Thăm vườn rau triệu đô…
Nông trường Long Thành quy mô hơn 80 ha, mỗi ngày sản xuất hơn 10 tấn rau củ, quả các loại, đúng hơn có thể coi đây là nơi “trình diễn” công nghệ trồng trọt Israel…
Cây trồng tại nông trường Long Thành được chăm bón theo công nghệ Israel với dữ liệu thu thập được lập trình, quy trình canh tác được ghi chép đầy đủ, bảo đảm có thể truy xuất nguồn gốc các khâu.
Nông trường VinEco Long Thành, Đồng Nai của công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (tập đoàn Vingroup) vừa được ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM trao “Chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn” từ công đoạn sản xuất đến sơ chế, chế biến và phân phối.
Truy xuất thông tin từ lệnh sản xuất
Nguyễn Thành Thảo, giám đốc nông trường rau VinEco Long Thành, học kinh tế đối ngoại nhưng khá rành rọt về trồng trọt. Ông Thảo chỉ mất chừng gần một giờ đồng hồ nói về quy trình quản lý truy xuất nguồn gốc từng loại rau củ, quả đang trồng ở đây. Mở đầu, Thảo hỏi: nhà anh ở Thủ Đức? Trên đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung có cửa hàng Vinmart+, anh vào mua một bó rau cải, trên bao bì có mã vạch, điện thoại thông minh sẽ cho ra ngay thông tin lệnh sản xuất của loại rau này. Hơn 80 ha rau ở Long Thành, theo ông Thảo, đang được quản lý nguồn gốc xuất xứ theo các lệnh sản xuất, thứ tự từ 1 đến 10 như vậy. Trong lệnh sản xuất, phần mềm sẽ ghi nhập mọi dữ liệu của cây rau, bao gồm nguồn gốc hạt giống, phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, ngày xuống giống, diện tích, thu hoạch, sản lượng, lô, thửa trồng… Ngoài truy xuất các vật tư đầu vào, lệnh sản xuất cũng có thể giúp truy xuất số nhân công làm việc trong một lô rau.
“Khi mở ra bất kỳ một lệnh sản xuất nào, hệ thống phần mềm sẽ truy xuất các thông tin đầy đủ về cây rau và các phụ kiện đi kèm”, ông Thảo giới thiệu.
Cùng với ông Thảo, nông trường Long Thành có 11 cán bộ kỹ thuật quản lý thường xuyên khoảng 200 công nhân, nhưng công việc chính của họ là ghi nhật ký sản xuất để cập nhật vào phần mềm truy xuất. Một cán bộ kỹ thuật đảm trách gần 10 ha, họ phải sử dụng máy tính bảng, sáng sớm phải ra thăm trang trại, ghi chép toàn bộ các thông số kỹ thuật cũng như đưa ra nhận xét, đánh giá sự tăng trưởng của cây trong suốt quá trình trồng để có hướng xử lý. Còn đội ngũ công nhân, họ chỉ đơn thuần được hướng dẫn thao tác các công đoạn trong quá trình gieo hạt, trồng trọt, thu hoạch và sơ chế, đóng gói.Mỗi công nhân cũng được “quy hoạch” làm việc trong một ngày ở một nhà màn, hôm sau mới được lưu chuyển sang nhà màn khác để tránh lây nhiễm chéo mầm bệnh (nấm, côn trùng). Ngoài ra, họ chỉ được bố trí làm việc theo một hướng, từ cây nhỏ đến cây lớn cùng họ nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và ký chủ.
“Tới ngày giờ sản xuất, cán bộ kỹ thuật là người trích xuất vật tư, giống, phân bón và hướng dẫn công nhân thao tác”, Thảo trình bày, đồng thời cho hay, dựa vào phần mềm quản lý, cán bộ kỹ thuật cũng biết một cây trồng từ khi xuống giống bao nhiêu ngày phải sử dụng phân, bao nhiêu ngày phải phun thuốc, tuần nào cần thêm chế độ dinh dưỡng… Tất cả đều có định lượng rõ ràng.
Nông trường Long Thành đang sử dụng thuốc BVTV nhóm 3 và nhóm 4, ông Thảo cho hay không sử dụng thuốc nhóm 1 và 2 có độc tố cao. Lý do là rau được trồng trong hệ thống nhà kính, nhà màn có kiểm soát môi trường và sử dụng hệ thống bẫy côn trùng nên giảm trên 80% sâu và côn trùng. Việc sử dụng phân bón, thuốc cũng được kiểm soát nghiêm ngặt, mỗi lứa rau khi thu hoạch được lấy mẫu kiểm tra trước từ 7 – 10 ngày. Phân bón và thuốc trừ sâu cũng được ngưng sử dụng đúng thời gian cách ly.
Nuôi ong giúp cho việc thụ phấn cây dưa lưới.
Nơi trình diễn công nghệ… Israel
Nông trường Long Thành thiết lập hệ thống khu trại có diện tích từ 0,25 ha cho đến 1ha. Rau, củ quả được trồng trong nhà kính theo hai dạng giá thể và trồng đất. Ông Nguyễn Thanh Thảo bảo nông trường đang giảm diện tích trồng đất để chuyển dần sang trồng giá thể nhằm kiểm soát tối đa quá trình sinh trưởng cây. Thử đi xem nhà màn trồng dưa lưới giá thể, gieo cách nay hơn tháng, cây đã ra hoa, thụ phấn, cho trái. Các bao đựng giá thể xơ dừa là những túi nylon hình tròn, mỗi túi trồng hai cây dưa, có hai đường ống tưới tự động, được xếp thành các luống ngay ngắn, thẳng ro từ đầu này đến đầu kia. Cách vài ba luống được đặt một bẫy côn trùng dạng tấm pa nô dài, màu vàng và các bọng ong giúp thụ phấn.
Do được gieo cùng ngày, cùng “ăn” chế độ dinh dưỡng, cùng trong môi trường nhà kính nên chiều cao cây dưa cũng rất đồng đều. Ông Thảo giới thiệu, tất cả vật liệu, thiết bị của trại dưa, từ bao đựng giá thể, dây leo, khung kèo nhà kính, thiết bị tưới tự động, nhà màn, quạt hút…cho đến hệ thống phần mềm quản lý và có cả các chuyên gia của Israel đang ngày ngày chuyển giao kỹ thuật ở đây đều được nhập khẩu trọn gói từ Israel. Cùng với việc bỏ ra hàng triệu đô la nhập thiết bị, nông trường còn được các chuyên gia Israel sang hỗ trợ kỹ thuật.Ví dụ họ sẽ phân tích, sau đó đúc kết ra công thức các giai đoạn phát triển của câycần những loại dinh dưỡng nào, cây cần nồng độ phân là bao nhiêu để hấp thụ vừa đủ trong ngày, tránh lãng phí hoặc bị ngộ độc. Sau khi đã định lượng được thông số, phần mềm sẽ thiết lập chế độ dinh dưỡng chung ngay từ đầu cho mỗi loại cây. Sau khi ra kết quả, phân bón sẽ được vận chuyển vào các bồn để phối trộn, hòa tan thành nước và được dẫn tự động vào hệ thống tưới nhỏ giọt. Máy tính cũng sẽ định vị sẵn khung giờ tưới trong ngày, trong tuần sao cho cây hấp thụ vừa đủ, đảm bảo sinh trưởng.
Ở hai đầu ống dẫn ra (bồn trộn) và đầu vào (trước khi dẫn vào giá thể) cũng có hệ thống cảm biến đánh giá tỷ lệ dinh dưỡng, nếu chưa đủ, thông tin lập tức được chuyển về máy chủ, sau đó hệ thống nước tự động chuyển ngược lại bồn để phối trộn lại. Ngoài ra, theo phân tích của giám đốc nông trường, qua hệ thống phần mềm máy tính, các trại cũng sẽ được kiểm soát ánh sáng, ẩm độổn định thông qua hệ thống quạt hút và nhà màn.
“Ví dụ thời điểm 12 giờ trưa nắng nóng, ẩm độnhà màn vượt quá chỉ tiêu 80%, hệ thống máy tính sẽ tự động thông báo, lúc này, các nhà màn sẽ được tự động khép lại, đồng thời hệ thống quạt hút sẽ được tăng cường thêm để đưa độ ẩm về đúng 80%”, ông Thảo nói.
Không nói quá, cách đầu tư trồng rau công nghệ chỉ có những tập đoàn mạnh tài chính như VinEco mới dám làm. Đây là xu hướng phát triển nông nghiệp được Israel và các nước phát triển đang thu lợi nhuận cao, nhưng các hộ gia đình bị hạn chế bởi hạn điền và tài chính ở Việt Nam rất khó áp dụng. Trên lý thuyết, việc áp dụng công nghệ trồng rau 100% Israel đưa đến năng suất cao hơn hẵn mô hình sản xuất thông thường, còn tỷ suất lợi nhuận tới đâu, đó là bí mật của nhà đầu tư. Giá cả tuy mắc hơn nhưng người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ cung cách sản xuất hiện đại này.
”Nhiều doanh nghiệp bán rau có lý lịch
VinEco, thành viên tập đoàn Vingroup, chính thức tham gia lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3.2015, công bố rót tới 4.000 tỷ đồng vào sản xuất nông nghiệp. Theo thông tin công bố, VinEco có ba vùng sản xuất rau củ quả ở miền Bắc, miền Nam, Lâm Đồng với 14 nông trại sản xuất khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng và an toàn thực phẩm của VietGAP: từ nghiên cứu, chọn giống, gieo hạt, sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, cho đến sơ chế và vận chuyển đến điểm bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Hiện, VinEco đưa vào thị trường hơn 200 chủng loại sản phẩm gồm rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây, trong đó đặc biệt có nấm, rau mầm và rau thủy canh, dưa lưới, dưa lê, dưa leo baby là những sản phẩm cao cấp sản xuất trong nhà kính Israel…Công ty này cũng đang áp dụng công nghệ tưới tự động trên cơ sở kỹ thuật tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa với sự chuyển giao đồng bộ cả về kỹ thuật, quy trình vận hành lẫn thiết bị từ đối tác Netafim, Israel.
Một thương hiệu khác là DaLat GAP cũng có hơn 35 ha rau củ, quả đạt chứng nhận sản xuất quốc tế GlobalGAP từ chín năm nay, sản phẩm đang có mặt ở thị trường TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Ông Lê Văn Cường, giám đốc DaLat GAP, cho biết tất cả sản phẩm rau củ quả của công ty được quản lý chuỗi, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các tiêu chuẩn GlobalGAP. Theo đó, bất cứ loại rau nào đang có mặt trên thị trường cũng đếu có lý lịch rõ ràng thông qua công việc của đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật hàng ngày ghi nhật ký sản xuất. Toàn bộ diện tích đất canh tác cũng được trang bị hệ thống nhà kính hiện đại. Phương thức canh tác tiên tiến, áp dụng phương pháp trồng cây trên giá thể, bón phân, tưới nước được cài đặt qua hệ thống tự động. Hệ thống này sẽ kiểm soát lượng phân bón và pH nước tưới cho từng giai đoạn của cây trồng và ở các khu vực khác nhau. DaLat GAP cũng là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận Global GAP (2009); bộ Nông nghiệp công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2012.”
bài, ảnh: Bảo Anh (theo TGTT)