Thành phố thông minh đầu tiên của Ấn Độ

Dù đến nay vẫn chưa có định nghĩa cụ thể nào về “thành phố thông minh” thì sắp tới một thành phố như vậy sẽ xuất hiện ở bang Gujarat, Ấn Độ.

Được đặt ở ngoại ô Gandhinagar, thủ phủ bang Gujarat, thành phố tài chính – công nghệ quốc tế Gujarat (Gujarat International Finance Tec – City – GIFT) hiện mới chỉ có hai tòa nhà đa chức năng và một công trình ngầm. Số lượng tòa nhà sẽ được xây thêm để đưa thành phố trở thành một trung tâm tài chính, với ưu đãi về thuế và các chính sách khác nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Với một đường ống ngầm cho các phương tiện kĩ thuật thiết yếu đầu tiên ở Ấn Độ, GIFT nhắm đến mục tiêu cạnh tranh với Mumbai, thủ phủ tài chính hiện thời của đất nước, cũng như những đối thủ quốc tế khác như Dubai, Singapore.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hứa hẹn sẽ có 100 thành phố thông minh vào năm 2020 để đáp ứng các cuộc di dân vào thành phố.

Theo ước tính của các nhà cố vấn KPMG (một trong bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới), với chi phí xây dựng khoảng một nghìn tỷ USD, những thành phố với các tòa nhà chọc trời sẽ chứng kiến nước uống thẳng từ vòi, hệ thống thu gom rác thải tự động và hệ thống cung cấp điện chuyên dụng cũng như nhiều tiện ích khác. 

Số lượng người Ấn Độ sống trong các thành phố sẽ tăng từ 400 triệu người lên 814 triệu người vào năm 2050, nhiều nơi đang choáng váng trước sự gia tăng dân số khó kiểm soát này.

“Phần lớn các thành phố ở Ấn Độ đều không được quy hoạch theo thể thống nhất”, Jagan Shah, giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về các vấn đề đô thị, nơi hỗ trợ chính phủ thiết lập hướng dẫn cho các dự án đầu tư mới, trả lời hãng thông tấn Reuters. 

Người ta cho rằng, sự thiết hụt các chuyên gia có khả năng thiết lập những dự án lớn và những ý tưởng mơ hồ về tiêu chuẩn của thành phố thông minh sẽ có thể làm chậm chễ việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này.

Nhiều chuyên gia không tin thành phố thông minh sẽ là giải pháp cho những dòng di cư khổng lồ vào thành phố, thiết thực hơn là xây dựng các khu làng thông minh và giải quyết những thách thức đang tồn tại trong các thành phố.

Singapore – “quốc gia thông minh”

Singapore mới thông báo kế hoạch trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới  bằng cách kết nối internet trên từng mét vuông để thu thập dữ liệu và nâng cấp các dịch vụ hoàn hảo hơn. 

Trong khi Singapore định nghĩa thành phố thông mình là nơi kết nối tất cả cơ sở hạ thì Masdar của Abu Dhabi thuộc Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, đặt mục tiêu trở thành một đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững.

Với tổng diện tích sáu km vuông, thành phố Masdar sẽ trở thành mái nhà chung của khoảng 45.000 đến 50.000 người và 1.500 doanh nhân. Mục tiêu chính của thành phố là tạo dựng được hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, công trình xây dựng độc đáo dựa trên công nghệ bền vững và việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Khởi công vào năm 2006, từng bị trì hoãn, giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ được hoàn thành vào năm nay với kinh phí vào khoảng 18,7 đến 19 tỷ đô la.

T. N dịch

Nguồn: http://www.ibtimes.co.uk/indias-first-smart-city-takes-shape-western-state-gujarat-1496654

 

 

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)