Tạo động lực mới trong nghiên cứu KH&CN (Kỳ 1)

Sản phẩm sáng tạo của Việt Nam không những chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước mà còn chưa tương xứng với với tiềm năng nhân lực KH&CN, chưa tương xứng với nguồn đầu tư, nhất là trong khu vực công lập.

Có thể thấy rằng, sản phẩm chính của nghiên cứu KH&CN  là công bố khoa học (trong nước và quốc tế, chuẩn chung là công bố quốc tế), phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (trong nước hoặc nước ngoài). Tùy từng nghiên cứu mà sản phẩm sáng tạo là một trong hai hoặc cả hai sản phẩm đó. Trình độ, thứ hạng  và sự đóng góp KH&CN của một quốc gia phụ thuộc vào số lượng công bố quốc tế và bằng  phát minh sáng chế.

Dưới đây là tương quan giữa nguồn lực đầu tư và công bố quốc tế và bằng  phát minh sáng chế của Việt Nam.

Nguồn lực: Về mặt tổ chức và nhân lực KH&CN, cả nước có 1.600 trung tâm, viện nghiên cứu, 200 trường đại học, 300 trường cao đẳng, Gần 3 triệu người có trình độ đại học, 11 vạn thạc sỹ, trên 2,4 vạn tiến sỹ, một vạn phó giáo sư và giáo sư, 450 ngàn doanh nghiệp, 200 doanh nghiệp KHCN. Về đầu tư (chỉ mới tính nguồn công lập), hàng năm nhà nước đầu tư tuy chưa nhiều nhưng cũng trên 15 ngàn tỷ đồng, trong đó trực tiếp đầu tư cho đề tài, dự án KH&CN trên ba ngàn tỷ đồng, cho trên dưới 2.000 đề tài, dự án/năm; còn lại cho các dự án tăng cường tiềm lực KH&CN và chi thường xuyên.

Số công bố quốc tế vài năm trở lại đây của Việt Nam đã vượt 2.000/năm, đứng trên Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia, nhưng còn kém xa so với các nước khác trong khu vực châu Á. Vả lại, các công bố thuần Việt chiếm trên dưới 35%, khoảng 600-700 công bố, còn lại là hợp tác nghiên cứu với tác giả nước ngoài. Về sáng chế, năm 2014 đã đạt 1.500 bằng, nhưng trên 95% là của người nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, còn thuần Việt chỉ hơn 100 bằng, không bằng một phần nhỏ của một trường đại học hay công ty ở nước ngoài. Thứ hạng sáng chế của Việt Nam thấp hơn cả Indonesia, Philippines và chỉ đứng trên Myanmar, Lào, Campuchia.

Chưa có số liệu tách bạch được theo nguồn đầu tư nhưng chắc chắn, số công bố quốc tế, số bằng sáng chế chỉ một phần là sản phẩm của đề tài, dự án KH&CN do Nhà nước đầu tư, có chăng là đề tài, dự án KH&CN cấp trung ương. Đề tài, dự án cấp tỉnh (chiếm 50% số lượng đề tài, dự án, 30% kinh phí tăng cường tiềm lực và kinh phí nghiên cứu của cả nước) hầu như chưa có bằng sáng chế, ngay cả trên các tạp chí chuyên ngành trong nước cũng rất ít công bố, chứ chưa nói công bố quốc tế. Còn lại là kết quả nghiên cứu sáng tạo độc lập của các nhà khoa học chuyên và không chuyên ở cảc cấp, các ngành, các cơ sở, các doanh nghiệp, do họ tự đầu tư hoặc doanh nghiệp đầu tư hoặc nhà tài trợ giúp đỡ.

Như vậy, sản phẩm sáng tạo của Việt Nam không chỉ chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh phát triển của đất nước, mà còn chưa tương xứng với với tiềm năng nhân lực KHCN, chưa tương xứng với nguồn đầu tư, nhất là trong khu vực công lập.

Động lực ngược trong nghiên cứu KH&CN

Tại sao công bố quốc tế và sáng chế của các nước tăng chóng mặt, còn Việt Nam thì lại chậm được cải thiện, mặc dù chúng ta cũng đã và đang tiếp tục tăng cường đầu tư và đổi mới cơ chế chính sách quản lý?  Đã có nhiều bài mổ xẻ về chất lượng nhân lực KH&CN, hạn chế ngưỡng đàu tư, sự bất cập về thủ tục hành chính, sự cản trở của cơ chế rài ngân, thanh quyết toán… nhưng theo chúng tôi, đó mới là các nguyên nhân có tính chất kỹ thuật, còn nguyên nhân sâu xa ở động lực ngược trong nghiên cứu KH&CN.

Ở các nước phát triển, doanh nghiệp và tư nhân đầu tư và nắm sản phẩm KH&CN trên 80%, nhà nước 20%. Còn ở nước ta, thì ngược lại, nhà nước đang trực tiếp đầu tư và nắm sản phẩm trên 80%, doanh nghiệp và tư nhân đầu tư chưa nhiều. Cơ chế đầu tư và quản lý  như vậy đã tạo ra động lực ngược.

Hoạt động nghiên cứu sáng tạo độc lập của cá nhân, của doanh nghiệp ở các nước (chiếm 80% hoạt động sáng tạo của xã hội) xuất phát từ nhu cầu nội tại, chịu sức ép về hiệu quả, sự thẩm định, sàng lọc của thị trường.

Còn trong khu vực công lập ở nước ta, chiếm 80% hoạt động nghiên cứu KH&CN của xã hội. Đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia là do cơ quan nhà nước xác định, tuyển chọn, phê duyệt, nghiệm thu; Kinh phí là do ngân sách nhà nước đầu tư;  Sản phẩm được giao nộp cho nhà nước.

“Nhà nước” ở đây là cơ quan quản lý KH&CN, các hội đồng khoa học. Điều đáng nói ở đây là cả cơ quan quản lý và các Hội đồng khoa học đều không phải chịu sức ép về cơ chế trách nhiệm (vì họ đều là các hội đồng kiêm nhiệm, thời vụ). Do đó việc kiểm soát tính mới, tính sáng tạo, tính ứng dụng của đề tài rất khó được bảo đảm. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài dù phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng song lại không chịu trách nhiệm trước thị trường và ứng dụng vào sản xuất, vì vậy họ ít qiam tâm đến chất lượng và hiệu quả của sản phẩm đầu ra. 

Động lực nghiên cứu KH&CN ở hai khu vực hoàn toàn khác nhau. Cá nhân và doanh nghiệp đi tìm thu nhập và làm giàu bằng sản phẩm KH&CN được thương mại hóa, được đăng ký bảo hộ và chuyển nhượng, chuyển giao. Với họ, chi phí dành cho nghiên cứu phải hợp lý, thiết thực, càng thấp càng tốt. Ngược lại, nghiên cứu  KH&CN do nhà nước đầu tư thì các tổ chức khoa học và các nhà khoa học lại quan tâm tìm kiếm việc thực hiện nghiên cứu KH&CN hơn là hậu đề tài. Một bộ phận lớn nhà khoa học hưởng lương ngân sách lại đi theo đuổi nghiên cứu để tìm thu nhập từ nguồn ngân sách, vì vậy dễ dẫn đến việc người ta theo đuổi chi phí càng cao càng tốt. Nhưng rốt cuộc, cả chủ trì đề tài và các cộng sự không quan tâm nhiều đến kết quả nghiên cứu có được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và có trở thành sản phẩm có giá trị thương mại hay không, có thành lập được doanh nghiệp khởi nghiệp từ ứng dụng kết quả nghiên cứu hay không…

Bất cập còn ở chỗ, thang điểm do nhà nước quy định cho phần công bố kết quả nghiên cứu và đăng ký bảo hộ sản phẩm nghiên cứu lại chỉ có 12-16  điểm/tổng số 100 điểm nghiệm thu đề tài, dự án KHCN. Như vậy, cơ chế này không tạo được sức ép và động lực cho các nhà nghiên cứu nghĩ đến việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Lựa chọn hướng đi

Thực tế lịch sử đã gợi ý cho chúng ta về một hướng lựa chọn hiệu quả  hơn. Đó là, các phát minh nổi tiếng trên thế giới, các công trình được giải thưởng Nobel phần lớn là các công trình nghiên cứu độc lập (không phải đề tài nhà nước trực tiếp đầu tư hay đặt hàng). Các sáng chế càng như vậy. Ở nước ta cũng thế. Số bằng sáng chế của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm của các nghiên cứu độc lập của nhà khoa học chuyên nghiệp, nhà khoa học “chân đất” và doanh nghiệp và đang có xu hướng tăng lên. Các giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam, các giải pháp kỹ thuật đạt giải hội thi sáng tạo  cũng vậy, chủ yếu là các công trình nghiên cứu độc lập. 

May mắn là hiện nay đã có những nhà khoa họ  được cấp nhiều bằng phát minh sáng chế  do doanh nghiệp đầu tư hoặc cá nhân đầu tư, những nhà khoa học thành lập được doanh nghiệp để phát triển công nghệ. Một trong số đó là công ty thoát nước & phát triển đô thị Bà Rịa Vũng Tàu Busadco, chủ yếu tự đầu tư nghiên cứu mà dẫn đầu giải thưởng KH&CN, bằng sáng chế trong nước và quốc tế, tăng thu nhập bằng sản xuất sản phẩm thương mại và chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu của mình. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp đã thành lập các bộ phận R&D như Viện Nghiên cứu Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), Viện Nghiên cứu cao su (Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam), Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội), Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (Tập đoàn FPT), các Trung tâm R&D, Phòng R&D của Công ty Vinamilk, Công ty Bút bi Thiên Long… Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đã và đang tăng cường đầu tư cho KHCN. Năm 2014, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn dầu khí Việt Nam, mối đơn vị đã đầu tư 2.000 tỷ đồng cho nghiên cứu KH&CN.

(Còn tiếp)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)