Tàu container đặt dấu ấn cho toàn cầu hoá như thế nào

Vận chuyển bằng tàu container là một trong những yếu tố quyết định thúc đẩy toàn cầu hoá. Bất chấp cuộc khủng hoảng mà ngành này phải gánh chịu sau cuộc khủng hoảng tài chính, cho đến tận ngày nay không ai có thể tưởng tượng nền thương mại thế giới mà không có tàu container.

Trong thương mại toàn cầu không thể thiếu vận tải biển bằng tàu container.

Ngày 31.5.1968 khi tàu “American Lancer” cập cảng Hamburg (Đức) là một sự kiện lớn. Con tàu dài 210 mét đã đưa những thùng container đầu tiên từ Hoa Kỳ sang Đức, đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên toàn cầu hoá, cho dù khái niệm này mãi đến những năm 1980 mới được đề cập nhiều.

“Có lẽ không có gì chắp cánh cho toàn cầu hoá bay cao như container”, theo đánh giá của Carlos Jahn, nhà lãnh đạo Viện Maritime Logistic thuộc Đại học Hamburg. Người ta có thể dễ dàng chất container lên nhau, cũng nhờ có container lần đầu tiên người ta có thể vận chuyển hàng hoá từ một dây chuyền sản xuất ở Mỹ tới tận sân kho của người nhận hàng ở Đức, mà không cần qua khâu trung chuyển. “Điều này giảm đáng kể chi phí vận tải và kết nối trực tiếp các địa điểm rất xa nhau lại với nhau”.

Nhờ những lợi thế này, tàu container đã nhanh chóng vượt qua các tàu vận tải thông thường. Ulrich Malchow, giáo sư về khoa học hàng hải thuộc đại học Bremen, coi vận tải biển bằng tàu container “là một hệ thống mạch máu của nền kinh tế thế giới”.

Cho đến nay vận tải biển bằng tàu container là động lực quan trọng nhất thúc đẩy thương mại thế giới – cho dù nền thương mại thế giới có lúc bị ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ phá sản Lehman năm 2008. Sự dư thừa công suất, đặc biệt đối với tàu vận tải container làm cho ngành vận tải biển lâm vào khủng hoảng, sau khi các hãng tàu biển đặt đóng khá nhiều tàu nhung thương mại thế giới tăng trưởng chậm sau khủng hoảng tài chính. 9 trong số 20 hãng tàu biển lớn không vượt qua nổi khủng hoảng.

Giờ đây kích cỡ cũng như trọng tải của các con tàu không ngừng tăng lên. Cuối tháng ba năm nay, tức 50 năm sau tàu “American Lancer” tàu “Antoine de Saint Exupéry” dài 400 mét, rộng 59 mét cập cảng, thì giờ đây con tàu lớn nhất đã cập cảng Hamburg có thể chứa 20.776 container tiêu chuẩn gấp gần 20 lần so với tàu “American Lancer” – khi đó chứa 1200 container.

Những con tàu khổng lồ đem lại nhiều lợi ích cho các hãng tàu, vì số lượng nhân công cũng như tiêu thụ nhiên liệu tăng không đáng kể so với tàu cỡ nhỏ, nhưng số lượng container lại tăng gấp bội, điều này làm giảm chi phí đối với các hãng tàu – vì thế ngay trong thời kỳ khủng hoảng sau năm 2008 tàu container vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều hãng tàu biển.

Tuy nhiên tính toán này chỉ đúng khi các con tàu được khai thác hết công suất, Jahn nhấn mạnh: “Và điều này ngày càng khó khăn hơn đối với các hãng tàu, khi các con tàu ngày càng lớn hơn”. Cùng với các con tàu thì nhiều cảng biển ngày càng phải mở rộng. Với các con tàu container đầu tiên thì việc bốc dỡ diễn ra song song với các tàu chở hàng rời ở cùng một bến và do công nhân tại đây đảm nhận. Giờ đây có bến cảng dành riêng cho tàu container, các cảng này thường lớn hơn và có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại hơn. “Với quá trình container hoá, tỷ lệ nhân lực giảm, quá trình bốc xếp được công nghiệp hoá ngày càng nhiều và hiện đang được tự động hoá”, Jahn nói. Các con tàu ngày càng lớn hơn đang gây ra nhiều thách thức mới với nhà điều hành cảng. Điều này đỏi hỏi phải có kế hoạch bốc dỡ hết sức tỉ mỉ và chính xác. Các tàu nhỏ có thể vận chuyển từ 2000 đến 5000 container nên không tạo ra những xáo trộn lớn đối với hậu phương mỗi khi bốc dỡ hàng, ngược lại khi các tàu cỡ đại trong một lúc phải bốc dỡ một khối lượng lớn container tạo nên một sự xáo trộn rất lớn. Một con tàu lớn có khi đòi hỏi có hàng nghìn xe tải để vận chuyển container vào hậu phương và chỉ cần một vụ va chạm sẽ gây ùn tắc dây chuyền có khi làm hoạt động của cảng bị tê liệt.

Năm ngoái cảng container ở Hamburg đã bốc dỡ được 8,8 triệu container tiêu chuẩn – năm 1969 con số này mới là 61.000. Năm 2007 thậm chí lên đến 9,9 triệu Container. Ông Jahn tỏ ra lạc quan: “Tôi không thấy lý do vì sao số container sẽ giảm trong tương lai vì số người nghèo trên thế giới sẽ giảm, điều đó có nghĩa là nhu cầu về hàng hoá nhập khẩu sẽ tăng lên, và đại bộ phận số hàng hoá này vẫn sẽ được vận chuyển chủ yếu bằng đường biển”.

Xuân Trang dịch
Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/industrie/globalisierung/riesenschiffe-wie-containerschiffe-die-globalisierung-praegten/23154008.html

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)