Thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe thời hậu Đại dịch
Việc hiểu về những thay đổi trong nhiều khía cạnh của đời sống xã hội cũng như hành vi chăm sóc cá nhân, ngay ở thời điểm hậu đại dịch, sẽ cho chúng ta cơ hội chuẩn bị ứng phó tốt hơn cho những đại dịch tương lai.
Trong bối cảnh khủng hoảng y tế của đại dịch, chúng ta có thể thấy nó tác động đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và hành vi cá nhân đối với việc chi tiêu y tế, bởi lẽ sự lan rộng nhanh chóng của đại dịch khiến các chính phủ và các cơ sở y tế phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong việc quản lý số ca tăng đột biến và đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi tiêu mua sắm cho y tế của người dân. Trong khi đó, người dân cũng buộc phải đối mặt với việc đưa ra quyết định về việc sử dụng và chi tiêu y tế của mình.
Do vậy, việc hiểu được hành vi chi tiêu y tế của công dân trong suốt đại dịch Covid-19 có vai trò rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà cung cấp dịch vụ y tế. Nó sẽ giúp làm sáng tỏ cách từng cá nhân phản ứng với các tình huống đặc biệt do đại dịch gây ra và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, qua đó gợi ý các biện pháp can thiệp về mặt chính sách, phân bổ nguồn lực và phát triển các chiến lược nhằm ứng phó hiệu quả hơn với những kịch bản khủng hoảng tương tự sau này.
Đó là lý do để nhóm nghiên cứu chúng tôi đã cùng nhau trở lại với bối cảnh đại dịch để cùng xem liệu đại dịch có làm thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe của các cá nhân hay không và nếu có thì như thế nào?
Khác biệt về nhận thức rủi ro
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào hai giai đoạn, hai đợt bùng phát dịch COVID vào tháng 4/2020 (đợt 1) và tháng 8/2020 (đợt 2) và khảo sát ở hai thời điểm tương ứng với mỗi đợt dịch với 1.037 người tham gia phỏng vấn. Kết quả khảo sát cho thấy, ở đợt dịch đầu tiên, đã có sự thay đổi với mức độ từ lớn đến rất lớn trong hành vi chi tiêu cho y tế của 46,6% người tham gia. Tuy nhiên đến đợt dịch thứ hai, hơn 90% trong số này họ không thay đổi hoặc thay đổi rất nhỏ trong việc chi tiêu cho y tế của mình, hay nói cách khác, không thay đổi đáng kể hành vi chi tiêu cho y tế của phần lớn người tham gia trong đợt dịch hai.
Điều này cho thấy, mặc dù hành vi chi tiêu y tế của người dân trong cả hai đợt bùng phát dịch đều có sự thay đổi, tuy nhiên mức độ có khác nhau giữa hai đợt dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi tìm thấy có sự khác biệt lớn về mức độ nhận thức rủi ro (perceived risk) được tìm thấy trong hai đợt dịch. Cụ thể, hơn 70% người tham gia cho rằng đợt bùng phát dịch thứ hai nguy hiểm hơn đợt thứ nhất trong khi 23% số người cho rằng mức độ nguy hiểm của cả hai đợt tương đương nhau.
Để hiểu thêm một cách cặn kẽ về sự thay đổi hành vi, chúng tôi đã xem xét thêm một số yếu tố về nhân khẩu học như độ tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, giới tính và coi đó là các biến kiểm soát trong các khung tâm lý Health belief model (HBM) – giải thích và dự đoán hành vi liên quan đến sức khỏe của cá nhân bởi theo HBM, cá nhân có xu hướng thực hiện những hành vi tăng cường sức khỏe nếu cảm thấy mình dễ mắc một vấn đề sức khỏe, tin rằng vấn đề đó nghiêm trọng, nhận thức được hành động sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời nhận được những kích thích bên ngoài hỗ trợ cho hành động; The heuristic-systematic model of information processing (HSM) – mô hình lý thuyết giải thích quy trình một cá nhân xử lý thông tin và đưa ra quyết định bởi theo mô hình HSM, cá nhân thường dựa vào heuristic processing khi thiếu động lực, thông tin hoặc kiến thức liên quan về một vấn đề cụ thể và có khả năng xảy ra hơn khi cá nhân có động lực, đủ thông tin và có nhiều kiến thức liên quan; Perceived Risk Theory (còn được gọi là Risk Perception Attitude – RPA) – lý thuyết tâm lý nhằm giải thích cách cá nhân nhận thức và phản ứng với các rủi ro trong các lĩnh vực khác nhau và ngoài các yếu tố nhận thức, các yếu tố cảm xúc như cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức về rủi ro.
Khi soi chiếu qua các khung tâm lý, có thể thấy sự thay đổi hành vi chi tiêu y tế của người dân qua hai đợt bùng phát dịch đều do các yếu tố khác nhau chi phối. Kết quả thật đáng thú vị các khung lý thuyết trên lại có thể giúp chúng ta thấy rõ phần nào những gì chi phối hành vi của con người và xu hướng của chúng.
Ở đợt dịch đầu, các yếu tố tác động đến hành vi chi tiêu y tế gồm lối sống lành mạnh, vệ sinh nơi ở và các vật dụng, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, tìm kiếm các dịch vụ về sức khỏe, phòng tránh rủi ro, nhận thức về rủi ro dịch bệnh, mua sắm bốc đồng. Kết quả cho thấy, việc mua sắm hoảng loạn – panic buying là tác nhân có ý nghĩa dẫn đến sự thay đổi lớn trong hành vi chi tiêu y tế. Kết hợp với lý thuyết HSM, nhận thức về rủi ro trong giai đoạn đầu của đại dịch chủ yếu được xử lý bằng chế độ nhận thức Heuristic. Sự hạn chế về thông tin và kiến thức liên quan, các cá nhân trong giai đoạn này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân và nguồn thông tin hạn hẹp để xử lý vấn đề dẫn đến ra quyết định thiếu chính xác. Do vậy, sự thay đổi lớn trong chi tiêu y tế của người dân trong giai đoạn đầu đại dịch chủ yếu bởi tâm lý “bầy đàn”, theo đám đông và mang tính bốc đồng. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy ở đợt đầu, hành vi tìm kiếm sức khỏe tác động trực tiếp đến hành vi chi tiêu chứ không tác động thông qua nhận thức về rủi ro của các cá nhân.
Ở đợt dịch thứ hai, chúng tôi đưa thêm một yếu tố là nhận thức về rủi ro của cả hai đợt dịch (giống hay khác nhau) để xem xét mức độ chi tiêu y tế giữa nhóm cho rằng mức độ nguy hiểm của hai đợt dịch khác nhau với nhóm cho rằng tương đương nhau. Kết quả cho thấy đúng là hành vi chi tiêu y tế ở đợt dịch thứ hai bị tác động phần lớn bởi nhận thức về rủi ro. Việc mua sắm bốc đồng, không ý thức không tác động nhiều nữa. Điều này phù hợp với lý thuyết HSM: khi các cá nhân có đầy đủ thông tin, đủ thời gian và sở hữu nhiều kiến thức về đại dịch, họ có xu hướng phân tích một cách đầy đủ và có cân nhắc trong việc đưa ra quyết định hay việc chi tiêu cho y tế đã được nhận thức một cách kỹ lưỡng và cẩn thận hơn, không còn chạy theo tâm lý đám đông, không còn mua sắm bốc đồng. Do đó, hành vi chi tiêu thận trọng và hợp lý hơn, dẫn đến sự thay đổi không đáng kể trong chi tiêu y tế của các cá nhân. Ở giai đoạn này, nhận thức về rủi ro đóng vai trò là chất xúc tác giữa hành vi tìm kiếm sức khỏe và hành vi chi tiêu cho sức khỏe. Những người có lối sống lành mạnh, có xu hướng tìm kiếm sức khỏe cao không đánh giá thái quá về rủi ro của đại dịch, từ đó không chi tiêu quá nhiều vào y tế.
Thêm vào đó, cả hai mô hình đều cho thấy có mối quan hệ giữa nhận thức rủi ro và việc mua sắm hoảng loạn, nghĩa là càng thấy rủi ro đại dịch cao thì càng thúc đẩy việc mua sắm hoảng loạn.
Bên cạnh đó, khi xem xét các yếu tố nhân khẩu học (giới tính, thu nhập, trình độ học vấn và độ tuổi) thì ở mô hình một (đợt dịch 1), yếu tố thu nhập ảnh hưởng đến chi tiêu y tế thì ở mô hình hai (đợt dịch 2), yếu tố trình độ học vấn ảnh hưởng đến chi tiêu y tế của người dân. Điều này trùng khít với kết quả chúng tôi tìm ra ở đợt dịch thứ hai: nhận thức của cá nhân có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi chi tiêu y tế.
Nếu nhìn theo lý thuyết RPA, hiện tượng nhiều người dân đổ xô đi mua và tích trữ thuốc, dược phẩm không đáng tin cậy hoặc mua các sản phẩm phòng chống Covid (thẻ từ…) thì con người có xu hướng không lý trí khi ra quyết định, tâm lý sợ tổn thất/ mất mát (yếu tố cảm xúc), có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề (perceived severity) khiến họ đưa ra những quyết định thái quá cho các sự kiện có xác suất xảy ra thấp (perceived probability). Ví dụ, không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm chức năng có thể giúp con người có sức khỏe dẻo dai để chống lại đại dịch và chi tiêu nhiều cho hàng hóa y tế có thể giúp chúng ta tránh được đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xu hướng sợ mất mát và nhận thức rủi ro có thể thúc đẩy các cá nhân thực hiện các hành vi phòng ngừa, bao gồm tăng chi tiêu y tế để đối phó với khủng hoảng sức khỏe.
Việc soi chiếu hành vi chi tiêu cho y tế vào các khung lý thuyết hành vi cho chúng ta thấy, việc mua sắm hoảng loạn trong giai đoạn đầu là một trạng thái tạm thời và tác động của nó sẽ biến mất sau một khoảng thời gian đủ để con người thu thập và xử lý thông tin một cách đúng đắn, từ đó hình thành được nhận thức đúng đắn về mức độ rủi ro của dịch bệnh. Tuy nhiên, do hành vi mua sắm hoảng loạn có thể gây ra sự thiếu hụt tạm thời trong chuỗi cung ứng trong thời gian đầu nên chính quyền các cấp và các tổ chức ngành y cần chú trọng vào cung cấp và phổ biến thông tin chính xác, đầy đủ và cụ thể về đại dịch, không chỉ giúp loại trừ tin giả mà còn giúp loại bỏ nỗi sợ hãi và lo lắng phi lý của người dân trong đại dịch.□
Trần Nguyễn Trâm Anh- Phan Thị Nhã Trúc – Ngô Minh Vũ – Nguyễn Hữu Huân
——-
Trần Nguyễn Trâm Anh: Khoa Tài chính- Ngân hàng trường Đại học Văn Lang
Nguyễn Hữu Huân: Trường Đại học Kinh tế TPHCM