Tầm nhìn công nghệ – Doanh nhân không ngoài cuộc

“Tập đoàn không sản phẩm” là một hiện tượng có thật ở Việt Nam, thay vì tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực, góp phần tạo ra sức mạnh bền vững của nền kinh tế, các tập đoàn này và một phần lớn các công ty đang hoạt động lại nhắm đến các đầu tư hoặc đầu cơ ngắn hạn, thiếu bền vững. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là việc thiếu tầm nhìn công nghệ và thiếu cập nhật về các trào lưu công nghệ mới của giới doanh nhân. Đó là ý kiến của Tiến sĩ Giáp Văn Dương(*) tại một buổi tọa đàm về chủ đề “Tầm nhìn Công nghệ” dành cho giới doanh nhân tại trường doanh nhân PACE.


Ông khái quát thế nào về bối cảnh cũng như sự cần kíp của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đối với việc phát triển kinh tế của một quốc gia?

TS. Giáp Văn Dương: Trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng lớn, như khủng hoảng về tài chính (2008), khủng hoảng lương thực ẩn sau cuộc khủng khoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ châu Âu… Một trong những nguyên nhân chính của điều này là đầu cơ và chụp giật lợi ích ngắn hạn đã trở thành phổ biến trên toàn cầu, tạo ra một nền kinh tế ảo, hay “kinh tế đánh bạc”. Theo thống kê, năm 2007, mỗi ngày trên thị trường chứng khoán Mỹ có tới 70 ngàn tỷ USD luân chuyển mua  bán, và toàn thế giới là 120 ngàn tỷ USD, trong khi tổng GDP của thế giới chỉ khoảng 60 ngàn tỷ USD/năm, tức là bằng một nửa số tiền lưu chuyển trên thị trường chứng khoán trong một ngày. Cũng trong năm này, tổng giá trị của thị trường tài chính phái sinh đã lên đến một triệu tỷ USD, gấp mười lần tổng GDP của cả thế giới trong thế kỷ XX. Những con số khổng lồ và vô lý, phải không?

Như vậy, có thể nói, phía sau các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nợ là một cuộc khủng hoảng khác, cơ bản hơn, là khủng hoảng mô hình phát triển, không chỉ ở từng doanh nghiệp mà còn ở quy mô quốc gia. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần tìm kiếm các mô hình phát triển bền vững, trong đó có việc quay lại với việc sản xuất ra các sản phẩm thực sự. Suy cho cùng, chính sản xuất mới là xương sống của nền kinh tế, và sản phẩm thực mới làm nên sức mạnh thực của doanh nghiệp. Nhưng muốn sản xuất thì phải có công nghệ. Đó là lý do vì sao doanh nhân cần phải có tầm nhìn công nghệ.

Nền kinh tế ảo là một mô hình phát triển không bền vững, vậy tại sao vẫn có rất nhiều nước, nhiều doanh nghiệp chạy theo mô hình này?

Trả lời câu hỏi này là cả một câu chuyện dài. Nhưng nói ngắn gọn thì đây là trò chơi của các ông lớn. Trong một nền “kinh tế đánh bạc” như vậy, họ là những chủ sòng, nên luôn thu lợi nhanh và nhiều nhất. Nhiều người thấy vậy nên cũng làm theo. Nhưng khi quá sức chịu đựng của nền kinh tế thì khủng hoảng nhất định sẽ xảy ra. Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, và những người lao động thiện lương, cũng sẽ bị cuốn vào như những nạn nhân.

Ông đánh giá như thế nào về thực trang áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Chắc chắn là còn rất yếu và hạn chế. Đây là tình trạng chung của Việt Nam. Trong năm 2010, Việt Nam chỉ đăng ký được hai sáng chế tại Mỹ, trong khi Nhật có đến hơn 44.000, Đài Loan hơn 8000. Ngay cả những tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam cũng không sở hữu một sáng chế công nghệ nào. Bên cạnh đó, năng suất lao động và mức lương của nhân công Việt Nam chỉ ở mức bằng 2,5% so với nhân công Mỹ. Điều này không phải do công nhân Việt Nam làm việc ít thời gian hơn, sức khỏe kém hơn hay lười làm việc hơn, mà do công nghệ chúng ta đang sử dụng lạc hậu hơn so với họ rất nhiều. Tất nhiên, cũng phải kể đến sự kém phát triển của nền kinh tế nói chung nữa.

Vậy mấu chốt để các doanh nghiệp giải quyết vấn đề này nằm ở chỗ nào thưa ông?

Tôi cho rằng các doanh nghiệp phải chuyển hướng. Thay vì tập trung đầu tư vào những thứ ngắn hạn, tìm kiếm lợi nhuận trước mắt thì cần phải tính đến chuyện phát triển bền vững, thông qua việc phát triển sản xuất ra các sản phẩm thực sự có khả năng cạnh tranh, hoặc cung cấp các dịch vụ đích thực. Mà muốn làm được điều này thì một lần nữa, doanh nhân cần phải am hiểu về công nghệ. Nói cách khác, doanh nhân phải có tầm nhìn công nghệ để định hướng phát triển cho doanh nghiệp của mình.

Nếu các nước phát triển hạn chế việc đầu tư ra nước ngoài thì liệu có còn cơ hội phát triển cho những đất nước đang cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam hiện nay?

Đúng là đang có những kêu gọi từ những nước phát triển hạn chế đầu tư sản xuất ra nước ngoài nhằm khôi phục năng lực sản xuất trong nước. Tuy nhiên, họ cũng chỉ tính chuyện giữ lại một số ngành sản xuất chủ chốt, có thương hiệu. Do đó, nhu cầu đầu tư sản xuất ở nước ngoài vẫn rất lớn. Đối với một nước đang phát triển và đi sau như Việt Nam thì điều đáng quan tâm là chọn nguồn đầu tư vào lĩnh vực nào thì phù hợp và góp phần phát triển bền vững cho đất nước mình.

Ở mức độ nhỏ hơn, thì đối với doanh nghiệp, bài toán đặt ra là sản xuất cái gì và như thế nào để trước hết là cạnh tranh, và sau đó là phát triển bền vững được. Điều này lại một lần nữa đòi hỏi các doanh nhân phải có một tầm nhìn công nghệ, vì sản xuất bao giờ cũng đi liền công nghệ.

Theo ông, trong 10 năm nữa, Việt Nam sẽ là gì của thế giới?

Đây là một câu hỏi dằn vặt cho tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam. Giáo sư Philip Kotler có gợi ý rằng “Việt Nam là bếp ăn của thế giới”. Nhưng tôi, và có lẽ rất nhiều người nữa, chưa thỏa nguyện, nên vẫn tiếp tục tìm câu trả lời, trước hết là về mặt lý thuyết. Và tôi cho rằng, người thực sự trả lời được câu hỏi này không phải là những người làm chính sách, cũng không phải các học giả, mà chính là các doanh nhân.

Bản thân tôi không thể tiên đoán Việt Nam sẽ là gì của thế giới trong 10 năm nữa. Nhưng tôi cho rằng, để phát triển được thì Việt Nam phải trở thành một hội điểm đầu tư, vườn ươm ý tưởng. Muốn vậy, nhà nước cần có cơ chế và chính sách đúng dẫn đường. Còn chuyện đầu tư cái gì, ươm gieo ý tưởng nào, là chuyện cụ thể của nhà đầu tư và các doanh nhân.

Xin cám ơn ông!
            Hải Ninh (lược ghi)
———
(*) Tiến sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp kỹ sư ngành Hóa Dầu Đại học Bách khoa Hà Nội, Thạc sĩ ngành Công nghệ Hóa học Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật, Đại học Công nghệ Vienna (Áo), đã làm việc tại Đại học Liverpool (Anh) và hiện nay là Đại học Quốc gia Singapore.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)