Tekes: Tiên phong đổi mới phương thức tài trợ

Tekes – Quỹ Đổi mới sáng tạo Phần Lan, đã trở thành “trái tim của đổi mới sáng tạo” ở Phần Lan nhờ tiên phong thực hiện những cách thức “độc nhất vô nhị” trong tài trợ.


Các tựa game nổi tiếng của Supercell – một công ty do Tekes tài trợ. Nguồn: i.ytimg.com

Tekes được Chính phủ Phần Lan thành lập vào năm 1983 như một sáng kiến nhằm khôi phục nền kinh tế vừa trải qua suy thoái vào những năm 1970. Tekes đòng vai trò trung gian giữa các cơ quan nghiên cứu và phát triển, các doanh nghiệp và các trường đại học để giúp đồng bộ hóa tốc độ đổi mới. Trong giai đoạn 1985 – 2009, Quỹ đã tài trợ đến 65% các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Phần Lan với ngân sách hằng năm khoảng 575 triệu euro.

Thành quả đặc biệt đáng tự hào của Tekes trong những năm 1980 – 1990 là đưa các trường đại học và viện nghiên cứu tham gia vào kế hoạch phát triển công nghệ kỹ thuật số và viễn thông, thiết lập nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực ấn tượng đằng sau sự nổi lên của công ty Phần Lan Nokia. Ngoài ra, 47/50 công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Phần Lan được hưởng lợi từ khoản đầu tư của Tekes. Chương trình Global Access Program của Tekes đã giúp tăng GDP thêm 20 triệu euro, với tỷ lệ hoàn vốn là 17 lần.

Rủi ro hơn nữa

Hoạt động như một tổ chức đầu tư mạo hiểm, vai trò chính của Tekes là chia sẻ rủi ro, vì vậy nếu một công ty có rủi ro đáng kể và không có các nhà đầu tư tư nhân ở xung quanh, nhưng họ có một khoản tiền của riêng mình, thì Tekes sẽ đến và chia sẻ rủi ro cùng họ. Điều này giúp các công ty đi nhanh hơn và chứng minh cho các nhà đầu tư tư nhân thấy là các công ty khởi nghiệp này đang hoạt động tốt. Có thể nói rằng, sự tài trợ của Tekes ở giai đoạn đầu khi rủi ro ở mức độ cao nhất là một dấu chứng nhận cho các nhà đầu tư tư nhân rằng đây là một công ty có giá trị tài trợ. Khoảng một phần ba số vốn của các dự án Tekes tài trợ đã thất bại hoàn toàn, nhưng Veli-Pekka Saarnivaara, nguyên giám đốc Tekes, muốn tỷ lệ này ngày càng cao hơn – nghĩa là, ông muốn mạo hiểm nhiều hơn. Điều này là xứng đáng, bởi dù rủi ro cao, lợi nhuận thu lại từ các dự án thành công là rất đáng kể – với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), mỗi euro mà Tekes đầu tư đã tạo ra 21 euro doanh thu. Triết lý của Tekes là: “Chấp nhận rủi ro nhiều hơn cả những nhà tài trợ tư nhân”. Tuy nhiên điều này chỉ có thể diễn ra ở Phần Lan, nơi tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới và người dân tin tưởng hoàn toàn vào Chính phủ – Tekes là cơ quan tự chủ hoàn toàn dù nhận tài trợ từ ngân sách Chính phủ.

Pekka Soini – cựu Giám đốc Tekes chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã cho phép các ý tưởng thậm chí còn quá rủi ro, vẫn có thể tiếp tục. Chúng tôi khuyến khích chấp nhận rủi ro và đây có lẽ là điều quan trọng nhất trong bối cảnh khởi nghiệp…. Hiện tại nếu bạn đến một trường đại học và hỏi họ có muốn bắt đầu gây dựng một công ty cho riêng mình sau khi tốt nghiệp không, gần một nửa số sinh viên sẽ giơ tay. Nhưng 10 năm trước đây, chỉ có vài người.”

Cơ chế đối thoại

Không chỉ chia sẻ rủi ro, bí quyết để Tekes trở thành một nhà đầu tư khôn ngoan là việc Quỹ đã hợp tác chặt chẽ với các công ty khởi nghiệp, giúp họ lựa chọn lĩnh vực R&D, cùng xác định thị trường và sản phẩm, đồng thời thuyết phục các trường đại học và tổ chức nghiên cứu Phần Lan hợp tác với công ty này. Việc Tekes cùng thảo luận về loại R&D cần thực hiện với công ty cũng đã tạo ra điểm khác biệt lớn nhất giữa Quỹ và các cơ quan tài trợ khác trên thế giới – Tekes đối thoại với các công ty trước khi tài trợ để hiểu tầm nhìn tăng trưởng của công ty – giống như cách thức mà một công ty đầu tư mạo hiểm (VC) thực hiện. Tuy nhiên Tekes không phải một VC, nên việc Quỹ tìm hiểu chỉ để giúp startup tiến tới các giai đoạn phát triển tiếp theo. Cơ chế đối thoại cũng giúp Tekes nhanh chóng tìm ra các cơ chế mới, công cụ tài trợ mới và dịch vụ mới thích ứng với tình hình hiện tại.


Tác động của Tekes tới đổi mới sáng tạo. Nguồn: tekes.fi

Một ví dụ là khi nhận ra Nokia đang sa thải nhân viên bởi tập đoàn này có quá nhiều ý tưởng không thể thực hiện được, Tekes đã trao đổi cùng đại diện tập đoàn và thống nhất thực hiện một chương trình, gọi là Innovation Mill, để cho phép những người rời Nokia có thể thành lập công ty mới bằng những ý tưởng không được Nokia coi trọng. Trên thực tế, các công ty có thể sử dụng tùy ý bộ cơ sở dữ liệu khổng lồ các ý tưởng không dùng đến của Nokia, nhờ vậy, hàng trăm công ty mới đã được thành lập ở Helsinki và các thành phố khác. Innovation Mill trở thành hình mẫu cho các công ty khác học tập, về cách mà những ý tưởng không thể sử dụng vẫn có thể thương mại hóa nếu được trao cho các công ty bên ngoài khác thích hợp hơn.

Ngoài ra, khi Tekes nhận ra một xu hướng đang nổi lên, Quỹ có thể tạo ra các chương trình hướng đến xu hướng này và mời các công ty, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp tới gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, tài trợ lẫn nhau và qua đó có thể hình thành một công ty liên minh mới. Ví dụ điển hình là ngành công nghiệp trò chơi, sau khi đầu tư thành công vào công ty Supercell, Tekes nhận ra đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Internet đã tạo điều kiện phát triển ngành này, tuy nhiên nếu không có một trí tưởng tượng phong phú, rất khó để tạo ra một trò chơi thú vị. Vì thế sau khi đánh giá nền giáo dục trong nước với các quốc gia khác, Tekes đã vận động ngành giáo dục để chương trình học thoáng hơn – dành nhiều thời gian cho các trò chơi và trí tưởng tượng, thay vì yêu cầu bài tập về nhà trong giai đoạn đầu đến trường. Càng có nhiều người chơi, trí tưởng tượng càng phát triển và sau 15 – 20 năm, một văn hóa trò chơi đã được tạo ra, đưa Phần Lan thành một trong những ông lớn nhất trong ngành công nghiệp trò chơi hiện nay. Tekes đã đầu tư khoảng 70 triệu euro vào các công ty phát triển trò chơi trong 10 năm qua, và chỉ cần mình Supercell đã hoàn trả đủ khoản đầu tư này thông qua thuế doanh nghiệp.

Không áp dụng một công thức cho tất cả

Ngoài cơ chế đối thoại, điều khiến mô hình của Tekes trở nên “độc nhất vô nhị” là Quỹ không tài trợ mọi thứ theo cùng một cách. Nếu như METI (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp) của Nhật Bản hoặc DARPA (Cơ quan Dự án Nghiên cứu Cấp cao Quốc phòng) của Hoa Kỳ thường nhắm đến việc giải quyết các thách thức hiện có thì ở Tekes, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có một cách tiếp cận riêng biệt. Tekes là sự kết tinh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ chung một tầm nhìn – hợp tác công – tư là chìa khóa sống còn cho nghiên cứu và phát triển, vì thế cơ chế tài trợ của Tekes là hướng đến hợp tác giữa các chủ thể khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Ví dụ như với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng công ty lớn, Tekes sẽ xem xét cách họ liên kết với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và các SME khác. Ngược lại, khi tài trợ cho các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, Tekes cũng đòi hỏi sự hợp tác với các công ty, bởi thứ Quỹ cần là một hiệu ứng “tràn” – việc đầu tư cho một đối tượng này sẽ có tác động tích cực đến các đối tượng khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Khoảng 50% ngân sách của Tekes đầu tư theo mô hình đối ứng vốn, ví dụ như công ty đầu tư 50% vốn ban đầu, và Tekes sẽ bỏ ra 50% còn lại, trong các dự án thuộc những chương trình trọng điểm quốc gia. Bằng cách này, Tekes không chỉ kích thích các khu vực theo định hướng của Quỹ mà còn tránh được việc “đánh các canh bạc lớn” như các nước Đông Á – nơi chính phủ là đơn vị duy nhất bỏ tiền cho các chương trình lớn.

Và 50% ngân sách còn lại của Tekes đầu tư theo phương pháp bottom-up, đầu tư cho bất kỳ ý tưởng nào được đề xuất đến cho Tekes, nhằm đảm bảo rằng không có giới hạn tự do nào cho đổi mới sáng tạo – vì “Chúng tôi không thể luôn luôn khẳng định được ý tưởng, mô hình hoặc công ty nào sẽ thành công.” – Pekka Soini chia sẻ. Trong giai đoạn đầu, miễn là đội ngũ công ty có thể chứng minh họ có sẵn 10.000 – 15.000 euro trong tay, Tekes có thể cung cấp lại cho họ một khoản tiền nhỏ khoảng 50.000 euro để thử nghiệm dự án trước khi bước vào giai đoạn R&D. Nhờ hỗ trợ sớm này, ý tưởng có thể vượt qua được giai đoạn rủi ro ban đầu và bắt đầu được các nhà đầu tư tư nhân để ý đến.


Nguồn: tekes.fi

Các chương trình mà Tekes tài trợ cũng không bị giới hạn. Một số đến một cách ngẫu nhiên, như chương trình quy mô quốc gia về 5G, xuất phát từ việc có khoảng 20 startup tiếp cận Quỹ và thuyết phục Tekes cần một chương trình như vậy, bởi họ tin rằng 5G sẽ là một chìa khóa quan trọng trong tương lai. Một số khác được Tekes kích hoạt khi Quỹ dự đoán lĩnh vực này sẽ có nhu cầu trong tương lai, mặc dù hiện tại chưa có công ty trong mảng này. Xe điện, số hóa và y tế kỹ thuật số là những chương trình như vậy, trong đó đầu tư cho số hóa từng chiếm đến một nửa kinh phí dự án của Tekes. Phương châm của Tekes là ủng hộ bất kỳ công ty nào, từ công nghệ cao đến dịch vụ với mọi mô hình kinh doanh, bởi vì sự đổi mới có thể đến từ bất kỳ khu vực nào. Khi nhìn thấy cơ hội, Tekes rộng mở với tất cả.

Thanh Trúc tổng hợp

Nguồn https://english.cw.com.tw/article/article.action?id=596
http://www.washingtonpost.com/wp- dyn/content/article/2005/07/13/AR2005071302227_2.html
Tekes (2013), The impact of Tekes and innovation activities 2013

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)