Thách thức tài chính với các tổ chức KH&CN độc lập

Để cải thiện khả năng gây quỹ, các tổ chức khoa học công nghệ độc lập cần cải thiện tính minh bạch, tính trách nhiệm và tính chuyên nghiệp.


“Có lẽ chúng tôi sẽ ngưng hoạt động nếu dự luật về Hội được thông qua”, chị Mai, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO) ở miền Trung phát biểu trong một hội thảo cuối tháng 10/2016. Giám đốc một VNGO khác ở Hà Nội, chị Hoa[1] cũng rất thẳng thắn cho biết: “Nếu dự luật về hội phiên bản 10.10.2016 mà được thông qua, chúng tôi chắc sẽ giải tán”. Cả hai tổ chức khoa học công nghệ này đều giống nhau ở chỗ là họ đăng ký hoạt động trong khuôn khổ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (VUSTA) và toàn bộ kinh phí hoạt động của họ có nguồn gốc từ các tổ chức nước ngoài. Hai chị đều là lãnh đạo cao cấp nhất của hai tổ chức khoa học công nghệ độc lập thường được xếp vào nhóm các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và đều có hơn 10 năm kinh nghiệm nghề nghiệp. Các câu trả lời của các chị về tương lai của tổ chức mình trước dự luật về hội dường như chỉ rõ mức độ dễ bị tổn thương của các tổ chức khoa học công nghệ nhóm VNGO trước những chính sách của chính phủ về nguồn tài trợ và hợp tác quốc tế đối với với các hiệp hội.

Khi trình bày dự luật về hội trước Quốc hội, đại diện Bộ Nội vụ đã giải thích điều luật không cho các tổ chức hiệp hội liên kết và nhận tài trợ từ các tổ chức nước ngoài bằng hai luận điểm. Một là, số tổ chức hội nhận kinh phí từ nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng số tổ chức thuộc loại hiệp hội. Hai là hầu hết kinh phí (có con số ước tới 85%) từ các tổ chức nước ngoài rơi vào các tổ chức hội do nhà nước lập ra, mà sau này chính phủ có thể cho phép nhận tài trợ theo giấy phép riêng.

Nhưng điều mà lãnh đạo ngành nội vụ không chỉ ra là gần như toàn bộ khoảng 600 tổ chức VNGO đăng ký hoạt động như tổ chức “khoa học công nghệ” trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật và một số Hội khác như Hội Khuyến học, Hội Luật gia… chỉ có kinh phí từ các tổ chức quốc tế. Đó hầu như là nguồn duy nhất mà họ tiếp cận được trong khi không được nhà nước cấp kinh phí và không thể tiếp cận nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Còn việc huy động kinh phí từ các nhà tài trợ cá nhân rất khó khăn.

Trong các phương thức để phát triển một NGO bền vững, có một cách là đa dạng hóa nguồn thu. Nghĩa là, một NGO cần có một hai nhà tài trợ dài hạn và ba bốn nhà tài trợ ngắn hạn. Tuy nhiên, rất nhiều nhà tài trợ quốc tế, trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế từ 2008, đã giảm mức cam kết dài hạn và chuyển sang cam kết ngắn hạn – thường là từng năm một. Ngày càng hiếm các nhà tài trợ có cam kết dài hơi, mà dài hơi cũng chỉ tới 3 năm. Cảnh “ăn đong” đang trở nên rất thường gặp với hầu hết các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam.

Khác với các NGO quốc tế, phần lớn các VNGO không có cán bộ chuyên về gây quỹ. Việc gây quỹ ở các tổ chức này thường là gánh nặng của những người sáng lập hoặc người lãnh đạo tổ chức và cũng phụ thuộc luôn vào quan hệ cá nhân của những nhà lãnh đạo này với các nhà tài trợ. Đây cũng là một điểm yếu “chết người” của các tổ chức khoa học-công nghệ phi lợi nhuận.

Nguyên nhân thứ hai khiến các VNGO khó gây quỹ thành công, đó là hầu hết các tổ chức VNGO đều không công bố báo cáo tài chính của mình cho công chúng trong khi về bản chất nguồn tài chính của họ là nguồn công cộng. Các báo cáo tài chinh của họ chỉ để gửi cho các nhà tài trợ hoặc cho chính quyền địa phương theo yêu cầu. Cũng một phần vì vậy mà họ chưa nhận được sự tin cậy của giới doanh nghiệp hoặc công chúng.

Điểm yếu thứ ba làm cho các VNGO khó xin tài trợ liên quan đến tính trách nhiệm thấp. Điều này thể hiện ở việc, hầu hết các VNGO đều thành lập theo mô hình có một hay một nhóm người sáng lập và họ nắm giữ các vị trí quản lý cao nhất. Phía trên họ không có một Hội đồng tín thác (Board of Trustees) hay quản trị hay Hội đồng Quản lý (Management Board) giống như mô hình hoạt động của các tổ chức Phi chính phủ quốc tế (INGO) hoặc mô hình các công ty. Các hội đồng này là bộ phận quản lý tổ chức về mặt chiến lược, quyết định việc lựa chọn ban lãnh đạo và hỗ trợ những người quản lý về mặt gây quỹ. Bộ phận này nhận các báo cáo của Ban Giám đốc và giám sát Ban Giám đốc trong việc tuân thủ tôn chỉ và thực hiện kế hoạch chiến lược của tổ chức. Do không có bộ phận này, tính trách nhiệm của các VNGO được coi là rất thấp và các nhà tài trợ dè dặt tài trợ cho các tổ chức.

Như vậy, rõ ràng là các VNGO rất dễ tổn thương về mặt tài chính. Và dù Dự luật về Hội phiên bản 10.10.2016 được thông qua hay không, thì các tổ chức VNGO không có con đường nào khác là đa dạng hóa nguồn tài chính của mình nếu muốn bảo đảm sức sống của mình. Ngoài những nguồn thu tài chính từ các đối tác quốc tế, các tổ chức khoa học-công nghệ phi lợi nhuận cần xem xét khả năng tạo những nguồn thu hợp pháp từ các tập thể và cá nhân trong nước. Gần đây, luật doanh nghiệp 2014 đã công nhận loại hình doanh nghiệp xã hội; đây cũng là một không gian tốt cho các tổ chức phi lợi nhuận. Việc điều chỉnh chiến lược gây quỹ, không loại trừ khả năng đảm nhận vai trò như một doanh nghiệp xã hội, là việc phải làm mà các tổ chức khoa học công nghệ rất nên làm càng sớm càng tốt.

[1] Tên hai nhân vật đã được đổi theo đề nghị.

 

Trong quá trình soạn dự thảo Luật về Hội năm 2016, Ban dự thảo đã nhận được các khuyến nghị từ các nhóm các tổ chức Liên hiệp quốc, nhóm các tổ chức INGO cũng như nhiều VNGO. Những khuyến nghị này chỉ rõ bản dự thảo này chưa thể hiện đầy đủ những cam kết của chính phủ về quyền hiệp hội như một quyền con người quan trọng. Các nhà phân tích trong nước và quốc tế chỉ ra rằng điều này có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các quyền con người quan trọng khác ví dụ quyền tự do biểu đạt, quyền quản lý xã hội, hay quyền tiếp cận thông tin.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)