Tàu tinh luyện khí đốt trị giá nhiều tỷ USD

Tập đoàn năng lượng  Shell  quyết định đóng con tàu lớn nhất thế giới. Nhà máy nổi chuyên tinh luyện khí đốt này sẽ neo đậu ngoài khơi Australia  vào năm  2017. Theo các chuyên gia chi phí đóng con tàu khổng lồ này lên đến 12 tỷ USD.

Con tàu khổng lồ này có chiều dài lên tới 488 mét- dài gấp bốn lần chiều dài sân bóng đá. Trọng lượng của con tàu lớn nhất thế giới này lên tới 600.000 tấn và thân tàu có sức dãn nước bằng sáu tàu sân bay loại lớn nhất.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất châu Âu Royal Dutch Shell đã nghiền ngẫm trên mười năm về dự án đóng tàu tinh luyện khí đốt này và mới đây ban lãnh đạo tập đoàn đã thông qua kế hoạch đầu tư cho dự án này. 

Các nhà chuyên môn ước tính tổng đầu tư cho con tàu này lên tới  12 tỷ USD, riêng tập đoàn Shell không tiết lộ về khoản tiền đầu tư này. Một Konsortium của Hàn Quốc gồm hai nhà cung cấp  Technip và Samsung sẽ đóng con tàu này tại một cơ sở đóng tàu ở Hàn Quốc. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch thì sau sáu năm con tàu tinh luyện khí đốt này sẽ đi vào hoạt động ở ngoài khơi  Australia.

Xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt dưới đại dương sẽ  quá tốn kém

Nhưng tại sao Shell lại xây dựng một cơ sở tinh luyện khí đốt trên một con tàu thay vì vận chuyển khí đốt vào đất liền để xử lý như người ta vẫn làm xưa nay? Malcolm Brinded chuyên trách về khâu khai thác thuộc Hội đồng quản trị của Shell giải thích, vì không có cách nào khác. “Chúng tôi tiếp cận với khu vực khai thác từ biển, nếu không thì giá thành khai thác sẽ rất tốn kém”. Khu vực khí đốt mà Shell được phép khai thác có tên là Prelude, cách vùng duyên hải phía Tây Bắc Australia 200 km, nếu đầu tư xây dựng một đường ống dẫn khí đốt ở dưới biển thì sẽ rất tốn kém từ đó giảm hiệu quả kinh tế.

Với dự án này Shell trở thành tập đoàn năng lượng đầu tiên trên thế giới sử dụng tàu chuyên dụng để vận chuyển khí đốt. Việc đầu tiên phải làm là giảm dung tích 600 lần, để làm điều này người ta phải làm lạnh khí đốt ở nhiệt độ âm 162 độ C, ở nhiệt độ này khí đốt chuyển sang dạng lỏng. Con tàu này mỗi giờ phải dùng khoảng 50 triệu lít nước biển để làm lạnh. Khi đến đích lại phải chuyển loại  LNG này- (tên viết tắt của Liquified Natural Gas (khí đốt lỏng) – sang dạng khí trước khi hòa vào mạng lưới khí đốt ở khu vực đó. Công nghệ này khá phức tạp và tốn kém nhưng do năng lượng ngày càng khan hiếm nên công nghệ này dù sao vẫn sinh lời.

Tàu thủy lọc khí đốt

Trong lĩnh vực kinh doanh khí đốt trên thế giới thì kinh doanh ở dạng LNG hiện  có mức tăng trưởng cao nhất. Ưu điểm của công nghệ này là có thể vận chuyển khí đốt trên một quãng đường dài bằng tàu biển như vận chuyển dầu mỏ. Do đó thị trường khí đốt được thu hẹp lại. Theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế  (IEA)  có trụ sở ở  Paris thì hiện nay việc kinh doanh LNG trên thế giới đã chiếm khoảng một phần ba kinh doanh khí đốt toàn cầu. Trong vòng 20 năm tới tỷ lệ này sẽ lên 40%.

Hiện nay Shell là nhà cung cấp tư nhân về khí đốt lỏng lớn nhất thế giới và việc đóng con tàu lọc khí đốt này để hoạt động ở Australia là nhằm thỏa mãn cơn đói năng lượng ở châu Á. Nhưng hiện tại đang có hiện tượng dư thừa năng lực sản xuất LNG vì Hoa Kỳ trong mươi năm gần đây đã đẩy mạnh khai thác khí đốt từ đá phiến (Shale Gas) do đó không còn lệ thuộc vào việc nhập khẩu  khí đốt như trước đây. Tuy nhiên giới chuyên môn đều tiên đoán nhu cầu đối với LNG sẽ tăng mạnh trong thời gian tới đặc biệt ở các nước mới nổi.

Theo tính toán của Brinded thuộc Hội đồng quản trị – Shell thì đến cuối thập niên này nhu cầu về khí đốt lỏng của châu Á sẽ tăng gấp đôi, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó Australia có vị trí địa lý rất thuận lợi, sẽ trở thành địa bàn cung cấp khí đốt cho châu lục láng giềng của mình. Theo dự báo của  IEA thì xuất khẩu khí đốt của Australia sang TQ đến năm 2035 sẽ tăng gấp bảy lần. Hiện nay Australia đứng hàng thứ hai thế giới, sau Tiểu vương quốc Ả Rập Katar, về cung cấp LNG, các tập đoàn năng lượng quốc tế đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng khai thác khí đốt lỏng ở nước này. 

Theo hãng Shell thì con tàu lọc khí đốt khổng lồ của họ sẽ bám trụ khoảng 25 năm ở  ngoài khơi khu vực có mỏ khí đốt Prelude của Australia. Khu mỏ này được phát hiện vào năm 2007 và theo Shell thì sản lượng khai thác mỗi ngày ở mỏ này đạt 110.000 thùng (một thùng (Barrel) tương đương 159 lít) quy ra dầu. Điều này có nghĩa là mỏ khí đốt này có thể thỏa mãn 90% nhu cầu về năng lượng của Hồng Kông với trên 7 triệu dân. 

Nếu việc sản xuất khí đốt lỏng trên biển tỏ ra có hiệu quả thì mô hình Shell này sẽ được nhân rộng. Việc tập đoàn năng lượng Shell đầu tư một khoản tiền cực lớn cho dự án này biểu thị niềm tin mạnh mẽ của Shell đối với công nghệ mới này.
  
   Hoài Trang    Theo F.A.Z. 21. 5. 2011

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)