Thay đổi tư duy về đổi mới sáng tạo

GS. Goran Roos, một trong 13 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới thế kỷ 21 do tạp chí khoa học về kinh doanh của Tây Ban Nha Direccion y Progreso bầu chọn đã có buổi nói chuyện tại Bộ KH&CN vào ngày 22/8 vừa qua. Những quan điểm của ông về đổi mới sáng tạo có nhiều điểm khác biệt so với cách làm của Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng Việt Nam ngày nay không làm chủ vận mệnh của mình và nếu không thay đổi, điều đó sẽ là “thảm họa” trong cuộc “càn quét” của công nghệ tương lai.

Công nghệ đang và sẽ tạo ra ba cuộc chuyển đổi quan trọng về kinh tế – xã hội trên thế giới: công nghệ thay đổi cách thức sản xuất (routine-biased), công nghệ thay đổi kĩ năng lao động (skill biased) và công nghệ thay đổi quan niệm đầu tư (capital biased). Xu hướng thứ nhất, không khó để hình dung, đó là tất cả những nhiệm vụ có tính lặp đi lặp lại đều sẽ bị thay thế bởi sự tự động hóa. Điều đó có nghĩa là, mỗi công việc sẽ ngày càng có ít nhiệm vụ cần con người phải tham gia. Xu hướng thứ hai, tất cả những kĩ năng chỉ cần kiến thức (hiểu nôm na là “biết là có thể làm được”) sẽ biến mất bởi kiến thức đã trở nên ngày càng dễ tiếp cận đối với mọi người, ở mọi nơi. Khi đó, những công việc còn “trụ lại” đều cần một trong ba kĩ năng: kĩ năng chuyên môn, kĩ năng giao tiếp và kĩ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Trong số lực lượng lao động hiện nay, chỉ những công việc đòi hỏi kĩ năng thấp (chẳng hạn như bảo trì máy móc, thiết bị, y tá, điều dưỡng) hoặc kĩ năng rất cao là còn trụ lại. Vì vậy, những người có kĩ năng trung bình, làm công việc hành chính trong các công ty, tổ chức hiện nay sẽ bị mất việc. Hai xu hướng này chính là nguyên nhân dẫn đến xu hướng thứ ba về đầu tư, có thể khái quát lại như sau: “đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin có lãi hơn đầu tư cho con người”. Một công ty sẽ chỉ đầu tư cho rất ít nhân viên cơ hữu, một số ít chuyên gia trả theo dự án, còn lại là thuê ngoài thông qua một nền tảng giống như Uber. Với cách này, họ sẽ lựa chọn những “gói thầu” rẻ nhất, thậm chí là tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Theo GS. Roos, 25% dân số thế giới sẽ làm việc thông qua các nền tảng này, những người này sẽ làm 220 ngày trong một năm, với mức lương là 2800 USD: “số tiền này chỉ đủ mua được vài cốc cà phê mỗi ngày ở Thụy Sỹ nhưng lại là khoản thu nhập tuyệt vời ở Bangladesh”.

Ba xu hướng này khiến các chính phủ phải lập kế hoạch tìm chỗ đứng cho các công dân của mình trong tương lai, đồng thời cảnh báo họ về “cơn bão” sắp đến.

Việt Nam không làm chủ vận mệnh của mình 

Định kì, trong nội bộ công ty đồ gỗ lắp ghép nổi tiếng thế giới IKEA lại diễn ra một cuộc thảo luận nhằm tìm ra một nơi mà giá nhân công thật rẻ để bù đắp các chi phí vận chuyển hàng đi khắp thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang là “công xưởng” sản xuất phần lớn sản phẩm của hãng nội thất này. Chẳng có gì đảm bảo rằng ngày mai, IKEA sẽ không rời khỏi Việt Nam để đến một nước khác, cũng giống như công ty này đã từng rời Trung Quốc cách đây hơn một thập kỉ vì giá nhân công ở nước này tăng lên.

IKEA không phải là câu chuyện duy nhất. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày da, thủy sản, đồ điện tử… cho đến nay hầu như vẫn chỉ làm gia công cho các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài. Ngoài lao động giá rẻ, Việt Nam không đóng góp gì đáng kể vào giá trị gia tăng của chúng.

“Việt Nam không phải là người làm chủ vận mệnh của mình. Các bạn là người bị áp đặt giá cả (price taker) chứ không phải là người định đoạt giá cả (price maker)” – GS. Goran Roos nói. Là một trong những người sáng lập lĩnh vực vốn trí tuệ hiện đại (modern intelligent capital) và chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ông đặc biệt chú ý đến chỉ số phức tạp của nền kinh tế (economic complexity index) của một quốc gia. Chỉ số này càng cao khi quốc gia đó sản xuất và xuất khẩu được càng nhiều những sản phẩm tinh vi, độc đáo mà ít nước khác làm được. Điều này có thể được phác họa bằng quá trình sản xuất tàu lặn loại thường (conventional submarines) với 315.000 linh kiện và 1.600 nhà cung cấp trong một hệ thống khép kín. Sản phẩm này chỉ có thể được tạo ra bởi một nền kinh tế liên ngành với một khối lượng tri thức khổng lồ.

Các sản phẩm xuất khẩu cũng thể hiện tri thức của một nước. Càng sản xuất được những sản phẩm tinh vi, phức tạp trong ngày hôm nay thì quốc gia này càng có cơ hội dẫn đầu trong tương lai. Nhưng những sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là hàng may mặc và thủy sản lại là những ngành có tính “biệt lập”, không có nhiều cơ hội liên kết với những ngành khác. Vì vậy, giải pháp để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, không gì khác là đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm có tính liên ngành cao.
 


10 quốc gia xếp hạng cao nhất về chỉ số phức tạp của nền kinh tế. Quan niệm cho rằng Singapore là một nước chỉ làm dịch vụ là không đúng. Nguồn: The atlas of economic complexity

Chúng ta đã tìm được giá trị lớn nhất của nguyên liệu này?  

Nhưng nhận định trên không đồng nghĩa với việc Việt Nam cần “rời bỏ” hai lĩnh vực vốn là lợi thế so sánh của mình là may mặc và thủy sản, mà có thể dùng chúng như “bàn đạp” để tăng sự phức tạp của nền kinh tế. ”Chúng ta phải luôn tự hỏi bằng cách nào để có thể thúc đẩy giá trị gia tăng của sản phẩm mà chúng ta sản xuất? Làm những gì chưa từng làm cho chúng ta cơ hội nhận ra khả năng của mình” – GS. Goran Roos nói. 

Ông đưa ra một số “góc nhìn” để vươn rộng tính liên ngành của các ngành nghề công nghệ thấp qua một ví dụ về lâm nghiệp. Góc nhìn thứ nhất, góc nhìn toàn cảnh: “Làm thế nào để có thể hạn chế tối đa việc thất thoát nguyên liệu trong quá trình sản xuất?” Gỗ thừa liệu có thể định hình lại để biến thành vật liệu xây dựng, bền, có khả năng chịu lửa, xây nhanh gấp nhiều lần nhưng lại rẻ hơn các vật liệu xây dựng khác ?. Góc nhìn thứ hai, góc nhìn hóa học: “Liệu có thể chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh?” Góc nhìn thứ ba, góc nhìn phân tử: “Có thể thay đổi cấu trúc phân tử của nguyên liệu đang có thành một sản phẩm mới” Một công ty Thụy Điển biến vanillin, một phụ phẩm trong quá trình sản xuất giấy của mình trở thành vanilla, một trong những thành phần phổ biến nhất trong ngành sản xuất bánh kẹo. Vanilla có giá trị gấp 8 lần vanillin và công ty này đã chiếm 40% thị phần vanilla trên thế giới. Góc nhìn thứ tư tương đương với góc nhìn thứ ba nhưng ở cấp độ nguyên tử. Chẳng hạn, sử dụng công nghệ nano để biến hỗn hợp cenlulose thành bông gòn cách âm hoặc một chất phụ gia để tạo ra món kem có calories bằng không. Các góc nhìn này có thể áp dụng với mọi lĩnh vực.

Đừng tập trung vào dịch vụ mà hãy tập trung vào sản xuất

Hai gợi ý phía trên của Goran Roos cho thấy các quốc gia nên tập trung vào ngành sản xuất thay vì dịch vụ. Từ trước đến nay, ngành dịch vụ được đề cao vì chiếm tỉ lệ lớn nhất trong nguồn nhân lực, nhưng đó là do năng suất của ngành này hầu như không đổi trong khi nhu cầu công việc liên quan đến dịch vụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay là lần đầu tiên trong lịch sử mà các ngành dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng của công nghệ tương đương với các ngành sản xuất. Trong tương lai gần, công việc của ngành dịch vụ mặc dù tăng lên nhưng số người lao động trong lĩnh vực này sẽ giảm mạnh. Điều này đã và đang xảy ra với ngân hàng, ngành dịch vụ lãi nhất trong tất cả các ngành. Phần lớn các ngân hàng sẽ biến mất trong tương lai vì không kịp đón nhận sự trỗi dậy của các công nghệ tài chính.

Ngành sản xuất luôn là ngành thúc đẩy năng suất lao động của một quốc gia và có ảnh hưởng rộng khắp trên cả một nền kinh tế. “Không có internet của vạn vật nếu không có vật” – Goran Roos nói. Ông không giới hạn “vật” là những sản phẩm vật lý mà có thể là sản phẩm số. Cứ mỗi công việc trong lĩnh vực sản xuất lại tạo ra 2-3 công việc khác trong ngành kinh tế. Lĩnh vực sản xuất càng phức tạp, tinh vi và đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu sắc, lại càng tạo ra nhiều công ăn việc làm trong xã hội, bao gồm cả ngành dịch vụ liên quan. Ở Thụy Điển, có 77% dịch vụ xuất khẩu gắn liền và không thể tồn tại nếu không có hoạt động sản xuất.

Trong tương lai, sản xuất và dịch vụ sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, diễn ra song song ở thế giới vật lý và thế giới số. Nhà máy sản xuất và sản phẩm đến tay người dùng có thể tồn tại ở dạng vật lý nhưng quá trình kiểm thử được diễn ra ở phần mềm mô phỏng, đến quá trình mua bán, quá trình giao tiếp, hướng dẫn khách hàng và bảo trì sản phẩm hoàn toàn được diễn ra tại các nền tảng internet và trên đám mây điện toán.

Nghiên cứu khoa học không đồng nghĩa với đổi mới sáng tạo

Australia là một nước có nền khoa học rất phát triển với các nghiên cứu có tính giá trị cao nhưng thu nhập chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp, mức độ phức tạp của nền kinh tế thấp hơn cả Việt Nam do ít đổi mới sáng tạo. Đó là ví dụ cho thấy, có nghiên cứu tốt không đảm bảo rằng sẽ có đổi mới sáng tạo, “thậm chí là hai hoạt động này không hề có mối quan hệ tương hỗ với nhau” – GS. Goran Roos nói.

Vai trò của các trường đại học trong đổi mới sáng tạo không quan trọng như nhiều người vẫn tưởng. Phần lớn các đổi mới sáng tạo đều thực hiện trong khối tư nhân và chỉ 5% trong số đó có liên quan trực tiếp đến nghiên cứu trong các trường đại học. Trên thế giới, ngoài Thụy Sĩ, trường đại học và khối tư nhân không thể hợp tác trực tiếp vì khó có tiếng nói chung  bởi doanh nghiệp cần giải pháp cho hiện tại trong khi các trường đại học thường chỉ có giải pháp cho tương lai rất xa.

Bên cạnh đó, kiến thức về công nghệ giữa doanh nghiệp và trường đại học có mức độ chênh lệch rất lớn mà cán cân nghiêng về phía khối tư nhân. GS.Goran Roos chia sẻ rằng một nhóm các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới tới gặp ông để xin cấp vốn cho một dự án sử dụng nước ở nhiệt độ và áp suất rất cao để tách một hợp chất quan trọng ra khỏi quế. Nhưng họ không hề biết rằng, để chịu được áp lực nước cực lớn này ở quy mô công nghiệp, họ cần máy móc sản xuất làm từ titanium – một trong những vật liệu đắt nhất hiện nay, khiến giá thành sản xuất vượt quá cả giá trị sản phẩm!

Bên cạnh điều kiện cần về các nghiên cứu có liên hệ tới nền kinh tế đất nước và những chính sách khuyến khích của chính phủ, để các nghiên cứu ở đại học chuyển thành đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp thì luôn cần một bên thứ ba làm cầu nối, đó là các viện nghiên cứu ứng dụng. Các viện nghiên cứu này sẽ hiểu những nghiên cứu nào là tiềm năng trong các trường đại học và “chuyển đổi” nó thành giải pháp nào là phù hợp với doanh nghiệp.

Ông cho rằng, ở quy mô của Bộ KH&CN ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải có số liệu cụ thể về tất cả các hoạt động nằm thuộc quản lý của bộ, đồng thời biết rõ ai, tổ chức nào là “người chơi chính” trong lĩnh vực của mình, nắm giữ đủ kiến thức và nguồn lực có thể thúc đẩy sự thay đổi trong lĩnh vực KH&CN. Từ đó mới có thể tạo ra những chính sách tốt. Nếu không thì sao? “Thì sẽ tạo ra những chính sách của niềm tin. [Tức là] cứ làm chính sách đi đã, rồi chúng ta hi vọng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Nhưng thực tế là chúng sẽ không xảy ra.”

Những chính sách bị hiểu sai

Có ba loại chính sách mà chính phủ sử dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia: chính sách cung cấp (Supply), chính sách thông tin (Information) và chính sách yêu cầu (Demand). Các quốc gia phần lớn đều tập trung vào các chính sách cung cấp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ví dụ tiêu biểu của chính sách cung cấp chính là các khoản tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, cấp vốn và ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp triển khai các đổi mới sáng tạo. Rất nhiều nơi không chấp nhận những nghiên cứu thất bại nhưng về mặt nguyên tắc, các chính sách cung cấp có đặc điểm chỉ là công cụ thúc đẩy các hoạt động chứ không phải là công cụ tạo ra kết quả. “Tôi cho anh tiền để anh làm nghiên cứu chứ không phải tôi cho anh tiền để anh trả cho tôi một kết quả nghiên cứu thành công. Đó là hai quan niệm rất khác biệt”.- GS. Goran Roos cho biết.

Tuy nhiên, các chính sách cung cấp hướng tới doanh nghiệp, đặc biệt là ưu đãi về thuế để họ thực hiện R&D theo GS.Goran Roos là chính sách không hiệu quả (thực ra chỉ có ích cho duy nhất lĩnh vực công nghệ sinh học khi doanh nghiệp cần nghiên cứu lâu dài để ra sản phẩm). Có một nghịch lý là các quốc gia có mức độ R&D càng cao trong doanh nghiệp thì ưu đãi thuế của họ càng gần về 0 và ngược lại. Chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo hữu hiệu nhất đối với khối tư nhân đó là loại chính sách yêu cầu mà cụ thể là chính sách mua sắm công (public procurement). Một trong những ví dụ “thành công vang dội nhất” của chính sách này là chương trình SBIR của Chính phủ Mỹ. Chương trình này có thể hiểu nôm na như sau, mỗi cơ quan nhà nước sẽ phải dành ra một phần nhỏ ngân sách của mình và đưa ra một vấn đề mà nếu giải quyết được sẽ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của họ. Đó phải là vấn đề thật độc đáo, chưa hề có lời giải trên thị trường. Tất cả các cá nhân hay doanh nghiệp đều có thể nộp đơn tham dự chương trình này và nếu trúng, họ sẽ phải giải trình với các cơ quan theo định kì về tiến độ của mình. Nếu giải pháp của họ thực sự giải quyết được vấn đề của cơ quan nhà nước yêu cầu, họ được quyền sử dụng chính các giải pháp đó để kinh doanh. Nếu thất bại, thì thôi. Chương trình này đã tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp hơn tất cả các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ cộng lại. Sau đó, phần lớn các nước châu Âu và Singapore đều học tập mô hình này của Mỹ.

Chính sách thông tin là chính sách bị bị nhiều chính phủ thờ ơ. Những công ty nhỏ thường không đủ nguồn lực để mua các nghiên cứu thị trường của các hãng lớn và chính phủ có thể thỏa thuận để mua lại và bán cho các doanh nghiệp với giá rẻ hơn rất nhiều. Điều này thực sự quan trọng vì nó giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học công nghệ có điều kiện nhìn những xu hướng trong 5-10 năm tới, yếu tố thúc đẩy thị trường, nhu cầu của người dân và như vậy, họ có những kế hoạch và quyết định chắc chắn hơn đối với công ty của mình.

Mấu chốt nằm ở đối thoại

Điều gì khiến một doanh nghiệp sợ hãi nhất? Đó chính là sự khó đoán của chính sách. Giá sản xuất cao cũng không khiến họ sợ bằng một chính phủ điều chỉnh chính sách liên tục. Mấu chốt của một chính sách tốt và bền vững, theo GS. Goran Roos, xuất phát từ việc đối thoại cởi mở giữa người làm chính sách và các đối tượng liên quan. “Hãy lắng nghe họ. Vì họ quan trọng!” – Ông nhấn mạnh điều này nhiều lần.

Thủ tướng Singapore từng tổ chức cuộc gặp với 1500 thành viên quan trọng đối với nền kinh tế từ các viện, trường đến doanh nghiệp (và chỉ có 10 người vắng mặt) để trao đổi về chính sách đổi mới sáng tạo. Có thể, những cuộc gặp gỡ quy mô lớn như vậy sẽ hạn chế việc chia sẻ của từng cá nhân, nhưng quan trọng là, chính phủ nhận diện được, ai, tổ chức nào là nhân tố chìa khóa quyết định đến đổi mới sáng tạo của từng quốc gia.

Ông cho rằng, ở quy mô của Bộ KH&CN ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải có số liệu cụ thể về tất cả các hoạt động nằm thuộc quản lý của bộ, đồng thời biết rõ ai, tổ chức nào là “người chơi chính” trong lĩnh vực của mình, nắm giữ đủ kiến thức và nguồn lực có thể thúc đẩy sự thay đổi trong lĩnh vực KH&CN. Từ đó mới có thể tạo ra những chính sách tốt.

Nếu không thì sao? “Thì sẽ tạo ra những chính sách của niềm tin. [Tức là] cứ làm chính sách đi đã, rồi chúng ta hi vọng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Nhưng thực tế là chúng sẽ không xảy ra.”

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)