“Thẩm quyến là công xưởng của tương lai” – một thành phố lên cơn say Hightech

Thành phố công nghiệp Thẩm Quyến vốn được định nghĩa là phòng thí nghiệm của chủ nghĩa tư bản và công xưởng của thế giới. Tuy nhiên từ lâu nơi đây đã trở thành thành phố của các nhà phát minh ở Trung Quốc.

Trụ sở hãng Huawei ở Thẩm Quyến

Xiao Li chạy vù vù lên tầng bốn của toà nhà. “Không có thang máy sao?”, “Có chứ”, chàng trai 21 tuổi trả lời, “nhưng chạy bộ thì nhanh hơn”. Gói hàng cần đến tay khách hàng một cách sớm nhất. Li làm việc cho một doanh nghiệp chuyên giao nhận hàng hoá. Cậu nói: “Ở Thẩm Quyến thời gian là tiền. Một số khách hàng dễ nổi nóng khi hàng không đến đúng hẹn”.

Kinh tế phát triển bùng nổ ở Thẩm Quyến, trong đó có hai lĩnh vực phát triển nhanh nhất. Thứ nhất ở đây có vô vàn doanh nghiệp startup do các kỹ sư và kỹ thuật viên của các doanh nghiệp ở cửa ngõ Hong Kong này ngày ngày cặm cụi triển khai các thí nghiệm với hàng loạt nguyên mẫu kỹ thuật. Lĩnh vực thứ hai là dịch vụ giao nhận vì các kết quả nghiên cứu cần được chuyển nhanh đến các nhà máy hoặc xưởng thợ để hoàn thiện sản phẩm với số lượng lớn để tung ra các khu chợ kinh doanh hàng điện máy.

Nếu như phát hiện lỗi ở sản phẩm hoặc góp ý kiến cải tiến sản phẩm thì gói hàng được chuyển ngay lập tức tới nhà phát triển để họ triển khai các giải pháp hoàn thiện sản phẩm. Hàng ngày có hàng nghìn người chuyển giao hàng hoá phóng ô tô điện đi vào mọi nẻo đường của thành phố rộng lớn với trên 10 triệu dân. Xiao Li nói: “Chúng tôi tự coi mình là những con kiến ở Thẩm Quyến”.

Sự trỗi dậy của Trung Hoa – một “thung lũng Silicon” với bước tiến nhanh

Cách đây ít năm Thẩm Quyếnn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” vì có quá nhiều xưởng máy, xưởng thợ và nhà kho. Hiện tại ở nhiều địa bàn của thành phố vẫn giữ nguyên hình hài này. Nhà máy, xưởng thợ, kho tàng san sát bên nhau trải dài hàng cây số, bên cạnh các tuyến đường rộng thênh thang là các dãy lán trại của thợ thuyền, bu quanh nơi ở của họ là vô vàn xe chuyển giao hàng hoá. Khói bụi mù mịt bao phủ bầu trời, thời tiết ở miền nam Trung Quốc lại oi bức, khó chịu làm cho cuộc sống của người lao động ở đây vốn đã khá căng thẳng vất vả nay lại càng vất vả hơn.

Tuy nhiên ở nhiều địa điểm khác của Thẩm Quyến có nhiều toà nhà chọc trời rất hiện đại san sát bên nhau không khác gì quang cảnh sầm uất náo nhiệt ở Hong Kong cách đó không xa. Hong Kong và Thẩm Quyến tạo thành một đỉnh của vùng đồng bằng sông Châu với trên 60 triệu dân. Một tuyến đường sắt tốc hành mới nối hai trung tâm kinh tế hùng mạnh, khổng lồ với nhau. Thời gian gần đây Thẩm Quyến được biết đến như một “Silicon Valley của Trung Quốc”. Hay chính xác hơn “Silicon Valley của các phần cứng”.

Cho đến tận ngày hôm nay Trung Quốc nổi tiếng là một địa bàn sản xuất hàng đại trà. Tuy là nền kinh tế lớn hàng thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc không nổi trội với tư cách là cái nôi toàn cầu về ý tưởng. Điều này cần phải thay đổi: cách đây ba năm Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đề ra chiến lược mới về chính sách công nghiệp “Made in China 2025”. Đất nước của ông Tập cần trở thành đất nước của các nhà sáng chế phát minh và phải vươn lên hàng đầu với tư cách là quốc gia Hightech, đó là tầm nhìn của Trung Quốc. Từ đó “Công nghiệp 4.0” là điều được mọi người Trung Quốc tâm niệm – đằng sau ý đồ này là sự tích hợp mạng kỹ thuật số với nền sản xuất công nghiệp . Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là đến năm 2025 khoảng 70% phương tiện giao thông chạy bằng điện hoạt động ở Trung Quốc, robot và các sản phẩm công nghệ cao phải được chế tạo tại Trung Quốc. Không nơi nào ở Trung Quốc mà bản kế hoạch tổng thể này được thấm nhuần và thực hiện triệt để như ở Thẩm Quyến.

Thẩm Quyến là phòng thí nghiệm về chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc

Đầu những năm tám mươi Thẩm Quyến còn là một làng chài ít ai biết đến nằm kề Hong Kong, khi đó còn là thuộc địa của Anh quốc. Sau đó là thời kỳ mở cửa và ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố Thẩm Quyến là phòng thí nghiệm về chủ nghĩa tư bản, Thẩm Quyến trở thành Đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Những nhà máy ngành dệt may đầu tiên chuyển đến đây sau đó là các nhà máy sản xuất đồ chơi, tiếp theo là các nhà máy sản xuất đồ dùng điện tử. Hàng triệu lao động từ khắp Trung Quốc đổ về đây lập nghiệp.

Tập đoàn cung cấp linh kiện điện tử Foxconn, nổi tiếng về trả lương thấp và sản xuất hàng đại trà lại đang dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai ở Thẩm Quyến, biến thành phố này thành một Khu đô thị công nghệ cao. Các doanh nghiệp Đài Loan xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất thu hút có lúc lên đến 300.000 lao động – phần đông họ đến từ các tỉnh ở nội địa. Sản phẩn của tập đoàn này cung cấp cho Sony, Nintendo, Apple và Hewlett-Packard. Người lao động lắp ráp thiết bị trò chơi điện tử, iPhones và laptop. 

Một số lao động này trở thành chủ doanh nghiệp; các kỹ sư và chuyên gia lập trình ở khắp Trung Quốc cũng đổ về đây. Thẩm Quyến trải qua sự bùng nổ startup. Các doanh nghiệp này phân bổ khắp thành phố có diện tích gần 2000 km2 và họ là những người tạo ra hàng loạt nguyên mẫu mới.

Luôn luôn có sẵn mọi bộ phận nhỏ hay chi tiết máy cần thiết để lắp ráp tạo ra một sản phẩm mới, điều này làm cho Thẩm Quyến trở thành thiên đường đối với những người say mê tìm tòi, sáng tạo. Tại các chợ lớn kinh doanh hàng điện tử người ta có thể tìm tòi, lục lọi bằng được bộ chuyển đổi cần thiết, cáp quang hay chip bộ nhớ mà họ cần có cho sáng chế của mình. Chính từ đây đã ra đời các sản phẩm như iPhone có hai thẻ Sim, bóng bàn tự bật trở lại hay vật bay không người lái phun nước lên bãi cỏ. Những ý tưởng này thường được bán cho các tay chơi cỡ bự như Xiaomi, Tencent hay Huawei.

Nội trong mười năm thương mại trực tuyến của Trung Quốc so với thương mại trực tuyến toàn cầu đã tăng từ 1% lên 46%. Hầu như không có ai đạt được sự bùng nổ đầy kinh ngạc như JD.com. Doanh nghiệp này đã làm rung chuyển toàn bộ ngành thương mại trực tuyến. 

Ở Thẩm Quyến người ta hay nghe đến cái tên Huawei. Vì đây là tập đoàn công nghệ có tuổi đời cao nhất ở Trung Quốc và là một tấm gương sáng mà mọi người muốn noi theo, Huawei có trụ sở chính ở Thẩm Quyến. Hiện tại Huawei đứng đầu thế giới về công nghệ mạng và chuyển giao công nghệ của mình cho các tập đoàn viễn thông tầm cỡ như Deutsche Telecom hay O2 để các tập đoàn này xây dựng mạng của họ. Hiện tại Huawei chỉ đứng sau Samsung và là nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng hàng thứ hai thế giới. Mục đích mà Huawei muốn vươn tới là chiếm lĩnh vị trí số một. Ngay cả ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Huawei cũng phấn đấu vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.

Thẩm Quyến đã tạo dựng được hạ tầng để có thể giám sát một cách thông minh tình hình giao thông tại thành phố này. Thẩm Quyến xây dựng các siêu máy tính, qua đó tập đoàn ô tô Daimler có thể mô phỏng các vụ tai nạn giao thông và cơ quan CERN ở Thuỵ sỹ có thể tạo ra các vụ va chạm hạt trong đám mây.

Những điều này tạo ra sức hút với các nhà đầu tư, nhà đầu tư Hoa kỳ Alan Chan đề cập đến “Hệ thống sinh thái Thẩm Quyến”, ông làm việc cho một nhà đầu tư mạo hiểm ở Hong Kong và là người quan sát các biến động ở Thẩm Quyến. Huawei hay Tencent là những cây đại thụ mà ai ai cũng có thể chiêm ngưỡng, nhưng hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ mới là những doanh nghiệp tạo nên nền tảng vững chắc cho Thẩm Quyến, các hãng nhỏ này cung cấp các cấu thành và phát minh của mình cho các “ông lớn”. “Cả thành phố là một công xưởng phục vụ cho tương lai”, ông Chan nói. Và: “Bất kỳ ai, nếu có ý tưởng, đều có thể nhập cuộc ngay lập tức”.

Hoài Trang dịch
Nguồn: https://www.wiwo.de/futureboard/eine-stadt-im-hightech-rausch-shenzhen-ist-die-werkstatt-der-zukunft/23117270.html

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)