Thay đổi chính sách tỉ giá hối đoái ở Trung Quốc và tác động đột phá

Kinh nghiệm phá giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Trong trường hợp của Nhật Bản, sự đột phá gắn với việc tăng giá đồng bản tệ (đồng Yên). Còn trong trường hợp Trung Quốc, sự đột phá lại gắn với việc phá giá đồng bản tệ (đồng nhân dân tệ - NDT).

Từ 1979 đến 1993 (14 năm), Trung Quốc đã điều chỉnh mạnh tỷ giá hối đoái 7 lần. Xu hướng điều chỉnh là phá giá mạnh đồng NDT. Năm 1993, mức điều chỉnh tỷ giá (phá giá) so với năm 1985 đã là gần 70%.
Nhưng mặc dù phá giá liên tục và với biên độ lớn như vậy, tổn thất xuất khẩu do tỷ giá (đánh giá cao đồng NDT) gây ra vẫn rất lớn (bảng I). Lý do là vì tỷ giá NDT/USD có mặt bằng xuất phát “phá giá” quá thấp nên dù phá giá mạnh như vậy, mức tỷ giá vẫn chưa đạt đến điểm “hòa vốn” cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 
Bảng I.   Tổn thất tài chính đối với xuất khẩu do tỷ giá ở Trung Quốc
(đơn vị: NDT).
                                         1979 1981 1983 1985 1988 1993
Chi phí để thu 1 USD xuất khẩu    2,40 2,31  3,02  3,67 5,80  6,32
Tổn thất ứng với 1 USD xuất khẩu 0,85 0,49  0,22  0,73 2,08   1,0
 Nguồn: N. Lardy 1992; Wong 1998.
Để cải thiện tình hình, năm 1994, Chính phủ Trung Quốc quyết định phá giá mạnh đồng NDT. Biên độ phá giá lên tới 50%: từ mức 5,75 NDT/1USD năm 1993 lên 8,7 NDT/1USD kể từ ngày 1/1/1994.
 

Cùng với việc thay đổi chính sách tỷ giá, chế độ quản lý ngoại hối của Trung Quốc cũng được cải cách mạnh mẽ: tỷ giá chính thức thống nhất với mức tỷ giá hoán đổi hiện hành; chế độ giữ lại ngoại tệ được bãi bỏ, thị trường ngoại hối liên ngân hàng được thành lập.
Việc cải cách chế độ tỷ giá (thực chất là thống nhất các loại tỷ giá đi liền với việc phá giá đồng tiền) đã có tác động rất mạnh và hầu như tức thời đến động thái của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là đối với hoạt động ngoại thương và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trước hết, nói về ngoại thương.
Việc phá giá đồng NDT với quy mô 50% dẫn tới kết quả tức thì: cán cân thương mại từ chỗ thâm hụt 12,2 tỷ USD năm 1993 chuyển thành cán cân thặng dư 5,4 tỷ USD năm 1994. Kể từ đó cho đến khi Trung Quốc gia nhập WTO (2001), xu hướng này luôn được giữ vững với mức thặng dư thương mại cao ổn định.
Đồ thị I. cho thấy đã thật sự có một cú nhảy vọt đột biến trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tại thời điểm năm 1994, tức là từ khi đồng NDT được phá giá 50%.
Đồ thị I.  Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc

Kể từ đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc liên tục tăng với tốc độ cao. Kết hợp với một số yếu tố khác (ví dụ, sự tăng trưởng FDI, là một kết quả khác trực tiếp bắt nguồn từ sự biến đổi tỷ giá NDT), nền kinh tế Trung Quốc bước vào nhịp tăng trưởng mới, với hai động lực mạnh mẽ nhất là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài trực tiếp. Và cũng giống như Nhật Bản trước đây, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh đã đẩy thâm hụt mậu dịch của thế giới nói chung, của Mỹ nói riêng với Trung Quốc lên tới điểm “không thể chịu nổi”.
 

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu được quy về “lỗi” chính sách tỷ giá của Trung Quốc. Mỹ và hầu như cả thế giới đều cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong quan hệ mậu dịch này có nguồn gốc trực tiếp và cơ bản từ việc Chính phủ Trung Quốc duy trì quá lâu chính sách tỷ giá “đồng NDT yếu” (tính từ 1994). Quãng thời gian 12 năm (1994-2006) là đủ dài. Trong 12 năm đó, sự cộng hưởng tác động của chính sách “đồng tiền yếu” và của việc Trung Quốc gia nhập WTO (năm 2000) đã tạo thành sức thúc đẩy to lớn để nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy và trở thành khổng lồ, có khả năng làm đảo lộn các cân bằng phát triển vốn có của thế giới. Kết quả tất yếu của sự lớn mạnh kinh tế nhanh chóng này là sự tăng giá đồng NDT. Vì vậy, đòi hỏi Trung Quốc phải tăng giá đồng NDT ngày càng vang lên gay gắt từ các nước phương Tây là có căn cứ lý lẽ và thực tiễn vững chắc.

Tác động của thay đổi tỷ giá đồng NDT đến dòng FDI
Dường như càng hoạt động lâu ở Trung Quốc, các công ty nước ngoài càng phát hiện ra những sức hấp dẫn mới của đất nước này với tư cách là một “cứ điểm” sản xuất: chi phí thấp, sức cạnh tranh cao. Giá thành sản phẩm thấp ở Trung Quốc  đồng nghĩa với một thông điệp: muốn bán được hàng ở bất cứ đâu trên thế giới thì cách chắc chắn nhất là đầu tư vào Trung Quốc để sản xuất tại đây.
Sức mạnh của thông điệp đó được nhân lên nhờ quyết tâm và hành động liên tục phá giá mạnh đồng NDT vào năm 2003, 2004 của Chính phủ Trung Quốc đã làm cho sức cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vượt qua giới hạn thông thường để trở thành một sự đột phá mạnh, khiến dòng FDI đổ vào lập tức tăng mạnh. Năm 1993, lượng FDI thực hiện tăng 250% so với năm 1992; còn năm 1994 tăng 23% so với năm 1993. Đến năm 1998, mức tăng so với năm 1993 đã là 200%. Và bước sang thế kỷ mới, Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới, với lượng FDI đổ vào hàng năm đạt mức 55-70 tỷ USD.

Khả năng lên giá đồng NDT và tác động của nó.

Hiện nay, tình trạng thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc của hầu như tất cả các nền kinh tế phát triển đã trở nên ngày càng gay gắt và động chạm đến nhiều nhóm lợi ích xã hội, làm tổn thương “uy tín” quốc gia, đã đặt trước Chính phủ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và EU, yêu cầu cấp bách phải nhanh chóng giảm thâm hụt thương mại, lập lại cân bằng trong các cán cân tài khoản vốn và tài khoản vãng lai với Trung Quốc. Để đạt mục tiêu đó, giống như với Nhật Bản trước đây, Mỹ và các nước G7 khác đang gây áp lực rất mạnh buộc Trung Quốc phải tăng giá đồng NDT lên 20-40% trong một thời gian ngắn.
Cả áp lực đòi đồng NDT lên giá lẫn quá trình lên giá của đồng tiền này đều đang diễn ra trên thực tế. Áp lực thì ngày càng gia tăng; còn Chính phủ Trung Quốc thì cố gắng trì hoãn sự tăng giá để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao tiềm lực tài chính và tránh gây sốc trong nền kinh tế và xã hội. Vì vậy, quá trình lên giá của đồng NDT đang diễn ra nhưng với tốc độ chậm và được Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ.
Với giải pháp lên giá đồng Yên do chính thế giới áp đặt, Nhật Bản đã từng bắt thế giới “chịu nạn” chứ không phải Nhật Bản là “nạn nhân”. Vậy thì liệu thế giới có phải chịu một tác động tương tự một khi đồng NDT tăng giá? Và nền kinh tế Trung Quốc sẽ như thế nào khi điều đó xảy ra – lại một cú “đột phá” mạnh nữa chăng?
Trước hết, theo nguyên lý truyền thống, đồng NDT lên giá sẽ làm cho sản phẩm của Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn về giá trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, các nền kinh tế nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có khả năng giảm được tình trạng “nhập siêu”; còn các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc cũng sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu các mặt hàng cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề.
Dễ nhận thấy rằng bù lại những bất lợi và tổn thất (tiềm năng) do đồng NDT lên giá, chính điều này lại tạo ra cho Trung Quốc những cơ hội thu lợi không nhỏ. Về dài hạn, sự lên giá của đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc thu được nhiều lợi ích. Những lợi ích đó bắt nguồn từ chỗ: Khi đồng NDT lên giá, giá sản phẩm đầu vào nhập khẩu của Trung Quốc, tính ra NDT, sẽ rẻ đi tương ứng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể tác động tiêu cực do giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng lên gây ra.
Về dài hạn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tái cơ cấu lại để thích ứng với xu hướng lên giá của đồng NDT. Xu hướng cơ bản của quá trình tái cơ cấu này là dịch chuyển các quá trình sản xuất lên các nấc thang công nghệ cao hơn. Giống như Nhật Bản trước đây, một trong những hướng chuyển dịch tiềm năng cơ cấu sản phẩm chủ yếu của Trung Quốc dưới tác động của việc đồng NDT lên giá sẽ là đầu tư ra nước ngoài, theo nguyên lý “lan tỏa công nghiệp” hay “đội hình đàn sếu bay”.
Có thể khẳng định việc tăng giá NDT không mang lại tác động tích cực một chiều như nhiều nước đang kỳ vọng. Ngay cả đối với các nền kinh tế “nhập siêu” từ Trung Quốc cũng vậy.
Xu hướng “lan tỏa” cơ cấu theo kiểu “đội hình đàn sếu bay” từ Trung Quốc sang Việt Nam dưới tác động của việc đồng NDT lên giá là rất lớn, thậm chí, không tránh khỏi. Trong mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư sang Việt Nam để tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ, sự thuận lợi về nguồn nguyên liệu và vị trí địa lý. Xu hướng đầu tư này chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn khi đồng NDT lên giá.
Khả năng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam tạo ra một tình thế phát triển mới cho nền kinh tế nước ta. Tình thế đó chứa đựng cả cơ may lẫn thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Một mặt, nó mở ra khả năng bùng nổ đầu tư và tăng trưởng. Chiếu theo kinh nghiệm Nhật Bản cách đây hai thập niên, khả năng này mang tính hiện thực rất cao. Thậm chí, có thể nghĩ đến một làn sóng đầu tư mạnh hơn cả về quy mô lẫn cường độ. Nhưng mặt khác, nếu Việt Nam không biết tận dụng thời cơ để bứt lên, chỉ biết tiếp nhận một cách thụ động “làn sóng” này, thì chắc chắn sẽ phải nhận lãnh những hậu quả phát triển tiêu cực1, nhất là hậu quả công nghệ.

——
1. Làn sóng dịch chuyển cơ cấu từ Nhật Bản cách đây 20 năm trải ra cho một loạt nước Đông Á kém phát triển hơn. Nhưng hiện nay, trong khu vực, số nền kinh tế có trình độ phát triển thấp hơn Trung Quốc ít hơn nhiều so với Nhật Bản trước đây. Do vậy, sự lan tỏa phát triển, nếu diễn ra, sẽ “chụm” hơn. Độ “chụm” đó cộng với quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc và được gia tốc bằng tốc độ đổi mới công nghệ nhanh hơn hiện nay cho phép nghĩ đến một làn sóng dịch chuyển cơ cấu từ Trung Quốc mạnh mẽ hơn so với quá trình đã diễn ra ở Nhật Bản trước đây.
Do có những lợi thế nhất định, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để hấp dẫn sự “lan tỏa công nghiệp” từ Trung Quốc. Trên thực tế, điều này đang diễn ra và có xu hướng gia tăng. Vì vậy, một trong những vấn đề lớn, thậm chí rất lớn và rất cấp bách đặt ra là trong quá trình “lan tỏa” này, Việt Nam cần tiếp nhận loại sản phẩm nào, công nghệ nào từ Trung Quốc, theo lộ trình và giải pháp chiến lược nào để bảo đảm cho quá trình CNH, HĐH rút ngắn của chính Việt Nam diễn ra có kết quả, giúp đất nước thu hẹp nhanh khoảng cách tụt hậu so với thế giới.
Thâm hụt thương mại nặng nề kéo theo những mất cân bằng nghiêm trọng khác. Năm 2006, Mỹ bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc hơn 232,5 tỷ USD. Hệ quả tiếp theo là Trung Quốc đang nắm giữ mấy trăm tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nghĩa là Trung Quốc đang không chỉ tài trợ cho nước Mỹ tiêu dùng mà còn tài trợ cho cả Chính phủ Mỹ hoạt động. Bù lại, người tiêu dùng Mỹ được mua hàng giá rẻ, nhờ đó, tăng được tiết kiệm để đầu tư, trong đó, có đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng bằng cách đó, Trung Quốc đã “lấy đi” nhiều triệu việc làm của người dân Mỹ. Tình hình cũng có nhiều nét tương tự đối với các nước phương Tây khác. Hình thành sự tùy thuộc lẫn nhau chặt chẽ, làm cho cuộc tranh chấp kinh tế giữa các nền kinh tế phát triển với Trung Quốc trở nên khó có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng. Đây là một nét đặc sắc mới định dạng nền kinh tế thế giới hiện đại.

Trần Đình Thiên

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)