Tế bào thần kinh gốc ở não có thể kiểm soát quá trình lão hóa
Trong một nghiên cứu thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học ở đại học Y Albert Einstein (Mỹ) đã phát hiện ra các tế bào gốc ở vùng não dưới đồi (hypothalamus) kiểm soát quá trình lão hóa trong cơ thể. Phát hiện này có thể giúp hình thành các phương án chữa trị để ngăn ngừa các bệnh liên quan tới lão hóa và tăng cường tuổi thọ và đã được công bố trên tạp chí Nature vào 26 tháng 7 vừa qua.
Vùng não dưới đồi.
Trong một nghiên cứu trước đó công bố trên Nature vào năm 2013, các nhà khoa học ở đại học Y Albert Einstein đã bước đầu nhận ra rằng vùng não dưới đồi điều chỉnh sự lão hóa trong cơ thể. Tới gần đây, họ đã xác định được cụ thể một số lượng nhỏ tế bào thần kinh gốc (neural stem cells- mà trước đây mới chỉ được biết có nhiệm vụ tạo ra neuron thần kinh mới) đảm nhiệm vai trò đó.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khi số lượng tế bào thần kinh gốc ở vùng dưới đồi (hypothalamic neural stem cells) giảm xuống một cách tự nhiên trong suốt cuộc đời của động vật, và sự suy giảm đó đẩy nhanh quá trình lão hóa” TS. Dongsheng Cai, nhà dược học phân tử ở đại học Y Albert Einstein, tác giả chính của nghiên cứu này cho biết. “Đồng thời chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, không phải là không thể đảo ngược sự suy giảm [các tế bào thần kinh gốc] này. Có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược một số đặc điểm của quá trình lão hóa trong cơ thể, thông qua việc bổ sung các tế bào gốc hoặc các phân tử mà chúng tạo ra”, ông nói thêm.
Đầu tiên các nhà khoa học quan sát những tế bào gốc này ở vùng não dưới đồi của những con chuột khỏe mạnh. Số lượng tế bào gốc bắt đầu giảm khi lũ chuột có tuổi thọ 10 tháng – vài tháng trước khi các dấu hiệu lão hóa thông thường bắt đầu xuất hiện. “Ở tuổi già – khi những con chuột đạt hai tuổi – hầu như các tế bào gốc này biến mất”, TS. Cai nói. Sau đó các nhà nghiên cứu tìm hiểu liệu sự suy giảm tế bào gốc này có thực sự gây ra quá trình lão hóa hay không bằng việc cho tiêu diệt có chọn lọc các tế bào gốc dưới đồi ở những con chuột đang ở tuổi trưởng thành, họ nhận thấy những con chuột bị tiêu diệt tế bào gốc này đã chết sớm hơn những con chuột bình thường ở nhóm đối chứng.
Phát hiện này có thể dẫn tới liệu pháp bổ sung tế bào gốc vào vùng não dưới đồi để làm giảm quá trình lão hóa hay không? Để trả lời câu hỏi này, TS. Cai và các đồng nghiệp tiếp tục tìm hiểu cơ chế mà các tế bào gốc vùng não dưới đồi có thể chống lão hóa và phát hiện, các tế bào gốc này giải phóng các phân tử gọi là miRNAs, đóng vai trò chính trong điều chỉnh biểu hiện gen (gene expression – mọi quá trình liên quan đến việc chuyển đổi thông tin di truyền chứa trong gen).
Các nhà nghiên cứu đã chiết xuất miRNAs từ các tế bào gốc dưới đồi và tiêm chúng vào trong dịch não tủy của hai nhóm chuột: chuột trưởng thành có tế bào gốc vùng dưới đồi đã bị tiêu diệt và chuột trưởng thành bình thường. Sau khi phân tích mô và đánh giá sự thay đổi độ bền cơ, khả năng phối hợp, hành vi bầy đàn và khả năng nhận thức của lũ chuột, các nhà khoa học nhận thấy liệu pháp này làm giảm đáng kể quá trình lão hóa của cả hai nhóm chuột.
Lê Anh Vũ lược dịch
Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2017/07/170726132107.htm