Thất bại có đặt dấu chấm hết cho startup?

Với những startup trẻ, việc gặp thất bại trên con đường khởi nghiệp có phải là thảm họa và đặt dấu chấm hết cho những ý tưởng kinh doanh của mình? Liệu người thất bại có còn đủ dũng khí, tự tin và cả vốn liếng (vốn đã ít ỏi) để tiếp tục thực hiện giấc mơ khởi nghiệp? Để góp phần giải đáp những câu hỏi ấy, một cuộc gặp gỡ giữa những doanh nhân thành đạt thuộc thế hệ startup thành công đầu tiên của Việt Nam, và các startup trẻ mang tên FAIL SMART FESTIVAL 2016 đã diễn ra vào ngày 4/6 vừa qua.


Các diễn giả trao đổi về kinh nghiệm thất bại. Ảnh: BTC

Thất bại không của riêng ai

“Vạn sự khởi đầu nan”, con đường khởi nghiệp của những doanh nhân thành đạt như Phạm Đình Đoàn –  chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Nguyễn Thành Nam – nguyên Tổng giám đốc FPT, Phó chủ tịch HĐQT trường đại học FPT, Đàm Quang Thắng – Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam cũng không gặp nhiều thuận lợi. Để có được thành công như ngày hôm nay, họ cũng đều phải trải qua không ít thất bại. Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ, “đùng một cái” vào năm 30 tuổi, ông đã được giao trọng trách làm kinh doanh xuất khẩu phần mềm, mặc dù chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực kinh doanh. Khi đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà ông đảm trách là mở văn phòng đại diện của FPT ở nước ngoài. “Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là chọn Mỹ làm địa điểm”, ông Nam kể. Việc mở văn phòng một cách cấp tập tại một thị trường sôi động như Mỹ mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã dẫn đến một cái kết bất ngờ là “chết ngay lập tức”. Sau thất bại đầu tiên, văn phòng đại diện thứ hai tiếp tục được mở với địa điểm mới là Ấn Độ, một thị trường phần mềm lớn hàng đầu châu Á, nhưng kết cục cũng không khác là bao. Về nguyên nhân dẫn đến hai thất bại liên tiếp này, ông Nam ví von hành động của mình khi ấy “như người dân quê ra chợ Đồng Xuân… ‘Cái chợ’ công nghệ mà mình tham gia to quá, ở một nơi rộng lớn và sôi động như vậy, chẳng ai có thể thấy mình.”

Cũng gặp thất bại nhưng trường hợp của ông Đàm Quang Thắng còn nhiều nỗi niềm hơn. Năm 2000, ông có dịp sang Trung Quốc học hỏi, ở cùng tòa nhà với Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử của Jack Ma, ý tưởng trở thành “một Alibaba về nông nghiệp” đã nhen nhóm. Khi về nước, ông bắt tay vào công việc bằng một cuộc đầu tư tưởng chừng rất bài bản: mua mọi tên miền tiếng Việt về nông nghiệp, thuê chuyên gia giỏi, tuyển nhân sự… để có thể điều hành một sàn giao dịch về sản phẩm nông nghiệp. Đặt rất nhiều kỳ vọng vào thành công nhưng chỉ sau một thời gian, sàn giao dịch điện tử bị đánh sập. Không nản chí, ông Thắng tiếp tục dồn vốn đầu tư, mời hẳn một giám đốc quản lý dự án này, thuê cả công ty quản lý mã nguồn, chấp nhận mỗi năm mất 4 tỷ… Sau 3 năm điều hành, sàn giao dịch không đem lại doanh thu. Thất bại thứ hai này khiến ông “gần như suy sụp” vì dồn quá nhiều tâm huyết. Ở lần thứ ba đầu tư, thất bại lại gõ cửa khiến ông Thắng chấm dứt ý định ban đầu và hậu quả là “giờ có điều kiện quay lại thực hiện thì cũng không dám”.

Thất bại trong khởi nghiệp thật muôn hình vạn trạng, nếu hai startup thế hệ 6X Nguyễn Thành Nam, Đàm Quang Thắng vấp phải khó khăn về thị trường và am hiểu về lĩnh vực mình đầu tư thì một startup thế hệ 8X như Nguyễn Hà Linh, CEO hệ thống đồ ăn Thái Koh Samui Hut, CEO Trung tâm tiếng Anh Ibest, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng Cafe Cộng, lại thất bại bởi… quá thành công, hay nói chính xác hơn là “tăng trưởng nóng” như cô chia sẻ tại FAIL SMART FESTIVAL 2016. 19 tuổi, khi đang học đại học, Hà Linh mở Trung tâm tiếng Anh với 5 phòng học. Do dồn sức nhiều vào công việc quản lý các lớp học với khoảng 300 học viên ở ba địa điểm khác nhau, cô phải dừng hẳn việc học tập tại trường. Quản lý Trung tâm Ibest lúc này khác hẳn so với thời điểm ban đầu với những yêu cầu mới như về số lượng giáo viên đứng lớp người nước ngoài từ 5 người lên 10 người, về vốn đầu tư… “Khó khăn về việc điều hành, quản lý nhân sự hiện hữu bởi nó liên quan đến quy chế lương thưởng, tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy”, Hà Linh cho biết. Vì vậy, cô đã phải ra quyết định đóng cửa hai địa điểm mà nguyên nhân không phải không có người học, không xây dựng được uy tín mà vì… quá thành công.

Học gì từ thất bại?

Không gian Up Co-working Space, nơi diễn ra FAIL SMART FESTIVAL 2016, tràn ngập các startup và cả các bạn trẻ đang ấp ủ ý định trở thành startup. Tất cả đều còn rất trẻ, ở độ tuổi 20-30, nghĩa là giống như những diễn giả Phạm Đình Đoàn, Nguyễn Thành Nam, Đàm Quang Thắng hay Nguyễn Hà Linh khi mới gặp thất bại. Ít nhiều người trong số họ cũng đã gặp một số thất bại tương tự ở ngay những bước đi khởi nghiệp đầu tiên. Chính vì vậy, chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, một trong những nhà tổ chức FAIL SMART FESTIVAL 2016, đã kết nối các thế hệ startup với nhau, cùng đi tìm những bài học kinh nghiệm thất bại để tránh những sai lầm đáng tiếc, để các startup trẻ có tinh thần sẵn sàng đối diện thất bại.

Ông Đàm Quang Thắng sau từ 3 lần thất bại với sàn giao dịch điện tử trong nông nghiệp đã rút ra kinh nghiệm, “việc tham gia thị trường giao dịch điện tử không phải là việc dễ dàng như những gì chúng ta vẫn nghĩ”. Nguyên nhân lớn nhất của thất bại này là do ông không biết nhiều về kỹ thuật, về chuyên môn trong lĩnh vực mà mình lựa chọn đầu tư. Vì vậy bài học mà ông đưa ra với các bạn trẻ là muốn không muốn gặp phải thất bại thì cần có đủ kiến thức về lĩnh vực kinh doanh, tuyển được một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và hơn hết, phải có đủ điều kiện mới nên quyết định khởi nghiệp, không được nóng vội. “Nếu không có đủ tiền vốn và nhân sự thì nên [chấp nhận] đi làm thuê, khi nào có đủ điều kiện mới nên bắt đầu”, ông Thắng nhắn nhủ.

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn chia sẻ, các startup nên tìm được người đỡ đầu, một người nhiều kinh nghiệm để tư vấn đường đi nước bước trong khởi nghiệp, “nếu kế hoạch kinh doanh quá sơ sài sẽ dễ gặp thất bại”.  Trong khi đó, bài học rút ra từ kinh nghiệm thất bại của ông Nguyễn Thành Nam là phải tìm hiểu về thị trường trước khi quyết định đầu tư. Thói quen, tập quán của thị trường quyết định rất lớn vào sự thành bại của startup. Theo quan điểm của ông, nếu không chuẩn bị kỹ, startup sẽ thất bại mà thất bại với startup “nghĩa là chết luôn, là không gượng dậy được nữa”.

Ở quan điểm của thế hệ 8X, Nguyễn Hà Linh cho rằng, bài học thất bại của chị là không có kiến thức cơ bản về quản lý dòng vốn, về công tác điều hành doanh nghiệp. Hiện có rất nhiều bạn trẻ cũng tính đến chuyện mở các trung tâm giáo dục nhưng chưa lường trước được khó khăn về vốn cũng như khó khăn về nhân sự, đặc biệt về đối tác kinh doanh, ví dụ trong trường hợp của chị, chưa có kinh nghiệm về việc lựa chọn đối tác có đặc điểm là người nước ngoài, thời gian ở Việt Nam không nhiều, quan điểm có nhiều khác biệt nên hay dẫn đến trường hợp chưa hiểu nhau hoặc dẫm chân vào công việc của nhau…

Trên một tấm bảng đặt tại Up Co-working Space, các startup trẻ đã không ngần ngại viết về những bài học thất bại mà mình mới trải qua. Phần lớn những thất bại mà các startup chia sẻ đều tập trung vào các nguyên nhân: tăng trưởng nóng, chọn sai thị trường, chọn sai lĩnh vực kinh doanh, thiếu kiến thức khởi nghiệp, đặt quá nhiều mục tiêu thực hiện cùng một lúc, chọn sai đồng khởi nghiệp, không xem trọng đối thủ cạnh tranh, chỉ quan tâm đến chiến thắng mà xem nhẹ các yếu tố khác…

Đọc thêm:  “Xin chúc mừng! Chúng ta đã sai rồi!”

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)