‘ được tạo ra chứ không phải được sinh ra’ đơn giản là một cỗ máy không trí não hay một cỗ máy tự động hóa hoặc một trí thông minh tự động không tri giác”.
Theo cái nhìn của Mayor, Talos là cả robot và máy móc tự động hóa, một thiết bị được thiết kế để bắt chước con người. Như Gregory Nagy, một học giả văn học Hy Lạp tại ĐH Harvard, từng nói, gốc rễ của từ “tự động hóa” là mat, “vốn có nguồn gốc chung với các từ Latin như mens, mentis, nghĩa là ‘trí tuệ’, ‘trí óc’.’” Kết hợp với ‘auto’ (tự động), “‘automaton’ (máy tự động, thiết bị tự động) có nghĩa cốt lõi là ‘trí tuệ tự động’ hoặc thực thể nào đó có trí tuệ của riêng mình”, Nagy nói.

Các ví dụ về máy móc tự động trong thần thoại Hy Lạp cổ đại cũng có vô số. Iliad của Homer miêu tả những thiết bị tiên tiến tương tự do Hephaestus thiết kế, bao gồm các bàn ba chân bằng vàng có thể chuyển động theo ý muốn và “những người phụ nữ đầy sức sống bằng vàng… có thể chuyển động và thở”. Daedalus, nhà phát minh và nhà thiết kế ra mê cung Minos để cầm tù quái vật nửa người nửa bò Minotaur, đã từng phát triển những bức tượng loài vật để đối đầu với những vật phẩm máy móc của Hephaestus.
Những gì khác biệt giữa Talos với các máy móc tự động huyền thoại của chúng ta, theo Mayor, là ở chỗ, chàng là tạo vật thần thoại đầu tiên được các vị thần gửi xuống Trái đất để tương tác với con người. Không giống như các ghế ba chân tự chuyển động hay các phụ nữ làm bằng vàng để phục vụ các vị thần trên đỉnh Olympus, Talos tiếp xúc với con người trong suốt một thời kỳ dài và điều đó dường như dẫn chàng đến việc có được một số đặc điểm của người.
Bởi vì Talos được Hephaestus “lập trình” để bảo vệ đảo Crete, “chàng không được cho là có các phẩm chất của người,” Mayor nói. Tuy nhiên một số ghi chép cổ hơn về câu chuyện của Talos cho rằng “chàng có thể có một số cảm xúc hay phẩm chất của người”.
Mayor chỉ ra chiến lược của Medea khi chiến đấu với Talos như bằng chứng của các đặc tính này. Trong “miêu tả phức tạp hơn về sự gục ngã của Talos”, bà viết, Medea là người đầu tiên cố gắng thôi miên Talos. Nàng phù thủy đã nỗ lực khai thác nỗi sợ hãi về cái chết của chàng. Cuối cùng, Medea đã hứa hẹn với chàng khổng lồ bằng đồng là nếu chàng để cô tháo cái đanh ở mắt cá chân, chàng sẽ trở thành bất tử. Medea không chỉ sử dụng hai thứ công cụ mà chỉ phát huy hiệu quả với người – thôi miên và thuyết phục – mà nàng còn đánh lừa Talos, dựa trên nỗi sợ hãi cái chết của chàng khổng lồ, một nỗi sợ hãi thông thường chỉ tồn tại ở những sinh thể sống.
“Đây không phải là điều mà nhà thiết kế, hoặc người sử dụng cỗ máy tự động bằng đồng này mong đợi”, Mayor nói vào năm 2019. “Họ không tính đến việc [Talos] mong đợi điều đó để phát triển những khao khát của riêng chàng và ra quyết định của riêng chàng”.
Phần nhân tính tiềm tàng của Talos được thể hiện trong sự lựa chọn từ ngữ miêu tả hệ tuần hoàn của chàng. Thay vì sử dụng từ đơn giản là ‘ống’, Apollonius đã sử dụng thuật ngữ “mạch máu” trong miêu tả cách chất lỏng thần thánh của Talos được vận chuyển khắp cơ thể kim loại của mình, Nagy nói.
Giống Talos, Pandora, một người phụ nữ nhân tạo trong thần thoại Hy Lạp đã được làm ra bằng những vật liệu dưới mặt đất với tài năng của Hephaestus. Nàng “được chế tác, không phải được sinh ra”. Được gửi xuống Trái đất để trừng phạt con người dám cầm lấy món quà của Prometheus – lửa được chàng khổng lồ đánh cắp từ lò rèn của Hephaestus bạn mình, Pandora có duy nhất một nhiệm vụ, Mayor nói “để được hòa nhập trong xã hội người và sau đó mở ra một cái hộp chứa đầy đau khổ”. Trong khi Talos có thời gian sống giữa những con người và chịu ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của người, Pandora chưa từng thích ứng với môi trường nàng sống hoặc theo đuổi một chuỗi hành động không liên quan đến mục đích của mình. Theo cách đó, Mayor lập luận, Pandora là một dạng A.I. được tạo ra độc nhất một nhiệm vụ xâm nhập và làm gián đoạn các hoạt động.
“Câu chuyện thần thoại này tốt ở chỗ nó cho con người suy ngẫm”, Nagy nói. Nói cách khác, thần thoại cung cấp một khung văn bản mà qua đó con người có thể khám phá và tìm hiểu những thách thức của thời đại mình sống. Hàng thiên niên kỷ trước khi Turing đặt ra câu hỏi “Các cỗ máy có thể nghĩ ngợi không?”, Talos, Pandora và những thực thể trí tuệ nhân tạo khác đã lập nên một sân khấu cho con người khám phá ý tưởng này.
“Talos, bất chấp ở chỗ là tạo vật được chế tác với tài khéo léo thần thánh, vẫn chứa đầy những tổn thương – mắt cá chân, được bịt kín bằng một cái đanh, là điểm yếu kỹ nghệ của chàng và thậm chí những đặc tính giống người của chàng cũng dễ bị thao túng”, Mayor nói. Ám chỉ đến những cuộc tranh cãi không ngừng ngày nay về khả năng của AI., bà cho biết thêm “Medea đã tận dụng những điểm yếu đó, chứng tỏ rằng dù một tạo vật có tiên tiến đến mấy thì luôn luôn vẫn có những kẻ tinh ranh tìm được điểm yếu và tận dụng được nó”. □
Tô Vân dịch
Bài đăng Tia Sáng số 9/2025