TechCrunch Disrupt: Miền đất hứa của startup

Được tổ chức từ năm 2007, đến nay, TechCrunch Disrupt vẫn được coi là công cụ quyền lực của giới startup dù mỗi tuần ở Mỹ đều có một sự kiện công nghệ mới, bởi đó thực sự là nơi để những startup xuất sắc trình diễn trước các nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất nước Mỹ.

TechCrunch Disrupt là một sự kiện do TechCrunch – một blog công nghệ – tổ chức mỗi năm bốn lần tại New York, San Fransisco, London và Bắc Kinh. Năm 2007, TechCrunch được mô tả trên tạp chí Wired như một công cụ quyền lực trong giới startup: “Một mẩu nhận xét tích cực dài 400 chữ trên TechCrunch thường đồng nghĩa với số lượng người quan tâm tăng đột biến và là bảo chứng (cho startup) đối với những nhà đầu tư tiềm năng. […] Chẳng hạn, Trip Adler, CEO của Scribd, một startup ở San Fransisco được giới thiệu trên TechCrunch, cho biết, ngay sau đó, anh nhận được 10 cuộc điện thoại từ các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ trong vòng 48 giờ”. Những gì người ta nhận được từ TechCrunch Disrupt cũng tương tự như khả năng mà “cha đẻ” của nó mang lại – sự nổi tiếng và sau đó là những nhà đầu tư, nhưng nổi tiếng nhanh hơn và các nhà đầu tư mạo hiểm cũng lớn hơn rất nhiều.


Thuyết trình, thuyết trình và… thuyết trình

TechCrunch Disrupt diễn ra trong vòng ba ngày với một thời gian biểu chật kín. Ngoài 45-60 phút ăn trưa, từ 7h30 sáng đến 6h tối liên tục diễn ra các buổi trò chuyện với các nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp lớn, các “cuộc chiến” giữa các startup, và hackathon (cuộc thi để các nhóm khởi nghiệp lên ý tưởng, xây dựng và hoàn thiện demo sản phẩm trong vòng 24h). Tâm điểm của TechCrunch Disrupt chính là “cuộc chiến” giữa các startup được nói ở trên, gọi là TechCrunch Battlefield diễn ra trong suốt ba ngày: Mỗi startup sẽ lên sân khấu, thuyết trình trong sáu phút trước ban giám khảo gồm bốn-sáu người, là các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp và công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Marissa Mayer (CEO của Yahoo), Ron Conway (một trong những nhà đầu tư công nghệ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ), Roelof Botha (giám đốc tài chính của PayPal) và trả lời phản biện cũng trong vòng sáu phút. Mỗi ngày sẽ có ba phiên như vậy, mỗi phiên kéo dài một tiếng với năm ban giám khảo khác nhau. Sau hai ngày, họ sẽ công bố bốn-sáu startup bước vào vòng chung kết và lại thuyết trình trước một ban giám khảo mới.

Để tham gia TechCrunch Battlefield, các startup phải ở giai đoạn khởi đầu, chưa hề gọi vốn lần nào, chưa từng hoặc rất ít có mặt trên các phương tiện truyền thông và nộp đơn trước ba tháng. TechCrunch sẽ có một hội đồng gồm ban biên tập, các nhà đầu tư mạo hiểm xem xét và lựa chọn 2% – 5% trong tổng số hàng nghìn đơn đăng kí, công bố kết quả trước khi tổ chức TechCruch Disrupt một tháng.

Nhưng không phải chỉ trên sân khấu mới diễn ra những cuộc thuyết trình căng thẳng như vậy. Trung tâm của không gian diễn ra sự kiện là Startup Alley, gồm các gian trưng bày công nghệ và sản phẩm của khoảng gần 500 công ty khởi nghiệp, mọi thứ còn gay cấn hơn. Các công ty này lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng thuyết trình sản phẩm của mình trong vòng vài chục giây mỗi khi có nhà đầu tư và báo chí ghé thăm và mỗi ngày, họ phải thuyết trình ít nhất 100 lần. Nếu được nhiều khách tham quan bình chọn nhất, họ sẽ giành được một chỗ thi đấu trên TechCrunch Battlefield.

Mọi chương trình diễn ra ở TechCrunch Disrupt đều nhanh chóng. Những cuộc trò chuyện với các nhà sáng lập, những nhà đầu tư hoặc những người tiên phong về công nghệ và những bài thuyết trình về công nghệ mới luôn diễn ra nhiều nhất là 20 phút. Lê Huỳnh Kim Ngân, người sáng lập Action.vn (trang blog về startup đầu tiên ở Việt Nam) từng đi dự TechCrunch Disrupt 2012, nhận xét: “Diễn giả lớn, chuyên nghiệp và nói chuyện thực tế”. 


Giá trị của tấm vé 2.000 USD

TechCrunch Disrupt không mở ra miễn phí cho công chúng, mỗi cá nhân tham dự tất cả các sự kiện tại đây phải mua vé với giá khoảng 3.000 USD và các công ty khởi nghiệp muốn đặt gian hàng tại Startup Alley cũng phải trả một khoản phí gần 2.000 USD. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng, cái giá đó là xứng đáng.

TechCrunch đưa những nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, tưởng như rất khó tiếp cận đến với các startup không mấy tên tuổi. Đội ngũ biên tập viên của TechCrunch đã quy tụ được những diễn giả là những người khởi nghiệp, kỹ sư công nghệ và các nhà đầu tư mạo hiểm “hot” nhất Silicon Valley như Mark Zuckerberg, Marrisa Mayer, Jack Dorsey (CEO và đồng sáng lập Twitter), Ron Conway, Michael Arrington (sáng lập TechCrunch)… Họ sẽ ghé thăm các gian hàng, lắng nghe các startup thuyết trình và gắn “sticker” vào booth của startup nếu họ thích sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà khởi nghiệp có thể trò chuyện và tiếp cận dễ dàng với các diễn giả hoặc các nhà đầu tư trong khuôn viên diễn ra sự kiện.

TechCrunch Battlefield vẫn giữ được “phong độ” của họ từ ngày đầu tổ chức, lí do quan trọng là vì những startup trình diện trên sân khấu được lựa chọn vô cùng kĩ lưỡng và rất xuất sắc. Trong số hàng nghìn startup nộp đơn, chỉ có 25 startup được tham gia TechCrunch Battlefield. David Le (quản lí quỹ đầu tư mạo hiểm SV Angel ở San Francisco) cho biết: “TechCrunch Startup Battlefield là về những startup vĩ đại của ngày mai. Nó hé lộ một chút về tương lai sẽ có diện mạo như thế nào”. 

TechCrunch Battlefield lúc nào cũng được cho là “miền đất hứa” với các startup. Không chỉ được tổ chức tại bốn sự kiện hằng năm của TechCrunch Disrupt, TechCrunch Battlefield còn diễn ra tại CES Las Vegas dành riêng cho những nhóm khởi nghiệp phần cứng. Startup thắng cuộc sẽ được nhận ngay 50.000 USD. Nhưng ngay cả khi không chiến thắng, việc được lên sân khấu cũng đem lại cho các startup cơ hội thuyết trình sản phẩm của mình trước những người quyền lực nhất Silicon Valley và lắng nghe phản biện của họ, hiện diện trước hơn 2.000 khán giả và khoảng 2.000 khán giả ngồi xem video trực tuyến. CEO của Cloudflair (công ty cung cấp mạng lưới vận chuyển dữ liệu web tốc độ cao và bảo mật) từng nói: “Chúng tôi vật lộn để có được 100 khách hàng đầu tiên nhưng sau sự kiện Disrupt, chúng tôi có 5.000 khách hàng mỗi ngày”. Trong gần 10 năm qua, sau khi tham dự TechCrunch Battlefield, mỗi startup kêu gọi được trung bình 5.2 triệu USD trong vòng 12 tháng 1.

Vừa qua, tại TechCrunch San Francisco diễn ra từ 21-23/9, thắng cuộc là Agrilyst,  một startup trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, mới cho ra mắt phiên bản thử nghiệm cách đây hai tháng, cung cấp dịch vụ phân tích các dữ liệu thu được từ các cảm biến trong nhà kính, giúp người trồng có thể quản lí được việc thu hoạch, điều chỉnh chu kì tăng trưởng của cây dựa trên năng suất hiện tại. Mặc dù chưa xảy ra phi vụ đầu tư ngay lập tức tại TechCruch Disrupt nhưng CEO của Agrilyst, Allison Kopf, cho biết: “Bạn thắng cuộc thi này và ngay lập tức một cơn bão emails của những nhà đầu tư tràn vào hộp thư đến, tôi biết thế bởi nó là điều tất yếu”.

————-
1 Số liệu này không tính các startup tham dự những TechCrunch Battlefield diễn ra ở CES Las Vegas.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)