Taso Du Val – chàng trai bỏ học và công ty cung ứng nhân sự chất lượng cao

Khi chất lượng các website cung cấp nhân sự bị phàn nàn thì Du Val, người bỏ dở trung học, ngồi lại, nghiên cứu về kinh tế học và rồi tự nhủ: "Chà, mình có thể giải quyết vấn đề này trên quy mô lớn thông qua phần mềm và các quy trình mà mình đã biết." Công ty Toptal cung cấp các giải pháp nhân sự của anh giờ đang đặt mục tiêu lọt vào danh sách Fortune 500

Trường học không phải là thứ dành cho tất cả mọi người. Richard Branson bỏ học từ năm 16 tuổi, nhưng hiện nay cuộc sống của ông vẫn diễn ra suôn sẻ. David Karp bỏ học năm 15 tuổi, và 11 năm sau anh bán nền tảng viết blog Tumblr của mình cho Yahoo với giá 1,1 tỉ USD. Còn con đường học vấn chính thức của Benjamin Franklin kết thúc sớm từ năm ông 10 tuổi, nhưng bây giờ hình ảnh ông được trang trọng in trên tờ 100 USD.

Bây giờ thì chúng ta có thể bổ sung thêm bậc thầy phần mềm Taso Du Val vào danh sách trên. Sau khi bỏ dở trung học để theo đuổi niềm đam mê công nghệ, anh đã “thu hoạch” được những kinh nghiệm thực tế trong vai trò kỹ sư trưởng tại Fotolog, một công ty khởi nghiệp chuyên về chia sẻ hình ảnh  (công ty này đã được hãng quảng cáo Hi-Media mua lại vào năm 2007 với giá 100 triệu USD). Sau đó, anh tiếp tục đảm nhận vị trí kỹ sư trưởng tại một công ty khởi nghiệp khác là Slide, công ty truyền thông xã hội của nhà đồng sáng lập PayPal, Max Levchin (về sau, vào năm 2010, Slide cũng được Google mua lại với giá 228 triệu USD).

Hiện giờ, Du Val đang hỗ trợ các kỹ sư khác thực hiện những dự án tuyệt vời và thông qua đó mà tạo dựng lên “cơ ngơi” bạc tỉ của riêng mình, Toptal. Toptal là công ty cung cấp các giải pháp nhân sự được thành lập tại San Francisco năm 2010 mà Du Val là đồng sáng lập. Đây là chiếc cầu nối các nhà phát triển phần mềm đang hoạt động độc lập với các doanh nghiệp đang có nhu cầu thuê chuyên gia lập trình bằng cách sàng lọc và khớp các hồ sơ ứng viên phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng dự án của khách hàng, trong đó có tính đến những nhân tố liên quan, chẳng hạn như văn hóa doanh nghiệp.

Chàng trai trẻ 30 tuổi Du Val đứng ra thành lập Toptal sau khi nghe được những lời phàn nàn về các website nhân sự và tuyển dụng đang cạnh tranh nhau lúc đó như oDesk (tên mới là Upwork) và Elance.

Du Val kể lại: “Người ta nói với tôi rằng: ‘Đó là các website cung cấp nhân sự có chất lượng rất tồi, bởi chẳng ai muốn nộp hồ sơ cho họ cả.’ Nhưng khi tôi bắt tay vào tìm kiếm một số nhà phát triển phần mềm thì kết quả lại rất tốt. Tôi nhận ra rằng các website này không biết họ đang làm gì. Tôi ngồi lại, nghiên cứu về kinh tế học và rồi tự nhủ: ‘Chà, mình có thể giải quyết vấn đề này trên quy mô lớn thông qua phần mềm và các quy trình mà mình đã biết.’”

Trung bình hiện nay, mỗi tháng có hàng nghìn kỹ sư nộp hồ sơ cho Toptal – trong đó có cả những hồ sơ ghi kinh nghiệm ở Học viện Công nghệ Massachusetts và Google. Sau đó, công ty này sẽ tiến hành sàng lọc để chọn ra những hồ sơ tốt nhất. Tính trung bình, họ chỉ chấp nhận khoảng 3% trong tổng số các hồ sơ nhận được. Khi các doanh nghiệp đăng tải thông báo việc làm trên website của mình, Toptal tìm kiếm những lập trình viên có đủ năng lực cần thiết, sau đó họ liên hệ với doanh nghiệp để tìm hiểu thêm về công việc cũng như về công ty nói chung rồi tiến hành phỏng vấn các ứng viên để đảm bảo rằng kỹ năng và tính cách của họ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Du Val cho biết: “Không phải hễ có bao nhiêu người nộp hồ sơ ứng tuyển là chúng tôi gửi tất cả lại cho khách hàng. Chúng tôi chỉ gửi cho họ 1-2 hồ sơ thôi, và chúng tôi rất cẩn thận cũng như rất chính xác trong quá trình tuyển chọn để đảm bảo sự hài lòng của doanh nghiệp. Trung bình, tỉ lệ hồ sơ mà chúng tôi gửi đi được khách hàng chấp nhận là 1.7/1. Các công ty cung ứng nhân sự thành công khác có tỉ lệ trung bình là 15/1 – đây là con số khiến họ rất đỗi tự hào.”

Thực ra, Toptal tự tin vào khả năng “mai mối” của mình tới mức đối với khách hàng mới, họ sẵn sàng tặng cả một giai đoạn thử nghiệm hoàn toàn miễn phí.

Mạng lưới của Toptal hiện bao gồm hàng nghìn chuyên gia phát triển phần mềm có năng lực và trên 2.000 khách hàng, trong đó phải kể đến KDDI America, JPMorgan Chase và Airbnb, cùng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. Các dự án cần tuyển dụng rất đa dạng xét cả về độ phức tạp, quy mô, và thời gian thực hiện, nhưng tính trung bình, giá trị hợp đồng của mỗi dự án là khoảng 40.000 USD, cao hơn gấp 10 lần so với các công ty cung ứng nhân sự khác. Năm 2014, Toptal đạt mức tăng trưởng doanh thu lên tới 189%, và trong năm 2015 này, doanh thu của công ty ước đạt trên 80 triệu USD.

Toptal đang có kế hoạch mở rộng ra khỏi mảng hoạt động chính của mình là mạng lưới kỹ sư phần mềm. Mùa thu này, công ty sẽ ra mắt nền tảng phục vụ các chuyên gia thiết kế tự do. Du Val cho biết: “Cuối cùng, chúng tôi sẽ vươn rộng ra tất cả các ngành nghề khác. Để lọt được vào danh sách Fortune 500, chúng tôi phải đáp ứng được về chất lượng, sự trung thực, và mức độ an ninh – và đó là điều mà Upwork và Elance đều không làm được. Chúng tôi có thể cạnh tranh được với những tên tuổi lớn khác trên thế giới.”

Bùi Thu Trang dịch

https://www.entrepreneur.com/article/249338

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)